Năm hết Tết đến, điều mong mỏi nhất của những đứa con xa quê như chúng tôi là được về bên gia đình, quây quần bên bố mẹ, anh chị em, vui Xuân đón Tết an lành. Thế nhưng mỗi lần trở về quê là một lần vất vả, nhất là những sinh viên mới ra trường, đồng lương còm cõi.
Tôi nhớ như in cái Tết năm tôi vừa ra trường. Hồi đó, bố mẹ gom góp tiền mua cho tôi được một chiếc xe honda đi làm. Thành phố đông đúc, chật hẹp, công việc ban đầu của một đứa mới ra trường cứ bấp bênh mãi. Ngày đi làm ăn mì gói, tối về cũng chỉ có mì gói. Tôi ao ước có chút tiền để gửi về quê cho bố mẹ trả nợ nhưng xoay vòng vòng hết tiền trọ, tiền điện nước rồi ăn uống và những chi phí lặt vặt mà cần thiết khác. Có khi chưa hết tháng, tôi đã phải vay tiền bạn để trang trải cho đủ. Tết năm đó, mặc dù từ thành phố về quê ăn Tết chỉ 300km nhưng tôi không có đủ tiền để mua vé tàu. Đến lúc nhận tiền Tết thì vé đã hết sạch, không còn nữa. Vậy là tôi quyết định đi xe honda về quê.
Trong cái lạnh căm căm của miền Bắc khi đó, tôi cẩn thận mặc năm sáu lớp áo vào người. Đi tất tay, tất chân, giày mang bịt kín hết từ đầu đến chân. Hành trang tôi mang về chỉ có mấy bộ quần áo trong vali nhỏ và một ít tiền dằn túi, đi đường đổ xăng và dành dụm biếu bố mẹ tiêu Tết.
Lúc đầu đi, tôi cảm thấy phấn chấn, háo hức làm sao vì tôi sắp được đoàn tụ gia đình, quây quần bên mâm cơm cuối năm. Được bố mẹ chào đón với bao nhung nhớ của một năm xa quê. Thế nhưng, khi chạy được cỡ năm mươi, sáu mươi cây số thì chân tay tôi bắt đầu tê cứng. Cái lạnh cứ thế thấm dần vào da vào thịt của tôi. Đã thế được nửa đường thì cơn mưa phùn ở đâu ập tới. Tôi cố gắng gượng chạy thêm được chục cây số nữa rồi tấp vào một quán bên đường xin ngồi nhờ một xíu cho ấm. Thấy con bé còm cõi, môi nhợt nhạt vì lạnh, cô chủ quán vội chạy vào nhà lấy củi, đốt lên cho tôi ngồi sưởi ấm. Rồi cô hỏi han ân cần, tại sao về Tết mà lại đi honda một mình, đi làm ở đâu, quê ở chỗ nào. Tôi ngồi co ro bên đống lửa, cảm nhận hơi ấm và rón rén kể cho cô nghe. Cô nhìn tôi đầy trìu mến, cô bảo:
– Con gái cô cũng đang học đại học năm thứ ba, nó mới về hôm qua. Kể ra sinh viên sướng hơn tụi cháu nhiều nhỉ, có ra trường bươn chải rồi mới thấm cuộc sống mưu sinh là như thế nào.
- Xem thêm: Chở phố về quê
Trò chuyện một lúc, cô vào nhà lấy cho tôi một ít bánh, dúi vào tay tôi bắt tôi cầm về biếu bố mẹ. Tôi cảm động nói không nên lời. Chia tay cô, tôi lại tiếp tục cuộc hành trình. Mặc dù sức đã đuối, tay lạnh, chân run nhưng nghĩ về gia đình tôi lại cứ ráng sức chạy tiếp. Trước mắt tôi, khung cảnh quây quần có anh chị, có bố mẹ đang cùng nhau nấu bánh chưng, cắt cây đào, lau dọn bàn thờ… khiến tôi có động lực hơn. Rồi tôi đi qua được mấy trạm kiểm soát. Đi đến thành phố Thanh Hóa thì trời cũng xâm xẩm tối. Suốt hành trình đó, tôi có dừng chân nghỉ lại vài ba chặng đường nữa, đó là những lúc ghé trạm đổ xăng và đứng nép ven đường cho ấm người rồi lại đi tiếp. Không hiểu sao đến trạm kiểm soát thành phố Thanh Hóa, tôi lại rồ ga vượt đèn đỏ vì thấy không có người. Ai dè tôi bị anh cảnh sát tuýt còi bắt vào chốt. Mệt, đói, lả và bị hỏi tới hỏi lui, tôi đứng ở chốt khóc như mưa kể lể sự tình. Anh cảnh sát nghiêm túc:
– Dù sao đi nữa thì em cũng không nên vượt đèn đỏ, nhỡ có ai chạy nhanh tạt qua, có phải em là người bị tai nạn và bố mẹ em ở nhà càng xót không?
Tôi cúi đầu dạ lí nhí. Cũng may, anh chỉ tra hỏi một lúc như thể cố tình cho tôi đứng lại lâu hơn, tay đỡ run, người đỡ lạnh, anh mới bảo tôi đi, và ân cần dặn dò nhớ đi cẩn thận, đường về nhà không còn bao xa nữa đâu.
Tôi cảm ơn anh rối rít rồi lại lên xe đi tiếp. Khi hai bên đường ánh đèn đã sáng, những ngôi nhà ấm cúng đã có bóng người quây quần bên nhau. Trên đường đi cũng ít phương tiện hơn. Một mình tôi chạy băng băng trên con đường lớn. Lúc này đây, cơn tủi thân lại ập đến, tôi khóc như mưa. Khóc vì nhớ nhà và khóc vì đến giờ này rồi tôi vẫn chưa bước chân về đến nhà.
Có lẽ may mắn với tôi hôm đó là chiếc xe không bị vấn đề gì. Tôi quẹo vào cổng nhà vừa lúc đồng hồ điểm 8 giờ tối. Bố mẹ đang ngồi làm bánh, anh chị lụi cụi lau nhà. Cả nhà ào ra, mẹ rối rít:
– Út về rồi, về thật rồi!
Bố đang ngồi gói bánh đứng bật dậy ôm chầm lấy tôi. Điều mà xưa nay bố chẳng bao giờ làm đối với anh em chúng tôi. Anh cả xuýt xoa:
– Sao em không nghe điện thoại, cả nhà gọi cháy máy rồi kìa.
Lúc này, tôi mới ngớ ra, điện thoại tôi bỏ trong cốp xe. Mẹ với chị nước mắt rưng rưng. Bố bảo:
– Đợi con xót cả ruột, bố với anh đang định lấy xe đi tìm đấy!
Tôi cúi đầu lặng lẽ. Lúc đó, tay chân tôi không còn trụ vững nữa nhưng lòng tôi niềm hân hoan trào dâng. Tôi biết khó khăn nào rồi tôi cũng sẽ vượt qua để được đoàn tụ bên gia đình. Ngày cuối năm, gió đông thổi hun hút, cái lạnh tê tái, nhưng được ở bên gia đình thì không còn điều gì tuyệt vời hơn nữa.
Tôi không nói ra, nhưng có lẽ cả gia đình đều biết con bé ngốc nghếch đã liều mình đi xe honda về quê. Bởi thế Tết năm đó, tôi được ưu tiên số một. Và tất nhiên khi trở lại thành phố đi làm bố mẹ đã cẩn thận đặt vé xe trước cho tôi. Dặn dò tôi nhớ giữ gìn sức khỏe và đừng bao giờ “liều” như vậy nữa.
- Xem thêm: Gió qua thềm