Tháng Chạp gọi những cơn gió xuân hây hẩy trở về, mang theo bao ước vọng của một mùa đầu năm mới, của cái Tết cổ truyền đang cận kề. Những người con xa quê hương chưa bao giờ như ngay lúc này lòng cứ chộn rộn, xao xuyến, bồi hồi một cảm xúc khó tả. Lòng lúc nào cũng hướng về Tết.
Dẫu có trăm ngàn nỗi âu lo nặng trĩu với cơm áo gạo tiền, ở xứ người lạnh lẽo nhưng khi nhắc tới Tết, tới quê hương lòng ta lại an yên một cách đến lạ. Quê nhà hiện lên thân thương với con đường làng đất đỏ, hai bên hoa xuyến chi nở trắng xóa, đàn chèo bẻo đậu trên cây bạch đàn kêu tao tác mỗi sớm mai. Còn lũy tre làng bao nhiêu năm vẫn hiên ngang réo rắt những khúc nhạc tình ca, chực chờ những người con đi xa trở về mà vẫy gọi. Đời người lớn lên trưởng thành mới thấm làm sao câu nói “chỉ khi đi xa mới hay chẳng nơi đâu bằng quê hương của mình”. Quê hương dẫu có nghèo đói đến đâu thì vẫn là dòng suối mát, là dòng sữa mẹ ngọt ngào yêu thương, che chở và bao dung.
Về với Tết, về trên chuyến tàu muộn chiều Ba mươi, gặp muôn vàn gương mặt xa lạ nhưng sao ta lại thấy thân quen tự thuở nào. Là chú thợ xây, trên người còn đang khoác chiếc áo lao động mùi vôi vữa hăng nồng. Là cô lao công gương mặt lấm tấm những giọt mồ hôi, tay xách nách mang, lỉnh kỉnh đồ đạc, bánh kẹo, hoa trái. Cô mỉm cười thật tươi, nói quà của người ở phố tặng về cho mấy đứa nhỏ như phân bua sự phiền hà mình gây ra cho mọi người. Nhưng ai nỡ lòng trách móc vì chỉ một vài món quà người ta tặng trong dịp Tết. Tất cả nụ cười đều hóa thành yêu thương. Trên khuôn mặt của họ lấp lánh niềm vui, như bông hoa xuân chạm phải tia nắng sớm mai mà rung rinh bung nở hết cỡ cho đời. Bởi trong thâm tâm mọi người bây giờ chỉ một lòng hướng tới Tết quê nhà.
- Xem thêm: Nguyên nhân của tết nhạt
Về với Tết là về với những gì thân thuộc bao năm ta lớn lên từ thuở bé thơ cho đến khi trưởng thành xách vali rời quê lên tàu. Xuân quê nhà đang đón ta bằng tiếng chim hót chào bình minh réo rắt, tiếng chó sủa inh làng inh xóm, tiếng gà trưa tao tác nao nao… Về với Tết để được sống lại khoảnh khắc không khí Tết quê xưa ta quây quần, dẫu giàu hay nghèo nhưng hạnh phúc đầm ấm vô cùng. Về với Tết, về với phiên chợ quê mẹ dắt ta đi giữa không biết bao nhiêu người xa lạ. Ôi nhớ làm sao, chiếc bóng bay tai thỏ màu đỏ là món quà Tết tuổi thơ của ta luôn háo hức. Bát bánh đúc nóng hổi hổi cuối chợ làm lòng ta rạo rực, thèm thuồng. Những con tò he xanh xanh đỏ đỏ – món quà Tết tuổi thơ mà bất kể đứa trẻ nào cũng thích.
Về với Tết để được cha sai lặt vặt, cắt lá dong, chẻ dăm ba chiếc lạt để gói bánh, gói giò. Sơn lại ngôi nhà bằng những chổi vôi trắng xóa. Mấy chị em phân công nhau dọn dẹp nhà cửa, dọn cỏ dại trước ngõ, vun lá khô đốt sạch ở vườn và trồng thêm một vài chậu hoa xinh xắn. Sau cùng là quây quần bên nồi bánh chưng chơi bài tá lả, cãi nhau ỏm tỏi, nô đùa trong tiếng lửa bập bùng reo tí tách. Nồi nước tắm của mẹ cũng đã sẵn sàng rồi. Hương thơm từ lá mùi già lẫn quất, len lỏi vào tận khứu giác. Dịu dàng và rất đỗi khó quên. Nồi nước lá yêu thương bấy nhiêu năm mẹ nấu là bấy nhiêu ước vọng mẹ gửi gắm trong năm mới mong đàn con của mình được bình an, khỏe mạnh…
Về với Tết để nhắc nhớ những người con đi xa, sống nhanh sống gấp rằng guồng quay thời gian là bất tận, ngày qua ngày, tháng qua tháng, không có điểm dừng. Để hiểu và thương hơn dấu thời gian khắc nghiệt trên đôi mắt hằn sâu vết chân chim, lên mái tóc xanh lấm tấm đốm hoa tiêu như mây, như khói của mẹ cha. Nhắc nhớ dòng thời gian vụt qua, ngẫm lại điều gì đã khiến mình hạnh phúc chưa vẹn tròn? Và khắc phục cố gắng cho mai sau. Nhưng xin được bỏ lại sau lưng, về với Tết đón chào một năm mới vui tươi, ước vọng thêm một mùa xuân xanh ngời…
Ngoài kia, hoa đào, hoa mai đang rung rinh với nắng xuân ngập tràn. Một năm mới nữa sắp sửa đến rồi. Tết rồi, ta về nhà thôi.
- Xem thêm: Mẹ và ngày Tết