Nếu mặc nhiên coi các đô thị ở đồng bằng là “đầu tàu của nền kinh tế” thì miền núi cũng cần những “đầu tàu” để có thêm cơ hội cho người miền núi không phải “ly sơn” vì mưu sinh.
Trên con đường thiên lý Nam ra Bắc, nhiều người đồng bằng đã gặp Vàng Mí Sí, Vần Quán Mao, gia đình anh Giàng Đỗ Chai… người Mông bên những họ Sình, Mùng, Bàn, Chúc, Lò, Bạc người Lô Lô, người Dao, người Thái, cả Nùng, Tày… trong cuộc trở về quê hương ở núi rừng Đông Bắc, Tây Bắc, chợt nhận ra con đường mưu sinh của những người anh em mình xa xôi gian truân đến vậy ư!
Viết về nỗi thống khổ của hàng triệu người rút khỏi các vùng đô thị công nghiệp chạy dịch, có lẽ phải là các bộ tiểu thuyết lớn chứa bao thân phận cần lao đau thương trong đó. Nhưng dường như cũng cần một suy nghĩ rằng, nếu kiến tạo được những đô thị vùng núi, thì những người dân tộc thiểu số ấy có thể định cư an lành tại quê hương , được sống trong không gian văn hóa của họ.
Kẻ yếu thế
Như nhiều” người đồng bằng” không có sẵn tình yêu với rừng núi, tôi cũng vậy, nhưng bị dẫn dụ bởi sự bí ẩn cùng nỗi sợ hãi.
Năm 15 tuổi tôi lên bản Khoòng Thống (Lộc Bình, Lạng Sơn ) ở nhà người Nùng Cháo (dân ở đây ăn ngày hai bữa cháo chua). Ở gần hai tháng, hàng ngày giúp múi (chị) Nảy làm ruộng, trồng dứa (thơm) mà hầu như múi không cất lời, hỏi gì cũng chỉ ừ. Múi Nảy nhỏ nhắn trong bộ đồ rộng mầu chàm thẫm tím than che kín thân, khăn đội đầu cùng màu tôn khuôn mắt trắng ngà bất động.
Chỉ lần thấy tôi bắt gặp múi đang soi chiếc gương tròn nhỏ trong lòng bàn tay nhổ lông mày, khiến nó mảnh như đường chỉ mờ, múi giấu vội gương vào túi áo, đôi má thoáng ửng hồng mầu trái đào núi Mẫu Sơn. Tới ngày múi dắt theo thằng con tiễn tôi ra bến xe ngựa đi thị xã để về xuôi, nắm tay tôi trao giỏ quà, đôi má múi Nảy, lại lần nữa ửng hồng.
Nhưng phải trải những năm tháng chiến tranh sống trên đại ngàn Trường Sơn tôi mới ngấm nỗi sợ của người đồng bằng yếu thế vô cùng trước rừng núi. Chưa cần nói bom đạn, nhiều người lính đã chết bởi sốt rét ác tính, lũ cuốn, rơi khe núi, thú dữ vồ, ăn phải nấm độc, đói, lạc đường… Họ phải tự học mọi kỹ năng sống để tồn tại qua mỗi mùa mưa, từ cầm máu bị vắt cắn, chọn chỗ mắc võng qua đêm tránh thú, tránh lũ, kiếm rau rịa, sam đá, cá suối, luồn rừng một mình… đến làm nhà, cốt rẫy, đốt rẫy, trỉa bắp…
Lính Nam Trung bộ ngoài thời gian theo chiến dịch đi mặt trận phía trước, một năm phải vài tháng về phía sau (rừng sâu) tự túc lương thực. Người đồng bằng không thể biết đất rừng nào có thể phát cây trồng bắp, ừ gần suối, nhưng có loại cây nào mọc báo đất ấy trồng được bắp?
Theo Ama Chiến (người Raglai, Khánh Sơn, Khánh Hòa) đi tìm đất mở rẫy mới cho đơn vị (khi rẫy cũ đã bạc mầu qua vài năm canh tác, việc luân canh chứ không du canh giúp tái tạo đất mà không phải phá rừng quảng canh). Anh dạy tôi đốn ngã những cây đường kính chừng 10 cm bằng dao rựa (quắm), sao cho chúng nằm xuống đất không bị vướng vào những cây khác, mình không bị cây đè. Việc kéo cả tháng nhưng vẫn còn một cây lớn chu vi 4-5 người ôm đứng giữa rẫy tán che khoảnh đất rộng, không thể trồng gì dưới bóng rợp ấy và đó cũng là chỗ bọn két (vẹt) đậu phá trái bắp sau này.
Như những người vùng cao trầm lặng, Ama Chiến chẳng nói sẽ làm gì với nó. Một sớm, địu con nhỏ trước ngực, xách rựa, vác rìu, ra tới rẫy anh dặn: “Hàng ngày đưa bắp nấu, nước uống”, rồi leo nhanh lên cây tha theo đứa con nhỏ. Cha con anh bắc sạp ăn nằm trên cây lớn gần nửa tháng để chặt hết cành, tay cây. Dưới đất tôi dọn rẫy, nấu ăn, hú gọi mỗi lần kéo hăng- gô bắp, bi -đông nước lên cho anh. Như ở xuôi nhìn cây thấy “ma mộc – thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây để”, người Tây Nguyên coi cây cổ thụ như “ thần” không dám đốn hạ, tôi nghĩ thế.
Mùa nắng như đổ lửa, khi các thân cây ngã ngổn ngang đã khô kiệt, sẽ lựa ngày chọn hướng gió đốt sao cho chúng cháy chậm, ngún đều, để lại trên mặt đất lớp tro xám quý giá. Những ngày chờ mưa xuống, đất nguội, anh dẫn tôi men theo những dòng suối mùa khô cạn nước, đi săn.
- Xem thêm: Đất không còn phúc lành
Năm 1999 tôi đi lên bản HuaTrai (đầu nguồn con sông Trai, xã Mường Trai, Sơn La). Cả xã gần 20.000 ha đất tự nhiên, chỉ có 25ha đất ruộng, nên bà con chủ yếu trồng lúa nương, ngô, sắn trên đất dốc. Nhưng cán bộ Kinh chỉ đạo cần mở rộng đất trồng lúa nước cho năng suất cao hơn bằng cách xếp đá cuội thành ô, bờ ven suối, đổ đất vào trồng lúa. Các hộ tham gia bẻ que đút ống tính ngày công. Nhưng nước trôi, thú rừng phá, vụ đó chỉ thu 250kg thóc mà phải chia cho những 2.500 công. Tất nhiên không thể chia mỗi công mấy lạng thóc, xã họp mãi quyết định xay xát, nấu cơm để mỗi hộ (ở tản mác nhiều bản) cử một người khỏe đến trụ sở ăn tập trung cho kỳ hết số lương thực ấy cho công bằng, rồi về. Làm nửa năm chỉ để ăn một bữa no hiếm có, chuyện như đùa.
Kể vài, trong vô vàn chuyện lặt vặt để nói chúng tôi có thể sống được trên dãy Trường Sơn qua chiến tranh là nhờ vào người bản địa, bằng tri thức của họ, hoặc bà con các dân tộc thiểu số định cư ở vùng núi Đông Bắc, Tây Bắc vốn có khả năng sinh kế tại chỗ (dù nghèo) trong môi trường thiên nhiên, xã hội thân thuộc của mình. Gọi to tát đó là “văn hóa/ văn minh bản địa” do tổ tiên họ tạo lập, về căn bản đã đảm bảo sự định cư bền vững, nếu môi trường cư trú ấy không bị kẻ khác đến tàn phá.
Vượt lên “tư duy đồng bằng”
Trải trên 15 vĩ độ, ¾ diện tích đất đai là đồi núi là nhận dạng lãnh thổ chúng ta học từ nhỏ về quốc gia “vừa là rừng vàng, vừa là biển bạc”. Nhưng từ xưa cho đến tận ngày nay “xa rừng, nhạt biển” vẫn ngự trong tâm thức ngót trăm triệu dân Việt phần lớn sống chen chúc ở đồng bằng, trong “Phố phường chật hẹp, người đông đúc” (Trần Tế Xương).
Chuyện này không riêng ở Việt Nam mà hầu hết các nước có núi. Tập tính sinh học muôn loài định cư ở chỗ có nhiều thức ăn, con người cũng thế, chọn sống nơi vùng đất bằng phẳng từ canh tác, giao thông, thiết lập thông tin đến dựng nhà, xây thành phố đều thuận lợi hơn, nên chỉ số đời sống của cư dân đồng bằng gia tăng nhanh hơn.
Cũng có nghĩa do cấu trúc không gian, hình thái đất đai và các yếu tố khác, khu vực miền núi luôn phải đối mặt với nhiều áp lực và khó khăn rất lớn, như những vấn đề xây dựng đô thị và phát triển kinh tế chẳng hạn. Khiến cư dân khu vực này (các dân tộc ít người) nghèo hơn, thường bị coi “lạc hậu, kém văn minh” hơn, và hậu quả lệ thuộc vào sự dẫn dắt bởi những người tư duy đồng bằng” (luôn cần mở đất canh tác, chặt rừng, không giữ rừng, không sống bằng rừng…). Mặc dầu chính họ mới là chủ nhân của rừng núi, mới sở hữu nguồn tri thức phong phú tích tụ từ lịch sử định cư của mình. Đó chính là nguồn lực con người đầu tiên có khả năng tham gia hoạch định, kiến tạo các mô hình đô thị vùng núi, nhưng tiếc thay, lại thường ở vị thế “chầu rìa”.
Tưởng cũng cần cùng nhau tạm hiểu khái niệm “một vùng núi” trước khi bàn đến đô thị núi. Cihai (từ điển Trung Quốc) định nghĩa là “một địa hình được nâng lên với các độ dốc khá lớn trên bề mặt trái đất và trải dài lên/ra các khu vực xung quanh. ” Hoặc: “một địa hình với độ cao hơn 500 mét so với mực nước biển và trên 200 mét trên các khu vực xung quanh của nó. Một núi là sự kết hợp địa hình của các đường đồng mức với nhiều loại độ cao ở một vĩ độ nhất định”. Hai cách giải thích này tạo thành các đặc điểm khác nhau của một dãy núi và không gian.
Nghe lôi thôi cũng chỉ cần hiểu địa hình đó không bằng phẳng, không thể làm đường cao tốc, xây building, xây phố, xây đô thị… theo “tư duy đồng bằng” với những quy chuẩn đô thị đồng bằng, chưa nói trải trên 15 độ nước ta có những vùng rừng núi rất khác nhau về khí hậu, địa hình (thung lũng, bình nguyên…), địa chất… nên không có chuyện làm “một mẫu mô hình đô thị núi” đem nhân rộng ra mọi núi.
Nói thế không có nghĩa các đô thị núi không có cơ sở chung, chung đầu tiên là núi, với ba cách ghép/trộn/chen đô thị (hiểu như thực thể nhân tạo) vào cảnh quan thiên nhiên, từ mấy quan điểm của các chuyên gia:
- Coi núi là khu bảo tồn thiên nhiên chứa các động lực sinh thái rất khác với sinh thái đô thị, do đó núi phải được bảo vệ nghiêm ngặt bằng một hệ thống pháp luật và các quy chuẩn thiết kế đô thị đặc biệt. Họ gọi núi là “khu dự trữ sinh học” cần giữ cho muôn đời con cháu.
- Đề cao giá trị thẩm mỹ của núi, quy hoạch, thiết kế đô thị sao cho con người luôn nhận biết được biểu tượng hoành tráng đó. Quan điểm này coi núi như “một biểu tượng”.
- Có thể gọi là “tiếp thị”, trong đó ngọn núi trở thành một tín hiệu, một điểm đánh dấu, sự phân biệt về không gian và chức năng (đặc biệt thông qua các hoạt động du lịch và giải trí) với mục đích đảm bảo sự hấp dẫn của vùng lãnh thổ. Nó, “ngọn núi như là điểm thu hút”.
Có thể thấy quan điểm đầu bao trùm, gồm cả nhận thức thức sinh giới, hai quan điểm sau phản ánh cái nhìn vật lý. Dầu vậy “Mỗi, trong số ba quan điểm trên đều cho rằng núi là một đối tượng độc lập, mà tính duy nhất của nó biện minh cho những phương pháp quy hoạch đô thị đặc biệt trong lãnh thổ có núi”. Tức là không thể có chuyện san gạt “đồng bằng hóa núi”.
Nhưng ở nước ta vi phạm này thường bắt đầu bằng việc giao thông hạ thấp độ dốc đường (dưới 10%, mất khối tiền) cho ô tô di chuyển ngay trong khu vực nội đô thị núi vốn diện tích rất nhỏ hẹp. Tiếp đó, bám theo hai bên đường, đất miền núi cũng bị san gạt phân lô bán nền cho hàng loạt dãy nhà liền kề khoét vào núi (mặt tiền chừng 3-5m) đua nhau chen chúc mọc lên. Phá rừng, san gạt, đào núi… làm thay đổi địa hình thoát nước tự nhiên hình thành từ hàng triệu năm mà không bị lũ quét, lũ ống xô đổ nhà cửa… mới lạ? Giao thông và xây dựng, kiến trúc hợp sức thần tốc tạo nên một loại cảnh quan “phố hàng núi” hệt như phố Nhổn (ở Hà Nội), Gò Vấp (TP.HCM) dù nơi đó là Sa Pa, Đà Lạt hay Điện Biên, Sơn La…
Không bàn thêm Sa Pa, Đà Lạt, Tam Đảo… mấy đô thị được người Pháp kiến tạo hoàn hảo, những gì người ta đã, đang làm hiện nay là chặt rừng, san núi lấy đất xây dựng, chất đủ loại công trình lên chúng, chuẩn bị cho một kết cục suy tàn đã báo trước.
Nên, nếu coi việc hình thành những đô thị núi mới/ trẻ như động lực phát triển kinh tế miền núi với những loại hình “đô thị du lịch núi, đô thị nghỉ dưỡng, đô thị lâm nghiệp, dược liệu… hoặc hỗn hợp các chức năng” thì, có lẽ vẫn còn cơ hội nếu vượt qua “tư duy đồng bằng” để sớm thiết lập các bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng cho loại hình đô thị núi, mà “Quy chế đô thị Sa Pa” là một mẫu mực cần học hỏi (xem thêm bài “Sa Pa: Thấy dự án, không thấy giang sơn”).
“Bồng bế nhau lên nó ở non”
“Núi là tháp nước của thế giới. Nhờ lượng mưa cao hơn và lượng bốc hơi thấp hơn, chúng cung cấp nhiều nước hơn trên một đơn vị diện tích so với các vùng đất thấp. Đóng góp từ 40% đến hơn 90% dòng chảy của sông trong các lưu vực – núi cung cấp nước ngọt cho một nửa dân số thế giới tưới tiêu, sản xuất lương thực, công nghiệp, sinh hoạt và thủy điện.”
Và cũng như các thành phố đồng bằng có sông chảy qua, sông, suối luôn tham dự vào bức tranh đô thị núi, là trục chính của lãnh thổ. Phổ biến với cảnh quan bên đôi bờ suối cư dân dựng nhà trên hai bên sườn núi theo từng lớp nhà có cao trình khác nhau, chung nguyên tắc lớp nhà phía trước (gần suối, sông) không chắn tầm nhìn lớp nhà phía sau. Cấu trúc đô thị này hạn chế tác động tới địa hình núi, cung cấp tầm nhìn cảnh quan thiên nhiên từ mọi vị trí. Cùng với khí hậu, cuộc sống người bản địa, chúng hợp thành ba giá trị đặc trưng của một đô thị núi.
Lệ Giang cổ trấn chẳng hạn (người Naxi, Vân Nam, Trung Quốc, di sản thế giới 1974) phố núi nổi tiếng nằm bên con sông Ngọc Hà là trục trung tâm nội đô có tới 354 cầu bắc qua các dòng suối (xử lý cấp và thoát nước tuyệt với) nhà cửa, mạng các ngõ, phố… lan dần lên theo địa hình dốc ở từng khu vực.
Nhưng ngược với cấu trúc đô thị phổ biến nơi có núi, nhiều thị trấn miền núi nước ta như: Vinh Quang (Hoàng Su Phì, Hà Giang), Cốc Pài (Xí Mần, Hà Giang) thượng nguồn sông Chảy, Tủa Chùa (Điện Biên) bên sông Đà, Mù Căng Chải (Yên Bái ) dọc sông Kim… đều không kết nối được với sông suối, sông suối không tham dự vào bức tranh đô thị, chúng không phải trục “sinh tồn, cảnh quan” mà ngược lại bị biến thành cống rãnh xú uế, điển hình là thị trấn Vinh Quang hệt cái nạn biến sông Tô lịch, Kim Ngưu ở Hà Nội hay kênh rạch ở Sài Gòn, chỉ là chỗ chứa chất thải.
Vì diện tích các đô thị núi thường nhỏ, để bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh hoạt êm đềm cho cư dân, du khách, các phương tiện giao thông lớn (xe ô tô, xe tải) bị cấm xâm nhập vào vùng lõi, chúng phải đi theo các đường tránh, hoặc dừng bên ngoài đô thị. Trong khi ở ta cảnh “xe tải chở vật liệu xây dựng lao sồng sộc vào trung tâm bụi mù mịt ngày nắng, lầy lội bùn đất ngày mưa” là chuyện bình thường.
Nhà cửa đô thị miền núi thường dựng theo kiến trúc truyền thống và bằng vật liệu bản địa. Bởi ngoài “tính thích ứng đã được thử thách trong từng vùng địa lý”, chúng tự diễn đạt nền văn hóa cư trú của mỗi dân tộc, đương nhiên tham gia vào cảnh quan đô thị núi, do thế trở nên “một loại sản phẩm du lịch đắt giá”.
Trong khi kiến trúc nhà phố núi xứ ta thì thôi rồi, từ trụ sở, nhà quan cho tới nhà dân bắt chước/nhái loại mẫu nhà đồng bằng kém nhất: nhà liền kề và gieo rắc nó khắp rừng núi Đông Bắc, Tây Bắc, Tây Nguyên… Mặc cái gọi là “bản sắc kiến trúc” vẫn hô hào lặp lại không chán trong các hội nghị, hội thảo cùng đủ loại văn bản chỉ đạo…?
Tất nhiên để kiến tạo một đô thị núi hấp dẫn cần vô số điều kiện, nhưng ít nhất du khách lên núi phải được thấy sông, suối, rừng, được lưu trú trong những kiến trúc phong cách địa phương (chứ không phải nhà nghỉ Gia Lâm ở Hà Nội, hay Bình Tân ở Sài Gòn); ăn rau rừng, ếch khe, thịt lợn chua, mèn mén… của người Dao, Mông (chứ không phải lòng heo mắm tôm, phở, thịt chó); mua trà san tuyết, hà thủ ô, đỗ trọng, tam thất, đương quy… (không phải vitamin, kháng sinh viên nén). Đại để không ai bỏ tiền đi xa vài trăm, cả nghìn cây số để vẫn thấy như ăn cơm vợ nấu, ngủ nhà nghỉ phố Nhổn hay Gò Vấp, vẫn gặp lại các người đẹp Mơ, Mận bán hàng nói thách như “người quê ta”.
Một đô thị núi hiện ra “lưng chừng trời” trong mây trắng trôi lững thững với cảnh đẹp vô song của hệ động thực vật bao quanh mọi nơi bạn đến. Đô thị ấy kích hoạt, tạo nên các khu vực sản xuất, cung cấp hàng hóa trong bán kính hoạt động của nó, làm tăng giá trị từ bó cải lá to của người Mông, đến chai mật ong của người Dao… Không chỉ thế, chúng tạo ra hàng loạt ngành sản xuất hàng “ăn theo” du lịch từ trang phục, giầy, lều võng, xe đạp địa hình… đến ngôi nhà thứ hai của bạn trên núi.
Tất nhiên cuộc “Bồng bế nhau lên nó ở non” cụ Tú Xương dự liệu 100 năm trước không do COVID-19, mà “ rừng thiêng” đang bị đô thị hóa nham nhở bởi các tham vọng chiếm đoạt tài nguyên. Nhưng dễ thấy là hầu như chẳng ông chủ tư nhân nào chịu bỏ tiền xây toàn bộ khu đô thị núi mới ở nơi hiểm trở, như dưới xuôi họ hăng hái làm vậy.
Tức, đây là loại đô thị phụ thuộc hoàn toàn vào quan điểm phát triển, nguồn đầu tư hạ tầng ban đầu từ ngân sách công, cũng tức là hệ thống đô thị núi đúng nghĩa có thể hình thành trên lãnh thổ trải 15 vĩ độ, quê hương của múi Nẩy, ama Chiến, bà con bản Hua Trai, của Vàng Mí Sí, Vần Quán Mao, Giàng Đỗ Chai… thuộc trách nhiệm chính quyền quản lý giang sơn này!
- Xem thêm: ‘Sạt lở di sản’ trong lòng đô thị
– Bao phủ khoảng 1/4 bề mặt trái đất, núi cung cấp các dịch vụ và tài nguyên cơ bản cho nhân loại, chẳng hạn như nước và đa dạng sinh học. Nếu không có sự quản lý của các nguồn tài nguyên thiên nhiên do các cộng đồng miền núi này cung cấp, thì cả họ và hàng tỷ người sử dụng ở hạ nguồn phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên núi đều không thể đạt được tính bền vững.
– Các ngành công nghiệp khai thác như khai thác và gỗ, và các dự án thủy điện lớn thường làm hỏng hệ sinh thái và tiêu hao tài nguyên từ các ngọn núi trong khi mang lại ít lợi ích cho người dân vùng cao.
– Theo tổ chức Nông lương của Liên hợp quốc (FAO) có khoảng 40% trong số 720 triệu người sống ở vùng núi dễ bị mất an ninh lương thực; trong số này, một nửa bị đói kinh niên. Nhu cầu calo lớn hơn ở độ cao lớn hơn, nhưng mùa sinh trưởng lại ngắn hơn. Hầu hết trong số 250 triệu người miền núi dễ bị tổn thương này cũng không thể di cư do các vùng đất thấp quá đông đúc không thể tiếp nhận họ. Rất ít gia đình nghèo miền núi được tiếp cận với bất kỳ dịch vụ xã hội nào mà ngay cả những người nghèo nhất ở miền xuôi cũng được hưởng như trạm y tế, trường tiểu học, chợ… (Trích từ Sustainable Mountain Development Green Economy and Institutions)