Chùm truyện rất ngắn của Giáng Ngọc
1.
Bà mẹ kia có ba con trai nhưng vẫn sống cô đơn một mình.
Con trai cả có máu giang hồ vặt, từ bé chỉ thích đi đó đi đây, ngay chuyện cưới vợ cũng dửng dưng không thiết. Các chuyến du lịch xa xôi là lý tưởng sống của anh. Nếu “đi một ngày đàng học một sàng khôn” thì sức học của anh giờ hẳn đã cao như núi Thái và mênh mông như nước trong nguồn.
Con trai thứ đam mê nghiệp “quần đùi áo số”, đang là huấn luyện viên trưởng một đội bóng hạng nhì của một tỉnh xa.
Còn con trai út vui thú điền viên ở quê vợ. Hạnh phúc của anh là chăm sóc cho lũ ngan ngỗng vịt gà ngày một sinh sôi đông đúc, thỉnh thoảng muốn về thăm mẹ phải đi mất nửa ngày đường.
Thình lình, bà mẹ bệnh nặng.
Những hàng xóm tốt bụng đưa bà vào bệnh viện, nhưng các bác sĩ đã… lắc đầu. Hàng xóm tốt bụng lại dò tìm số điện thoại báo tin cho các con bà.
Nghe hung tin, con trai cả đang thám hiểm vùng rừng núi Tây Bắc, tất tả lên xe về. “Đường xa ướt mưa” gập ghềnh đá sỏi, đến thương!
Con trai thứ nhận hung tin khi đội bóng anh dẫn dắt sắp vào trận đấu quan trọng tranh suất lên hạng. Đội bóng thiếu vị trí nào cũng có người thay thế chứ đâu thể thiếu huấn luyện viên trưởng chỉ đạo, vì vậy, buộc lòng anh phải chờ tan trận mới hối hả bắt xe về. “Đường xa ướt mưa” và ướt hai hàng nước mắt, rõ thảm!
Nghe tin xấu, con trai út bỏ mặc lũ ngan, ngỗng, vịt, gà đang quang quác đòi ăn, vội vã ra bến xe. “Đường xa ướt mưa”, ướt hai hàng nước mắt và ướt đẫm sình lầy, rất tội!
Cuối cùng, những người con đã về bên mẹ.
Và rất nhiều ngày sau đó, vẫn có một băn khoăn ám ảnh họ: không hiểu mẹ có điều gì buồn giận con không mà chẳng đợi gặp con để dặn dò một lời cuối?
2.
Mấy tuần nay, mẹ và con trai bùng nổ chiến tranh. Hết nóng đến lạnh. Xoay quanh những bất đồng về chuyện hôn nhân không hồi kết.
Mẹ không chê cô gái mà con trai khăng khăng đòi cưới, chỉ phản đối vì thấy mẹ cô ta không xứng ngồi ngang vai với mình.
Mẹ là giám đốc một công ty tư, nho nhỏ thôi nhưng cũng có tài xế lái xe riêng đưa đón, cũng son phấn sực nức và váy áo điệu đà khi tiếp đối tác ở nhà hàng sang trọng. Nên mẹ khó chấp nhận thông gia với người đàn bà lam lũ đang giúp việc trong một quán cơm bình dân, tạp-dề luôn nhớp mỡ và nồng mùi hành tỏi.
Đang yêu say đắm nên con trai chẳng quan tâm đến chi tiết mà cậu ta cho là “nhỏ nhặt” và “vớ vẩn” ấy. Cậu phản bác kịch liệt bất chấp tâm trạng giận dữ hay u uất của mẹ. Không khí gia đình lúc ngột ngạt căng thẳng, lúc lạnh lẽo dửng dưng, khiến cả mẹ lẫn con trai cùng ngấm ngầm đau khổ.
Đau khổ nhất lại chính là bà ngoại.
Bà vô cùng phiền não khi chứng kiến cuộc xung đột dai dẳng không có điểm dừng của con gái và cháu ngoại. Bà đau khổ nhớ lại hơn ba mươi năm trước, bà cũng đã từng nhiều năm ăn cơm thừa canh cặn trong bếp nhà giàu, đổi lấy chút tiền công chắt chiu để gửi lên Thành phố nuôi người con gái duy nhất ăn học. Nhờ những đồng tiền thấm đẫm mồ hôi, mặn chát nước mắt cam chịu ấy mà con bà khôn lớn, thành đạt và… đã quên!
3.
Ngày còn thơ ấu, con gái quấn quýt bám mẹ không rời. Với con, mẹ là số một.
Một lần, mẹ hỏi đùa:
– Nếu bây giờ lỡ mẹ chết, người ta đem mẹ chôn xuống đất, con chịu không?
Nhìn mẹ bằng ánh mắt trong veo, con gái không một giây ngần ngừ trả lời ngay:
– Không cho chôn đâu. Con sẽ… ăn mẹ!
Mẹ giật mình, hoảng hốt:
– Trời ơi, con đòi ăn thịt mẹ đấy à?
Con khẳng định:
– Ăn thịt. Ăn cả xương. Ca tóc. Con… ăn hết mẹ!
Quá bất ngờ, mẹ rơm rớm mắt, xúc động. Mẹ hiểu với đứa bé ba tuổi, suy nghĩ “ăn hết mẹ” vào bụng là cách diễn tả tâm tình yêu thương tuyệt đối, không phút nào muốn xa lìa hay bỏ mất đi bất cứ những gì vốn là mẹ!
Mẹ đặt nhiều kỳ vọng ở con.
Con gái lớn dần, ý nghĩ kỳ khôi trẻ con ngày ấy chắc cũng đã quên mất từ lâu. Trượt dài theo đam mê, con từng bước rời xa mẹ, cả về mặt địa lý lẫn trong cách sống. Nhưng trái tim người mẹ vẫn nhói buốt dõi theo từng chìm nổi của con, xót con một mình đối mặt vô vàn khó khăn ở tận nửa vòng trái đất.
Đúng là thật sự con đã “ăn hết”: kỳ vọng, niềm vui, sự thanh thản tuổi già của mẹ!
Mẹ lẩn thẩn ước ao có một phép mầu đưa hai mẹ con quay ngược thời gian về ngày xa xưa, mẹ sẽ lại được cất giữ con trong lòng, không để con tuột khỏi tầm tay.