Lịch sử hàng không thương mại thế giới đánh dấu sự ra đời bằng chuyến bay của anh em nhà Wright vào năm 1903. Sau 10 năm, chuyến bay chở khách đầu tiên được thực hiện bởi chiếc thủy phi cơ của Silas Christopherson với đường bay từ San Francisco đến cảng Oakland. Tất nhiên, những hãng hàng không thương mại đầu tiên thuộc về quốc gia có nền hàng không phát triển nhất thế giới là Hoa Kỳ, nhưng những hãng hàng không thành lập trong giai đoạn đầu vẫn còn hoạt động tới ngày nay mà vẫn giữ nguyên tên hiệu thì rất ít ỏi.
Hãng hàng không KLM – thành lập năm 1919
KLM là tên viết tắt theo tiếng Hà Lan – Koninklijke Luchtvaart Maatschappij – có nghĩa là Công ty Hàng không Hoàng gia. KLM hiện được xem là hãng hàng không lâu đời nhất trên thế giới còn hoạt động đến ngày nay vẫn với một cái tên duy nhất. Theo tài liệu thì ngay trong năm đầu tiên sau khi thành lập, bất chấp đây là giai đoạn mà việc vận chuyển bằng đường hàng không được xem là rất hiếm hoi trong xã hội thì KLM đã vận chuyển được 345 hành khách và 25.000kg thư từ và hàng hóa.
Năm 1920, KLM đã thực hiện những chuyến bay theo lịch trình đầu tiên áp dụng trên đường bay từ Amsterdam đến London. Trong những giai đoạn đầu tiên, KLM đã có những bước phát triển vượt tốc.Năm 1924, KLM thực hiện chuyến bay đầu tiên để đến thủ đô Batavia (sau này đổi tên thành Jakarta), Indonesia (lúc này đang là thuộc địa của Hà Lan). Chuyến bay kéo dài đến 15 giờ bay và mất hàng tuần cho sự chuẩn bị trước chuyến bay, mở đầu cho việc Amsterdam – Batavia trở thành đường bay định kỳ thường xuyên của KLM vào năm 1929. Năm 1934, lần đầu tiên KLM vượt Đại Tây Dương để thực hiện chuyến bay đến Curaçao và sau Thế chiến thứ II, năm 1946, KLM trở thành hãng hàng không châu Âu đầu tiên bay qua biển để đáp xuống New York.
Hãng hàng không Qantas – thành lập năm 1920
Là hãng hàng không hàng đầu của Úc, Qantas là cái tên được viết tắt từ Queensland and Northern Territory Aerial Service.Ngoài ra, hãng còn có một biệt danh mang tính biểu tượng của nước Úc “The Flying Kangaroo”. Được thành lập vào năm 1920 nhưng trong những năm đầu Qantas chủ yếu vận chuyển hàng hóa và thư tín nội địa cũng như thực hiện các dịch vụ về y tế và cứu nạn. Đến đầu năm 1935, Qantas đánh dấu bước phát triển của mình bằng chuyến bay quốc tế đầu tiên chở 15 hành khách trên ba khoang từ Brisbane đến Singapore, trong chuyến bay hành khách được phục vụ bánh mì kẹp thịt và trà từ chính lái phụ. Từ nhu cầu cấp thiết của thị trường vận chuyển quốc tế cùng với các dịch vụ vận chuyển bưu chính, năm 1938, Qantas quyết định mua hai chiếc Short S23 Empire Flying Boat, được xem là khá lớn vào thời điểm đó và hãng cũng đánh dấu bước ngoặt phát triển khi chính thức thuê tiếp viên phục vụ trên các chuyến bay. Trong suốt thời gian diễn ra Thế chiến thứ II, Qantas vẫn đều đặn thực hiện chuyến bay đến Singapore ba chuyến một tuần cho đến đầu năm 1942. Năm 1947, Qantas mua chiếc máy bay thân dài có điều áp đầu tiên Lockheed Constellation để khai thác đường bay từ Úc đến Anh quốc, phục vụ 38 hành khách với tiêu chuẩn First class. Năm 1959, Qantas trở thành hãng hàng không nước ngoài đầu tiên khai thác chiếc Boeing 707-138.
Hãng hàng không Aeroflot – thành lập năm 1923
Ngay trong những năm đầu thành lập, Aeroflot không chỉ vận chuyển hành khách và hàng hóa mà hãng còn phải thực hiện những nhiệm vụ khác như nông nghiệp, công nghiệp và đánh bắt cá.Ngoài ra, Aeroflot còn phải đảm nhận vô số những nhiệm vụ khoa học bao gồm thực hiện nhiều chuyến bay đến vùng Bắc cực và Nam cực. Thời điểm cuối thập niên 40 và đầu thập niên 50, ngành hàng không của Nga phát triển vượt bậc với sự ra đời của hàng loạt các dòng máy bay cánh quạt lớn mà nổi bật nhất là IL-12 và IL-14. Trong suốt nhiều năm sau đó, hàng loạt các dòng máy bay hiện đại được chế tạo dành cho Aeroflot, đánh dấu bằng sự kiện hãng hàng không lớn nhất nước Nga này giới thiệu đường bay dài đầu tiên trên thế giới bằng máy bay phản lực Tupolev 104, Moscow – Omsk – Irkutsk. Trong giai đoạn này, Aeroflot còn ghi dấu ấn lịch sử với chiếc TU-114 có thể bay 12 giờ không nghỉ và được xem như là chiếc máy bay lớn nhất thế giới với chiều dài lên đến 54m cho đến khi có sự xuất hiện của Boeing 747. Năm 1975, Aeroflot bước vào thời đại siêu âm thanh với việc đưa vào khai thác chiếc Tupolev 144 có tốc độ bay bằng lên đến 2.500km/g – nhanh hơn cả chiếc Concorde của phương Tây. Việc sở hữu những dòng máy bay hiện đại đã giúp Aeroflot nhanh chóng trở thành hãng hàng không lớn nhất thế giới. Vào cuối những năm của thập niên 80, Aeroflot đã sở hữu đội bay 11.000 chiếc và nhân viên lên đến 600.000 người làm việc trên toàn thế giới, hơn 1/8 hành khách hàng không trên thế giới có mặt trên các chuyến bay của Aeroflot.
Hãng hàng không Finnair – thành lập năm 1923
Ngay những ngày đầu thành lập, Finnair (Phần Lan) đã gây sự chú ý bởi chiến lược phát triển các đường bay dài, một điều rất khó thực hiện đối với các hãng hàng không trong thập niên 30. Nhưng ước nguyện này của Finnair bị gián đoạn bởi Thế chiến thứ II. Mãi đến năm 1969, Finnair mới thực hiện được những chuyến bay từ Helsinki qua Copenhagen và Amsterdam để đến New York với chiếc DC-8 có sức chứa gần 200 hành khách. Cuối năm 1976, Finnair thực hiện sự mở rộng về phương Đông bằng những chuyến bay trực tiếp đến Bangkok. Vào tháng 4 năm 1983, Finnair chính thức khai trương đường bay không nghỉ từ Helsinki đến Tokyo và trở thành hãng hàng không châu Âu duy nhất khai thác đường bay này tại thời điểm đó. Vì không được phép bay qua không phận của nước Nga nên Finnair phải thiết kế cho DC-10 những bình nhiên liệu thêm để có thể bay liên tục 13 giờ. Finnair cũng trở thành hãng hàng không châu Âu đầu tiên thực hiện chuyến bay trực tiếp đến Bắc Kinh vào năm 1988.
Hãng hàng không Philippine – thành lập năm 1941
Do một nhóm thương gia mà dẫn đầu là Andres Soriano thành lập, Hãng hàng không Philippine (PAL) cất cánh lên bầu trời với chiếc Beech Model 18 gồm năm ghế, hai động cơ, thực hiện chuyến bay từ Makati đến Baguio. Tháng 9-1941, chính phủ Philippines đầu tư vào PAL mở đường cho việc hãng trở thành hãng hàng không quốc gia. Năm 1946, PAL trở thành hãng hàng không châu Á đầu tiên thực hiện chuyến bay qua Thái Bình Dương khi chở thuê các lính Mỹ về nước bằng chiếc DC-4. Chuyến bay phải mất 41 giờ và phải ngừng tiếp nhiên liệu tại bốn điểm Guam, Wake, Kwajelein và Honolulu. Năm 1949, Tổng thống Elpidio Quirino đã bay đến Mỹ trên chiếc DC-6 của PAL, trở thành vị lãnh đạo chính phủ đầu tiên bay trên chuyến bay của PAL xuyên Thái Bình Dương.
H.K