Người lái xe ôm chở tôi đi dọc con đường bao biển Hùng Thắng có vẻ rất tự hào khi kể về kỳ tích “dời núi và lấp biển” của “ông Việt”: “Toàn bộ khu đô thị mới với con đường bê tông rộng 42m, dài 38km này đều là tác phẩm của ông Việt cả đấy. Nơi đây trước kia chỉ là một vùng đầm lầy mênh mông toàn sú vẹt thôi, chẳng ai có thể hình dung nổi chỉ vài năm sau nó biến thành thế này. Về phong thủy, đây là vùng đất lành “tựa núi thông quan” đấy. Mấy hôm trước Quảng Ninh bị cúp điện, con đường này vẫn tỏa sáng 24/24 giờ. Đất ở đây đang lên giá dữ dội, nhưng nghe đâu ông ấy nhất quyết không chịu bán”.
Ở Quảng Ninh không ai không biết đến “ông Việt”. Người dân gọi anh như thế với sự gần gũi và nể trọng. Bạn bè gọi anh là “chim trời cá nước” bởi anh có dự án đầu tư ở hầu khắp các tỉnh.
Chiều nay, anh đang ngồi trước mặt tôi tại “tổng hành dinh” của BIM ở Hà Nội, phong thái giản dị và đôi mắt hay cười. Hà Nội là nơi của tuổi thơ, nơi anh có một mái ấm gia đình tràn đầy tình yêu thương. Nơi anh vẫn được nghe mẹ mắng mỗi lần đau ốm mà chẳng chịu nghỉ ngơi. Vừa trở về từ trại tôm giống Phú Quốc, giọng vẫn còn khản đặc vì bị cảm, anh vẫn đầy lửa khi nói về giấc mơ Hùng Thắng – thành phố mở ra biển Tây của Hạ Long.
____
Những lĩnh vực mà anh đầu tư đều rất cơ bản, như trại tôm giống ở đảo Cống Tây rộng 60ha, Trại nuôi thành tôm thương phẩm trong hệ thống ao tại xã Minh Thành với diện tích 215ha, trại tôm giống được Bộ Thủy sản chọn là Trung tâm tôm giống quốc gia ở đảo Phú Quốc quy mô 1.350ha… Rồi khách sạn bốn sao tầm quốc tế Plaza Hạ Long, hệ thống đường đô thị, cấp thoát nước, điện… hiện đại cho Hùng Thắng… Những lĩnh vực lẽ ra là việc của Nhà nước?
Đó là nỗi buồn của đất nước. Nhưng cũng có điều mừng là các nhà đầu tư tư nhân đã chủ động nhảy vào nhiều lĩnh vực khác nhau. Sau cú mở đường của chúng tôi, rất hay là bây giờ đã thành phong trào, nhưng không phải đã hết khó khăn. Cản trở lớn nhất là do lòng người.
Trong khi chúng tôi đang rốt ráo tìm kiếm các nhà đầu tư thứ cấp bảo đảm đúng quy hoạch, đúng mục đích và xây dựng những tòa nhà cao tầng, cụm rạp hát, khu đi bộ… để tạo nên dáng vóc của khu đô thị mới, thì không ít người sốt ruột hỏi tôi: “Sao ông để đất hoang nhiều thế?”, có người còn vội vàng kết tội tôi là đầu cơ đất. Chúng ta đã quy định đây là khách sạn 5 sao, là nhà hàng, rạp hát… tại sao lại vội vàng “lấp đầy”, bán đất cho dân xây nhà, mở quán bia ôm, tạo thành khu ổ chuột, gia binh mới? Làm sao có được khu đô thị mới như Phú Mỹ Hưng nếu không kiên nhẫn? Đây là tình trạng chung của đất nước, là hạn chế nhận thức của “dân trí”, “quan trí”, kể cả “chí trí”.
Tôi đã thức trắng ba đêm liền để nghĩ, chỉ cần mình gật đầu bán đi sẽ có ngay hàng ngàn tỉ đút vào túi, nhưng Hạ Long sẽ vĩnh viễn không có khu đô thị, còn tôi vĩnh viễn không có tác phẩm của đời mình… Sau này đi qua đây con mình phải cúi mặt không dám nhìn lên. Ít ai nhìn thấy đằng sau “màu hồng” của những nhà đầu tư là áp lực nặng nề. Một trong những nhiệm vụ của tôi bây giờ là phải cố gắng giữ được quy hoạch ấy cho thật đẹp, thật đúng. Chúng tôi có một tổ kiến trúc sư để gìn giữ nó. Mình không giữ thì ai giữ? Mà giữ quy hoạch còn khó hơn cả giữ tiền nữa.
Một trong những nhiệm vụ của tôi bây giờ là phải cố gắng giữ được quy hoạch ấy cho thật đẹp, thật đúng. Mình không giữ thì ai giữ? Mà giữ quy hoạch còn khó hơn cả giữ tiền nữa.
____
… Chữ “đẹp” dường như quán xuyến hết mọi suy nghĩ, hành động của anh?
Đó là điều bắt buộc, xuất phát từ thói quen làm gì cũng phải chỉnh chu. Bây giờ là thời đại của chuyển dịch đồng vốn, chuyển dịch công nghệ, cái gì mình chưa biết thì học, để làm sao đem lại hàm lượng chất xám tốt nhất. Đó có lẽ là cách ngắn nhất để tạo nên cái đẹp, còn “độc lập, tự chủ, mang bản sắc riêng” nhưng không đủ kiến thức thì cũng là phá phách. Công ty tôi chỉ có hai tiêu chí: Doanh nghiệp tri thức và làm đúng pháp luật. Nghe có vẻ khô khan và lớn lối nhưng xét đi xét lại tôi thấy chính xác.
____
Chọn Quảng Ninh để đầu tư xây dựng, những lĩnh vực đòi hỏi đồng vốn mạnh, siêu lợi nhuận, nhưng cũng nhiều rủi ro, trong điều kiện cái nhìn về doanh nghiệp tư nhân còn chưa cởi mở, anh đã trải qua những khó khăn gì?
Về đồng vốn, chúng tôi có một thói quen là sức tới đâu làm tới đó, học hỏi đường hướng phát triển của các nước để không bị rơi vào tình trạng làm quá sức đến mức bị hụt hơi. Nhưng ngược lại cũng không quá “rón rén”. Kinh doanh là phải táo bạo. Ngay từ đầu, tôi đã không chọn con đường suôn sẻ, mà chọn những dự án vừa có lợi cho mình, vừa thúc đẩy sự phát triển của các địa phương, của người dân. Đến chỗ mới, làm cái mới ban đầu thuận lợi, sau đó là đầy khó khăn.
“Con đường ngắn nhất là con đường tuân thủ pháp luật. Nếu doanh nghiệp chọn con đường ngoắt ngoéo, thì sẽ dẫn đến tình trạng “khoa học đi vào rừng”, khi tôi nói thế, nhiều người cho là tôi “hoang tưởng”. Ở công ty tôi, đội ngũ hiểu biết về luật pháp tương đối tốt. Hiểu luật và tôn trọng luật pháp phải làm từ hai phía. “Trải chiếu hoa” cho nhà đầu tư chính là tạo môi trường cho nhà đầu tư dễ vào và giúp họ không sai lầm, giúp họ làm ăn thành đạt.
____
Lý do nào khiến anh dành cho con tôm một tình yêu đặc biệt, để có thể dồn hết tâm sức và tiền của vào những công trình khoa học tại những vùng đảo xa xôi, chế tạo thành công sản phẩm sinh học Biotec để có thể chủ động nuôi tôm biển trong ao với mật độ cao, hạn chế rủi ro đến mức tối đa?
Tôi là người rất thích biển và có một khát vọng. Từng sang Thái Lan, tôi thấy người dân Thái làm thủy sản tốt hơn ta nhiều. Ở đâu thủy sản phát triển thì ở đó dân bớt nghèo. Không ai phân công tôi cả, nhưng tôi rất thích chiến thuật “đầu tàu” của Trung Quốc, khi mình đầu tư công nghệ sinh học tiên tiến nhất vào con tôm và làm ăn tốt, thì sức lan tỏa giúp người dân sẽ cao hơn rất nhiều.
Nhìn cảnh cả vùng đất, cả ngàn người dân có công ăn việc làm từ con tôm con cá cũng thấy sướng. Gia đình tôi không tụng kinh niệm Phật, nhưng sống theo triết lý đạo Phật, luôn nghĩ đến việc giúp đỡ người khác. Nhờ nuôi cá basa, cá tra, nửa sông bên này giàu, nhưng nửa sông bên kia rất nghèo. Chúng tôi mơ hai, ba năm nữa cả vùng tứ giác Long Xuyên sẽ biến thành vựa tôm an toàn cho cả nước, kéo theo sự phát triển của cả khu vực, lúc ấy cảnh con gái An Giang phải đi làm massage không còn nữa…
Đó cũng chính là chiến lược phát triển của công ty. Làm bất cứ công việc gì chúng tôi cũng đưa công nghệ mới vào, kể cả học lỏm, “ăn cắp”, để rút ngắn được quy trình, tạo sự phát triển bền vững. Cho đến giờ, không còn cảm giác “đánh bạc” với con tôm nữa, yếu tố may rủi chỉ còn 5-10%.
____
Ở giai đoạn phát triển mới của công ty, khi Bim đã lớn mạnh thành một tập đoàn, đòi hỏi người cầm quân phải có một bản lĩnh như thế nào?
Anh em trong công ty tôi hầu hết đều là trí thức, người cao học, người tiến sĩ, kỹ sư… và đa số đều còn rất trẻ. Có lẽ đến giai đoạn này mình phải có những quyết định mạnh mẽ về việc ủy quyền cho những cán bộ trẻ. Lứa trẻ bây giờ nếu được đào tạo cẩn thận sẽ phát triển tốt, bất luận họ là ai. Tất nhiên có sai sót, nhưng khắc phục rất nhanh.
Thời tôi mới 27 tuổi cũng đã đảm nhận những đề tài cấp Nhà nước, vậy tại sao mình không mạnh dạn giao quyền cho họ. Tôi là người rất chịu học, nhưng đừng tự đánh lừa là doanh nhân kinh nghiệm đầy mình để có thể đứng mãi trên đỉnh cao. Tự tôi khi nhìn những dự án của cấp dưới trình lên đã thấy mình là “vớ vẩn” rồi.
Nên chuyển giao sớm, đừng trùm cái bóng của mình lên công ty, đến một lúc nào đó phải biết lùi ra sau để kiểm soát về mặt vĩ mô sao cho đúng hướng. Tôi chỉ mong vài ba năm nữa có thể chuyển giao cho lớp trẻ, để lang thang cùng chiếc xe địa hình đi chụp ảnh khắp nơi, chứ chẳng có ước vọng gì cao siêu cả. Nhiếp ảnh cũng là say mê của tôi, ngày xưa hai vợ chồng đã từng kiếm sống bằng nghề chụp ảnh chân dung đấy…
Tôi học được từ bố mẹ nếp sống giản dị, cần cù, ăn ở có nhân có hậu, ơn ai thì kể mãi, thù ai thì quên nhanh.
____
Lớp doanh nhân trẻ có tri thức, nhưng liệu họ có được tâm huyết đối với đất nước và bản lĩnh sống như thế hệ các anh?
Họ thiệt thòi là không nghe được tiếng ếch kêu, đi qua mỗi vùng đất nước không biết được những lịch sử sâu xa… Tôi không muốn dùng từ hoa mỹ, nhưng thật sự nếu không có tình yêu đất nước thì những lúc nản mình cũng muốn dừng chân rồi. Mỗi lần đi ra nước ngoài là một lần đau khổ, mỗi lần hạ cánh xuống sân bay Nội Bài là lại hừng hực khí thế muốn làm điều gì đó cho quê hương, đó là điều thôi thúc rất tự nhiên, gần gũi, là động lực để mình phát triển. Mỗi lần đưa con đi chơi, tôi luôn kể cho con nghe về mỗi vùng đất, để con hiểu rằng nếu nhà mình không về Việt Nam, thì còn ai về nữa. Bởi nhà mình có một gia đình tốt, một số tiền tốt, một tri thức tốt.
Điều thứ hai mà tôi muốn nhắn nhủ với lớp trẻ là khi môi trường đầu tư của đất nước chưa tốt, thì cố gắng bình tĩnh, phát triển từ từ, đừng chạy theo kiểu ăn xổi ở thì để đánh mất mình.
____
Phẩm chất nào của nhân viên anh coi trọng nhất?
Chẳng biết tốt hay xấu, tôi có thói quen là mọi sai lầm đều có thể tha thứ, nhưng ăn cắp là tôi đuổi thẳng. Nhiều lúc cũng thấy mình tàn bạo, nhưng tôi cho rằng ăn cắp là cố ý, còn sai lầm có thể do vô tình. Tôi ít để ý đến đời sống riêng tư, nhưng ai có vợ có chồng mà léng phéng là tôi cho một hai tháng lương rồi đề nghị “lên đường”.
Nhiều người nói tôi phong kiến, cũng hơi xấu hổ, nhưng tôi rất ghét ai quan hệ lăng nhăng rồi ruồng rẫy vợ con. Càng kinh doanh, tôi thấy mình vừa chai đi, vừa nhạy cảm hơn. Đuổi người đấy nhưng mình day dứt lắm. Phẩm chất quan trọng nhất của người thuộc cấp mà tôi đánh giá cao là tính chủ động trong công việc và lòng trung thực. Tôi rất thích không khí phản biện trong mỗi cuộc họp và luôn kích thích cho nhân viên nói, sau đó mới phân tích và đưa ra kết luận cuối cùng.
____
Có bao giờ anh gặp phải mâu thuẫn giữa cái chung và cái riêng, giữa tình và lý? Trong gia đình “trí thức-doanh nhân” của anh, truyền thống nào được coi trọng nhất?
Tôi luôn nói với mọi người: “Chúng ta gia đình hóa quan hệ, gần gũi, tình cảm với nhau, nhưng không được coi đây là công ty gia đình”. Tôi không phân quyền theo kiểu gia đình, mà quan tâm đến năng lực của họ. Còn nếu anh em trong gia đình mà đảm đương được thì quá tốt còn gì, nhưng không thể nào co hẹp công ty trong một gia đình. Trên thế giới họ đã giải quyết việc này rất tốt, gia đình có cổ phần, nhưng gia đình không can dự vào việc lãnh đạo kinh doanh.
Gia đình tôi nói theo cách ngày xưa là một gia đình nề nếp, nhưng nói theo cách bây giờ thì cũng hơi phong kiến. Tiêu chí cao nhất của bố mẹ với con cái là dù chiến tranh, nghèo khó, cũng phải cho con học hành đến nơi đến chốn, biết yêu thương đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau mà sống, mà phát triển. Tôi học được từ bố mẹ nếp sống giản dị, cần cù, ăn ở có nhân có hậu, ơn ai thì kể mãi, thù ai thì quên nhanh. Những điều ấy khi áp dụng vào kinh doanh rất hữu ích.
Vợ tôi lành lắm, cô ấy cũng là nghiên cứu sinh ở nước ngoài, giờ đang phụ tôi làm quản lý công ty. Cô ấy chẳng bao giờ biết ghen chồng, chấp nhận chuyện bận rộn liên miên của chồng không một lời thở than. Theo tôi có ba yếu tố để có thể kinh doanh thành công: nhờ trời, nhờ cố gắng và nhờ nề nếp gia đình. Và ba tố chất để có thể đi xa: làm ăn bài bản, cần cù, sống và kinh doanh theo pháp luật. May mắn là các con đều học hành đàng hoàng, biết lao động cật lực, quên mình, sống có đạo lý… Đó là hạnh phúc lớn nhất của vợ chồng tôi, một sự chuẩn bị tốt cho thế hệ doanh nhân thứ ba. Con hơn cha là nhà có phúc mà…
____
Từ một người làm khoa học chuyển sang làm doanh nhân, anh có thấy mình thay đổi nhiều không?
Có thay đổi một chút, đó là quyết định dứt khoát hơn, còn mọi cái thì vẫn thế. Hai vợ chồng vẫn giữ chiếc giường kỷ niệm mang từ Ba Lan về. Hạnh phúc là làm được điều mình muốn, mang lại công ăn việc làm cho mọi người, với những điều đó thì tôi là người rất háo thắng. Còn nhu cầu riêng thì chẳng có gì nhiều, lắm hôm đi ra khỏi nhà còn quên cả mang tiền.
Điều mà tôi quan tâm nhất là mười năm nữa Hùng Thắng sẽ đẹp như thế nào. Là nhà đầu tư, sướng nhất là khi đến một nơi nào đó, thấy việc này hay quá là có thể “hành động ngay”, đổ quân ào ào, triển khai rầm rập. Và ngược lại, được quyền từ chối điều mình không thích.
Người thủ lĩnh thì bao giờ cũng muốn vượt lên phía trước, niềm vui chinh phục gắn liền với sự cô đơn.
____
Tính cách thẳng thắn, quyết đoán của anh có gây nhiều khó khăn trong công việc và trong cuộc sống?
Cái gì cũng có hai mặt, nhưng lấy thuận lợi trừ đi những khó khăn thì vẫn là dương (cười). Có những điều biết mà không làm được, tôi không biết nói dối, khi thấy cấp trên sai mà có điều kiện phát biểu, tôi cũng không thể: “Dạ, anh nói đúng!”.
Tôi không tự mình bước chân vào những chỗ “phức tạp”. Bạn bè hay bảo tôi “gấu”, nhưng mình bướng đúng thì người ta phải chịu thôi. Theo tôi, đủ dũng khí để nói chỉ là phần nhỏ, quan trọng là mình có đủ lý lẽ, đủ kiến thức để nói cho người ta nghe. Tôi không có thói quen đi nhậu, đi hát karaoke, nhiều người nói bọn tôi khô khan, tôi chịu.
____
Anh hay nói đến chữ “nhờ trời”, dường như anh có một niềm tin rất mãnh liệt?
Tôi không phải là người mê tín, không bao giờ coi ngày khi khởi công một công trình, cứ tiện ngày nào làm ngày ấy. Nhiều người thấy tôi hơi kỳ cục, nhưng tôi tin mình sống nghiêm túc, sống có đức thì gia đình sẽ hạnh phúc. Ngược lại khi mình ứng xử với nhân viên quá lời, thì cũng dằn vặt không yên. Tôi hay đùa với vợ: “Mình phải tổng sỉ vả” mỗi ngày. Tôi tin ông giời sẽ soi xét lương tâm mình, cuộc sống mình.
____
Anh có sợ điều gì không?
Sợ mình làm sai. Gần đây sức khỏe cũng có vấn đề, nhiều khi huyết áp hơi cao, đôi lúc cáu sảng không kiềm chế được. Điều đó thực sự không tốt, bởi với nhân viên, một lời khen của mình khiến họ “sướng” ghê gớm, nhưng một sự quá lời của mình cũng khiến họ buồn ghê gớm. Cách để tôi giải tỏa stress là hôm nay làm xây dựng, thì ngày mai làm tôm, tuần này ở trong nước thì tuần sau đi nước ngoài nghiên cứu, thay đổi môi trường và thay đổi công việc giúp tôi cân bằng trở lại.
____
Sự nghiệp càng phát triển, người lãnh đạo càng phải đối diện với quá nhiều thách thức mà ít ai có thể chia sẻ đến tận cùng, có bao giờ anh thấy quá cô đơn?
Người thủ lĩnh thì bao giờ cũng muốn vượt lên phía trước, niềm vui chinh phục gắn liền với sự cô đơn. Kinh doanh là nghiệp rồi, mừng nhất bây giờ là “bị” con đấu, đối thoại được với con trai mình, tôi thấy bớt cô đơn đi.
____
Nỗi day dứt nhất của anh với ngành thủy sản là gì?
Mong sao thủy sản phát triển bền vững, đừng để người dân càng nuôi thủy sản càng nghèo.