Do có dịp tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp Việt kiều, tôi thường hỏi do đâu mà bà con biết nhanh “đường đi nước bước” khi về Việt Nam làm ăn. Ngoài những lý do có gia đình, bạn bè, người thân hướng dẫn, nhiều người cho biết là do qua Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài (UB VNVNONN). Ra vậy, công tác đối với kiều bào sau bao nhiêu năm chưa được quan tâm đúng mức nay đã được đổi mới và thu kết quả tốt.
Thời buổi hiện đại, không ai có cây đũa thần để “biến không thành có” trong tích tắc, mà phải là nhờ công sức của nhiều người. Một trong những người “đứng mũi chịu sào” về hoạt động này tại TP. Hồ Chí Minh gần một năm nay là ông Nguyễn Chơn Trung, được biết đến với bí danh Sáu Quang. Ông đã kinh qua nhiều công việc khác nhau, mỗi việc đều bắt đầu gầy dựng từ gian khó mà đi lên. Khi về công tác tại UB VNVNONN, ông lại hăm hở lao vào “cuộc chơi” mới với sự đánh đổi nhiều được, mất.
Mất công sức, mất thời gian và cả mất lòng một số người, nhưng cái được lại lớn hơn thế rất nhiều: được bà con kiều bào tin tưởng. Ủy ban là một địa chỉ không chỉ để Việt kiều đến liên hệ, nhận hướng dẫn về các thủ tục pháp lý, giấy tờ, mà còn là nơi để bà con đến chia sẻ, giãi bày tâm tư.
Một chiều cuối tuần tại phòng làm việc, với dáng vẻ mực thước trong từng nếp nghĩ, ông chuyện trò mà như tâm tình với chúng tôi, từ những “chuyện bây giờ mới kể” thời còn làm Bí thư Thành đoàn, Tổng Biên tập báo Tuổi Trẻ, Bí thư Quận ủy Bình Thạnh, Trưởng Ban Quản lý Khu công nghiệp – Khu chế xuất TP. Hồ Chí Minh…
Ông có cái ngữ khí Nam Bộ, không so đo, tính toán thiệt hơn mà chỉ biết dốc lòng cho công việc. Nhìn lại những chặng đường đời đã qua để rồi tự nhìn nhận mình may mắn có được “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, bằng tâm huyết đối với công việc, xem ra, dù đã qua tuổi hưu, ông vẫn còn say mê công việc lắm
____
Chúng ta đang kêu gọi kiều bào mạnh dạn đầu tư về nước nhưng những chính sách dành cho họ vẫn chưa được hiện thực hóa đầy đủ. Điều này nếu kéo dài sẽ làm bà con nản lòng… Theo ông, đâu là nguyên nhân và cách khắc phục khả thi nhất?
Trước đây, đa số người Việt Nam ở nước ngoài, hay còn gọi là Việt kiều, có quốc tịch nước ngoài và chính sách của ta đối với họ như là đối với người nước ngoài. Nhưng từ khi có Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị ban hành ngày 26/3/2004, xác định kiều bào là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam thì không thể coi kiều bào nằm trong diện đối ngoại nữa. Công tác kiều bào mang tính chất đối nội nên toàn bộ chính sách dành cho kiều bào cũng phải thay đổi.
Nghị quyết này ra đời được bà con kiều bào đón nhận như một sự kiện đặc biệt. Nhưng sở dĩ có sự chậm trễ trong khâu triển khai thực hiện là do phải chờ đợi ban hành cơ chế, chính sách. Theo tôi, đáng lý khi chuẩn bị nội dung nghị quyết thì cũng phải chuẩn bị cả cơ chế chương trình hành động, chính sách kèm theo để phổ biến cho các ngành, các cấp thực hiện một cách đồng bộ, mạnh mẽ.
Muốn giải quyết việc này, trước hết phải bắt đầu từ quan điểm, phải đánh giá đúng vai trò, vị trí của bà con kiều bào. Không phải tất cả các sự thay đổi đều được chấp nhận dễ dàng, bởi nơi này, nơi khác đều có ý kiến riêng về việc nên làm như thế nào. Tôi cho rằng điều cơ bản nhất để đảm bảo sự thống nhất về nhận thức là phải nói và làm theo đúng tinh thần của nghị quyết, đồng thuận từ trên xuống, tuyệt đối không nhìn nhận theo kiểu cảm tính cá nhân hay theo thói cửa quyền thì việc triển khai thực hiện mới có thể thành công nhanh chóng.
Giữa người Việt Nam với nhau, dù quá khứ có sự khác biệt về nhận thức và hành động nhưng giờ đây điểm tương đồng là cùng xây dựng đất nước phát triển.
____
Có phải đôi lúc Ủy ban cũng phải khuyên bà con kiều bào nên “nhập gia tùy tục”, phải quen với kiểu thủ tục chậm chạp, nhiều cửa?
Hoàn toàn không phải như vậy. Chúng ta phải nhìn nhận thiếu sót của mình và từng bước khắc phục. Để tạo được một diện mạo mới, một đánh giá mới thì phải làm nhiều hơn nói, phải cho bà con thấy mình thật sự đang cố gắng làm vì họ. Chữ “tình” đối với nhau bền vững hơn mọi sự ràng buộc. Tôi rất mừng là bà con kiều bào một khi trực tiếp đến đây hay qua thư từ đều hiểu và cảm thông, bởi “giận thì giận, mà thương thì thương”.
____
Thế còn quan niệm của riêng ông? Ông tâm huyết điều gì nhất khi làm công tác kiều bào?
Tôi rất muốn bà con kiều bào được nhiều thuận lợi khi về quê hương làm ăn, sinh sống nên không lý gì lại tạo thêm khó khăn cho họ. Nghị quyết 36 đã nhấn mạnh đến ba nhân tố của Việt kiều: Thứ nhất, Việt kiều là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc; thứ hai, là một nguồn lực lớn để phát triển đất nước; thứ ba, vai trò của Việt kiều là cầu nối giữa Việt Nam và các nước trên thế giới.
Trong các dịp lễ, Tết vừa qua, chúng tôi đều tổ chức nhiều hoạt động đón tiếp bà con kiều bào một cách thân tình, trang trọng, bày tỏ sự quan tâm, đồng thời sẵn sàng lắng nghe những ý kiến của bà con để kịp thời đề xuất những chính sách thích hợp nhằm phát huy tốt ba nhân tố trên. Giữa người Việt Nam với nhau, dù quá khứ có sự khác biệt về nhận thức và hành động nhưng giờ đây điểm tương đồng là cùng xây dựng đất nước phát triển.
Giống như trước đây khi bàn về vấn đề nhà cửa, sau khi tham khảo, bàn bạc với UB VNVNONN, lấy ý kiến của cả Việt kiều, Bộ Xây dựng mới trình kiến nghị với Chính phủ. Vậy mà bây giờ có người sợ mở cửa cho Việt kiều về mua nhà, nếu họ chia ra trong gia đình mỗi người mua một cái thì sẽ dẫn đến đầu cơ đất đai, đâm ra dè dặt, cân nhắc mãi mà chẳng đến đâu cả.
Lập luận như thế hoàn toàn không hợp lý. Mình chủ trương điều này vì đại bộ phận bà con kiều bào chứ không phải vì sợ một số người đầu cơ rồi lại không dám đề ra những chính sách cho bà con kiều bào. Vì thế, tôi thấy điều quan trọng nhất trong các đổi mới của người làm công tác quản lý là đổi mới tư duy, nhận thức.
Đáp lại, một số Việt kiều còn mang nặng định kiến cũng phải cởi mở hơn, thấy cả trách nhiệm đối với đất nước và quyền lợi của bản thân mà đóng góp. Hai phía cùng cố gắng như thế mới gặt hái được thành công.
____
Từng qua nhiều công việc với cương vị quản lý và đều để lại dấu ấn của người “khai phá”, làm sao ông tự điều chỉnh và thích nghi với hoàn cảnh nhanh như vậy?
Với tôi, điều quan trọng nhất là dù ở bất cứ cương vị nào cũng phải làm với tất cả trách nhiệm, phải tự hoàn thiện kiến thức và phải có tinh thần chủ động, sáng tạo. Mặt khác, sống phải có tâm, phải hết lòng trong quan hệ với mọi người. Từ đó mình mới có những sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm về điều đã làm.
Tất nhiên, trong khi làm, đôi khi tôi cũng vấp phải sơ suất, nhưng nhờ có tinh thần ấy thì mới đẩy được công việc, nhất là trong lúc cơ chế, chính sách chưa hoàn thiện. Hồi làm Bí thư Thành Đoàn, sở dĩ tôi đưa được phong trào lên là vì ngoài sự quan tâm lãnh đạo của Thành ủy, tôi luôn biết dựa vào thực tiễn, dựa vào quần chúng, thanh niên để phát hiện những nhân tố mới và có những chỉ đạo kịp thời, phù hợp với hoàn cảnh.
Ngay cả khi về công tác ở UB VNVNONN, điều tôi tâm niệm là phải dựa vào sự đóng góp của bà con kiều bào. Đây là lực lượng có kiến thức rất đa dạng, phong phú mà mình có thể học hỏi một cách nhanh chóng, hiệu quả. Tôi chủ trương dựa vào lực lượng kiều bào để làm công tác kiều bào.
Dù ở bất cứ cương vị nào cũng phải làm với tất cả trách nhiệm, phải tự hoàn thiện kiến thức và phải có tinh thần chủ động, sáng tạo.
____
Có ý kiến cho rằng hiện nay ta chỉ tập trung nhiều vào kiều bào các nước tư bản, còn kiều bào các nước xã hội chủ nghĩa cũ thì chưa. Ông thấy có đúng như vậy không?
Điều này hiện tại cũng có phần đúng, nhưng chúng tôi đang dần cải thiện. Lý do là Việt kiều các nước tư bản chiếm tỷ lệ cao hơn và họ có đời sống tương đối ổn định, gắn bó với nước sở tại lâu dài hơn, tiềm lực của họ cũng lớn hơn nếu biết khai thác đúng mức. Còn kiều bào ở các nước SNG và Đông Âu chưa thể hiện rõ tính cộng đồng, có người còn không thừa nhận mình là Việt kiều, bởi họ nói chỉ ra nước ngoài kiếm sống một thời gian rồi về.
Trong chính sách của Nhà nước ta cũng không quên lực lượng này vì cũng có người sống lâu ở nước sở tại và hoạt động giống như người Việt Nam ở nước ngoài. Chúng tôi đã và đang tìm cách tạo mối quan hệ với họ mật thiết hơn.
____
Ông có thời gian dài gắn bó với mảnh đất Bình Thạnh, chắc là cũng có nhiều kỷ niệm?
Tôi làm Bí thư Quận ủy Bình Thạnh từ cuối năm 1982 cho đến 1991, thời kỳ của bao cấp và bắt đầu chuyển sang đổi mới, nhưng ảnh hưởng của cơ chế bao cấp còn rất nặng nề. Sau một thời gian, quận đã tự cân đối được và còn có kết dư để đóng góp cho thành phố thì đó là thành công của cả tập thể cán bộ quận.
Điều quan trọng là khi đó chúng tôi đã tìm cách tháo gỡ khó khăn bằng cách sử dụng hoạt động kinh tế nhiều thành phần, cho ra đời hình thức kinh tế tư nhân và hợp tác xã. Cân Nhơn Hòa là đơn vị kinh tế tư nhân ra đời đầu tiên do chúng tôi khuyến khích thành lập, đến nay vẫn hoạt động hiệu quả. Tôi biết ông chủ cơ sở này có tay nghề và có tâm huyết nên mời ông đứng ra làm kinh tế. Lúc đó ông ấy chất vấn lại tôi rằng nếu làm ra nhiều của cải thì có bị cải tạo không.
Tôi trả lời rằng ông trở thành người giàu có thì không chỉ có lợi cho ông, mà còn cho đất nước thì tại sao lại phải cải tạo làm gì? Sau đó, ông ấy mới đứng ra làm, đầu tiên chỉ là một tổ hợp nhỏ, sau đó nâng lên thành hợp tác xã và hiện nay đã phát triển thành công ty cổ phần lớn. Sản phẩm cân Nhơn Hòa không chỉ tiêu thụ trong cả nước, lại xuất khẩu được sang nhiều nước trên thế giới.
____
Một trong những dấu ấn được nhiều người nhắc đến trong thời kỳ này là việc giữ lại Lăng Ông Bà Chiểu trước “hội chứng giải tỏa” mà sau đó nơi này được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Do đâu mà ông quyết tâm làm công việc khó khăn, nhiều “đụng chạm” này?
Lúc tôi mới nhận chức Bí thư Quận ủy Bình Thạnh không bao lâu thì tiếp nhận chủ trương giải tỏa Lăng Ông Bà Chiểu để xây dựng một trung tâm sinh hoạt thiếu nhi. Sau khi nghiên cứu, tôi thấy việc này không nên làm mà phải tìm cách giữ lại. Sau đó, tôi còn chủ trương tôn tạo, khôi phục, tổ chức lại lễ hội. Tôi rất vui vì nhân dân rất ủng hộ việc làm này.
Vài năm sau thì Lăng Ông được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Phải nói cuộc đấu tranh trên mặt trận văn hóa không hề dễ dàng, nhất là khi đụng chạm đến quan điểm nhận thức. Bởi thế, khi tôi làm việc này có một số anh em thân tình nhắc nhở rằng coi chừng cái ghế của tôi bị lung lay. Bản thân tôi cũng biết thế nhưng tôi không sợ điều đó. Tôi nghĩ nói cho cùng mình làm cũng không phải vì ông Lê Văn Duyệt, cũng không nghĩ đến việc khi nơi này được công nhận di tích thì mình thành người có công.
Lúc quyết tâm giữ lại di tích Lăng Ông, dù phải mất lòng không ít người, còn mang tiếng là chống đối nhưng tôi nghĩ mình làm một việc đúng là bảo vệ uy tín của Nhà nước đối với dân. Tôi làm việc dù phải đương đầu với khó khăn nhưng lương tâm được thanh thản thì dẫu có phải gánh chịu hậu quả tôi cũng chấp nhận.
Đình Bình Hòa lúc đó cũng bị lấy làm hợp tác xã mây tre lá. Tôi kiên quyết dời hợp tác xã đi, vì đó là nơi cần được tôn trọng, bảo tồn. Khi làm những việc này, tôi mời nhà văn Sơn Nam cùng nhiều nhà nghiên cứu, giáo sư sử học về làm tham mưu. Tất cả đều rất ủng hộ quan điểm của tôi. Kể cả việc xây dựng đền thờ liệt sĩ ở Bình Quới đã gợi ra mô hình đền thờ Bến Dược.
Tôi luôn làm việc bằng hết sức mình. Đó là ý nghĩa lớn nhất của cuộc đời mà tôi có được sau bao năm làm việc.
____
Sau nhiều năm tham gia vào đời sống kinh tế, chính trị của đất nước, ông thấy mình thích hợp ở vị trí nào hơn, nếu có sự lựa chọn lại từ đầu?
Khi chuẩn bị tham gia tiếp quản Sài Gòn, tôi nghĩ tới việc phải làm báo. Vì thế, tôi chủ trương tiếp quản nhà in, kho giấy, cả máy móc thiết bị để phục vụ cho việc in ấn. Để ra đời được tờ báo cũng hết sức vất vả, vượt qua được những khó khăn về thủ tục pháp lý thì đến vấn đề đội ngũ nhân sự. Tôi gắn bó với tờ báo Tuổi Trẻ từ khi còn là bản tin cho đến khi ra đời số đầu tiên ngày 2/9/1976 do tôi làm Tổng Biên tập đã gây được tiếng vang khiến anh em tụi tôi rất phấn khởi.
Tôi chuyển công tác làm quản lý Khu chế xuất – Khu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh là do phân công của lãnh đạo chứ không do tôi lựa chọn. Khi làm ở đây, tôi bắt đầu quan tâm đến công tác kiều bào. Có dịp ra nước ngoài, tôi đều tìm cách tiếp xúc với bà con để thông qua họ thu hút đầu tư nước ngoài. Hiện nay đã có gần 30 doanh nghiệp Việt kiều đầu tư vào các khu chế xuất, khu công nghiệp. Đến khi về công tác ở UB VNVNONN, thông qua nhiều mối quan hệ, tôi luôn tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của bà con kiều bào để làm vai trò nhịp cầu hiệu quả hơn.
Với tôi, việc nào đã trải qua đều cho tôi nhiều kinh nghiệm để làm việc sau tốt hơn. Dù không được làm theo sở thích nhưng tôi luôn làm việc bằng hết sức mình. Đó là ý nghĩa lớn nhất của cuộc đời mà tôi có được sau bao năm làm việc.
____
Ông thường nói đến sự tâm huyết trong công việc. Có phải đây là điều mà ông muốn truyền lại cho thế hệ kế thừa không?
Năm nay tôi đã 61 tuổi, đáng lý ra đã về hưu nhưng rồi lại làm ráng. Tôi thấy các bạn trẻ bây giờ nhiều người rất giỏi về chuyên môn, điều mà chúng tôi phải tự mày mò, nhưng nói về tâm huyết thì hình như một số bạn trẻ ít “lửa” hơn thế hệ chúng tôi. Có lẽ do điều kiện, hoàn cảnh sống hôm nay không đối mặt với quá nhiều khó khăn, thiếu thốn như xưa. Vì thế, tôi đang tập trung vào việc đào tạo đội ngũ kế thừa cho anh em. Làm sao phải truyền sự tâm huyết về công tác kiều bào cho thế hệ trẻ, vì ngoài kiến thức và năng lực, phương pháp điều hành, quản lý tốt thì quan trọng là tấm lòng.
Hình như ông cũng là người rất có “máu” nghệ sĩ…
…(Cười). Văn nghệ cho vui thì đúng hơn. Công việc có lúc cũng căng thẳng nhưng tôi không tạo áp lực cho mình. Tôi chủ trương làm việc không nhất thiết phải ngồi trong bốn bức tường. À, thi thoảng cũng có làm thơ, nghiệp dư thôi, như cách mình thi vị hóa cuộc đời từ những khó khăn cần được sẻ chia. Tôi đã có “đứa con tinh thần” đầu tiên là tập thơ nhỏ “Những dặm đường”.