Tôi có dịp gặp Thành Lộc nhiều lần, “gặp” trên sân khấu, gặp ngoài đời và lần nào đối với tôi cũng đều là những khám phá bất ngờ.
Không ít người mỗi khi đi xa Sài Gòn đều nhớ những đêm mưa tầm tã mà ở một góc nhỏ êm đềm của thành phố, có một sân khấu luôn sáng đèn, luôn ấm áp và thanh tao, đó là sân khấu IDECAF. Nhớ Thành Lộc vì đã từng nghe anh nhủ thầm: “Hãy tin ở hoa hồng”, nhớ Thành Lộc thâm trầm với Dạ cổ hoài lang, một Thành Lộc bén nhọn ghê rợn với Bí mật vườn Lệ Chi, một Thành Lộc luôn thao thức vào mỗi đêm để trò chuyện với bao thân phận.
Anh hẹn tôi vào buổi sáng thứ Ba, buổi sáng duy nhất trong tuần anh được thảnh thơi. Quán Serenata, anh ngồi nhìn ra một bức tường đầy hoa dại mọc hoang trên những mái ngói nhấp nhô của ngôi biệt thự Pháp cổ, trời âm u và lất phất mưa. Trông anh có vẻ cô độc. Đôi mắt to bình thản, bản lĩnh, ẩn giấu những cơn bão lớn không báo trước cứ sầm sập tới.
____
Phải chăng sự phiêu lưu trong tính cách và nghệ thuật đã tạo nên cái tôi của Thành Lộc? Sự thành công của IDECAF trong suốt thời gian qua có phần đóng góp luôn luôn mới của anh?
Làm nghề gì cũng cần có máu phiêu lưu, tôi nghiệm thấy có những vở rất phiêu lưu lại thắng lớn. Sự đột phá luôn cần thiết, đó là khám phá chính mình. Trong nghệ thuật tôi rất sợ những sáng tạo cho cái chung. Nghệ thuật trước tiên là giải tỏa quan điểm, cảm xúc của riêng mình. Nổi loạn cũng là một yếu tố cần thiết của những người làm nghệ thuật, bởi nó làm nên tính cách. Và khi cái riêng đó tìm thấy sự đồng cảm với nhiều cái riêng khác mới thành cộng đồng.
Có lần tôi đã hỏi nhà văn Chu Lai: “Anh thường sáng tác khi vui hay buồn?”. Anh trả lời: “Dĩ nhiên là lúc buồn. Khi buồn mình mới khám phá ra những ngóc ngách riêng tư của bản thể. Lúc vui thì tác phẩm hời hợt lắm…”. Tuy nhiên tôi là người rất mở, rất dễ tiếp cận những đợt sóng mới, không bảo thủ, biết lắng nghe người khác để dung hòa. Có lẽ chính vì vậy mà tôi dễ thích nghi, dễ tồn tại. Tôi tự thấy mình là người biết điều.
Là người chỉ đạo nghệ thuật nên phong cách IDECAF cũng chính là phong cách Thành Lộc, đó là sự chân thực và những rung động thực. Và điều mà IDECAF được ủng hộ và tin tưởng cũng chính là cái tôi của mình được nhiều người đồng cảm. Sản phẩm nghệ thuật thuộc về tinh thần, nó không có đỉnh, không dừng lại. Có thể đến một lúc nào đó công chúng không còn đồng tình với mình nữa vì đã có một quan điểm khác hay hơn, mới hơn, lạ hơn, đó là điều hết sức bình thường. Chính vì thế mà mình phải luôn thay đổi, luôn cập nhật những quan điểm mới, nếu không sẽ tự đào thải.
Người ta đến với sân khấu để giải trí và suy tưởng, nên trong dàn kịch mục của mình luôn dung hòa cả hai, cung cấp cho công chúng những món ăn đa chủng loại nhưng đều được đánh dấu A+. Làm sân khấu cho thiếu nhi cũng là để dọn đường cho khán giả tương lai, chuẩn bị cho các em thói quen đến rạp. Rất mừng là mùa mưa cũng không ảnh hưởng gì đến doanh thu, Ngày xửa ngày xưa đã bán vé qua hết tháng Bảy, phá kỷ lục với 25 suất mà vẫn kín rạp. Đe dọa với sân khấu là mùa bóng đá thôi, mà cũng chỉ những trận trùng với giờ diễn.
Tư chất doanh nhân đã giúp tôi tiết chế được liều lượng các vở diễn, để vẫn làm được kinh doanh mà không đánh mất mình về nghệ thuật, vì sản phẩm của mình là sản phẩm văn hóa.
____
Nhưng hưng phấn sáng tạo lại khác với nỗi buồn của tâm hồn?
Tôi nhận thấy sau những cú sốc, những biến cố trong cuộc đời, thậm chí tuyệt vọng nữa, tâm hồn tôi lại bị thôi thúc rất nhiều bởi ước muốn gửi gắm điều gì đó vào tác phẩm. Lúc ấy mà gặp được một tác phẩm tâm đắc thì hào hứng ghê lắm. Chính đó lại nảy sinh niềm vui.
Thực sự nếu sống trong một xã hội ổn định tuyệt đối thì nền văn học nghệ thuật cũng tẻ nhạt lắm, biến cố cũng chính là cơ hội. Thời điểm sung sức nhất của tôi là những năm 1990, tôi làm việc chết bỏ và đoạt được nhiều giải thưởng cao trong nghệ thuật. Nhưng đó cũng là khoảng thời gian tôi bị người ta đâm sau lưng nhiều nhất, từ nhiều phía, có nguy cơ làm cho mình không hành nghề được.
Nhưng sự đổ vỡ niềm tin quá nhiều với những người mà mình đã yêu thương càng khiến tôi phải chứng minh tiếp tục đi bằng chính đôi chân mình. May mắn của người diễn viên là qua nhân vật có thể chuyển tải được bức xúc của mình đến người xem, ít nhiều cũng mang dáng dấp nỗi đau mình đã trải… Đó là cả một sự mâu thuẫn. Suy cho cùng, tôi thấy thuyết tương đối của Einstein là… tuyệt đối nhất…
____
Bản tính thích mạo hiểm có bị giảm đi khi anh phải đảm nhận một trọng trách mới, trở thành người quản lý sân khấu IDECAF về mặt nghệ thuật? Anh có thấy mình có tư chất của một doanh nhân không?
Tôi trở thành một doanh nhân cũng là do hoàn cảnh, để tồn tại và để được danh chính ngôn thuận phiêu lưu trong nghệ thuật nhiều hơn, chủ động hơn. Trước đây ai dám cho mình làm nhạc kịch? Ai dám cho mình dựng Bí mật vườn Lệ Chi? Sung sướng nhất của một doanh nhân có lẽ là được làm theo ý mình tất cả những gì luật pháp không cấm mà không lệ thuộc ai cả.
Bất cứ một vở diễn nào cũng cần marketing, phải thăm dò thị trường, xem thời gian nào người ta thích xem chính kịch, bi kịch, thời điểm nào Việt kiều về nhiều? Sau đó là quảng cáo, khuyến mãi… Khi bước vào kinh doanh, tôi mới để ý đến những điều đó, còn trước đây số phận mỗi vở diễn chỉ là vấn đề danh dự. Tư chất doanh nhân đã giúp tôi tiết chế được liều lượng các vở diễn, để vẫn kinh doanh được mà không đánh mất mình về nghệ thuật, vì sản phẩm của mình là sản phẩm văn hóa mà.
____
Người ta bàn luận nhiều về việc văn học nghệ thuật và cả sân khấu nữa thiếu các tác phẩm đỉnh cao, theo anh vì sao vậy?
Người làm nghệ thuật của mình giống như những con chim bồ câu làm ảo thuật, có cánh mà bay không xa. Suốt một thời gian dài “tự kiểm duyệt”, làm cái gì cũng sợ, nên đến khi có tự do cũng không biết sử dụng để làm gì, đó mới thực sự là bi kịch, giống như bị “chai” rồi. Điều này rất nguy hiểm cho nghệ thuật.
Sân khấu thế giới đang đi vào khuynh hướng ấn tượng, không thuần phong cách, có thể dùng bất cứ một phương tiện nào miễn đạt được hiệu quả thông tin nhanh nhất. Trong nghệ thuật, suy nghĩ là vô giới hạn, không có những quy định bất di bất dịch. Tôi đang cố gắng hết sức để sân khấu của tôi bớt lạc hậu, nhưng nó vẫn cứ lạc hậu, vì không thể giữ bản thân mình sạch sẽ thơm tho trong khi đang ở trong một căn phòng bừa bộn.
Xin đừng sĩ diện hão và tự vẽ hào quang cho mình. Về nhiều khía cạnh những người làm nghệ thuật và quản lý nghệ thuật đều thiếu sự cởi mở cái đầu và cởi mở cả trái tim, nên nghệ thuật bị đứng lại. Chính cái đó làm cho người làm lao động nghệ thuật bị chùn tay và xuống tinh thần, co thủ.
Cách để tôi vượt thoát mọi đổ vỡ là không kiềm chế nỗi buồn, cứ khóc cho thật nhiều để nỗi buồn thẩm thấu, xuyên qua con người mình.
____
Sân khấu IDECAF phát triển như vậy, nhưng dường như đời sống riêng của anh lại có vẻ không được suôn sẻ? Hình như lương của anh cũng không cao như mọi người vẫn nghĩ?
Đúng vậy. Bây giờ tôi luôn sống trong áp lực, và thường xuyên bị stress. Người ta cứ nghĩ khi làm chủ sẽ dành được những ưu đãi cho mình, có nghĩa là lương sẽ cao. Nhưng thực ra không phải thế. Mình ăn lương Phó giám đốc cũng chỉ ngang với mức lương doanh nghiệp Nhà nước thôi. Doanh nghiệp mình nhỏ, số ghế cũng bấy nhiêu, giá vé hiện nay được coi là thấp nhất, trong khi chi phí ngày càng tăng.
Mức chênh lệch giữa diễn viên ngôi sao và diễn viên phụ chỉ từ hai đến ba trăm ngàn đồng thôi. Chúng tôi rất muốn cân bằng mức thu nhập của mọi người, mà muốn thế thì người chủ chốt như mình phải hy sinh. Có rất nhiều lời mời đi diễn nước ngoài nhưng tôi cũng phải từ chối, vì bỏ sân khấu ở nhà cho ai nên thu nhập cũng sụt giảm hẳn. Có những lúc mệt quá trong lòng chỉ muốn nghỉ hẳn một tháng để đi đâu đó nghỉ ngơi, nhưng cũng đâu làm được, thậm chí khi cả sân khấu được đi nghỉ vài ngày thì tôi cũng phải ở nhà đọc kịch bản, soạn thảo kế hoạch trong năm, thành ra… mệt lắm.
Có những lúc nghĩ sao mình… ngu quá vậy? Nai lưng ra làm chủ để mất hết những nhu cầu riêng. Tôi có một anh bạn doanh nhân, mỗi lần gọi điện đều nghe đang ở một resort nào đó, dù công việc ngập đầu cũng cương quyết ra đi vào thứ Bảy, Chủ nhật. Vậy là anh ta sướng hơn tôi. Ấy là chưa kể những lúc anh em nội bộ còn xích mích với nhau mà mình phải giải quyết rất mệt đầu, lại còn bị hiểu lầm nữa… Đôi khi nghĩ cũng tủi thân lắm.
____
Có điều gì anh muốn chia sẻ với người làm nghề?
Nếu có gì đó muốn chia sẻ với những người làm nghề, thì chính là căn bệnh trầm kha của sự đố kỵ, chính cái đó lôi chúng ta rớt xuống vực. Hãy cứ làm công việc của mình và đừng chê bai, công kích nhau. Học nhau cũng tốt chứ sao. Mọi vật xung quanh, kể cả hòn sỏi mà ta đạp dưới chân cũng là một người thầy của ta mà…
____
Nghe nói anh mới mua nhà, mua xe, có phải mắc nợ không? Hình như nguyên nhân sâu xa khiến anh nghỉ chương trình Rồng Vàng cũng vì chuyện… thuế?
Nhà còn phải trả nợ trong ba năm nữa, còn xe thì phải trả nợ trong hai năm. Nguyên năm vừa rồi đóng thuế cao quá muốn té cái đùng. Đối với diễn viên kịch không được hưởng 20% tiền khấu trừ hóa trang phục trang đã là vô lý, đi làm Rồng Vàng lại vẫn bị coi là thu nhập chính và tính lũy tiến. Tôi nghĩ vô lý quá, cuối cùng đành nghỉ thôi.
____
Vậy còn thời gian nào mà anh tận hưởng cuộc sống, tìm lại sự thanh thản, tìm lại niềm vui?
Ngày thứ Ba trong tuần tôi thường đi ra biển hay bay lên Đà Lạt để được ngủ đã đời. Tôi luôn bị thiếu ngủ trầm trọng. Tôi thích đi coi phim một mình ở rạp. Có những hôm tôi coi từ 3 giờ chiều đến 11 giờ đêm, hết phim này sang phim khác, tôi cười, tôi khóc một mình. Sau đó chui vào một nhà hàng thật sang trọng để được yên tĩnh một mình, ăn những món mình thích, tự sướng một mình.
Tôi nhớ sau một đợt diễn Tết đuối quá, tôi bay lên Đà Lạt ở lì trên đó 5 ngày liền, đang ngồi trên một ngọn đồi cao nhìn trời trăng mây nước, đùng một cái có điện thoại của Huỳnh Anh Tuấn, tôi nổi điên: “Trời ơi! Đừng có giết người!”. Dù những gì về con số anh Tuấn đã đảm nhận hết, nhưng đôi lúc tôi hay bị nổi quạu bất chợt vì quá áp lực, sau đó rất ân hận. “Quẳng gánh lo đi mà vui sống”, đó là phương châm tôi đã học được từ sách vở.
Cuộc sống xem ra rất ngắn ngủi. Cách để tôi vượt thoát mọi đổ vỡ là không kiềm chế nỗi buồn, cứ khóc cho thật nhiều để nỗi buồn thẩm thấu, xuyên qua con người mình. Khi nỗi buồn đã xuyên qua rồi, tự khắc nó sẽ ra đi. Hãy “tiêu hóa” nỗi buồn thật nhanh, và biến cái mất thành cái được, để cho mình được thăng hoa trong công việc. Niềm vui sống lớn nhất của tôi là được làm việc, và được mọi người yêu thương.
____
Nhỡ có ai đó… yêu quá thì sao?
Tôi đã nhận được khá nhiều lời tỏ tình (cười), nhưng duyên chưa tới. Tôi là người ảnh hưởng khá nhiều bởi tôn giáo, tôi hiểu sống là khổ, nhưng sống là một sứ mạng, hãy hoàn thành sứ mạng của mình để khi ra đi được siêu thoát, nên tôi không để ràng buộc gì, kể cả chuyện tình cảm. Tôi không muốn lập gia đình, không muốn gây nghiệp… Tôi đã xác định khi qua đời sẽ hiến xác cho y học.
Đây là quyết định của tôi từ năm năm nay, từ khi tôi được phong tặng Nghệ sĩ ưu tú. Đó là cả một câu chuyện dài. Khi việc phong tặng NSUT của tôi bị ách lại vì nhiều lý do, tôi nhận được rất nhiều lời động viên từ báo chí, công chúng, trong đó có bức thư từ một người chị là vợ một nhà báo nổi tiếng. Những lời của chị an ủi tôi ghê lắm.
Sau đó chị qua đời vì bệnh ung thư, và đã hiến xác cho y học. Tự nhiên trong lòng tôi hàm chứa sự chịu ơn người khán giả đó ghê gớm, khi được phong tặng NSUT, tôi có cảm giác như mình được chị phù hộ rất nhiều. Và tôi có một lời nguyện trong lòng sẽ đi theo con đường của chị.
Trong cuộc sống, nguy hiểm nhất với tôi bây giờ là sự hoài nghi. Tôi “bị” mắc bệnh của Tào Tháo, không dám tin ai 100%.
____
Sự từng trải có làm cho tâm tính, trái tim anh thay đổi? Anh nghĩ gì về sự được mất ở đời?
Con người ta sinh ra để được và mất, có như thế mới cân bằng được đời sống. Nhưng xem ra tôi được nhiều hơn, bởi đối với người hời hợt, mất là mất luôn, nhưng nếu như khôn ngoan một chút, mình sẽ biết “moi” trong cái mất để rút cho mình cái gì để lại. Nhờ đó, tôi “bị” khôn ngoan ra và già dặn đi, nhưng “được” kinh nghiệm, sự tỉnh táo, và điều may mắn nhất là trái tim vẫn còn rung cảm, mỗi khi xem một bộ phim buồn còn khóc được.
Trong cuộc sống, nguy hiểm nhất với tôi bây giờ là sự hoài nghi. Tôi “bị” mắc bệnh của Tào Tháo, không dám tin ai 100%. Cái đầu thì rất tỉnh táo, biết chẻ mọi vấn đề ra để phân tích, nhưng tình cảm thì vẫn mạnh mẽ, chính vì thế nên cực kỳ mâu thuẫn. Nhưng mình là thế, biết làm sao được.
____
Bộ phim nào đã làm cho anh khóc thế?
Đó là một phim Hàn Quốc tên là Cổ điển. Rõ ràng câu chuyện, mô típ, diễn xuất rất cổ điển, nhưng lại rất mới từ cách viết kịch bản đến từng khung hình… Tôi bàng hoàng vì hình ảnh những con đom đóm bay trong phim. Những con đom đóm ấy là cổ điển, là còn mãi cho đến cả ngàn năm sau, nhưng qua lăng kính camera lại trở nên lãng mạn và nhân bản vô cùng.
Suy cho cùng giá trị nhân bản vẫn là “thời trang mãi mãi”. Có làm gì chăng nữa thì giá trị nghệ thuật của một tác phẩm vẫn thuộc về con người, nói những vấn đề của con người. Sau khi xem phim xong, cứ thấy hình ảnh người ta cầm cây dù đi trong mưa là tôi lại nhói tim… Không biết mình có nhạy cảm quá không? Nhưng sức mạnh của nghệ thuật quả là ghê gớm.
Tôi chợt nhận ra cuộc sống còn rất nhiều những tâm hồn cao thượng, và tự nhiên quên hết mọi phiền muộn và kẻ thù. Mình như được bay lên trời, nhìn xuống thì kẻ thù chỉ còn là một chấm đen, không thấy thì việc gì còn phải thù nữa…
____
Nhưng anh vẫn mãi là người “lãng mạn cuối cùng còn sót lại của thế kỷ XX” như bạn bè vẫn thường gọi?
Tôi nghĩ mình lãng mạn lắm, vì nhìn bất cứ cái gì cũng muốn đưa vô tác phẩm, nhìn con kiến té trên cành xuống đất vẫn thấy đau, nhìn chiếc lá rời cành vẫn còn xúc động… Sân khấu đang thiếu sự lãng mạn trầm trọng, nên bao giờ trong tác phẩm của tôi sự lãng mạn cũng được “nhặt” ra từ cuộc sống thường nhật, và được soi rọi bằng những ánh đèn màu, để người ta thấy đó là ngọc, là thơ, như những con đom đóm vẫn còn bay…