Đó là nhận định của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), được công bố hôm 3-9. Theo ông Pier Carlo Padoan – Trưởng nhóm chuyên gia kinh tế tại OECD, tình hình trở nên phức tạp hơn khi các nước giàu đang phát triển nhanh hơn, còn những nước nghèo tăng trưởng chậm hơn. Trong số những nền kinh tế chủ lực, Mỹ dẫn đầu cuộc hồi sức với tỷ lệ tăng GDP trong năm 2013 sẽ đạt mức 1,7% (có giảm nhẹ so với số liệu dự báo do OECD đưa ra hồi tháng 5 là 1,9%). Được kích động mạnh mẽ từ gói kích cầu tài chính khổng lồ, Nhật Bản cũng sẽ tăng trưởng 1,6% trong năm nay. Châu Âu vốn đã bị sa sút nặng nề những năm gần đây vì cuộc khủng hoảng nợ nay cũng đã có dấu hiệu khởi sắc trở lại, đặc biệt là tại Pháp và Đức. Vì vậy, OECD dự báo mức tăng trưởng của Pháp sẽ là 0,3% trong năm nay, tốt hơn rất nhiều so với -0,3% mà OECD đưa ra trước đây, còn Đức sẽ vượt qua mức dự báo 0,4%, lên tới 0,7%. Bên ngoài khu vực Eurozone, Anh sẽ tăng trưởng 1,5%, khá hơn dự báo cũ chỉ 0,8%. Nếu như tình trạng uể oải tại những nền kinh tế đang phát triển có khả năng kéo nền kinh tế toàn cầu đi xuống thì Trung Quốc là một ngoại lệ và vẫn đóng vai trò thúc đẩy vì sẽ đạt mức tăng trưởng 7,4% trong năm nay.
Sau cùng thì khu vực đồng euro cũng hồi phục
Do nền kinh tế Mỹ đang đi đúng hướng, tiếp tục tăng trưởng ổn định nên OECD cho rằng đã đến thời điểm phù hợp để Cục Dự trữ Liên bang (FED) bắt đầu giảm dần việc thu mua trái phiếu vốn là công cụ chính để FED nới lỏng chính sách tiền tệ cũng như là “liều thuốc giải cứu” nền kinh tế Mỹ kể từ cuộc suy thoái tài chính 2008-2009. Tại khu vực sử dụng đồng euro, OECD cho hay Ngân hàng Châu Âu nên giữ khả năng cắt giảm lãi suất vào gói “các biện pháp chữa cháy”, đề phòng trường hợp hồi phục tại đây không được như mong đợi. Riêng những nền kinh tế ngập nợ ở Nam Âu sẽ tiếp tục cần đến những chính sách nới lỏng tiền tệ trong thời gian tới.
B. Trịnh theo Reuters