Những ai lần đầu đặt chân đến Paris đều không khỏi ngạc nhiên khi được giới thiệu ở thủ đô hoa lệ này có một bảo tàng… chẳng giống ai! Tên gọi của bảo tàng này là Paris Sewer Museum (Bảo tàng Cống ngầm Paris). Nằm hoàn toàn trong lòng kinh đô ánh sáng, khó có thể hình dung được dưới lòng đất của nó là cả một thế giới cống ngầm chằng chịt có lịch sử hơn 100 năm nay, và hiện nay, trở thành điểm đến để mọi người tham quan tìm hiểu. Hệ thống cống ngầm này là một phần của lịch sử Paris và đã trở thành một hệ thống triển lãm ngầm khổng lồ của nước Pháp.
Có nhiều cầu thang dẫn xuống hệ thống ngầm bên dưới. Theo bản đồ chỉ dẫn, chúng tôi đi xuống tham quan bảo tàng tại đường dẫn ở gần cây cầu lịch sử Alma cách tháp Eiffel chỉ vài con đường. Vé cho một lần tham quan là 4,3 euro. Bước xuống hệ thống ngầm, chúng tôi cảm nhận như lạc vào một thế giới khác, vắng vẻ và rất yên tĩnh.
- Xem thêm: Bảo tàng thay đổi số phận một thành phố
Các tấm poster giới thiệu về lịch sử và đặc điểm của hệ thống cống ngầm được treo trên vách cống. Tại các phòng trưng bày đều có hướng dẫn viên giới thiệu với khách tham quan lịch sử của hệ thống cống, cũng như những nguyên tắc cung cấp nước sạch, cách xử lý nước thải, khó khăn của những nghề liên quan đến cống rãnh. Trong đó, có những truyền thuyết có thể khiến du khách không khỏi kinh ngạc.
Được biết hệ thống cống ngầm ở Paris được xây dựng từ nhiều thế kỷ trước và dài hàng ngàn ki lô mét nhằm đảm bảo sự tuần hoàn nước cho thành phố, chống nguy cơ ngập úng do nước sông Seine dâng lên. Đây là một trong những hệ thống cống ngầm lớn nhất thế giới với chiều dài đường hầm tới 2.400km, do đó mỗi đường cống đã được đặt tên tương ứng với tên đường trên mặt đất để tránh bị lạc đường.
Vào mùa hè, nhiệt độ của “thành phố ngầm” là 20 độ C, mùa đông là 13 độ. Ở dưới này cũng đầy đủ bảng tên, số nhà tương ứng với địa chỉ trên mặt đất. Văn hào Victor Hugo (1802-1885) lúc sinh thời, có lần nhờ người bạn thân là một kiến trúc sư dẫn xuống tham quan hệ thống cống ngầm khi viết về công xã Paris, về cảnh Javert truy đuổi Jean Val Jean… Tác phẩm của ông cùng bức tranh về công xã Paris khi những người cách mạng chạy trốn dưới đường hầm đã được trân trọng đặt trong bảo tàng cống ngầm này.
Người bạn đi cùng cho biết, bảo tàng này mở cửa cho người dân xuống tham quan từ rất lâu chứ không phải đến bây giờ. Từ trong các đường dẫn của cống ngầm, có thể đi lên mặt đất ở nhiều bậc thang khác nhau ở nhiều địa điểm giống như lên khỏi nhà ga của một tuyến tàu điện ngầm.
Chắc để bảo đảm an toàn cho khách tham quan, ở đây quy định khi xuống tham quan, khách phải đi cùng một nhóm, tối thiểu 10 người và tối đa là 25 người. Tuy nhiên, bảo tàng cũng chỉ mở một đoạn ngắn cho khách lui tới tham quan mà thôi.
Có thể nói rằng nhờ hệ thống thoát nước rất quy mô có từ hàng trăm năm trước và luôn được bảo dưỡng, đổng thời luôn được hiện đại hóa trong việc loại rác, xử lý nước thải trước khi đổ ra sông Seine, quy trình này được cải tiến theo sự phát triển của khoa học, nhờ đó, sông Seine luôn sạch đẹp, cống Paris không tắc gây ngập úng. Tuy nhiên, mọi chuyện đều không lường hết được trước thiên nhiên!
Vào tháng Giêng năm 1910, sau nhiều cơn mưa liên tục, mực nước sông Seine dâng cao bất thường, nhấn chìm toàn bộ nhà ga Orsay và hàng chục cây số đường phố. Nước sông tràn ngập theo hình vòng cung lên tận đại lộ Champs Elysées ở phía Bắc và nhà ga Austerlizt cũng như nơi mà hiện nay là Thư viện Quốc gia ở phía Nam.
Toàn bộ các mạch nước ngầm và sông hồ ở phía Bắc nước Pháp đã bão hòa. Trong vòng 45 ngày, hơn 40 cây số đường phố Paris bị ngập, hệ thống xe điện ngầm, điện, lò sưởi, thùng rác công cộng… những tiện nghi hiện đại nhất của đầu thế kỷ bị rác rến, xác cây phủ lấp. May mắn là thiệt hại nhân mạng rất thấp: chỉ có 1 người chết.
Rút kinh nghiệm của bài học đắt giá này, tại Paris và vùng phụ cận, cảng và cầu được nâng cao. Nhiều bờ đê được dựng lên. Chính phủ Pháp đã xây dựng những công trình vĩ đại, trong vòng 40 năm, thực hiện 4 hồ to lớn để điều chỉnh lưu lượng các con sông lớn. Để đối phó với nguy cơ năm 1910 có thể tái diễn, cơ quan chuyên chở công cộng Paris đã chuẩn bị sẵn 69.000 bức tường bê tông tiền chế và 270 máy trộn bê tông để có thể nhanh chóng dựng lên 500 bức tường chặn nước xâm nhập vào hệ thống xe điện ngầm và đường xe bus. Về điện lực, lệnh tổng động viên nhân lực sẽ được ban hành khi mực nước lên 6,5m.
Thành phố Paris cũng đã có một bộ chỉ huy đặt trong một căn hầm kiên cố nằm dưới tòa nhà của cơ quan cảnh sát thủ đô, điều hợp mọi hoạt động khi có thiên tai.
Đề phòng là vậy, tuy nhiên sự cố vẫn xảy ra! Gần đây nhất, cơn mưa sấm chớp liên tục trong 3 ngày cuối tháng 5-2016 làm lưu lượng nước sông Seine dâng lên 6,7m. Hai bên bờ sông Seine, trên con đường dạo mát tràn ngập nước. Bức tượng kiêu hãnh về người lính Zouave đi chiến trường dưới chân cầu Alma thường được dùng để đo mức nước sông Seine cũng ngập ngang thân. Tượng thần Vệ nữ – phiên bản đầu tiên nằm trên hòn đảo nhỏ gần tháp Eiffel cũng… chới với kêu cứu. Một số ga tàu ngầm gần sông Seine, bảo tàng thời trang và một số lâu đài bên sông ở Pháp bị ngập nặng phải đóng cửa…
Tuy nhiên, phải nói rằng sự cố thiên tai chỉ là xác suất rất nhỏ. Paris vẫn lộng lẫy trên mặt đất nhờ hệ thống cống ngầm và xử lý nước thải hiện đại. Người Pháp không chỉ nặn tượng, ghi nhận công lao các tổng thống, vĩ nhân mà cả tượng kỹ sư kiến trúc, nhà thầu đã thiết kế tân trang toàn bộ hệ thống cống ngầm Paris từ thời La Mã. Đặc biệt, công nhân làm việc vất vả dưới hệ thống tối tăm luôn được trân trọng, ghi rõ tên trong bảo tàng và cả đài tưởng niệm cho những người đã hy sinh. Nếu không có những người này, Paris sẽ luôn bị lũ sông Seine rình rập và rác, nước bẩn tràn đầy thành phố.
Để có một Paris tráng lệ là một phần công lao quan trọng của hệ thống cống ngầm này. Nhờ đó, Paris trong ngập lụt vẫn thơ mộng, kiêu sa và bình thản giống như lời bài hát của nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu: “Mưa rơi trên phím đàn… Ngập hồ nước sông Seine…”.
Mặc dù trải qua đôi lần bị hồng thủy, nhưng từ rất lâu đã có người đặt câu hỏi: Giá mà Paris không có hệ thống cống rãnh ngầm, thì hơn 6.000 con đường và những quảng trường ở Paris liệu có được mệnh danh là kinh đô ánh sáng, lãng mạn hào hoa?