Ăn ngon mặc đẹp có lẽ là một trong nhiều niềm vui thích của đời người. Trước đây, được ăn no, có quần áo mặc đã là tốt. Bây giờ, cuộc sống khá hơn, nhận thức của con người cũng theo đó mà thay đổi tích cực. Trong cái thú thưởng ngoạn ẩm thực, ăn không chỉ đơn thuần là được nếm vị tinh túy của món ăn, mà còn là niềm mong ước được “chạm” cái hồn của món ăn qua cách trình bày chăm chút, sáng tạo của người đầu bếp. Có thể nói rằng người sành ăn bây giờ muốn được ăn bằng cả sáu giác quan để trải nghiệm món ăn một cách tỉ mỉ và tinh tế.
Cớ sao cái sự ăn lại phức tạp đến thế? Chẳng phải chỉ cần ăn để biết món ăn ngon dở thế nào thôi sao? Ăn một món ngon giống như một cuộc trải nghiệm để được ngắm, ngửi, nếm trong cảm giác lâng lâng, phiêu bổng. Ai cũng biết con người có năm giác quan là thị giác, vị giác, khứu giác, thính giác và xúc giác. Còn giác quan thứ sáu thuộc về sự nhạy cảm của cơ thể, nói nôm na là “thần giao cách cảm”. Nếu diễn giải về các giác quan của con người và áp nó vào cái thú ẩm thực theo cách nghĩ thông thường thì khi được ăn, đầu tiên chúng ta sẽ hít hà mùi thơm, ngắm vẻ đẹp pha trộn sắc màu và nếm để cảm nhận món ăn ngon thế nào. Nhưng vì nhận thức của con người ngày càng được nâng cao nên nếu thưởng thức món ăn chỉ bằng cách nhìn, ngửi và nếm là chưa đủ, mà cần có một sự trải nghiệm thật sự để đạt được sự thăng hoa của mọi giác quan.
Muốn có một món ăn ngon, nguyên liệu phải tươi rói, được chọn lọc kỹ càng rồi chế biến bởi những đầu bếp có tay nghề, lòng đam mê và ý tưởng sáng tạo. Người đầu bếp giỏi không “bài binh bố trận” ngồn ngộn thức ăn, mà tính toán cẩn thận sao cho từng lát thịt, miếng cá, con tôm phối hợp với nhau theo một sự sắp đặt khôn ngoan, để khách dễ dàng nhận biết đó là những món ngon, đáng để thưởng thức. Những cọng ngò, lá rau xanh, miếng nấm, sợi rong biển hay lát ớt đều được đặt đúng vị trí với mục đích tô điểm và làm nổi bật món ăn chính. Lần đầu tiên chưa quen, không ít người đã thắc mắc sao cái đĩa to thế mà món salad lại khiêm nhường chỉ bằng cái chén nhỏ lật úp. Nhưng khi lướt qua thực đơn, rồi để ý quan sát mới thấy những miếng tôm tươi, vài vuông bí ngòi xanh nhỏ xíu cùng bơ sáp, cà chua đỏ cũng nhỏ, thêm vài cọng cải mầm rồi rưới nước xốt yogurt cũng đều chỉ giữ vai trò làm nền vì phía trên cái chén úp là non đầu đũa trứng cá caviar – loại thực phẩm thuộc hàng cao lương mỹ vị và một lát mỏng như khói của… lá vàng! Đó đích thị là một tuyệt tác ẩm thực. Hay như món salad hào, con hào sau khi chiên được nhúng vào một loại nước xốt đặc biệt chế từ trứng muối, rượu vang trắng, chút nước cốt chanh và bơ, sau đó lăn cốm giòn, phía trên nõn xanh những lá xà lách, uốn lượn xung quanh là vài muỗng xốt mù tạt trộn rong biển. Ăn kèm với mấy lát gừng non ngâm giấm đỏ để át vị tanh của hào cũng là để tạo sự hài hòa cho món ăn…
Nếu có lần dự buổi tiệc tối tại White Palace, chắc hẳn bạn sẽ thích thú được ngắm món tráng miệng đẹp như một bức tranh nhất là khi ánh đèn trong phòng được chỉnh thật nhẹ, để cho chúng ta có cảm giác như đang lạc vào một hang động đẹp và khi ấy ta mới cảm nhận được sâu sắc ý nghĩa của sự “ăn bằng mắt”. Khi đã dần đạt đến độ “sành” nhất định về ẩm thực và nhâm nhi đến miếng cuối cùng, ta mới thật sự dùng đến sáu giác quan để nhận biết được những xúc cảm có thật đang tồn tại trong cơ thể mình.
Bạn có lần nào trải qua cái thú ngắm các món ăn được trình bày như những tác phẩm nghệ thuật chưa? Những nét vẽ đan chéo đầy màu sắc của các loại rau, củ, quả, nhất là sự chắt lọc tinh tế loại thực phẩm là nguyên liệu chính làm nền cho bức tranh sinh động ấy? Một đêm, trong căn phòng ấm áp với ánh nến lung linh, tiếng nhạc dịu dàng, cùng những người thân trải nghiệm những món ăn ngon bằng tất cả xúc cảm, ta sẽ thấy tâm hồn mình như được thăng hoa. Bữa ăn tối đầy tiếng cười trong không gian êm đềm như vậy hẳn sẽ đi vào trí nhớ xanh thơm của mỗi người như một kỷ niệm đẹp, khó quên.
Phạm Tuyền