“Có một khu rừng nhiệt đới ở trong hang Sơn Đoòng, đường đi cực kỳ vất vả, hiểm trở, trải qua nhiều sông sâu, vách đứng, vực thẳm trong hang mới tới được”
Lời mô tả của Howard Limbert, nhà thám hiểm có công khai phá và công bố về hang Sơn Đoòng, tỉnh Quảng Bình khiến chúng tôi, những người làm công việc nghiên cứu liên tưởng ngay đến một thế giới tự nhiên trong lòng đất và nhận lời tham gia chuyến thám hiểm với tất cả sự háo hức.
Sông núi trong lòng đất
Với mục đích khám phá những bí ẩn trong hang động vừa được Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh công nhận là cao, rộng và có lẽ là đẹp nhất thế giới, đoàn khảo sát của chúng tôi có sự góp mặt của các nhà khoa học địa mạo Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, các nhà hang động học người Mỹ và người Anh, các nhà sinh vật học từ New Zealand, các nhà làm phim, phóng viên, nhiếp ảnh gia… của kênh truyền hình và tạp chí National Geographic. Ngoài ra đoàn còn có sự tham gia hỗ trợ của 23 người dân địa phương trong đó có anh Hồ Khanh – người phát hiện ra Sơn Đoòng.
Ngày đầu tiên, sau hành trình 11 cây số đường rừng, chúng tôi dừng lại trước sự kỳ vĩ của các khối núi đá vôi ở khu vực Hang Én và nghỉ chân bên dòng suối xinh đẹp dưới vòm hang đá rất rộng. Chiều hôm sau cả đoàn mới đến được cửa hang Sơn Đoòng.
Lúc này, gió từ trong hang, trong lòng đất thổi ra hun hút rợn cả người. Nếu không có phương tiện trợ giúp chuyên nghiệp, chắc chắn không ai có thể xuống được đáy hang vì từ trên nhìn xuống chỉ thấy một hố sâu thẳm thẳm, trơn tuột và ẩm ướt.
Sau một ngày khảo sát lối đi trong lòng hang với vách đá, dốc núi, lòng suối, cánh đồng cát… liên tục nối tiếp nhau, ai nấy đều canh cánh nỗi lo bị lạc đường mặc dù cứ khoảng 10 đến 20 mét lại có một đoạn dây buộc phản quang làm dấu. Có những đoạn các thành viên phải buộc dây leo để vượt vách hang cao đến hơn 50 mét vừa trơn lại vừa ướt.
Hành trình đi tìm các hố sụt (một hiện tượng sụt lún đối với những khu vực có cấu trúc địa chất đặc biệt) trong lòng hang Sơn Đoòng bắt đầu bằng việc vượt qua dòng sông chảy xiết nhờ dây nối neo chắc hai bên bờ do các chuyên gia của đoàn vừa tạo nên. Lòng sông tối, nếu không có đèn pha, dây nối thì khó ai có thể vượt qua được.
Qua mấy chỗ như thế, rồi đến cánh đồng cát, đến một đoạn vách hang chỉ có các nhũ đá xếp lớp, xếp tầng. Qua những lần nổ đèn chụp toàn cảnh trong hang của các nhiếp ảnh gia, chúng tôi đã nhìn thấy rất nhiều nhũ đá hình thù kỳ ảo cùng với nhiều hồ, ao ở dưới đáy hang. Lòng sông thì sâu thăm thẳm, lại khúc khuỷu, gập ghềnh, liên tục có thác. Vì vậy, đi trên sườn vách hang mà cứ như là leo núi ở bên ngoài vậy.
Một số chỗ khi vượt qua, bằng ánh sáng ngọn đèn trên đầu, chúng tôi nhận thấy có rất nhiều hóa thạch trên các mặt đá vôi, đa số chúng là hóa thạch của giáp xác và trùng ba lá. Đôi chỗ ở gần những nơi có lỗ hổng và có chút ít ánh sáng lọt vào, đa phần là ánh sáng tán xạ, vi khuẩn và nấm, tảo kết hợp với nhau thành địa y phát triển trên bề mặt các khối nhũ có khả năng phản quang tạo ra thứ ánh sáng yếu ớt.
Vượt qua bốn cây số đường đi như thế, qua hàng chục đoạn nguy hiểm, nhiều đoạn phải đóng đinh, buộc dây ròng qua các hòn đá tảng, vách núi, làm thang dây… chúng tôi mới đến được hố sụt thứ nhất, ở đó có nhiều loài cây mọc lên và đa số chúng là trảng cỏ, trảng cây bụi có xen một số cây thân gỗ nhỏ, là các cây non của các loài cây gỗ ở bên ngoài hố sụt phát tán tới. Vách hố sụt cao hàng trăm mét, trong hố sụt còn có những quả đồi, vách núi…
- Xem thêm: Khám phá thế giới hang động Tú Làn
Qua một vòm hang tối nữa, chúng tôi mới tới được hố sụt thứ hai. Đây quả là một khoảng rừng nhiệt đới với nhiều cây gỗ to, rừng có cấu trúc phân tầng. Những ngày sau đó, chúng tôi khảo sát và quay phim cảnh rừng nhiệt đới ở trong hang. Cảm giác khi bước chân vào khu rừng này thật đặc biệt, như là bước vào một thế giới khác trong lòng đất nhưng vẫn có ánh sáng.
Xưa nay, nói đến hang người ta thường nghĩ đến vẻ tối tăm, ẩm ướt, đồng thời cũng là sự bí ẩn khôn lường. Trong hang thường không có ánh sáng, đồng nghĩa với việc không có thực vật. Việc tồn tại một khu rừng ở trong hang phải chăng là điều kỳ diệu về một thế giới thứ hai trong lòng đất?
Những đồi cỏ dưới hang sâu
Bước qua khoảng không đen tối cuối cùng của đoạn hang tối dài nhất trong hệ thống hang Sơn Đoòng, chúng tôi đã tới được hố sụt đầu tiên. Ngửa mặt lên trời, nhìn qua vách hang cao hàng trăm mét thấy cảnh trời xanh, nhìn ra xung quanh thấy cảnh mênh mông bát ngát của đáy hố sụt. Rất nhiều loài thực vật đang tồn tại nơi đây. Đó là điều minh chứng cho cái cảm giác lạc vào thế giới khác của chúng tôi.
Cái hố sụt là kết quả của một khối lượng lớn đất đá đã bị thụt xuống trong lịch sử hình thành lòng hang, từ đó để hở ra một khoảng trống ở trần hang, giống như lỗ khuyết hơi trên một chiếc sáo trúc vậy. Cái “cửa trời” này là nơi đưa các loài sinh vật đi vào trong lòng đất.
Trong suốt chuyến hành trình, chúng tôi không tìm thấy loài sinh vật nào đặc biệt mang điểm khác biệt với họ hàng của chúng ở bên ngoài. Điều đó phù hợp với lịch sử hình thành lòng hang hiện vẫn còn trong quá trình tạo thành chưa kết thúc, tức là quá trình xảy ra chưa đủ lâu để một loài sinh vật mới có thể được hình thành ở đây.
Với việc đáy hố sụt bị khoét rộng theo nhiều phía, vách hang gần như cũng là trần hang của các khu vực rìa và ở đó có nhiều măng đá được hình thành, nhiều đến nỗi nó to như một quả đồi và đã được rêu, địa y cùng với nhiều loài cây thân thảo bao phủ.
Với khí hậu ẩm, mát gần như ổn định quanh năm ở trong lòng các hố sụt, sự phong hóa xảy ra rất nhanh làm dầy lên tầng phong hóa của bề mặt, là cơ sở cho sự tồn tại và phát triển của hệ thực vật. Hiện tại, xét một cách tổng thể thì các loài thân thảo là những sinh vật ưu thế nhất và bởi vậy, lòng hố sụt này nhìn chẳng khác gì một đồi cỏ, điều khác biệt là đồi cỏ này nằm trong hang mà thôi.
Ở phía trên của vách hang, cách miệng hố sụt khoảng 15 – 30m có khá nhiều các loài cây gỗ nhỏ bám vách đưa tán ra ngoài, thi nhau chiếm dụng phần không gian trống của miệng hố. Tuy thế, với điều kiện rất hạn chế về dinh dưỡng, những cây đó không thể bám chắc mãi và cũng không thể phát triển hơn được. Những cây lớn tới hạn không thể chịu đựng được sức kéo của trọng lực sẽ bị bật gốc và rơi xuống nền hang.
Rừng nhiệt đới ở trong hang
Tiếp tục vượt qua một đoạn hang tối với nhiều bậc thềm được tạo thành từ nhũ đá, chúng tôi tới được hố sụt thứ hai. Khi ánh dương quang phản xạ lại đường hầm, tắt đèn trên đầu, chúng tôi bắt đầu nhìn thấy lấp ló phía xa gò cửa hang là những tán cây gỗ cao lớn.
Bước chân đầu tiên chúng tôi đặt tới ở khu rừng nhiệt đới đặc biệt này cũng thật bất ngờ. Nhìn mặt đất có vẻ bình thường như ở những nơi khác, nhưng khi giẫm chân lên mới thấy có sự khác lạ. Chân của chúng tôi bị thụt sâu trong lớp bột cát, sản phẩm phong hóa của đá vôi. Khu vực này trước đây chắc chắn đã có một dòng sông, có thể là sông ngầm chảy qua, và có thể chính sự hình thành hố sụt này đã cắt đứt sự liên tục của dòng sông.
Hố sụt thứ hai rất rộng, rộng cả về diện tích cũng như khoảng không gian ở miệng hố. Nếu đứng ở một góc của hố thì chắc chắn rằng người ta sẽ nghĩ đây chỉ là một cái thung lũng, hay đáy một cái vực sâu mà thôi. Chỉ khi đi hết được toàn bộ chu vi của lòng hố sụt tôi mới dám nghĩ rằng, nó thực sự là một cái hố và ở một số nơi, cái hố đó có cửa hang đi vào các đường hầm sâu thẳm.
- Xem thêm: Hang Va
Cũng nhờ sự rộng rãi của lòng hang, nhờ miệng hố sụt, thêm vào đó là sự tồn tại của con sông trong quá khứ nên thảm thực vật ở đây khá phong phú, đa dạng, mang dáng vẻ của một khu rừng nhiệt đới điển hình như bao khu rừng nhiệt đới khác của thung lũng núi đá vôi Phong Nha – Kẻ Bàng.
Qua hai hố sụt của hệ thống hang Sơn Đoòng – điều gần như có một không hai trên thế giới, chúng tôi tin rằng, trong tương lai, thực vật nói riêng và hệ sinh thái nói chung của các hố sụt có xu hướng giống với bên ngoài nhưng rất có thể sẽ có những điều đặc biệt bởi vì khí hậu và sự cô lập của từng hố sụt là hoàn toàn khác với bên ngoài. Cái đặc biệt đó chính là cốt lõi tồn tại một rừng nhiệt đới ở trong hang.
(Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam)