Mơ học để ca được, Anh đâu dám nghĩ có ngày được gần thật những “ông hoàng bà chúa” trên sân khấu cải lương thời bấy giờ.
Tốt nghiệp trường sân khấu vào năm 1977, kép trẻ ra trường cũng không dễ kiếm cơ hội vì những năm đấy tên tuổi như Thành Được, Minh Vương, Thanh Sang lồng lộng và vang dội lắm. Nhà hát Trần Hữu Trang – là bệ phóng cho lớp nghệ sĩ cải lương trẻ đầu tiên được đào tạo bài bản sau giải phóng như Thanh Thanh Tâm, Ngọc Huyền, Vũ Linh, Bảo Anh, Phương Hồng Thủy… bay lên. Ngay lúc sân khấu cải lương đang huy hoàng với những tên tuổi lớn như Bạch Tuyết, Ngọc Giàu, Phượng Liên, Minh Vương, Lệ Thủy, Thanh Sang… Bảo Anh bước lên sân khấu lớn sắm vai kép đẹp cùng sàn diễn với các nghệ sĩ danh tiếng: Chuyện cổ Bát Tràng với tên tuổi Phượng Liên, Tâm sự Ngọc Hân với Mỹ Châu, Cánh én mùa xuân với Kiều Phượng Loan (Bạch Tuyết làm đạo diễn sau chuyến du học ở Anh). Như lời anh nói: nghệ sĩ Phượng Liên và Ngọc Giàu đã “bẻ tay, bẻ chân” nắn cho anh cách ca, cách diễn. Sân khấu cải lương cho Bảo Anh một chỗ đứng trong lòng khán giả để ba mươi năm sau khi về miền Tây đóng phim anh vẫn được khán giả nhận ra và chào đón.
Bảo Anh trong phim Yêu trong thù hận
Trên sân khấu kịch nói, nghệ sĩ Kim Cương là một người thầy lớn, người đồng môn đã cho Bảo Anh thật nhiều cơ hội để diễn những vai kép chính trong các vở Trà hoa nữ, Bông hồng cài áo, Huyền thoại mẹ, Lá sầu riêng. Nghệ sĩ Bảy Nam đã chỉ dạy Bảo Anh như con còn NS Kim Cương lại là người thầy, nhà quản lý nghiêm khắc và là người bạn diễn lớn. NS Kim Cương đã “đặt để” Bảo Anh vào nhiều loại vai từ hoàng đế, công tử, người chính trực, trí thức, thậm chí một kẻ đểu giả… để anh phát triển tính cách nhân vật. Nhớ khi tập vở Con nai đen rừng đế thích, thấy Bảo Anh diễn còn căng thẳng, NS Kim Cương nói “Em cứ buông mọi thứ, hãy coi chị là một hoàng hậu mà em yêu thích”. Bảo Anh học được cách vào các loại tính cách nhân vật từ NS Kim Cương. Chính trên sân khấu này anh nhận được huy chương vàng cho vai kỹ sư Nghĩa trong vở Huyền thoại mẹ. Năm 1996, Bảo Anh cộng tác với đạo diễn Hoa Hạ làm SK ba thế hệ. Một lần nữa anh lại được huy chương vàng cho vai Đại úy Hoàng Bạch trong vở Vượt qua đêm tối.
Những năm sân khấu truyền thống đìu hiu, những vở diễn tầm cỡ vắng bóng, khán giả hụt hẫng. Nghệ sĩ ngược xuôi đi hát bài lẻ, Bảo Anh cũng đi hát Đoạn tuyệt với Bạch Tuyết, Đêm giao thừa với Minh Vương, Lệ Thủy. Cuộc đời sẽ ra sao nếu tên tuổi Bảo Anh dần vắng bóng theo sự xuống cấp của sân khấu cải lương – một bộ môn từng đã được mệnh danh là ông hoàng của ca kịch?
Thời của phim truyền hình, dân sân khấu cải lương chuyển sang điện ảnh khó lắm, bởi: “Người ta sợ ông này đóng phim đậm chất sân khấu”. Chất kịch của sân khấu vốn kỵ với chất tự nhiên của điện ảnh. Bảo Anh có cái duyên và có nhiều cơ may, anh được làm phim và kịch truyền hình với nhiều đạo diễn tên tuổi thời bấy giờ như Phan Vũ, Đoàn Bá, Huỳnh Minh Nhị, Công Thành. Vào buổi ban đầu, làm phim truyền hình cũng kỳ công và chăm chút kỹ như phim nhựa. Một tên tuổi Bảo Anh từ sân khấu cải lương như chiếc cầu nối giúp anh bước sang lĩnh vực điện ảnh một cách tự tin và chuyên nghiệp. “Sức thanh xuân của tuổi 20, 30 qua đi như một trường học nghề quý báu, tôi diễn bằng sự học hỏi. Tuổi 40 trở đi là sự chín nghề, tôi diễn bằng sự trải nghiệm. Thăng hoa với sự sáng tạo”. Anh cũng không thể nhớ nổi những phim mình đã được tham gia.
Gặp anh trong buổi ra mắt phim Cha và Con, ngỡ ngàng về sức trẻ của tuổi tác. Bảo Anh hồ hởi khoe nhân vật mới trong phim của đạo diễn Ly Khắc Linh, một đạo diễn mà tên tuổi được dân trong giới coi như một bảo đảm về chất lượng và sự sáng tạo. Trong phim, Bảo Anh là một sĩ quan phá án về hưu. Cuộc sống của ông vốn quen với nhịp độ căng thẳng, bận rộn bây giờ về hưu vui với cần câu, nghỉ ngơi, ông thấy mình như thừa thãi. Ông “xía” vào chuyện phá án của cô con gái cưng đang theo nghề cha. Những tình huống cha – con, xen lẫn những vụ án mà ông không muốn đứng ngoài cuộc, khán giả lo âu, buồn vui. Tâm tình của người cha đã suốt đời theo cái nghề nguy hiểm. Ông có lúc cũng tự hào vì con, có lúc hoang mang khi con gái bị nguy hiểm. Thậm chí, ông còn muốn con bỏ nghề để có một cuộc sống an lành, hạnh phúc. Những tập phim đầu tiên cho thấy một Bảo Anh diễn tinh đời, sâu sắc và duyên đến lạ. Dường như con người kịch sĩ, cải lương trong anh đã biến mất. Thay vào đó, là một Bảo Anh hài hước như chính anh trong cuộc đời, “vai diễn này đã lột xác được tôi”, anh chia sẻ. Nhưng vai Bảo Anh sướng bởi sự sáng tạo mà anh cho là lạ và độc đáo của mình là vai ông Phi trong phim Yêu trong thù hận sắp phát sóng. Đây là số phận khủng khiếp của một con người sống bằng thủ đoạn. Bảo Anh đã kỹ lưỡng tìm tòi, đầu tư cho nhân vật từ cách hóa trang đến trang phục. Có những cảnh quay anh phiêu đến mức đạo diễn không cần định vị máy quay mà cho quay phim cầm máy quay theo cách diễn của anh. Nhân vật Phi ác đến mức trở thành tâm thần, điên loạn. Cao trào phim là cảnh ông ta nhận ra chính mình đã hạ sát cả con mình: Đôi mắt hoang dại, những cử động vô hồn. Làm sao để người xem thấy ông ta đang liệt não? Cảnh quay xong diễn viên như bị vắt kiệt sức, cái mệt của người dốc lực, dốc tâm cho vai diễn. Kết phim, Y ta với tay chấp chới những tờ báo xé vụn (Y ta nghĩ đó là những đồng tiền), tay kia hắn ôm chặt con búp bê, miệng lảm nhảm như nói với con trai. Bảo Anh đề nghị đạo diễn bỏ lời, đừng để nhân vật nói mà chỉ câm lặng. Anh muốn diễn sự khốc liệt nhất của một bạo chúa bằng ngôn ngữ của diễn xuất.
Nói về diễn viên Bảo Anh hôm nay, đạo diễn Ly Khắc Linh nhận xét: “Tôi thích Bảo Anh. Anh ấy luôn bắt đầu từ sự sáng tạo”. Còn Bảo Anh rất tự tin: “Tôi muốn làm mới tôi”. Hiện tại, Bảo Anh là diễn viên cải lương nam duy nhất tiếp tục thành công ở phim truyền hình. Hỏi anh bí quyết nào giữ được sự thanh xuân của nghề? Anh gỏn gọn một câu “Tổ đãi”. Nói về cuộc đời, anh tâm sự: “Đó là một câu chuyện khác, đã có người đề nghị tôi chia sẻ cuộc đời mình để viết thành một kịch bản”. Riêng tôi, tôi biết chắc một điều, sẽ có ngày mình tiếp tục một cuộc chuyện trò mới đầy thú vị cùng anh…
Việt Nga