Ngay từ buổi đầu của nghệ thuật nhiếp ảnh, nữ giới đã tham gia tích cực vào việc sáng tác, góp phần quan trọng vào sự phát triển của ảnh nghệ thuật. Bằng sự tinh tế, nhạy cảm kết hợp với tính hiếu kỳ, can đảm, họ đã nghĩ ra được nhiều đề tài thú vị cùng những cách thức phản ánh nội dung độc đáo.
Một trong những nữ tác giả đầu tiên trong nhiếp ảnh là nhà thực vật người Anh Anna Atkins (1799-1871). Vào năm 1841, bà đã là phụ nữ đầu tiên cầm máy chụp ảnh; không chỉ vậy, 2 năm sau còn là người tiên phong làm sách khoa học có các hình ảnh minh họa.
Do yêu thực vật, bà đã chụp ảnh các loại tảo khô từ biển và dùng phương pháp cyanotype để tráng hình, đóng thành các cuốn sách, vừa là sách ảnh đầu tiên vừa là sách khoa học bằng ảnh sơ khai. Kế tiếp bà cũng có nhiều nữ nghệ sĩ tạo được nhiều loạt ảnh là tiền thân của các thể loại hôm nay như ở Anh vào cuối thập niên 1850 là nữ tử tước Clementina Hawarden (1822-1865).
Bà là người đi đầu trong việc chụp ảnh phong cảnh của Anh và thế giới với nhiều tác phẩm về Dundrum – Ireland và sau này là ảnh chân dung, đặc biệt là ảnh hai cô con gái tuổi teen trong trang phục hàng ngày. Bà đã chụp tới 800 bức ảnh của con gái, khắc họa vẻ đẹp đáng yêu của tuổi mới lớn, chân dung và cách ăn mặc hấp dẫn thời Victoria.
Vào các năm 1864-75 là nữ nghệ sĩ Julia Margaret Cameron (1815-1879). Khi 48 tuổi, bà mới cầm máy song đã cho ra nhiều tác phẩm chất lượng, có tính nghệ thuật và lịch sử cao và về nhiều nhân vật có thực lẫn huyền thoại như họa sĩ G. F. Watts, thi hào Robert Brown, nhà sinh học Charles Darwin, sử gia Thomas Carlyte…
Mỗi bức ảnh của bà đều mềm mại, tuy hơi mờ song không mất chi tiết và là nền tảng của ảnh họa (Pictorialism) đầu thế kỷ 20.
Ở Pháp là nữ nghệ sĩ Genevieve Elisabeth Disderi (1817-1878) với ảnh kiến trúc.
Tại Đức là Wehnert-Beckmann (1815- 1901) – ảnh chân dung; Thụy Điển có Bertha Valerius (1824-1895) – ảnh hoàng gia và Mỹ có Sarah Ladd (1860-1927) – ảnh phong cảnh…
Càng về sau, nhất là thế kỷ 20, các tác giả nữ càng thực hiện được nhiều chủ đề khó mà ngay cả nam giới cũng ít làm nổi. Chẳng hạn như ảnh tin tức tài liệu mà hôm nay gọi là ảnh báo chí. Người có đóng góp sớm nhất về ảnh báo chí là nữ nghệ sĩ Ba Lan Gerda Taro (1910- 1937). Bà là một nữ thợ ảnh chiến trường đầu tiên đã có mặt trên các trận tuyến và hy sinh khi làm nhiệm vụ. Trong nội chiến Tây Ban Nha năm 1936, bà đã cùng nhiếp ảnh gia Robert Capa lăn lộn trên chiến trường và có nhiều tác phẩm đặc tả những giây phút vui buồn của người lính.
Khác với Taro, nữ nghệ sĩ Mỹ Margaret Bourke-White (1904-1971) lại là người phóng viên nữ một mình trên chiến trường Thế chiến thứ hai. Bà cũng là người duy nhất lúc đó được phép theo quân đội Mỹ ra trận, ghi lại cảnh chiến sự. Ngoài Thế chiến, bà cũng thực hiện được nhiều vấn đề nóng bỏng khác như cuộc khủng hoảng (nghèo đói) ở nông thôn Mỹ, sự phát triển của công nghiệp Liên Xô, việc phân chia lãnh thổ giữa Ấn Độ-Pakistan… và đặc biệt nổi tiếng với bức ảnh thủ lĩnh Ấn Độ Mahatma Gandhi đang ngồi bên khung cửi vài giờ trước khi bị ám sát.
Cũng là một nữ tác giả, Mỹ Helen Levitt (1913-2009) là người dẫn đầu trong việc phản ánh cuộc sống trên đường phố. Do sống cạnh những người nghèo, thấu hiểu hoàn cảnh của họ, bà đã làm nên bộ ảnh kể về những điều giản dị trong cuộc sống dân nghèo ở các khu phố New York. Phần lớn ảnh khắc họa các trò chơi của trẻ thơ, buổi trò chuyện của người già, cảnh hẹn hò- đùa nghịch – nhảy múa trên đường phố.
Nữ nghệ sĩ Pháp Claude Cahun (1894-1954) cũng đã nổi danh từ thập niên 1930 về chân dung siêu thực. Không dùng lối phản ánh nhẹ nhàng cổ điển, bà thường đưa vào ảnh rất nhiều yếu tố phức tạp, giật gân. Nhìn vào đó, rất khó hiểu được tính cách hay suy nghĩ, thậm chí là câu chuyện của người mẫu do có sự hóa trang cầu kỳ và sự đánh đồng giới tính.
Ở thời điểm chưa có photoshop, để tạo nên các hình thù lạ mắt, bà đã phải sử dụng khá nhiều thủ pháp, từ việc chụp đè đến việc dàn dựng sân khấu, cho người mẫu đội mặt nạ và đứng ở các tư thế khác nhau, để từ một người hóa ra nhiều nhân vật. Bà cũng đặt ra một vấn đề rất mới trong nhiếp ảnh, đó là sự tồn tại của giới tính thứ ba, gây tranh cãi trong dư luận.
Vừa tiên phong trong ảnh hiện đại vừa đứng đầu trong ảnh cắt dán là nữ nghệ sĩ Đức Germaine Krull (1897-1985). Nhờ đi khắp thế giới, tận bốn châu lục nên bà có cái nhìn rất thoáng về sự vật và thể hiện nó một cách tự do – hiện đại. Bà là một người đầu tiên chụp ảnh về công nghiệp, trong đó có các nhà máy, cầu cống, máy móc.
Bà thường chụp các công trình từ dưới lên trên, cho thấy sự đồ sộ choáng ngợp của kiến trúc và vào năm 1928 đã cho ra cuốn sách Kim loại, khắc họa nhiều cảnh đẹp của Paris, trong đó có tháp Eiffel với những tầng lớp sắt thép mang lại ấn tượng sâu sắc. Khi chụp ảnh chân dung, bà thường đặc tả đôi bàn tay, xem đây là phần gợi cảm nhất của cơ thể trong khi lại dấu đi khuôn mặt như một cách ví von về tài năng là yếu tố trên hết. Bà cũng sáng tác nhiều ảnh khỏa thân, song thường để người mẫu được che chắn một cách kín đáo, thanh lịch cũng như có các dáng dấp linh hoạt.
Trong lĩnh vực ảnh thời trang, phải kể tới nữ nghệ sĩ Mỹ Louise Emma Augusta Dahl (1895-1989). Bà không chỉ là người có nhiều tác phẩm đăng báo nhất mà còn là người đầu tiên chủ trương chụp ảnh ngoài trời dưới ánh sáng tự nhiên thay vì phòng kín. Bà đã chụp cho rất nhiều nhân vật nổi tiếng, và từ năm 1936 đến1958 khi làm việc với tạp chí Harper Bazaar, đã có 86 bức ảnh lên trang bìa, 600 trang màu và vô số ảnh đen trắng. Ngay từ thời kỳ đầu của ảnh màu, bà cũng đã tạo được riêng cho mình những loại màu sắc và duy trì nó trở thành một tiêu chuẩn của sự trang nhã suốt thập niên 1950. Bà cũng nghĩ ra việc xây dựng hình ảnh người phụ nữ mới – ăn mặc hiện đại trong lúc người ta vẫn còn nặng về tính truyền thống.
Nếu Augusta Dahl mới chỉ khuyến khích phụ nữ mặc hợp mốt một chút mà vẫn giữ được sự kín đáo, nhã nhặn thì nữ nghệ sĩ Đức Ellen Von Unwerth còn đưa họ lên hàng siêu sao bốc lửa, đem tới cho người xem một trang sử mới về thời trang. Tại đó, phụ nữ cực kỳ khêu gợi, tự tin và nổi bật. Do trước khi đến với ảnh, đã từng làm một người mẫu trong 10 năm nên nữ nghệ sĩ hiểu rất rõ về cách làm đẹp và có thể làm đẹp, làm mới một người trong bất cứ hoàn cảnh nào. Ảnh của cô ngoài vẻ gợi cảm còn rất giàu năng lượng bởi các cử chỉ vui nhộn, mạnh mẽ. Có khá nhiều nhân vật showbiz đã được cô chụp ảnh như Claudia Schiffer, Naomi Campbell, Kate Moss, Madona, Rihanna…
Có ảnh hưởng rất lớn đến ảnh ý niệm và phong cách selfie của các bạn trẻ hôm nay, nữ nghệ sĩ Mỹ Cindy Sherman (1954) đã được biết đến từ năm 1977 nhờ những bức chân dung đen trắng vô đề và giàu ý tưởng. Nhằm phản ánh những tâm tư, tình cảm của một người phụ nữ trong nhiều độ tuổi và thời kỳ lịch sử, khi 23 tuổi, cô đã thủ vai các thiếu nữ, phụ nữ, thủ thư, nghệ sĩ hề, người ly dị chồng cùng nhiều nhân vật nữ trong tạp chíí Playboy và tạo ra hàng loạt ảnh chân dung của chính mình. Mỗi tác phẩm đều chứa một ý niệm về cuộc sống đáng suy ngẫm. Để làm ra táác phâẩm, tác giả đã phải kiêm nhiệm mọi việc từ người mẫu đến đạo diễn, thợ uốn tóc- tô điểm – phục trang…
Đối với nhiều người, phương Đông vẫn là một thế giới huyền bí do có nhiều điều luật cùng sự cấm kỵ. Nhiếp ảnh mặc dù đã ra đời gần 200 năm song đến nay vẫn chưa thể phản ánh được rõ ràng đời sống con người phương Đông, nhất là phụ nữ. Ở nhiều nơi, nữ giới vẫn bịt mặt và giấu mình sau mỗi bức tường, rất ít khi chụp được ảnh họ.
Thế nhưng, qua một số nữ tác giả như nữ nghệ sĩ Morocco Lalla Essaydi (1956), lần đầu tiên phương Tây đã phần nào biết được về vẻ đẹp nết na, duyên dáng cùng những vai trò của phụ nữ trong gia đình và nơi ở. Những bức ảnh của cô được sáng tác theo những bức tranh Ả Rập thế kỷ 19, trong đó có những hình vẽ henna là những họa tiết dùng để trang trí trên tay chân cô dâu cùng các dòng chữ thư pháp.
Bình thường ở mỗi bức tranh này chỉ có một số dòng chữ, song khi lên ảnh các họa tiết, ký tự được vẽ rất dày đặc trên thân thể, quần áo, vải vóc, đồ dùng và nói chung là bất cứ khoảng trống nào trong nhà, đem lại một ấn tượng khó phai. Những hình này chính là một biểu tượng cho phong tục tập quán, tín ngưỡng lâu đời cùng cách làm đẹp, sự nữ tính và uy quyền của người phụ nữ Hồi giáo từ xa xưa.