Mỗi khi có dịp đến một nơi nào đó, du khách thường chọn sản phẩm đặc trưng của địa phương để mua làm quà lưu niệm. Theo tạp chí Travel Leisure, sản phẩm được mua sắm nhiều nhất chính là mắt kính thời trang.
Biến tấu của mắt kính
Những chiếc kính ra đời đầu tiên nhằm phục vụ cho nhu cầu nhìn mọi thứ được rõ hơn của con người. Vào thế kỷ V trước Công nguyên; triết gia Aristotle là người đầu tiên đã phát hiện và nghiên cứu về tật cận thị. Tuy nhiên thật bất ngờ là chiếc kính dành cho người bị tật viễn thị lại xuất hiện rất sớm ở châu Âu vào thế kỷ XIII. Nếu tìm tòi thời điểm ra đời cụ thể của chiếc mắt kính, có thể căn cứ vào bức tranh của họa sĩ Ý Tommaso da Modena thực hiện vào năm 1352, thế kỷ XIV.
Thực ra từ năm 1266, ông Rodger Becon người Ý đã bắt đầu biết dùng chiếc kính lúp để có thể nhìn rõ hơn các chữ cái trên trang sách. Mãi đến năm 1352, trên một bức tranh chân dung người ta mới nhìn thấy Hồng y Jugon đeo một đôi kính có hai mắt kính được buộc vào một cái gọng đặt trên sống mũi, để thuyết giảng. Từ đó, chúng ta chỉ có thể biết được rằng đôi kính được làm ra trong khoảng giữa những năm 1266-1352. Người Trung Hoa cũng không chịu thua kém; đoạn ghi chép trong sách Tam tài đồ hội (năm 1609) cho rằng khi thẩm vấn bị cáo và nhân chứng, các nhà thẩm phán đều đeo một chiếc kính được làm từ đá thạch anh, để giúp họ che đi đôi mắt và những biểu cảm trên gương mặt.
Thế rồi sự ra đời của sách in trở thành đòn bẫy thúc đẩy việc nghiên cứu sản xuất kính. Vào thế kỷ XV, những cặp kính chủ yếu được sản xuất tại miền Bắc nước Ý và miền Nam nước Đức, những nơi tập trung nhiều người thợ giỏi. Năm 1629, vua Charles của nước Anh ký sắc lệnh thành lập hiệp hội của các thợ làm kính. Thời kỳ đầu, kính đeo mắt chỉ là loại kính đơn, khi dùng thì cầm trên tay; nó chỉ được dùng cho những người có địa vị trong xã hội để thị uy chứ không nhằm mục đích để tăng thị lực.
Thế rồi, mãi đến thế kỷ XV, loại kính dành cho người cận thị mới xuất hiện. Một trong những chiếc kính cận thị đầu tiên được ghi nhận là của Đức Giáo hoàng Leo X. Chiếc kính này xuất hiện trong bức tranh chân dung của ngài do danh họa Raphael của Ý vẽ vào đầu thế kỷ XVI. Đến nay, trên toàn thế giới, số người có nhu cầu đeo kính cận thị ước tính có thể lên tới 2,5 tỷ người. Rồi đến thế kỷ XVIII, bác sĩ nhãn khoa Edward Scarlett của Anh đã phát minh ra chiếc kính có hai gọng nối qua tai rất tiện lợi vào năm 1730.
Năm 1748, Benjamin Franklin phát minh ra loại kính có 2 tiêu điểm mà ngày nay được biết đến với tên gọi kính 2 tròng. Năm 1825, G. Airy người Anh phát minh ra kính loạn thị. Năm 1887, thợ thủy tinh người Đức tên là Muller đã làm ra chiếc kính áp tròng đầu tiên vừa khít với mắt. Tuy nhiên danh họa Leonardo da Vinci mới là người đầu tiên phác thảo chiếc kính áp tròng.
Khác biệt nhờ sáng tạo
Cuộc phiêu lưu sáng tạo mắt kính không bao giờ dừng lại. Giữa thế kỷ XVIII, James Ayscough (Anh) đã có phát minh đột phá tạo ra loại kính màu; tác dụng làm dịu nhẹ, nhưng không quá tối, ảnh hưởng đến tầm nhìn của người sử dụng. Bước sang thế kỷ XX, kính râm đã có một vị trí ổn định trên làng thời trang quốc tế. Thị trường kính râm bắt đầu phát triển mạnh mẽ tại các bãi biển du lịch. Vào năm 1936, Edward H. Land người Mỹ đã thành công khi phát minh ra được bộ lọc Polaroid giúp cho những chiếc kính râm phù hợp với các phi công lái máy bay khỏi bị chói.
Đến giai đoạn này thì chiếc kính mắt đã thực sự được nhiều người yêu thích. Chiếc kính giúp cho người dùng nó thể hiện cá tính và đẳng cấp trước công chúng. Kính đeo mắt không chỉ là thiết bị nhằm phục hồi, nâng cao thị lực mà còn có tác dụng thẩm mỹ. Mắt kính Ray Ban ra đời vào năm 1937 tại Mỹ do Bausch và Lomb sáng lập; ban đầu được sản xuất dành cho các phi công Mỹ. Sau đó, nhờ kiểu dáng đẹp mắt, tính hữu dụng cao, chất lượng tuyệt vời mà Ray Ban dần phổ biến trong xu hướng thời trang. Đến năm 1999, thương hiệu Ray Ban được bán lại cho tập đoàn Luxottica, MiLan nước Ý.
Không thua kém, mẫu kính Aviator được sản xuất năm 1930 dành cho phi công quân đội Mỹ để chống ánh sáng gây chói mắt khi bay. Kính Aviator mang kiểu dáng đặc trưng giọt lệ với khung kính bằng kim loại cao cấp, tròng thuỷ tinh chịu lực tốt. Sau đó, mắt kính Ray Ban Wayfarer được thiết kế vào năm 1952; chiếc mắt kính này kiểu gọng kính hình thang; được nhiều chính trị gia, tài phiệt, diễn viên, ca sĩ nổi tiếng thế giới yêu thích như J. F. Kennedy, Rockefeller, Michael Jackson, Madonna. Nhãn hiệu kính Polaroid cũng ra đời vào năm 1937 tại Mỹ bởi nhà sáng chế Edwin Land; vừa là người lãnh đạo công ty vừa là nhà phát minh. Ông Edwin đã đưa công ty với quy mô nhỏ trở thành một tập đoàn công nghệ lớn (máy ảnh, máy quay phim). Năm 2007, Polaroid phá sản, mảng kinh doanh Polaroid được sang nhượng cho công ty Stymark; cuối năm 2011, nhãn hiệu này lại đổi chủ thuộc về Safilo.
Nhìn chung, mắt kính giờ đây trở thành một sản phẩm thời trang được ưa chuộng và dường như không thể thiếu trong ngành công nghiệp thời trang cao cấp. Từ cái mốc năm 1970 thì kính râm đã thực sự trở thành một trong những phụ kiện quan trọng đối với các ngôi sao thời trang và điện ảnh. Các nhà thiết kế thời trang khi sáng tạo “mốt” không thể quên một vị trí quan trọng dành cho kính râm. Đồng thời trong công nghiệp, kính đeo mắt là một loại vật dụng để bảo vệ mắt chống lại các mảnh vụn nguy hiểm dành cho công nhân xây dựng hoặc kỹ thuật viên phòng thí nghiệm; một số loại kính an toàn khác được sử dụng để bảo vệ chống lại ánh sáng hại mắt khi gò hàn hoặc phóng xạ.
Vào thế kỷ XXI, cuộc phiêu lưu của mắt kính thời trang chưa bao giờ có hồi kết. Đối với người không am hiểu, hiện nay trên thị trường “trôi nổi” đang lưu hành những chiếc kính râm tuyệt đẹp, nhưng giá bán chỉ bằng một tô phở! Trái lại, cũng những chiếc kính mắt thoạt nhìn rất bình thường; nhưng giá đến hàng ngàn, hàng vạn đô la; chẳng hạn những chiếc kính của John Lennon, Bill Gates, Mark Zuckerberg, Putin, Madonna, Lionel Messi…