Gián điệp công nghiệp, hay còn gọi là gián điệp kinh tế, là một hành vi phạm tội rất nghiêm trọng có thể kéo theo một số hình phạt rất nặng. Nó khá phổ biến và có thể mang lại cho đối thủ một lợi thế lớn trong thị trường thương mại. Dưới đây là 5 trong số nhiều vụ gián điệp công nghiệp đáng chú ý trong vài thập kỷ qua.
Gillette là một nạn nhân của gián điệp công nghiệp vào năm 1997
Năm 1997, một người đàn ông đến từ Washington, Iowa đã bị buộc tội gian lận và trộm cắp bí mật thương mại từ Gillette. Steven L. Davis, khi đó 47 tuổi, đã đánh cắp thông tin liên quan đến một hệ thống cạo râu mới mà công ty đang phát triển.
Ông là một cựu nhân viên của Wright Industries Inc. – được Gillette ủy nhiệm để giúp thiết kế thiết bị chế tạo cho hệ thống cạo râu mới. Theo trang fas.org, “vào tháng 2 và tháng 3 năm 1997, theo cáo trạng, Davis đã tiết lộ các bản vẽ kỹ thuật cho Warner-Lambert Co., Bic và American Safety Razor Co. – các đối thủ cạnh tranh của Gillette trên thị trường dao cạo râu. Việc tố cáo được thực hiện qua fax và thư điện tử. Bản cáo trạng cũng buộc tội Davis về việc làm giả dây điện”.
Davis đã nhận tội, bị kết án cho hành vi gián điệp và phải đối mặt với tổng cộng 15 năm tù và hàng trăm ngàn đô la tiền phạt.
Kodak cũng vướng phải gián điệp công nghiệp trong thập niên 1990
Trở lại những năm 1990, Kodak cũng là nạn nhân của gián điệp công nghiệp. Một cựu nhân viên của Công ty Eastman Kodak đã bị buộc tội và nhận tội với tất cả các cáo buộc. Cựu nhân viên , Harold Worden, khi đó 56 tuổi, đã đánh cắp tài sản của Kodak trị giá hàng triệu đô la. Ông đã làm việc cho Kodak hơn 30 năm và không trả lại tài liệu bí mật khi rời công ty vào năm 1992.
Ông đã cố bán những thông tin bảo mật cho các đối thủ của Kodak trong khi thành lập công ty tư vấn của riêng mình. Ông bị kết án 15 tháng tù giam vào năm 1997 sau khi nhận tội và bị phạt hơn 50.000 đô la.
Avery Dennison đã thắng kiện 40 triệu đô la tiền bồi thường từ hoạt động gián điệp vào cuối những năm 1990
Từ năm 1989 đến năm 1997, một doanh nhân người Đài Loan Ten Hong Lee, bí danh Victor Lee, và công ty Four Pillars của ông ta đã lừa đảo và đánh cắp bí mật thương mại từ công ty Avery Dennison có trụ sở tại Ohio. Công ty này là một trong những nhà sản xuất sản phẩm keo dính lớn nhất Mỹ, được sử dụng cho những thứ như tem bưu chính và băng tã.
“Kể từ tháng 7 năm 1989, các bị cáo đã thu thập những thông tin tuyệt mật và độc quyền liên quan đến các công thức cho các sản phẩm keo dính của Avery. Bản cáo trạng cũng cáo buộc rằng vào ngày 4 tháng 9 năm 1997, các bị cáo đã gặp Victor Lee trong một phòng khách sạn ở Westlake, Ohio với mục đích trao đổi thông tin, tài liệu và bí mật thương mại của Avery, vi phạm Đạo luật gián điệp kinh tế năm 1996”, fas.org, ghi chú.
Các bị cáo đã nhận tội và được yêu cầu bồi thường cho Avery Dennison số tiền 40 triệu đô la vào năm 1999. Đây là trường hợp đầu tiên được xét xử theo Đạo luật gián điệp kinh tế năm 1996 vừa được ban hành ở Mỹ. Đạo luật này đã được Quốc hội thông qua để bảo vệ các công ty Mỹ khỏi các vụ trộm của các doanh nghiệp và chính phủ nước ngoài.
IBM đã thắng kiện tại tòa án gián điệp chống lại Hitachi vào những năm 1980
Trở lại những năm 1980, IBM đã thắng kiện tại tòa án chống lại Hitachi và hai nhân viên của họ vì tội gián điệp công nghiệp. Hitachi bị buộc tội âm mưu đánh cắp thông tin máy tính bí mật từ IBM và vận chuyển nó đến Nhật Bản. Hitachi đã nhận tội với các cáo buộc cùng với Tập đoàn Điện lực Mitsubishi và 22 doanh nhân Nhật Bản, nhiều người trong số họ là quan chức cấp cao.
“Hai nhân viên đã nhận tội là Kenji Hayashi, một kỹ sư cao cấp và Isao Ohqueri, một quản lý bộ phận phần mềm. Ông Hayashi đã bị phạt 10.000 đô la, và ông Ohqueri bị phạt 4.000 đô la, và cả hai đều bị quản chế”.
Để đổi lấy lời khai nhận tội, Chính phủ Hoa Kỳ đã đồng ý không nộp thêm bất kỳ cáo buộc nào đối với tất cả các bị cáo. Hitachi cũng bị phạt 10.000 đô la vì đã tham gia vào hoạt động gián điệp.
Chiến dịch “Rồng đêm” thành công đến khó tin
Tin tặc Trung Quốc đã tìm cách đột nhập vào hệ thống máy tính của 5 công ty dầu khí đa quốc gia vào năm 2011. Họ có thể đánh cắp các kế hoạch đấu thầu và thông tin độc quyền quan trọng khác theo một bài báo của Reuters vào thời điểm đó.
“Những thông tin đó rất nhạy cảm và sẽ có giá trị rất lớn đối với các đối thủ cạnh tranh”, ông Dmitri Alperovitch – phó chủ tịch của McAfee, về nghiên cứu mối đe dọa, cho biết. Một báo cáo tổng hợp về vụ tấn công của McFee Inc được đặt tên là sự cố “Chiến dịch rồng đêm”. Báo cáo không nêu chi tiết công ty nào bị ảnh hưởng và bảy công ty tiềm năng khác cũng là nạn nhân.
“3 công ty dầu khí lớn nhất của Hoa Kỳ, Exxon Mobil, Chevron và ConocoPhillips, đều từ chối bình luận về việc họ có là mục tiêu bị nhắm đến hay không với lý do rằng chính sách công ty không cho phép họ tiết lộ các biện pháp an ninh”, hãng thông tấn Reuters đưa tin.