“Đây là những gì tôi mục sở thị về niềm vui và hạnh phúc khi một quốc gia mở cửa lại hoàn toàn sau khi chống chọi thành công với đại dịch” – Katie Lockhart, du khách Mỹ.
Chuẩn bị sớm cho ngày bỏ lockdown
Khi mùi hương thơm nhè nhẹ bay lên từ lề đường vào tận trong phòng ngủ tôi vội nhảy khỏi giường, bước ra ngoài balcony để quan sát đường phố Hà Nội. Hoá ra, người chủ toà nhà tôi ở đang đốt giấy vàng mã để cảm ơn tổ tiên và cầu may mắn. Sau một tuần không có những ca Covid mới lây lan trong cộng đồng, Chính phủ Việt Nam quyết định nới lỏng giản cách xã hội đã kéo dài 22 ngày và cho phép những cửa hàng kinh doanh mở cửa lại từ ngày 23-4.
Tuy nhiên, những dấu hiệu của cuộc sống bình thường đã bắt đầu xuất hiện vào 2 ngày hôm trước. Tiếng còi xe ồn ã hơn và có nhiều người chạy xe hai bánh trên đường phố hơn. Các chủ hiệu dọn dẹp vệ sinh bên trong và ngoài nơi buôn bán. Những tín hiệu này cho thấy thành phố và người dân Hà Nội đã ở trong tư thế sẵn sàng sinh hoạt và làm việc trở lại sau những ngày phải tự cách ly trong nhà. Quá trình mở cửa theo trình tự từng bước một trong hai tuần và nay đã mở gần như hoàn toàn.
Học sinh lần lượt đến trường một cách an toàn nhất. Đến nay, hoạt động du lịch đã tấp nập hơn tại các sân bay khi tất cả những đường bay nội địa đã hoạt động trở lại. Khách sạn tại các thành phố lớn bắt đầu đón khách. Du lịch nội địa được xem trọng khi chưa có du khách nước ngoài. Viện bảo tàng và các khu du lịch đã hoạt động bình thường.
Kỳ tích của một quốc gia đông dân nằm sát tâm dịch
Với chưa đến 300 ca nhiễm Covid-19 (tính đến 14-5) và trên 90% đã khỏi bệnh, Việt Nam không có ca tử vong nào vì Covid-19, một kỷ lục đối với một quốc gia đông dân và bị virus tấn công khá sớm vì giáp giới Trung Quốc. Không chỉ là may mắn mà còn những yếu tố khác liên quan chiến lược phòng dịch và dập dịch.
Việt Nam đóng cửa biên giới với Trung Quốc nhanh hơn nhiều nước Đông Nam Á khác. Từ cuối tháng 1, việc cấp visa được tạm ngưng để ngăn du khách mang virus vào. Lúc Việt Nam có những ca nhiễm đầu tiên, Indonesia còn được xem là “thần kỳ” vì không có ca nhiễm nào, còn Singapore được xem là “mô hình chống dịch thành công”.
Nay, Malaysia đã có hơn 7.000 ca Covid-19 được phát hiện và 111 tử vong; Thái Lan hơn 3.000 ca và 56 tử vong; Singapore hơn 25.000 ca và 21 tử vong; Indonesia hơn 1.000 người chết trong hơn 16.000 ca nhiễm. Còn Philippines có gần 800 tử vong trong gần 12.000 ca nhiễm. Đến ngày 15-5, Việt Nam sắp bước sang ngày thứ 30 không có ca nhiễm mới trong cộng đồng (chỉ có trong số người hồi hương bị cách ly).
Trong khi Việt Nam đang chật vật đối phó với 17 ca nhiễm đầu tiên thì nhiều quốc gia Đông Nam Á vẫn chưa có cảm giác đại dịch đang rình rập trên sân nhà, chờ bộc phát. Thậm chí có những suy nghĩ chủ quan về “miễn dịch cộng đồng” và mang khẩu trang bắt buộc ở nơi công cộng. Hậu quả đã được chứng minh bằng những con số “biết nói”.
Thông tin minh bạch và chi tiết về tình hình dịch bệnh đến từng người dân
Tôi đến Việt Nam vào tháng 1-2020 trước khi ca nhiễm Covid đầu tiên được phát hiện tại thành phố Hồ Chí Minh, điểm dừng chân đầu tiên của tôi tại Việt Nam. Sau đó, tôi ra Đà Nẵng, Hội An, Huế, Tam Cốc và cuối cùng là Hà Nội. Tại Hà Nội, tôi chứng kiến chính quyền cách ly nghiêm túc những cộng đồng có nguy cơ cao sau khi phát hiện người bị nhiễm, dò tìm không mỏi mệt những tiếp xúc với người mang virus và cách ly bất cứ ai từ nước ngoài vào.
Do lockdown, visa du lịch 3 tháng của tôi hết hạn nhưng tôi không bị phạt mà được gia hạn 3 tháng khác với lệ phí 365 USD, gấp 3 lần bình thường. Giữa tháng 3, một nhóm bác sĩ và nhân viên y tế có chính quyền đi cùng đến kiểm tra homestay Tam Cốc tôi ở để bảo đảm khách trú an toàn và không bị virus. Cứ mỗi buổi sáng và buổi chiều tôi đều nghe tin tức cập nhật về virus từ xe phóng thanh. Mọi người dân đều nắm vững các ca nhiễm mới nhất với chi tiết đầy đủ.
Điện thoại di động cũng là phương tiện tốt để truyền tải những thông tin và quy định nóng. Bên cạnh việc quản lý nhanh và bài bản là chính sách phòng chống dịch quyết liệt của chính phủ đã giúp Việt Nam dập dịch nhanh hơn rất nhiều quốc gia khác. Nhờ vậy, Việt Nam có thể tự tin dỡ bỏ dần các hạn chế theo từng giai đoạn. Các khu vực nguy cơ cao như thủ đô Hà Nội và TP.HCM có các quy định chặt chẽ hơn, trong đó có đóng cửa các doanh nghiệp không cần thiết như quán bar, cửa hàng, karaoke, các cuộc thi đấu thể thao và cấm tập trung hơn 10 người, kể cả những cơ sở tôn giáo.
Sau khi kéo dài thêm một thời gian, ngày thứ sáu 8.5, TP.HCM công bố dỡ bỏ lệnh cấm các hoạt động giải trí và các doanh nghiệp không cần thiết, kể cả các quán bar, rạp chiếu phim và spa. Ngày 15.5, Hà Nội mở cửa các địa điểm lịch sử cho du khách tham quan, kể cả phố đi bộ ở Hồ Hoàn Kiếm. Trong những ngày này, Hà Nội đầy ắp tiếng cười và sự phấn chấn hối hả đón mừng thành phố mở cửa trở lại và mừng hết cách ly.
Niềm vui hiện trên từng khuôn mặt
Sau khi đến Hà Nội vào cuối tháng 3, tôi phải bỏ ra 22 ngày tự lockdown trong căn hộ thuê ngắn ngày. Ngày 23-4, tôi mới có thể tìm đến các nhà hàng và tiệm cà phê để xem chúng hoạt động ra sao. Các quầy bán thực phẩm lề đường ngồi ghế nhựa đông đúc thực khách. Âm thanh và tiếng cười hạnh phúc nghe thấy khắp nơi. Sau khi ăn phở tôi ghé quán Loading T quen thuộc.
Nụ cười rộng mở của chủ tiệm cho thấy ông đang nghĩ gì trong đầu. Ông đưa cho tôi menu nhưng tôi không lật trang mà gọi theo thói quen. Những chiếc bàn chung quanh đều kín người và trò chuyện rôm rả hơn lúc bình thường. Có vẻ họ rất thích thú khi được trở lại quán cũ. Cà phê là phần không thể thiếu của giới trẻ trong nền văn hoá Việt Nam. Sau khi phải tự nấu nướng trong thời gian cách ly, những cửa hàng bán thức ăn đường phố trở nên hấp dẫn khó cưỡng.
Tôi đến khu Phố Cổ và vào quán bún chả Bun Cha Hang Quat để gọi cho mình một tô bún chả thuộc loại ngon nổi tiếng Hà Nội. Chỉ cần bước qua dãy bàn ken kín thực khách, hương vị phát ra cũng đủ kích thích mạnh vị giác của bạn. Không có giãn cách xã hội ở đây. Dọc đường quay về nhà, tôi nhìn thấy vô số khuân mặt hành phúc, nói cười như ngày hội. Một nhóm ông già ngồi hút thuốc lào, uống trà và nhìn dòng người qua lại. Tôi không thấy Hà Nội thay đổi nhiều trong nếp sinh hoạt. Người ta đã quen mang khẩu trang ngoài đường và nơi công cộng nhưng tỉ lệ cao hơn nhiều.
Chỉ mới có 75% doanh nghiệp mở cửa lại nhưng phần còn lại sẽ sớm nối gót. Dù đã hết lây lan coronavirus trong cộng đồng, nhưng chính phủ Việt Nam không bao giờ chủ quan mà luôn sẵn sàng cho kịch bản “làn sóng virus thứ 2”, không để bị động như nhiều quốc gia. Chương trình điều chế vắc-xin và tìm ra phương pháp điều trị coronavirus tốt nhất khi chưa có vaccine được đặt lên hàng đầu.
Phục hồi du lịch là một ưu tiên
So sánh với những gì đang diễn ra tại Mỹ, Covid-19 hầu như ảnh hưởng đến Việt Nam ít hơn, cả về số người nhiễm, chết và thất nghiệp. Nó cũng không gây ra những xung đột xã hội và chia rẽ sâu sắc như ở Mỹ. Tuy nhiên, những người sống bằng kỹ nghệ du lịch cho biết sức tàn phá của Covid khá lớn. Việt Nam mất 7 tỉ USD doanh thu du lich trong tháng 1 và tháng 2. Tháng 3 và tháng 4 cũng chẳng khá hơn. Vì vậy, du lịch được xem là ưu tiên của quá trình hồi phục sau virus.
Trước mắt là kích cầu du lịch trong nước. Từ ngày 23-4, Bộ Giao thông vận tải bắt đầu tăng số chuyến bay nội địa, xe lửa, xe đò đến những thành phố lớn với lượng khách giới hạn để tránh lây lan. Nay, những hạn chế này đã được huỷ bỏ. Tuy nhiên, nhiều khách sạn hạng sang sống dựa vào du khách nước ngoài vẫn chưa thể hoạt động bình thường. Các công ty du lịch như công ty tàu biển Heritage Cruises cho biết sẽ dừng hoạt động cho đến cuối năm nay.
Khi chính phủ Việt Nam bật đèn xanh an toàn, tôi lên ngay kế hoạch đến Sapa để hít thở không khí trong lành và thưởng thức những đặc sản văn hoá địa phương. Những cánh đồng lúa, trâu cày và khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp. Giống như nhiều doanh nghiệp phục vụ du khách khác, resort 5 sao Topas Ecolodge nằm trên Sapa Valley phải đóng cửa gần 2 tháng. Ngày 15-5 nó đã mở cửa lại bình thường và tôi thuộc số du khách đầu tiên chọn đây là nơi lưu trú trong những ngày ở lại Sapa.