Ai Cập đang là điểm nóng trên thế giới hiện nay khi suốt tuần lễ qua các cuộc biểu tình của người dân đã lên đến cao điểm. Con số gần 800 người thiệt mạng dưới sự trấn áp của quân đội đang đánh động lương tri toàn thế giới. Rất nhiều tờ báo của các nước đã dành trọn trang nhất đăng tải những hình ảnh chết chóc đau thương, các căn lều hoang tàn của người biểu tình ủng hộ tổng thống Morsi vừa bị lật đổ với những dòng tít đầy ấn tượng như “Cuộc thảm sát của nhà cầm quyền”, “Ngõ cụt đẫm máu”, “Ai Cập trong cái bẫy bạo lực”…
Các bài viết đều nhắc lại việc quân đội Ai Cập dùng vũ lực giải tán người biểu tình ủng hộ ông Morsi. Các túp lều của người biểu tình bị xe ủi cán nát, bị đốt phá, lực lượng an ninh bắn vào người biểu tình. Qua vụ đàn áp đẫm máu này, có vẻ như quân đội đã đẩy những người Anh Em Hồi giáo vào chỗ cực đoan hơn khiến họ sẵn sàng làm mọi cách để trả thù. Tổ chức này từng bị cấm trong nhiều năm dưới thời chế độ cựu Tổng thống Hosni Mubarak nhưng được tự do công khai hoạt động sau cuộc cách mạng Mùa Xuân Ả Rập lật đổ ông.
Người biểu tình ở Thủ đô Ai Cập
Các nhân chứng có mặt tại Cairo những ngày qua nói rằng quả thật không biết ai là bạn ai là thù vào lúc này. Ai nấy đều cảm thấy bất an và lo lắng vì bạo động. Mọi người đều lái xe cẩn thận và cố di chuyển thật nhanh trên đường phố. Thậm chí nhiều cảnh sát đã thay sắc phục bằng jalabiya, một loại áo choàng truyền thống của Ai Cập, vì sợ những người chạy xe ngang qua nổ súng. Đã có những tin tức về cảnh sát bị những người đi xe sát hại tại nhiều nơi khác nhau trong thành phố.
Ông Hazem el-Beblawi, người được cử làm Thủ tướng lâm thời sau khi quân đội lật đổ và cầm giữ ông Morsi vào đầu tháng 7, tuyên bố chính phủ đang làm việc để đạt đến mục tiêu “hòa hợp và hòa giải”. Nhưng ông nhấn mạnh rằng việc hòa giải ấy không bao gồm những người mà ông gọi là “có bàn tay vấy máu”, ám chỉ phong trào Anh Em Hồi giáo.
Không những thế, ông Shereef Shawki, phát ngôn viên chính thức của chính phủ, còn tuyên bố các nhà lãnh đạo đang cứu xét việc có thể đặt tổ chức Anh Em Hồi giáo ra ngoài vòng pháp luật.
Tại một cuộc họp báo, ông Mostafa Hegazy – cố vấn cao cấp của chính phủ – nói với các phóng viên là Ai Cập đang đối mặt với một “cuộc chiến tranh do lực lượng của chủ nghĩa cực đoan phát động”. Ông nói: “Chúng tôi sẽ chiến đấu chống lại chủ nghĩa khủng bố bằng những biện pháp an ninh cũng như bằng sự cai trị theo luật pháp và chúng tôi tiếp tục đi theo con đường dân chủ đúng đắn như đã hứa”.
Chính phủ cáo buộc Anh Em Hồi giáo đã tấn công vào các trạm cảnh sát, trại giam và nhà thờ, còn tổ chức này thì cho rằng chính phủ đã giết hàng ngàn người Ai Cập trong tuần qua đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục tổ chức những cuộc biểu tình.
Vì sao ông Morsi bị truất phế?
Ông Mohammed Morsi nổi lên từ phong trào Anh Em Hồi giáo của Ai Cập, trở thành chủ tịch Đảng Tự do và Công lý – cánh chính trị của phong trào này.
Ông thắng cử với tỷ lệ sát sao hồi tháng 6-2012, trở thành tổng thống được bầu chọn dân chủ đầu tiên của Ai Cập. Cuộc bầu cửấy được nhìn nhận là tự do và công bằng, theo sau một giai đoạn đầy biến động dưới sự cầm quyền của quân đội sau khi nhà lãnh đạo lâu năm của Ai Cập là ông Hosni Mubarak bị lật đổ hồi tháng 2-2011.
Trong năm đầu cầm quyền của Tổng thống Morsi được phong trào Anh Em Hồi giáo ủng hộ, ông đã bị phê phán là không làm gì nhiều để giải quyết những vấn đề kinh tế và xã hội của nước này.
Ai Cập trở nên phân cực giữa những người Hồi giáo ủng hộ ông Morsi và những người chống lại ông, bao gồm những người cánh tả, người có tư tưởng tự do và những người thế tục.
Hôm 30-6, hàng triệu người đã xuống đường để đánh dấu một năm ngày Tổng thống Morsi tuyên thệ trong một cuộc biểu tình do Phong trào Tamarod (Nổi dậy) tổ chức.
Các cuộc biểu tình đã dẫn tới việc quân đội cảnh báo Tổng thống Morsi vào hôm 1-7 rằng họ sẽ can thiệp nếu ông không đáp ứng những đòi hỏi của quần chúng trong vòng 48 tiếng đồng hồ. Quân đội có quyền lực nhất và nhiều người nói quân đội hoạt động giống như một nhà nước trong một quốc gia, cơ sở kinh doanh do quân đội sở hữu chiếm một phần đáng kể trong nền kinh tế Ai Cập.
Mặc dù bị sức ép nhưng ông Morsi quả quyết rằng mình là nhà lãnh đạo hợp pháp của Ai Cập và cảnh báo bất cứ nỗ lực nào phế truất ông bằng vũ lực sẽ đẩy đất nước vào tình trạng hỗn loạn.
Khi thời hạn chót đến vào ngày 3-7, người đứng đầu quân đội, Tướng Abdul Fattah al-Sisi, tuyên bố hiến pháp bị đình chỉ và quân đội được xe bọc thép hậu thuẫn đã chiếm giữ các vị trí chủ chốt tại thủ đô Cairo, trong khi hàng trăm ngàn người thuộc phe đối lập và những người Hồi giáo ủng hộ ông Morsi rầm rộ xuống đường biểu tình.
Ngày 4-7, ông Adli Mahmud Mansour, chánh án Tòa án Hiến pháp Tối cao Ai Cập, đã tuyên thệ nhậm chức tổng thống tạm quyền sau khi quân đội Ai Cập ra thông báo rằng ông sẽ điều hành đất nước này cho tới khi một tổng thống mới được bầu ra.
Ông Mansour đã đặt ra các kế hoạch cho chuyển giao bao gồm duyệt xét lại Hiến pháp vốn được ông Morsi hậu thuẫn và bầu cử quốc hội mới vào đầu năm 2014. Tướng Sisi hứa không gạt bỏ bất cứ một ai hay bất cứ một phong trào nào và kêu gọi thực hiện các biện pháp để giao quyền cho thanh niên và đưa họ vào các thể chế của nhà nước. Tuy nhiên ông không xác định thời gian cho giai đoạn chuyển giao hay quân đội sẽ đóng vai trò gì.
Kế hoạch đã bị phong trào Anh Em Hồi giáo bác bỏ, lên án đây là một cuộc đảo chính chà đạp nền dân chủ.
Kể từ khi bị truất quyền, ông Morsi đã bị giam giữ tại một địa điểm không được tiết lộ. Một vài nhân vật cao cấp khác của phong trào Anh Em Hồi giáo cũng đã bị giam giữ trong đó có phó chủ tịch đầy quyền lực, ông Khairat al-Shater, người bị cáo buộc đã xúi giục bạo động.
Điều gì xảy ra kể từ khi quân đội nắm quyền?
Những người ủng hộ ông Morsi hầu như ngày nào cũng tổ chức tuần hành đòi đưa ông trở lại nắm quyền và Trụ sở của Vệ binh Tổng thống tại Cairo là điểm nóng vì nhiều người tin rằng đó là nơi ông Morsi đang bị giam giữ.
Phát biểu sau cái chết của ít nhất 51 người bên ngoài Trụ sở Vệ binh Tổng thống hôm 8-7, Đảng Tự do và Công lý kêu gọi một cuộc nổi dậy chống lại “những người tìm cách đánh cắp cuộc cách mạng của họ bằng xe tăng”.
Hôm 27-7, hơn 70 người đã bị thiệt mạng trong các cuộc đụng độ với lực lượng an ninh tại cuộc biểu tình ngồi ở Rabaa al-Adawiya. Lực lượng an ninh bị cáo buộc đã dùng vũ lực chết người không cần thiết. Còn Bộ Nội vụ cáo buộc những người biểu tình đã dùng vũ khí gây bạo loạn.
Những người biểu tình chống ông Morsi cũng đã xuống đường. Tướng Sisi khuyến khích họ đi biểu tình hôm 26-7 để giao cho quân đội “sứ mệnh sẵn sàng đối mặt với bạo động và khủng bố có thể xảy ra”.
Hôm 14-8 là ngày đẫm máu nhất tại Ai Cập, khi lực lượng an ninh được điều động tới để giải tỏa hai trại biểu tình bên ngoài đền thờ Rabaa al-Adawiya ở thủ đô Cairo và tại Quảng trường Nahda ở phía tây thành phố.
Hơi cay được dùng để giải tán những người biểu tình và người ta nghe thấy hàng loạt tiếng súng nổ. Những chiếc xe ủi bọc thép được điểu tới để giải tỏa các trại này.
Theo Bộ Y tế thì ít nhất 525 người bị thiệt mạng trong chiến dịch này. Còn phong trào Anh Em Hồi giáo hậu thuẫn cho những người biểu tình thì đưa ra con số tử vong tới hơn 2.000 người.
Những phản ứng trong khu vực
Tình hình căng thẳng leo thang giữa chính phủ lâm thời và những người ủng hộ tổng thống bị lật đổ Mohamed Morsi đang tác động không chỉ đối với các quốc gia láng giềng mà cả những nơi khác.
Cuối tuần qua, một quả bom phát nổ bên ngoài tòa lãnh sự Ai Cập tại thành phố Benghazi thuộc miền Đông Libya. Trong khi đó những người Hồi giáo tổ chức những cuộc biểu tình khắp nơi trong vùng để phản đối việc chính phủ Ai Cập đàn áp thường dân.
Hàng ngàn người Ả Rập tại Israel vẫy cờ Ai Cập và ảnh ông Morsi khi tuần hành trên các đường phố của thành phố Nazareth thuộc miền Bắc Israel. Hàng trăm người tụ tập bên ngoài tòa đại sứ Ai Cập tại Tunis để lên án các vụ đàn áp.
Tại Ankara và Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) hàng ngàn người biểu tình để tỏ tình đoàn kết với những người biểu tình Ai Cập.
Nhiều nhóm biểu tình đông đảo tại Indonesia và Malaysia kêu gọi chính phủ Ai Cập không dùng vũ lực đàn áp những người biểu tình.
Về phía Liên Hiệp Quốc, Tổng thư ký Ban Ki-moon lên tiếng bày tỏ lo ngại về tình trạng hỗn loạn ở Ai Cập, kêu gọi chấm dứt các cuộc biểu tình bạo lực và việc “sử dụng vũ lực quá mức” để xử lý các cuộc biểu tình đó. Người phát ngôn của ông Ban Ki-moon nói rằng: “Tổng thư ký lên án mạnh mẽ những cuộc tấn công vào các nhà thờ, bệnh viện và các cơ sở công cộng khác, điều đó là không thể chấp nhận được”. Tuyên bố của ông Ban Ki-moon đề nghị Ai Cập cần ngăn ngừa việc tiếp tục đổ máu và đây là “ưu tiên cao nhất tại thời điểm nguy hiểm này ở Ai Cập”.
Ông Tổng thư ký kêu gọi những người biểu tình trên đường phố và nhà chức trách kiềm chế đến mức tối đa để hạ nhiệt căng thẳng.
Tin mới nhất cho hay thủ tướng tạm quyền của Ai Cập Hazem el-Beblawi đã đưa ra một đề xuất giải tán tổ chức Anh Em Hồi giáo một cách hợp pháp và hiện đang làm tất cả mọi điều để không cho tổ chức này tái lập lực lượng, đồng thời làm suy yếu khả năng chống lại chính phủ.
Hôm 17-8, Bộ Nội vụ nước này cho biết họ đã bắt giữ hơn 1.000 thành viên của tổ chức này trong các cuộc bố ráp trên khắp đất nước và thu giữ nhiều vũ khí, bom mìn và đạn dược.
Đề xuất giải tán Anh Em Hồi giáo của thủ tướng tạm quyền càng làm cho cuộc đấu tranh giành quyền kiểm soát Ai Cập chứa đựng thêm nhiều rủi ro.
Nếu kế hoạch này được thực thi thì chắc chắn tổ chức Anh Em Hồi giáo sẽ phải rút vào hoạt động bí mật, còn phía chính phủ thì sẽ nỗ lực tìm cách chấm dứt các nguồn tài trợ của họ.
Viết Đỉnh tổng hợp