Thêm vài dòng và hình ảnh bắt mắt vào trang Wikipedia của địa phương giúp lượng du khách tăng gần 10%, còn doanh thu du lịch có thể tăng thêm đến 100.000 bảng Anh. Tin mừng cho các nhà quản lý du lịch đang méo mặt vì COVID-19?
Giải pháp quảng bá du lịch nghe giản đơn mà hứa hẹn này là kết quả một thí nghiệm của các nhà kinh tế thuộc Viện Collegio Carlo Alberto (Turin, Ý) và Trung tâm nghiên cứu kinh tế ZEW (Mannheim, Đức), theo báo The Guardian.
Để tiến hành thử nghiệm, các kinh tế gia này chọn ngẫu nhiên nhiều thành phố ở Tây Ban Nha và chỉnh sửa trang Wiki trong các ngôn ngữ khác của chúng. Họ chèn thêm vài hình ảnh chất lượng cao, bổ sung thông tin về lịch sử và điểm đến địa phương.
Việc cập nhật thông tin cũng không cần phải vời chuyên gia lịch sử địa lý gì chấp bút; nhóm nghiên cứu chỉ biên dịch lại thông tin trên trang Wikipedia tiếng Tây Ban Nha sang tiếng Pháp, Đức, Ý hoặc Hà Lan.
Cuối cùng, nhóm nghiên cứu so sánh số lượng du khách ghé thăm các thành phố được chọn trước và sau khi “tút” lại các bài viết trên Wiki.
Kết quả rất ấn tượng: chỉ cần thêm 2 đoạn chữ và 1 ảnh vào bài viết sẽ giúp số lượng lưu trú qua đêm của du khách ở thành phố đó tăng gần 10% trong mùa cao điểm; với các thành phố mà trang Wikipedia ban đầu có ít thông tin, chỉ cần thêm thắt chút xíu thì lượng khách ghé thăm tăng đến 1/3. “Nếu mở rộng ra toàn ngành du lịch thì ảnh hưởng sẽ rất lớn, có thể lên đến hàng tỉ euro” – nhóm tác giả khẳng định.
Cần nhắc lại Wikipedia là bách khoa toàn thư mở, ai cũng có thể thêm thắt, chỉnh sửa thông tin. Các tác giả lập luận rằng hiệu quả đạt được qua thử nghiệm tốt đến thế đặt ra câu hỏi tại sao trước giờ không có nhiều thành phố du lịch chọn tự chỉnh sửa thông tin về chính họ trên Wikipedia.
Họ tin rằng chỉ cần tăng lượng thông tin về một số chủ đề là có thể nhận được phần thưởng xứng đáng cho công sức bỏ ra.
Liên quan đến mức độ tin cậy của thông tin trên Wikipedia, các tác giả dẫn một nghiên cứu khác, cho rằng thông tin khoa học trên trang bách khoa toàn thư trực tuyến này cũng được các học giả chuyên nghiệp tham khảo.
Nhưng chẳng lẽ mọi chuyện lại đơn giản đến thế? Đầu tiên phải nói ngay giới quản lý du lịch một thị trấn nào đó không thể vội vã cho người lên trang Wiki của địa phương mình và múa phím, ca ngợi những điểm đến, sản vật quê mình lên tận mây xanh, rồi thêm lời mời gọi bạn ơi hãy đến quê hương chúng tôi. Dù là trang thông tin mở nhưng Wikipedia vẫn có một số tiêu chuẩn về nội dung, và có cả đội ngũ tình nguyện viên làm biên tập.
Chính nhóm nghiên cứu cũng đã “dính đòn”. Hầu hết các thông tin bổ sung của họ trên Wikipedia phiên bản tiếng Hà Lan đã bị một biên tập viên cấp cao phát hiện khi thí nghiệm đang diễn ra. Người gác cổng này đã thẳng tay xóa sạch chúng trong vòng 24 tiếng, đồng thời cấm luôn nhóm này tiếp tục cập nhật bài viết trên Wiki.
Lý do là các nội dung thêm vào được cho là mang mục đích thương mại, hành vi bị cấm trên Wikipedia. Có vẻ quy định thế nào là mang tính thương mại cũng mơ hồ, và tùy đánh giá của các biên tập viên, vì cũng những nội dung đó nhưng các cập nhật trên trang tiếng Pháp, Đức và Ý không bị gỡ bỏ.
Kết quả thí nghiệm cũng là một lời nhắc để giới quản lý du lịch chú ý xem địa phương mình đang được giới thiệu thế nào trên Wikipedia. Chẳng hạn, trang Wiki của sông băng Fox Glacier (bờ tây New Zealand) chỉ dài 400 từ, mà thông tin về các tai nạn chết người từng xảy ra ở điểm đến nổi tiếng thế giới này lại lấn át phần nội dung du lịch.
“Tôi không thể tưởng tượng được có ai định đến bờ tây, thấy những thông tin về Fox Glacier như thế mà lại còn muốn đến đó khám phá và lưu trú” – Mike Dickison, một người tâm huyết với du lịch New Zealand, nói với stuff.co.nz sau khi phát hiện chi tiết này.
Tất nhiên không cần phải nói cách xử lý trong trường hợp này không phải là lên xóa sạch thông tin xấu đi, mà tăng thêm phần tốt, để mỗi bài viết về địa phương trên Wikipedia có thể cho du khách thêm kênh tham khảo.
Tóm lại, Wikipedia, trang web được truy cập nhiều thứ 8 trên thế giới, vẫn có thể là một kênh miễn phí để các địa phương tự giới thiệu mình với du khách thập phương, nhưng không phải không cần tốn công sức gì mà cũng phải dụng công, xây dựng nội dung thật tốt và thật khéo.