Ngoài khả năng nổi lửa thì nói viết là cái tiên quyết cũng như quan trọng nhất giúp con người phát triển, đi từ mông muội, thiếu hiểu biết lên thành sinh vật thông minh và có văn hóa nhất trái đất.
Ngôn ngữ giúp ta trao đổi thông tin để từ đó biết cách làm việc, xây dựng và bảo vệ những thành quả đã đạt được. Mọi nền văn minh nói chung tồn tại, thịnh vượng được là nhờ có ngôn ngữ: tiếng nói hay chữ viết.
Vậy ngôn ngữ ra đời khi nào? Ít nhất ngơn ngữ đã xuất hiện từ cách đây hơn 10.000 năm. Vì giới khảo cổ đã tìm thấy một phiến đất sét khắc chữ nêm tại vùng Lưỡng Hà và của nền văn minh Sumer có niên đại vào khoảng thế kỷ VIII trước Công nguyên. Trải qua nhiều thời đại cũng như nhiều nền văn minh khác nhau, đến nay thế giới đã có khoảng 7.000 thứ tiếng, trong đó cũng có nhiều thứ tiếng có tuổi đời một vài nghìn năm, và đáng ngạc nhiên hơn là chúng vẫn tồn tại và phổ biến tại nhiều nước. Sở dĩ những ngôn ngữ cổ xưa này vẫn được yêu chuộng là vì sức sống mạnh mẽ của chúng do chứa đựng văn hóa lâu đời hoặc là được dùng bởi một dân tộc chiếm ưu thế và một phần nữa vì dễ đọc, dễ viết và được truyền khẩu bởi dân gian từ bé.
Một trong các ngôn ngữ như vậy là tiếng Tamil cho tới giờ đã ngoài 5.000 năm tuổi và là ngôn ngữ cổ đại nhất, bắt nguồn từ Ấn Độ và hiện vẫn đang được nói, viết ở 34 bang gồm Tamil Nadu, Karnataka, Andra Pradesh, Kerala, và khi ra thế giới đã trở thành ngôn ngữ của nhiều nước và như Singapore, Sri Lanka…
- Xem thêm: Những chữ viết đầu tiên của nhân loại
Cũng từ Ấn Độ, tiếng Sanskrit (tiếng Phạn) đã có 4.000 năm tuổi và có ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều ngôn ngữ khu vực và châu Âu. Từ Tamil, nó đã lan rộng khắp nơi và thành một ngôn ngữ chính thức trên bán đảo Ấn Độ, trong đó có khu vực phía Bắc của dãy núi Himalaya, và từ xa xưa đã được dùng để ghi chép các kinh sách trong các đền thờ Hindu và Phật giáo ở châu Á.
Tiếng Ai Cập, đặc biệt là của Ai Cập cổ đại, thì ai cũng biết vì nó quá nổi tiếng qua các bộ phim xác ướp và được thấy trên tất cả những bức tường lăng mộ của nước này. Đây là một loại chữ tượng hình thú vị đã ra đời 4.700 năm trước, và sau nhiều đổi thay, đã có ngôn ngữ hiện đại ngày nay.
Dù rằng xuất hiện muộn hơn tiếng Ai Cập khoảng 1.250 năm, song tiếng Hy Lạp là một ngôn ngữ tiền phong ở phương Tây, giúp định hình văn hóa châu Âu. Rất nhiều bộ môn khoa học, nghệ thuật gồm triết học, toán học, văn học, thiên văn học, lịch sử… được hình thành từ thời Hy Lạp xưa và được viết bằng thứ tiếng này.
Điển hình như các tác phẩm của Aristotle, Plato hay trường ca Odyssey của Homer và cả kinh Tân Ước, cuốn kinh thánh của Thiên Chúa giáo. Hiện nay, ở Hy Lạp, Albania và Cyprus hãy còn 13 triệu người nói tiếng Hy Lạp; ngoài ra, tại Ý, Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều nước thuộc Liên minh châu Âu cũng dùng nó.
Do người Trung Quốc chiếm một phần lớn dân số thế giới, nên tiếng Trung rất thịnh hành, và có đến 1,24 tỷ người tại Trung Quốc dùng nó là tiếng mẹ đẻ, và 37 quốc gia khác lấy làm ngôn ngữ chính thức hoặc bán chính thức. Tiếng Trung về đại thể cũng đã trên 3.000 năm tuổi, và một điều đáng nhớ nhất ở nó là sự đa dạng các ký tự cũng như lối viết và trong nhiều triều đại, người ta đã viết chữ như vẽ, tạo nên thư pháp.
Ngôn ngữ Arama là thứ tiếng được nói, viết trong khá nhiều nước Ả Rập như Iraq, Iran, Syria, Israel, Lebanon cùng nhiều quốc gia phương Tây như Nga, Mỹ, Úc. Nó cũng đã xuất hiện hơn 3.000 năm trước và có hình thức rất đẹp, uyển chuyển, linh hoạt. Arama thường được cho là ngôn ngữ của Chúa Jesus và là thứ tiếng người xưa viết trong thời kỳ đầu của đạo Thiên Chúa.
Không chỉ cổ xưa, với ngoài 3.000 tuổi, tiếng Hebrew còn được xem là ngôn ngữ linh thiêng nhất để viết nên nhiều kinh sách và là ngôn ngữ của cộng đồng người Do Thái trên toàn cầu, trong đó ở Israel là một quốc ngữ. Những cuốn kinh Do Thái ai cũng nghe đến là kinh Tanakh, Mikra hay Torah (Ngũ kinh), trong đó ghi rất nhiều câu chuyện là nguồn văn bản cho kinh Cựu Ước của đạo Thiên Chúa.
- Xem thêm: Bài học khai tâm thời xưa
Rất nhiều nước hôm nay dùng tiếng La tinh, chữ La tinh. Đây là ngôn ngữ của đế chế La Mã, một quốc gia từ Ý đã lan dần ra khắp thế giới, và kiến thiết nên nhiều nền văn hóa rực rỡ. Tiếng La tinh cũng đã có mặt từ 2.075 năm trước, gồm 23 chữ cái và tới giờ là gốc của nhiều thứ tiếng xinh đẹp như Ý, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Romania… và cả tiếng Anh. Hôm nay, nó vẫn được dùng bởi hàng triệu người, đặc biệt là tại Tòa thánh Vatican. Các bậc cao học, nhất là cao học về ngôn ngữ đều dạy tiếng Latin để nghiên cứu các văn bản, công trình cổ xưa.
Armenian cũng là một tiếng nói lâu đời thuộc hệ ngôn ngữ Ấn Âu và là một chữ viết có số lượng chữ cái đồ sộ tới 36 ký tự. Văn bản cổ nhất về thứ tiếng này là một bản dịch Kinh thánh vào thế kỷ V, thế nhưng nó đã bắt đầu từ 2.450 năm trước và hiện vẫn là một ngoại ngữ ở Armenia, Nga, Ukraine, Georgia, Iran… Việc phát minh ra bảng chữ cái Armenian bởi mục sư St. Mesrop Mashtots vào năm 405, với 36 chữ cái dựa trên chữ cái Hy Lạp và cách viết từ trái qua phải, đã giúp tiếng Armenian cũng như tôn giáo ở đây phát triển khi mà lần đầu tiên bằng bảng chữ cái này, người dân đã dịch thành công hai cuốn Kinh thánh Cựu Uớc và Tân Ước.
Ngoài ra, còn khá nhiều thứ tiếng thông dụng khác như tiếng Ả Rập ra đời vào năm 512 ở Bán đảo Ả Rập, rồi lan khắp Trung Đông và Bắc Phi với 270 triệu người nói; tiếng Farsi thậm chí đã có từ năm 600 trCN ở Iran và nay phát triển tại Iran, Afghanistan, Tajikistan với 110 triệu người; tiếng Lithuanian từ năm 1500 ở vùng Baltic và giờ là một ngôn ngữ chính thức của Lithuania và EU với ba triệu người; tiếng Irish Gaelic từ thế kỷ IV ở Ireland và đang được dùng ở Bắc Ireland và EU với 1,2 triệu người; tiếng Icelandic từ năm 1100 ở Iceland và hiện tại có 358 nghìn người ưa chuộng ở Iceland, Đan Mạch, Mỹ, Canada…