Viết là gì? Viết là biểu hiện ý kiến của mình bằng những nét vạch ra trên giấy, đất sét, đá… sao cho người khác khi xem các nét đó biết được ý kiến của mình. Nhưng viết không phải là vẽ. Ví dụ: hình vẽ “con cá” khác với những nét chữ “con cá”.
Vùng Lưỡng Hà ở Trung Đông 2000 năm trước Công nguyên. Những chỗ bằng phẳng ở góc tường, tảng đá, vách phẳng ở các hang, động còn giữ lại dấu vết của những nét khắc ngang dọc. Ai đã khắc những nét đó? Để làm gì? Một đề tài thú vị của những người nghiên cứu lịch sử cổ đại. Bước đầu, họ đã có kết luận: những nét khắc tưởng là vô nghĩa đó là những chữ viết đầu tiên của nhân loại. Nói rõ ra là những “lời nhắn nhủ, những thông tin” mà người này muốn truyền cho người khác khi họ không gặp nhau. Những nhà gọi là “thông thái” có uy tín trong cộng đồng thống nhất với nhau lập ra những quy ước biểu hiện lời nói qua nét khắc, vẽ…
Cái khó là lời nói, tức là sự phát âm thì muôn hình muôn vẻ, còn nét khắc thì có một số hữu hạn hình (ngang, dọc, chéo…). Không thể lập ra một sự “tương ứng một-một” giữa nét vẽ và sự phát âm từng từ (một âm ứng với một hình vẽ). Số từ mà con người dùng trong cuộc sống có thể nói là nhiều vô hạn. Cuốn tự điển hiện đại nhất dù dày tới hàng vạn trang cũng không có thể chứa hết các từ của một ngôn ngữ. Hơn nữa, người ta có thể vẽ các vật cụ thể (cá, voi, nhà…) chớ không thể vẽ các khái niệm trừu tượng (buồn, vui, lo lắng…).
Vấn đề đặt ra là phải sáng tạo một hệ thống gốc nét vẽ sao cho khi ghép chúng lại theo một thứ tự nào đó người ta có thể biểu thị được một từ và chỉ một từ mà thôi. Hệ thống nét vẽ đó gọi là “bảng chữ cái”. Ví dụ chữ “x” ghép với chữ “e” thì đọc là “xe”, không thể đọc khác được. Hệ thống nét khắc ngang dọc biểu hiện các từ khác nhau là một “công trình văn hóa” vĩ đại của các nhà “thông thái” vùng Lưỡng Hà (Trung Đông). Người ta còn thấy ở đó những “bài tập viết “ trên đá, trên da, trên vách hang của “học trò”. Chúng viết rồi xóa rồi lại viết rồi xóa.
“Khái niệm viết xuất hiện lần đầu tiên khoảng 3000 năm trước Công nguyên, ở vùng giữa sông Tigre và sông Euphrate. Những hình như cái đinh (một vạch sọc, trên đầu có một nét ngang nhỏ) còn in lại trên những tấm đất sét còn tìm thấy rất nhiều ở Lưỡng Hà. Các “đinh” ghép với nhau theo một cách nào đó tạo thành các “từ”, tương tự nhữ chữ “b” ghép với chữ “a” đọc là “ba” và chỉ đọc là “ba” mà thôi.
- Xem thêm: Chữ viết tay
Lúc đầu, mỗi hình biểu thị từ và chỉ một từ mà thôi, khi nhìn hình đó người ta biết ngay “nghĩa” mà từ đó muốn nói đến. Ví dụ: muốn có từ “cá” thì người ta vẽ con cá; một chữ thập trong một vòng tròn biểu hiện “cừu”. Ở Lưỡng Hà, các “thầy” (thời đó gọi là “nhà thông thái”) trong thời gian đầu, dài tới hàng trăm năm, viết (thực ra là vẽ) trên những tấm bằng đất sét. Vẽ mất thì giờ lắm, rất công phu và không thể diễn tả được ý muốn nói.
Thật vậy, làm sao dùng hình vẽ để diễn tả được ý “buồn, vui, nhớ mong”? Phải tạo ra một số hữu hạn hình tượng cơ bản (mà bây giờ ta gọi là chữ cái: a, b, c…) sao cho khi ghép các chữ cái đó lại có thể tạo ra một từ. Các nhà “thông thái” thời xưa đã dùng nét vẽ “cái đinh thẳng đứng, trên đầu có một vạch ngang nhỏ. Các đinh đó ghép lại với nhau theo một thứ tự nào đó tạo ra “chữ cái”. Các chữ cái lại được ghép với nhau tạo một “từ”. Các từ có thể kẻ nhanh nhờ một cây bút bằng ống sậy vót nhọn.
Hình vẽ con cá bây giờ biến thành một tổ hợp “đinh”, không giống con cá nữa. Bản viết với những “cái đinh” đã ra đời từ sự biến đổi đó. Những dấu hiệu không còn giống cái mà người ta muốn nói đến. Chữ viết đã làm một cuộc cách mạng trong quan hệ xã hội. Học “vẽ các từ bằng hình tượng” bây giờ được thay thế bằng học viết các từ.
Trường học do các giáo chủ phụ trách. Các thầy dạy viết các âm phát ra từ miệng. Để học viết các chữ cái, các từ (chữ cái ghép lại), phải học “ghép các đinh”. Những công trình của Cécile Michel, nữ giám đốc Viện Nghiên cứu khoa học, đã làm sáng tỏ giai đoạn đầu của việc dạy kỹ thuật viết. Học trò ở Babylonne trước hết phải làm một cái bảng bằng đất sét, tập cầm một cái que bằng trúc vót nhọn, tập viết ba nét căn bản, vạch ngang, vạch đứng có cái “mũ” ở trên, sau cùng mới tập viết thật sự bằng cách ghép các “đinh” thành từ. Ngay nước Pháp cũng phải đến thời kỳ Phục hưng mới có việc học viết.
Các thầy dạy viết dạy học trò cách cầm bút (lông ngỗng). Bài tập mẫu đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình tập viết. Từ thế kỷ 14 đến ít nhất là thế kỷ 19, việc tập viết đóng vai trò rất quan trọng trong chương trình học của học trò. Trước hết, thầy giáo cho học trò tập chép lại một bài mẫu. Trong các nền văn minh khác, như Gaulois, vốn dùng những chữ của Hy Lạp trước khi chữ của La Mã được phổ biến, người ta cũng làm như vậy.
- Xem thêm: Làm bạn cùng con
Nhà khảo cứu Michel Bats, chuyên viên về những nền văn minh xưa ở Địa Trung Hải, đã tìm thấy những chữ viết sơ khai trên bát đĩa băng sành sứ, bằng gỗ: “Chúng tôi tìm thấy hai sách vỡ lòng của Hy Lạp ở Lattes, trong vùng Hérault, Đó là mở đầu của một dãy gồm tất cả những chữ cái. Về phần các thầy, trước hết họ lập ra các vần (ta, tu, to) trước khi học những danh sách dài cách ghép chữ cái thành từ. Cuối cùng, vài câu châm ngôn như “Ai giỏi về viết thì cũng giỏi về tính toán”.
Ở nhà trường học sinh cũng học tương tự như bây giờ, ví dụ như lời kể của một học trò: “Tôi đọc bài trong vở của tôi, tôi ăn sáng. Tôi chuẩn bị bài viết mới và phải viết cho xong. Sau đó, thầy chỉ cho tôi bài đọc mới và xế trưa thầy cho tôi bài tập viết”… Học sinh cũng phải đem bài về nhà để làm. Các buổi học đều được tiến hành trong “nhà để các bản viết” được xem như một căn nhà đặc biệt. Vài người mới tập viết, độ năm hay sáu người, họp lại ở nhà thầy để học, không những là học viết mà còn học kinh, học giáo lý. Quan hệ thầy-trò như thế còn thấy ở thời Phục hưng.
Từ thời Phục hưng cho đến thế kỷ Ánh sáng, các “thầy giáo-nhà văn” là những “chuyên viên dạy viết”. Họ kiểm soát việc phổ biến các “bài học viết”, các bài đó được xem là tiêu chuẩn của việc dạy viết. Trong các trường sơ cấp, các trường chính của tôn giáo, các thầy không được tạo ra những mẫu chữ mới. Không phải chỉ trong những người quý phái mới có những người viết khá, giỏi, theo nhận xét của Marc Smiyh, nhà sử học và khảo cổ chuyên nghiên cứu về chữ viết thời xưa: “Người viết khá giỏi không nhất thiết thuộc thành phần ưu đãi.
Cách nay 4000 năm, quy chế của những thầy giảng giáo lý ở Babylon có thể so sánh với quy chế của các thầy dạy viết của thời Phục hưng: đó là những người chuyên nghiệp dạy chữ theo cách viết “đầu đinh”. Ở Trung Mỹ những người Toltèque, sống vào thời văn minh tiền Columbus, cũng sử dụng “cách viết đầu đinh” để diễn đạt ngôn ngữ. Người ta cho phép các thợ vẽ tạo sức sống cho những bản viết và truyền cho người đọc những kiến thức cần thiết cho việc hiểu những bản thảo viết tay của thổ dân châu Mỹ.
Những bản này chỉ được đọc bởi một người do Giáo hội chỉ định. Ở xứ Gaule thời tiền La Mã, bản viết có tính cách tôn giáo chỉ được đọc bởi một người do Giáo hội chỉ định. Chữ viết Hy Lạp bị cấm dùng để viết những lời thuộc tôn giáo. Những người Gaulois rất gắn bó với truyền thống đọc, được truyền cho một số đông học trò. Bản viết chỉ sử dụng để viết kinh mà học sinh phải học thuộc lòng.
Dạy viết để làm gì?
Mặc dù có sự cấm kỵ của tôn giáo trong việc học và dạy viết, những người Gaulois sử dụng chữ viết rất phổ biến trong việc buôn bán (ký hợp đồng, ghi tên hàng hóa, giá cả, nợ nần). Những người Gaulois có thói quen viết lên đồ gốm tên hiệu, các câu tương tự “chúng ta hãy vui sống với nhau”. Chữ viết còn dùng để dạy toán, khoa học. Thời đó, người ta đã biết giải “phương trình bậc hai”. Người “trí thức” tất nhiên là phải đọc giỏi, viết giỏi, thì mới được tuyển vào làm trong các cơ quan của nhà nước.
Những thầy dạy viết từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 19 không những xem dạy viết là một nghề mà còn xem đó là một nghệ thuật, một nghề cao quý. Vào thế kỷ 18, người ta gọi họ là “nghệ sĩ-văn sĩ”. Viết đúng, viết đẹp, viết nhanh là một tiêu chuẩn của người được gọi là “trí thức”, được trọng vọng, được gia nhập dễ dàng vào bộ máy công quyền. Chỉ những bậc thầy mới được viết sách. Vì vậy, Jean -Baptiste-Alais de Baulieu vào năm 1680 viết cuốn Nghệ thuật viết ca ngợi “viết đúng, viết đẹp” không những là thể hiện khả năng của trí tuệ mà còn là biểu hiện của tâm hồn nghệ sĩ, biết yêu cái đẹp, tạo ra cái đẹp.
Viết không đọc và đọc không viết
Ở Trung Mỹ, những dân tộc tiền Columbus truyền những truyền thuyết của dân tộc họ chủ yếu qua những bức vẽ vì họ chưa có chữ viết. Đúng là “thợ vẽ không biết đọc mà người biết đọc lại không biết vẽ”. Đến một giai đoạn nào đó của văn minh nhân loại, viết và vẽ bổ sung cho nhau, kết hợp với nhau, đưa văn minh nhân loại lên một bậc cao mới thể hiện trong những tác phẩm nghệ thuật tổng hợp: điện ảnh, tiểu thuyết có minh họa.