Ở Trung Quốc, làm việc tại nhà ít phổ biến hơn nhiều so với phương Tây. Nhưng từ ngày 3-2-2020, khi chính quyền địa phương và các công ty khắp cả nước khuyến khích nhân viên ở nhà, lần đầu tiên hàng triệu người Trung Quốc được trải nghiệm những lợi ích và mặt trái của làm việc tại nhà.
Tình thế buộc phải thích nghi
Tao Yu thường làm việc ở một văn phòng thời thượng ở Thượng Hải, trung tâm tài chính lớn của Trung Quốc. Cô làm trong đội marketing của nhà sản xuất tô tô Đức Porsche. Nhưng từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, nữ nhân viên 28 tuổi này, cũng giống như hàng triệu đồng bào khác của cô, buộc phải làm việc tại nhà. Tao là người đến từ tỉnh Hồ Bắc ở miền Nam Trung Quốc, nơi virus khởi phát, và cô làm việc từ nhà của gia đình ở thành phố Hoàng Cương có dân số 7,5 triệu người.
Đây là thành phố bị ảnh hưởng nặng nề thứ 2 sau Vũ Hán. Tao cho biết: “Tôi ngủ dậy, ăn sáng, đi vào phòng mình và bắt đầu làm việc”. Tao không phải là người thích làm việc tại nhà, nhưng đó là điều mà rất nhiều hàng xóm của cô đang thực hiện khi thành phố bị phong tỏa. Cô lo lắng không biết đồng nghiệp nghĩ gì về mình.
Tao giải thích: “Tôi muốn thể hiện rằng làm việc tại nhà và tại văn phòng là như nhau, nhưng tôi lo lắng đồng nghiệp của tôi sẽ nghĩ thật không công bằng. Họ có thể nghĩ rằng làm việc ở nhà là xa xỉ”. Với việc những con đường từng đông đúc ở các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Đông giờ đây vắng lặng đến rợn người, cuộc thử nghiệm khổng lồ làm việc từ nhà đã dẫn đến nhu cầu sử dụng những ứng dụng hội họp bằng video tăng cao – như ứng dụng Wechat Work của hãng Tencent, và ứng dụng DingTalk của hãng Alibaba.
Công ty Mỹ có tên là Zoom, một nhà cung cấp dịch vụ hội họp bằng video khác, chứng kiến việc giá cổ phiếu của họ tăng vọt, trái ngược với đà sụt giảm của thị trường chứng khoán vì nỗi sợ coronavirus. Nhân viên người Trung Quốc có nhiều cảm xúc lẫn lộn với cuộc thử nghiệm này. Một số phàn nàn vì sếp quá phiền hà và không tin tưởng nhân viên có thể làm việc tại nhà. Một số khác bị xao lãng vì người trong gia đình hoặc thấy khó mà tập trung được, trong khi đó một số người lại ủng hộ trải nghiệm này, thích thú vì cảm thấy tăng năng suất làm việc.
Một số thậm chí còn cho biết đời sống tình yêu của họ được cải thiện. Sun Meng, 32 tuổi, là người từ tỉnh Liêu Ninh, làm việc ở Bắc Kinh trong công ty giáo dục trực tuyến VIPKid, với công việc là thiết kế và lên kế hoạch giáo trình. Sun đã làm việc tại nhà trong suốt một tháng và không hề cảm thấy nhớ con đường dài từ nhà đến văn phòng: “Tôi thấy thật tuyệt vì bình thường tôi phải di chuyển 4 giờ để đi từ nhà đến chỗ làm rồi lại đi về”.
- Xem thêm: Cười ra nước mắt khi nhà thành công sở
Sun không thể chuyển đến sống gần nơi làm việc hơn vì nơi đăng ký hộ khẩu của chồng cô (là hệ thống đăng ký hộ gia đình giúp người dân tiếp cận với các cơ sở an sinh xã hội) khiến cho đứa con trai 3 tuổi của cô phải đi học ở trường mầm non tại nơi họ sống. “Đó là trường mẫu giáo công – là trường duy nhất mà bé có thể đi học. Nếu bé muốn học ở trường gần hơn [gần văn phòng cô], chúng tôi sẽ phải cho bé học ở trường tư, mà giá cả lại quá đắt đỏ”. Trong quá khứ, Sun từng không thành công khi cố đăng ký làm việc tại nhà hai ngày mỗi tuần (thay vào đó công ty cho phép cô chuyển giờ làm việc).
Nhưng vì giờ đây nhân viên bị buộc phải làm việc từ nhà, Sun cho biết giám đốc điều hành của cô đã thừa nhận là nhân viên làm việc hiệu quả hơn. Cách làm việc trong nội bộ cũng thay đổi để thích ứng với tình hình mới. Tại văn phòng, mọi người phải đăng ký ra vào theo giờ làm việc, nhưng giờ đây họ bắt đầu ngày làm việc bằng cách gửi một bức ảnh “đăng nhập” lên nhóm làm việc DingTalk và điền vào bản báo cáo làm việc hàng ngày qua một ứng dụng trên cùng nền tảng. “Giờ đây, chúng tôi bị buộc phải làm việc ở nhà và bộ phận nhân sự buộc phải thích ứng cách kiểm soát mới”, cô cho biết. Sun chia sẻ điều tuyệt vời nhất khi làm việc tại nhà là con trai cô không cần phải đợi đến tận buổi tối mới được gặp mẹ. “Tôi có thể đóng máy tính ngay lập tức sau giờ làm việc và bắt đầu chơi với con”.
Mọi thứ bắt đầu trở nên khó khăn hơn
Người ta vẫn chưa rõ bao nhiêu phần trong lực lượng lao động được phép làm việc từ xa trước khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát. 51% số doanh nghiệp ở Trung Quốc cho biết họ có chính sách công sở linh hoạt, theo một khảo sát về công sở toàn cầu 2019 IWG; con số ở Mỹ là 69%. Nhưng sự linh hoạt lại được định nghĩa khác nhau tùy theo từng tổ chức khác nhau: với một số công ty, đó có thể đơn giản là khả năng điều chỉnh giờ làm của bạn hoặc tự kiểm soát khối lượng công việc.
Những bằng chứng không đáng tin cậy cho thấy nhân viên người Trung Quốc sử dụng (hoặc được phép sử dụng) phương thức làm việc từ nhà thấp hơn đáng kể so với Mỹ, chẳng hạn, con số từ Gallup cho thấy đến năm 2017 43% nhân viên làm việc tại nhà ít nhất một khoảng thời gian nào đó. Jay Milliken, đối tác cao cấp và lãnh đạo vùng châu Á của công ty tư vấn Profet, tin rằng tỷ lệ làm việc từ nhà thấp hơn ở Trung Quốc có liên quan tới văn hóa công sở truyền thống.
Milliken nhận định: “Văn hóa công ty ở các công ty Trung Quốc nói chung vẫn còn phải đi một chặng đường dài – ngoại trừ các công ty quảng cáo sáng tạo và những công ty khởi nghiệp công nghệ là ngoại lệ”. Rất nhiều công ty Trung Quốc vẫn sử dụng cách quản lý từ trên xuống, đòi hỏi nhân viên phải báo cáo giờ ra vào khi đi làm, và số tiền thưởng cũng như chỉ tiêu công việc thường gắn chặt với sự có mặt trong công ty. Phong cách “làm việc tại nhà” đi ngược lại với niềm tin của họ về cách quản lý nhân viên”, Milliken nói.
Xin Sun, 36 tuổi, nhà quản lý Ngân hàng Pingan ở Thâm Quyến, dĩ nhiên cảm thấy ông khó kiểm soát nhân viên hơn khi họ không đi làm ở văn phòng: “Làm việc tại nhà khiến việc quản lý khó khăn hơn, một phần vì liên lạc kém hiệu quả và nhân viên làm việc uể oải trong khi làm việc riêng khác. Khi làm việc từ nhà, nhân viên trong nhóm tôi thỉnh thoảng phản hồi tôi trễ, điều này khiến tôi cảm thấy mất kiểm soát. Thông thường chúng tôi có cuộc họp hàng tuần, nhưng trong thời gian làm việc từ nhà, tôi tổ chức họp hàng ngày, chỉ để chắc chắn mọi người đang cùng tiến độ và có việc gì đó để làm mỗi ngày. Đồng thời, tôi cũng yêu cầu họ báo cáo cho tôi mỗi ngày xem họ làm gì và họ định làm gì ngày mai. Tôi thấy đây là cách hiệu quả khiến họ có động lực làm việc và không tụt lại phía sau”.
Nhưng yêu cầu phải báo cáo nhiều hơn với các sếp đã khiến nhân viên vất vả. Yang, 23 tuổi, là nhà sản xuất tại công ty trò chơi điện tử Trung Quốc tên NetEase, cho biết giờ đây cô phải tham dự nhiều cuộc gọi họp hành hơn mỗi ngày, vì vậy giảm thời gian để cô có thể làm công việc của mình. Yang chia sẻ: “Trước khi dịch xảy ra, khi tôi ở công sở, báo cáo công việc hàng ngày là không bắt buộc, nhưng giờ đây bạn nên cẩn thận ghi lại mọi thứ mình đã làm trong báo cáo hàng ngày và gửi cho sếp. Tôi sợ rằng việc này sẽ làm giảm hiệu quả công việc của tôi”.
Đôi bên cùng có lợi
Mặc dù văn hóa công sở Trung Quốc có vẻ bảo thủ hơn, nhưng những cơ sở vật chất công nghệ đã sẵn sàng cho làm việc tại nhà. WeChat – một siêu ứng dụng bao gồm tin nhắn, chuyển tập tin, khả năng họp bằng video, chi trả qua mạng và những tính năng khác – cực kỳ phổ biến với hơn một tỷ người dùng ở Trung Quốc. Matthew Brennan, người đang viết một quyển sách về WeChat, cho biết với những công ty vừa và nhỏ, sử dụng WeChat rõ ràng là một lựa chọn vì nó thay thế những ứng dụng như Slack (đôi khi bị chặn ở Trung Quốc) hoặc email.
Và trong nhiều trường hợp, làm việc tại nhà cũng hữu ích cho các công ty khi phải trả chi phí văn phòng quá cao và những nhân viên phải đi rất xa mới đến được chỗ làm. Nhưng rất khó nói rằng liệu thời gian tăng cường làm việc từ nhà này sẽ khiến phương thức này lan rộng hơn ở Trung Quốc về lâu dài. Qun Li, giáo sư về văn hóa công ty tại Đại học Giao thông Bắc Kinh, tin rằng đòi hỏi từ nhân viên chắc chắn sẽ tăng.
Qun Li nhận định: “Họ có ít thời gian dành cho gia đình, chăm sóc con cái hay bầu bạn với cha mẹ. Họ gặp khó khăn trong việc chăm sóc đời sống cá nhân. Vì làm việc và thời gian di chuyển chiếm hết thời khóa biểu của họ, mọi người thường cảm thấy cực kỳ căng thẳng cả về tinh thần lẫn thể chất. Giờ đây, rất nhiều người đã thử làm việc từ nhà và nhận thấy đó là cách để cân bằng giữa công việc và cuộc sống, tôi tin rằng sẽ ngày càng có thêm nhu cầu”.
Nhưng liệu nhân viên có đạt được thứ họ muốn hay không thì còn phụ thuộc vào loại công việc mà họ làm, và định hướng làm việc theo nhóm ra sao. Những ngành như truyền thông và công nghệ cho phép thời khóa biểu làm việc linh hoạt hơn và có khả năng cho phép nhân viên làm việc tại nhà cao hơn. Qun Li giải thích: “Nhưng những ngành công nghiệp truyền thống cần nhân viên tại hiện trường – như có liên quan tới dây chuyền sản xuất, đòi hỏi cao trong việc phối hợp cùng nhóm làm việc – thì sẽ không thích làm việc từ nhà”.
Zhang Xiaomeng, nữ giáo sư về hành vi trong tổ chức tại Trường Cao học Kinh doanh Cheung Kong (CKGSB) ở Bắc Kinh, chỉ ra rằng rất nhiều công ty đã đầu tư vào nền tảng làm việc trên mạng và có các huấn luyện liên quan trong thời gian này; điều đó có nghĩa khả năng cao là họ sẽ sử dụng những tính năng này trong tương lai. Nữ phó giáo sư cho biết, thái độ cũng đang thay đổi: “Tôi cho rằng cách tiếp cận quản lý theo kiểu chuyên chế này sẽ ngày càng trở nên ít phổ biến và ngày càng nhiều giám đốc quan tâm hơn tới nhu cầu của nhân viên. Đợt bùng phát dịch COVID-19 chỉ là một cơ hội khác cho các công ty nhìn lại mối liên hệ giữa công ty và người lao động, nâng cấp văn hóa công sở để đôi bên cùng có lợi”. Milliken từ Prophet chỉ ra rằng sự linh hoạt này có thể đi kèm với mặt trái tiềm ẩn: “Ứng dụng công nghệ làm việc từ nhà có thể thực sự khiến văn hóa làm việc quá độ ngày càng lan rộng”. Milliken đề cập đến văn hóa “996” nổi tiếng, trong đó giới nhân viên trong ngành công nghệ và khởi nghiệp, họ làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày mỗi tuần.
Cindy Song, 29 tuổi, viên quản lý trong công ty truyền thông Ruder Finn, vẫn đang lưỡng lự không rõ liệu làm việc tại nhà có phải là một thành công hay không. Cindy Song cho biết: “Nhà tôi không rộng – hai vợ chồng tôi cùng làm việc trong một phòng, chúng tôi làm phiền nhau”. Tuy nhiên, Song cũng lo lắng về tương lai; sếp cô nói năm 2020 có thể sẽ khó khăn nếu khách hàng hủy các sự kiện vì coronavirus và giảm chi phí cho marketing. Nhưng có một điều tích cực là cuộc hôn nhân của cô đã cải thiện vì sống 24 giờ mỗi ngày bên cạnh chồng. Song nói: “Trước thời gian ‘đặc biệt’ này, chúng tôi quá bận rộn, bận làm việc và về nhà rất trễ. Giờ đây chúng tôi có thể dành thời gian bên nhau nhiều hơn, chúng tôi gần gũi với nhau hơn trước đây”.