Thời gian gần đây, số bệnh nhân bị dị ứng thời tiết tăng lên đáng kể do cơ thể chưa kịp thích nghi với sự thay đổi thất thường của thời tiết, sáng nắng chiều mưa và độ ẩm không khí tăng nhanh. Khảo sát cho thấy tỷ lệ bệnh dị ứng thời tiết thường tăng nhanh hơn vào thời điểm giao mùa, nhất là đầu thu hoặc đầu xuân. Những nước ở khu vực nhiệt đới, thảm thực vật dày như nước ta thì tỷ lệ bệnh cao hơn ở các nước ôn đới khác.
Bệnh nhân bị dị ứng thời tiết hay có các biểu hiện trên da như: nổi mày đay, mẩn ngứa, á sừng (nứt da), bóng nước, nhiễm trùng trên da, phù nề… hoặc các biểu hiện về tai – mũi – họng như: hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mũi, nghẹt mũi, ho, ù tai, đau họng, mệt mỏi, nhức đầu… Hiện nay, sự biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường đã làm cho 1/3 dân số thế giới hay bị gặp các biểu hiện bệnh dị ứng nói trên. Theo dự đoán của chuyên gia y tế thế giới thì con số này sẽ tăng lên từ 50 – 60% dân số vào năm 2015.
Thời tiết khô và nhiều gió là điều kiện thuận lợi để bụi và phấn hoa gây bệnh cho mũi, mắt và phổi của chúng ta. Mưa làm giảm lượng phấn hoa trong không khí nhưng lại làm tăng độ ẩm thúc đẩy sự sinh sản của nấm và bọ ve trong bụi. Mưa lạnh sẽ làm trầm trọng hơn tình trạng bệnh hen suyễn và chàm cơ địa (còn gọi là bệnh viêm da dịứng). Khói bụi có thể gây viêm hô hấp mãn tính ở người bị hen và làm nặng hơn tình trạng viêm phổi, viêm xoang. Nhiệt độ dao động nhanh do mưa nắng thất thường cũng dễ gây phát ban. Một số nhà khoa học tin rằng việc tiếp xúc với khí thải động cơ diesel có thể làm tăng tính nhạy cảm của một người với phấn hoa và bọ ve.
Hiện chưa có loại thuốc phòng bệnh dị ứng thời tiết, chỉ có thể phòng cúm bằng vắc xin. Thuốc chữa dị ứng cũng hay gây ra tác dụng phụ là mệt mỏi, kém tập trung nên chỉ sử dụng thuốc trong trường hợp dị ứng nặng và có chỉ định của bác sĩ. Các trường hợp mẫn cảm với thời tiết thì nên chú ý những lời khuyên sau đây:
– Hạn chế các tác nhân dị ứng trong không khí như bụi, phấn hoa, nấm mốc, lông chó, mèo… bằng cách vệ sinh nhà cửa, nơi làm việc sạch sẽ. Đặc biệt giường ngủ cần đảm bảo khô thoáng, không ngủ chung với chó, mèo, không trồng cây xanh hay đặt hoa tươi trong phòng ngủ. Chúng ta nên sử dụng khẩu trang khi ra đường hay khi đến những nơi nhiều vi khuẩn như bệnh viện. Nên rửa sạch mũi, họng bằng nước muối sinh lý mỗi ngày. Tránh lây bệnh bằng cách hạn chế tiếp xúc gần người bệnh, nên dùng khăn hoặc che miệng khi ho, rửa tay thường xuyên, hạn chế dùng chung các vật dụng nơi công cộng như: bút, lược, khăn…
– Chúng ta cần chú ý tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột từ trong phòng ra ngoài trời bằng cách sử dụng nhiệt độ máy lạnh không chênh lệch nhiều so với ngoài trời. Với những người da dễ bị dị ứng thời tiết thì không nên sử dụng quạt hoặc máy lạnh vì như thế sẽ làm da khô hơn và tình trạng dị ứng nghiêm trọng hơn. Người dễ bị á sừng (nứt nẻ da) thì cần hạn chế tiếp xúc với nước lạnh, kiêng xà phòng, nước rửa chén, dầu gội đầu và các chất tẩy rửa.
– Trong những ngày mưa, chúng ta nên cố gắng giữ ấm đầu và lòng bàn chân để tránh bị cảm lạnh. Lưu ý là không nên mặc các loại quần áo chật và khó thoát mồ hôi sẽ làm da dễ bị kích ứng hơn. Với người có làn da mẫn cảm với nhiệt độ thì không nên tắm nước nóng vì dễ gây khô, nứt nẻ da.
– Đối với trường hợp da trở nên khô rát do thời tiết thì chỉ cần sử dụng kem dưỡng ẩm phù hợp ngay từ khi mới đầu vào mùa lạnh là có thể phòng được bệnh, tránh tiếp xúc nhiều với nước nóng, các chất tẩy rửa mạnh. Khi da bắt đầu có những biểu hiện bị dị ứng như ngứa ngáy, nổi mẩn ngứa, bong nước thì cần giữ vệ sinh chỗ da bị dị ứng, tránh dùng tay gãi vì có thể gây nhiễm trùng. Nếu thấy biểu hiện dị ứng không thuyên giảm trong vòng ba ngày thì cần sớm đi khám để được thầy thuốc hướng dẫn điều trị.
– Tăng chức năng của hệ miễn dịch cũng là cách để phòng ngừa bệnh dị ứng do thời tiết. Vì vậy, chúng ta nên chú ý ngủ đủ giấc, tìm cách giải tỏa căng thẳng, tăng hoạt động cơ bắp, uống nhiều nước, bổ sung vitamin C, vitamin E, kẽm và nhóm vi khuẩn có lợi (Probiotic) ở đường ruột bằng cách ăn nhiều rau xanh, trái cây, sữa chua và các chế phẩm từ sữa.
– Vaccin phòng cúm có thể phát huy tác dụng sau hai tuần kể từ khi tiêm và tác dụng phòng bệnh kéo dài từ sáu tháng đến một năm. Các triệu chứng cảm cúm có kèm sốt, sổ mũi xanh, mất ngủ, nhức đầu kéo dài cả tuần thì cần khám và điều trị để tránh tái đi tái lại nhiều lần.