Những chiếc cầu có mặt là để kết nối. Nhiều cầu chỉ để nối liền hai bờ; có cầu đem hai thế giới giao hòa với nhau, lại có cây cầu chứa thế giới của riêng nó; nhiều chiếc cầu chuyển giao hai thời kỳ lịch sử, gắn kết các mốc thời gian và nối liền các nền văn hóa. Cầu Galata của Istanbul có hết thảy những điều ấy.
Cuộc sống màu sắc ở trên cầu
Galata không đẹp về chi tiết, không hoành tráng về kết cấu tổng thể, đã vậy lại còn nằm ở Istanbul, một thành phố nổi tiếng với các cây cầu đẹp, dài và ấn tượng. Vậy mà Galata lại được mệnh danh là Cây cầu thành phố trong thành phố cầu. Kỳ lạ làm sao khi khách bộ hành lại luôn cố tình đi thật chậm, như thể không muốn nhanh chóng qua khỏi chiếc cầu dài có 500m này. Có phải vì quang cảnh nhìn từ trên cầu quá đẹp? Cũng chưa hẳn!
Không có dáng vẻ bắt mắt, chi tiết cầu kỳ, cũng không áp dụng kỹ thuật phức tạp cao siêu gì đáng nói, nhưng ngay từ lần xuất hiện đầu tiên đến nay, cầu Galata luôn là nhân vật chính trong nhiều loại hình nghệ thuật. Rất nhiều nhà văn đến đây thường xuyên và ngồi đồng hàng ngày liền chỉ để viết sách về cây cầu. Các họa sĩ, nhà nhiếp ảnh, nhà thơ, nhạc sĩ cũng mê mải sáng tác về cầu Galata. Cảm hứng mà Galata tạo ra không bao giờ cạn.
Du khách một khi đã đặt chân lên Galata thì có khi cũng mất nguyên ngày nấn ná tại đây. Chao ôi, luẩn quẩn tầng một rồi tầng hai, leo xuống rồi leo lên, lại lượn lề trái rồi băng qua lề phải vì bận làm nhiều chuyện lắm. Nào là tán gẫu với các tay câu cá, trêu đùa lũ trẻ nhỏ đi câu cùng bố mẹ, sà vào hàng hạt dẻ nướng, xe bắp luộc, lúc uống ngụm trà đường nóng hổi, khi lại nhấm nháp con cá sardine nướng kèm trái ớt xanh tươi rói cay xè và hành củ ngọt lừ. Cuộc sống diễn ra trên cầu Galata muôn màu, khiến khách bộ hành không cưỡng lại được, cứ nhẩn nha qua chỗ nọ, tạt vào chỗ kia, có khi trầm ngâm bên những người câu cá, đăm đắm nhìn sợi dây cước thòng cả chục mét xuống mặt nước sông. Vậy đấy, hầu như không mấy ai muốn rảo bước thật nhanh qua cầu cả. Nhất là khi ánh chiều tà phủ màu nắng mật ong xuống Istanbul thì cây cầu Galata là nơi sáng tác tuyệt nhất cho các tay máy ảnh. Những người mẫu bước đi trên cầu, giữa hàng người câu cá thu hút chẳng kém gì đường catwalk ma lực ở các tuần lễ thời trang.
Con chim nhỏ trên cửa biển Sừng Vàng
Nhà thơ, nhà viết kịch nổi tiếng người Thổ Nâzim Hikmet đã ví cầu Galata như là “thân hình mảnh mai của một con chim nhỏ” giang hai cánh mở nối hai bờ cửa biển Sừng Vàng (Golden Horn). Chú chim này ngày ngày chịu tải của nửa triệu người và xe cộ lưu thông. Luôn trung thành với kết cấu trụ nổi, Galata có nhịp điệu của riêng mình, lúc dập dình theo vệt sóng tạo ra từ đuôi các con tàu đi ngang, lúc lại rung nhanh do một loạt xe bus cỡ lớn nối đuôi nhau, cũng có khi chỉ khoan thai đu đưa những lúc vắng xe cộ. Gatala được xây dựng lần đầu tiên năm 1845, trải qua năm lần xây sửa mà lần cuối cùng là hoàn toàn làm lại với kết cấu như hiện nay. Đơn giản và thuận tiện, tầng trên rộng 42m có ba làn xe và lề rộng cho người đi bộ mỗi bên. Đường tàu điện nội ô ở giữa cầu. Rất nhiều cầu thang xuống tầng dưới sát mặt nước – nơi tập trung hàng chục quán cà phê, quán bar ca nhạc được đưa vào kinh doanh từ năm 2002. Lối hầm rộng thênh thang dẫn từ cầu lên đại lộ còn là khu chợ bazar đông vui rộn rã. Tháp Galata trấn ở đầu cầu phía đông bắc, du khách đứng trên đó có thể thỏa mắt nhìn toàn cảnh Istanbul và phóng tầm nhìn ra tận vịnh Bosporus.
Từ thế kỷ XVI, sultan (đức vua) Bayezid II đã nhìn thấy tầm quan trọng của một cây cầu chiến lược nối hai khu vực sầm uất, nối Âu và Á trên cửa biển Sừng Vàng. Kế hoạch xây dựng một công trình vĩ đại của sultan vọng đến cả Ý, tới tai Leonardo da Vinci. Thiên tài hứng khởi tới mức vẽ phác thảo cây cầu gửi đến cho sultan vào năm 1502. Vinci nhấn mạnh trong thư rằng ngoài ông không ai có thể thực hiện được cây cầu với khoảng cách 240m không có cột chống. Thật đáng tiếc lá thư kèm phác thảo của da Vinci đã không đến được tay sultan, mãi đến năm 1952 người ta mới tìm thấy tài liệu này. Trong lúc đó sultan có nhã ý mời Michelangelo làm công trình sư nhưng việc hợp tác không thể diễn ra do những bất đồng tôn giáo. Michelangelo không dám trái ý Đức Giáo hoàng để thực hiện một công trình cho bên Hồi giáo. Mất ba thế kỷ rưỡi sau đó, cây cầu đầu tiên mới được xây dựng ở vị trí mà sultan Bayezid II đã định. Cầu Galata phiên bản đầu tiên năm 1845 của sultan Abdülmecid dựng bằng gỗ trên các phao nổi thỏa mãn yêu cầu đặt ra là kết nối mà không chia cắt các quận hai bên eo biển Bosporus, đặc biệt là khu vực Pera nơi đang xây cung điện Dolmabahçe nguy nga kiểu Âu và không ngăn trở tàu bè qua lại. Hoàn thành ngay trong năm đó, cầu đạt lưu lượng giao thông đáng kinh ngạc, vì thế năm 1863 người ta đã phải thay bằng cây cầu khác rộng lớn hơn và có tính ổn định hơn. Đến năm 1875, cây cầu thép đầu tiên được xây dựng.
Thế giới bước vào thế kỷ XX với nhiều phát minh quan trọng tạo ra cuộc cách mạng trong ngành giao thông với điện, hơi nước và benzin. Cầu Galata xây dựng năm 1912 có hình dáng hiện đại, kết cấu khỏe, rộng tới 42m đủ tải các phương tiện mới, lưu lượng tăng nhiều lần so với thế kỷ trước. Châu Âu đã gần với vùng Cận Đông hơn cũng nhờ vào sự kết nối của cầu Galata. Các thương nhân người Thổ càng có điều kiện thúc đẩy việc buôn bán, trao đổi hàng hóa với châu Âu.
Cây cầu hiện tại hoàn thành năm 1994 do cầu cũ bị hư hại nặng sau một vụ cháy.
Kết nối những nền văn hóa
Qua hết 500 mét cầu Galata, người Thổ Nhĩ Kỳ bước từ Đông sang Tây, từ Á sang Âu. Từ khu phố cổ Eminönü, Fatih sầm uất với những công trình danh tiếng như cung điện Topkapi, nhà thờ nay là bảo tàng Hagia Sophia, nhà thờ Xanh (Blue Mosque)… với cư dân chủ yếu người phương Đông theo đạo Hồi, thoắt cái du khách đã sang quận Karaköy, Beyoğlu được coi là Phố Mới của Istanbul với hơi hướng hiện đại do những luồng người di cư Hy Lạp, La Mã, Anh, Hà Lan, Đức, Do Thái… từ thời Byzantine, đế chế La Mã cho tới ngày nay. Những ngóc ngách của khu phố cổ Fatih chứa đầy những bí mật, giai thoại của bao đời sultan. Nếu bạn đi bộ vào buổi tối loanh quanh ở Fatih, vòng vèo trèo lên lượn xuống theo các tuyến phố trên đồi sẽ có cảm giác phiêu lưu, cứ như trở lại thời gian của các thế kỷ trước. Quán ăn vẫn nướng bánh trên gang nóng, những cây thịt kebap vẫn quay đều tỏa mùi thơm nức, những tấm thảm cũ kỹ bạc màu thời gian rung rinh tua len trong gió.
Nhưng bước qua Galata sang quận Karaköy, Beyoğlu bên kia cây cầu lịch sử là một thế giới khác. Đường sá rộng rãi, song song bàn cờ. Khách lạ cứ nhìn vào bản đồ là dễ dàng tìm đường cần đi. Các cửa hàng cửa hiệu sáng choang, quảng trường, bến xe trung tâm rộng thênh thang. Nhịp sống cũng sôi nổi, nhanh hơn và những khuôn mặt lướt đi trên phố trẻ trung hơn. Cầu Galata được xây nên là để nối các nền văn minh, gắn kết những phong cách văn hóa khác nhau.
Từ sáng tinh mơ đến tối mịt, trên cầu, người ta say sưa giật dây cước kiếm ít cá nục, cá cơm, rao bán những chiếc khăn màu sặc sỡ hay ngồi thư thái nghe nhạc trong quán cà phê sát mặt nước với người yêu. Nằm trong Istanbul muôn màu muôn vẻ, Galata vẫn có đời sống của riêng mình.
Minh Lý – Du Nhân