Trước sự phát triển kinh tế – xã hội nhanh chóng của khu vực Nam Sài Gòn, nhiều nhà đầu tư cũng như người dân đổ về khu vực này khiến hạ tầng giao thông nơi đây trở nên chưa đủ đáp ứng. Điều này đòi hỏi hạ tầng phải sớm được đồng bộ.
Trước thực tế đó, báo Tuổi Trẻ tổ chức buổi talkshow xoay quanh chủ đề “Nam Sài Gòn – Tiềm năng phát triển nhờ cú hích hạ tầng” với sự tham gia bàn luận của Sở GTVT TP.HCM, các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực đầu tư, phát triển hạ tầng ở TP.HCM. Các đơn vị đã cùng nhau tìm lời giải cho bài toán hạ tầng, hướng đến tạo cú hích cho sự phát triển của Nam Sài Gòn.
Tập trung dự án hạ tầng “khủng”
TP.HCM có tốc độ phát triển nhanh chóng kéo theo việc quỹ đất ở khu vực trung tâm TP ngày càng cạn kiệt. TP có những phương án phát triển đô thị vệ tinh, trong đó nổi bật nhất là khu Nam Sài Gòn. Tuy nhiên, hạ tầng giao thông, bất động sản tại đây lại không bắt kịp tốc độ phát triển.
Trao đổi tại buổi talkshow, ông Vương Quang Hưng – Trưởng Phòng Quản lý xây dựng công trình đường bộ Sở GTVT TP thừa nhận giao thông khu Nam Sài Gòn đang gặp phải một số khó khăn nhất định. Do việc gia tăng nhanh chóng phương tiện cá nhân, giao thông kết nối bắt đầu gặp trở ngại, có xảy ra ùn tắc.
Nắm bắt được tình hình này, Sở GTVT TP và các đơn vị liên quan đã không ngừng quan sát, nghiên cứu và đề xuất hàng loạt dự án giao thông hướng tới giải quyết vấn đề nêu trên.
Trong đó phải kể đến nhiều dự án hạ tầng “khủng” đã được đưa vào lộ trình phê duyệt như hệ thống hầm chui, cầu vượt tại ngã tư Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ (quận 7) đã chính thức khởi công giai đoạn 1. Ngoài ra, 2 dự án trọng điểm là cầu Thủ Thiêm 3 (nối từ Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2 qua quận 4) và cầu Thủ Thiêm 4 (kết nối giữa quận 2 qua quận 7 – cầu Phú Mỹ) với quy mô đầu tư hàng ngàn tỉ đồng cũng đang được TP.HCM đẩy nhanh thực hiện.
Cả hai dự án này đều được xác định là những công trình cấp bách và được ưu tiên xây dựng nhằm giảm áp lực giao thông tại nút giao nêu trên.
Ngoài ra, một loạt các dự án trọng điểm khác tại khu vực này đang được đẩy nhanh như cầu Nguyễn Khoái – quận 7 kết nối với quận 4 (vốn đầu tư 1.250 tỉ đồng), dự án mở rộng đường Nguyễn Tất Thành (quận 4), dự án đường trục Bắc – Nam kết nối khu vực trung tâm với các quận 4, 7 và huyện Nhà Bè có tổng kinh phí dự trù hơn 8.500 tỉ đồng.
Cũng theo ông Hưng, những dự án này khi hoàn thành sẽ là nền tảng cho sự phát triển bền lâu của khu Nam Sài Gòn, đồng thời là cơ sở thu hút các đề án đầu tư bất động sản, huy động nguồn vốn dễ dàng hơn. Hiện TP.HCM xây dựng đề án phát triển hạ tầng 2020- 2025, tiếp tục xem xét, phê duyệt các dự án cần sớm thực hiện để tạo cú hích cho khu Nam trong tương lai gần.
Bên cạnh đó, TP đang nỗ lực giải quyết các vướng mắc, khó khăn về nguồn vốn, giải phóng mặt bằng mà hầu hết các dự án đang vướng. Cụ thể, các đơn vị sẽ chấm điểm, lập danh mục dự án ưu tiên cần đầu tư làm trước để đẩy nhanh đầu tư hoàn thiện trước.
Điểm sáng đầu tư bất động sản
Theo bà Võ Thị Phương Mai – Phó Giám đốc kiêm Trưởng Bộ phận Dịch vụ Cho thuê Mặt bằng bán lẻ của CBRE Việt Nam, xu hướng giãn dân cũng đã và đang biến khu Nam Sài Gòn thành điểm sáng đón đầu dòng vốn đầu tư của hàng loạt dự án hạ tầng bất động sản.
Người mua nhà cũng có xu hướng chấp nhận dịch chuyển nơi ở ra khỏi các quận trung tâm TP đến các khu ngoại thành nhằm tìm kiếm môi trường sống trong lành và an cư lâu dài.
Bà Mai đưa ra dẫn chứng, nguồn cung nhà phố và biệt thự xây sẵn ở khu Nam Sài Gòn đang chiếm khoảng 26,2% tổng nguồn cung loại hình này của TP.HCM. Tốc độ tăng trưởng nguồn cung bình quân giai đoạn 2015 – 2019 đạt 13,3% với sự xuất hiện của nhiều dự án quy mô lớn từ năm 2017 đến nay.
Trong đó nổi trội là các dự án bất động sản dân dụng thấp tầng thuộc khu Nam Sài Gòn hiện nay đang tập trung phần lớn ở quận 7, huyện Nhà Bè và một phần khu vực huyện Bình Chánh mà tiện ích, cảnh quan xanh trong dự án, hạ tầng giao thông kết nối tốt.
Có thể kể đến các dự án như Senturia NSG tọa lạc cạnh đường Nguyễn Văn Linh với thời gian kết nối đến các cơ sở tiện ích xung quanh nhanh chóng (7 – 10 phút), tiện ích nội khu hoàn chỉnh là lợi thế rất nổi trội đã thu hút nhiều người nước ngoài quan tâm.
Bà Mai bày tỏ mong muốn, giá trị bất động sản của khu Nam Sài Gòn sẽ tiếp tục duy trì đà tăng giá tốt để Nam Sài Gòn thực sự tạo cú hích. Còn về dài hạn, TP và các doanh nghiệp cần chung tay đồng bộ các dự án hạ tầng giao thông và tiện ích an cư góp phần sớm hình thành Thành phố Nam.
Kết nối giao thông công cộng
Kiến trúc sư Kevin Đoàn cho rằng một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự phát triển của khu Nam Sài Gòn chính là phát triển hạ tầng giao thông, đầu tư các dự án bất động sản phải đi song song với kết nối vào mạng lưới giao thông công cộng.
Theo đó, nhà đầu tư chịu trách nhiệm đầu tư hạ tầng kết nối với các tuyến giao thông chính. Trong thời gian tới, TP phải đưa ra các qui định cụ thể để các doanh nghệp đầu tư đô thị chủ động kết nối khuôn viên của mình với hạ tầng giao thông, đảm bảo vận tải hành khách công cộng. Ưu tiên kết nối vào các tuyến metro, BRT… Như vậy mới đảm bảo xây dựng giao thông thông minh, chống ùn tắc, người dân ở khu Nam Sài Gòn luôn được hưởng tiện ích tốt nhất.