Vào tháng 10-2012, Bảo tàng Kunsthal ở Rotterdam (Hà Lan) bị mất trộm bảy tác phẩm, gồm: tranh của Pablo Picasso (bức Đầu gã hề), Claude Monet (Cầu Waterloo và Cầu xe lửa Charing Cross),
Henri Matisse (Cô gái đọc sách trong trang phục trắng và vàng), Paul Gauguin (Cô gái trước khung cửa sổ), Meyer de Haan (Tự họa) và Lucian Freud (Thiếu phụ nhắm mắt). Nhiều khả năng chúng đã bị thiêu cháy ở Rumani.
Camera an ninh gắn trong phòng trưng bày cho thấy kẻ trộm đột nhập từ cửa sau rồi mất hút ngoài tầm kiểm soát của camera. Không lâu sau, chúng xuất hiện trở lại, mang theo một số vật cồng kềnh và rời khỏi tòa nhà bằng cửa đã đột nhập. Ước tính trị giá chung của số tranh bị mất cắp từ 100 triệu đến 200 triệu euro. Tháng 1-2013, ba nghi can người Rumani bị bắt giữ để điều tra về vụ trộm tranh lớn nhất ở Hà Lan kể từ hơn một thập niên trở lại đây. Người cầm đầu nhóm này là Radu, con trai bà Olga Dogaru, cư ngụ tại một thị trấn ở Rumani. Trong lúc cuộc điều tra đang tiến hành chưa mang lại kết quả khả quan nào thì vào tháng 2-2013, cơ quan truy tầm phát hiện trong lò nấu của bà Dogaru những dấu vết của sơn, vải bạt và đinh bằng thép hay đồng. Họ cũng không phải tốn nhiều công sức để thuyết phục người phụ nữ này kể ra sự thật về việc bà đã đốt cháy các tác phẩm nghệ thuật như thế nào.
Bà Dogaru kể rằng khi cậu con trai bị khởi tố, do sợ quá nên bà đã chôn các bức tranh trong một căn nhà hoang, rồi sau đó đào lên, mang chôn lại trong nghĩa trang của làng Caracliu. Cuối cùng, khi được biết cảnh sát đang lùng sục khắp Caracliu để tìm các bức tranh bị mất, bà vội moi chúng lên, mang về nhà cho tất cả vào lò và đốt sạch. Về mặt pháp lý, lời thú nhận của một đương sự không thể được coi là bằng chứng duy nhất để kết tội y. Trường hợp của bà Dogaru cũng vậy. Các chuyên gia pháp lý Bảo tàng Lịch sử quốc gia Rumani nhanh chóng vào cuộc, phân tích kỹ những mẩu sơn, sơn lót, vải vẽ, đinh bằng thép và đồng đã cháy thành than tại nhà bà Dogaru. Bước đầu họ xác định chúng thuộc niên đại trước thế kỷ XX.
Bước thứ hai, và cũng là bước đầy thử thách của các nhà điều tra, là tìm xem có sự tương đồng nào giữa những bức tranh bị đánh cắp và tro than của những vật mà bà Dogaru đã thiêu trong lò. Việc này cần đến sự tiếp tay của các nhà phân tích pháp y thuộc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI). Vào cuối thập niên 1990, cũng có một sự kiện tương tự xảy ra ở Pháp, nhưng với quy mô lớn hơn: kẻ phạm pháp là Stephane Breitweiser đã lấy cắp trên 200 tác phẩm nghệ thuật trưng bày ở các bảo tàng nhỏ trên khắp châu Âu. Sau khi cảnh sát bắt đầu điều tra Breitweiser thì bà mẹ của y đã hủy hoại hàng chục bức tranh bằng cách cắt vụn chúng và nhồi nhét dưới đáy thùng rác rồi quẳng những thứ còn lại dưới một dòng kênh. Bà ta bị bắt khi một số món đồ bà quẳng xuống kênh nổi lên trên mặt nước. Hơn 100 tác phẩm được vớt ra khỏi bùn và phục hồi, nhưng nhiều tác phẩm không còn để lại một dấu vết nào.
Với sự kiện bảy tác phẩm hội họa bị mất cắp ở Rotterdam, tuy số lượng không nhiều nhưng tên tuổi của các danh họa hàng đầu thế giới như Picasso, Monet, Matisse, Gauguin… khiến công chúng yêu nghệ thuật lo lắng. Họ hy vọng việc phân tích của các nhà pháp y FBI sẽ đưa đến một kết quả tích cực: những gì bị thiêu cháy không phải là tác phẩm của những danh họa nêu trên!
- Lê Nguyễn theo BBC, Irish Times…