Theo bài báo, Bali trở thành nạn nhân của chính sự phát triển du lịch quá mức. Hằng năm có 3 triệu khách du lịch đến Bali tìm kiếm thiên đường lý tưởng để nghỉ ngơi, du lịch. Thế nhưng, hòn đảo ngày càng bị xuống cấp và mất dần các truyền thống.
Bài báo miêu tả vẻ đẹp hữu tình của hòn đảo Bali với bãi biển cát mịn trên Ấn Độ Dương, cánh đồng và các đền đài theo kiến trúc hindu mà ta vẫn thấy trên bưu thiếp nhưng trên thực tế thì không còn như ta tưởng. Vài năm gần đây, lượng du khách đến đây quá đông nhưng thiếu kiểm soát làm cho đảo Bali trở nên quá tải.
Một bãi biển ở Bali
Tờ báo nhận định vẻ quyến rũ của phong cảnh tự nhiên khi chưa bị xuống cấp, vẻ hiền hòa của người dân nơi đây luôn làm du khách mơ ước được đến tham quan. Ngành du lịch phát triển quá mức cũng để lại những hậu quả nghiêm trọng. Ví dụ như ruộng đất trồng trọt đang gặp nguy hiểm. Theo lời một quan chức tại đây thì “Bali đã mất hơn 10 nông dân trong một làng do nhiều người thấy ham vì kiếm được tiền quá dễ nên đã bán lại đất đai cho các công ty khai thác khách sạn. Điều này còn gây ra ganh tỵ và hòn đảo bị mất đi sự hòa thuận giữa người dân”.
Hơn nữa, nền văn hóa hindu trên đảo Bali cũng chịu nhiều ảnh hưởng từ lượng khách du lịch hàng loạt. Đền đài bị đe dọa nghiêm trọng. Một đạo luật bảo vệ môi trường cấm xây dựng trên bờ biển và gần đền đài được ban hành nhưng vẫn không được áp dụng. Các quan chức địa phương chỉ nghĩ đến lợi ích tài chính đầu tiên nên không thi hành luật một cách nghiêm ngặt.
Với lượng du khách đến đây quá lớn, sự tiêu thụ điện và nước cũng bùng nổ. Khách du lịch ở tại một phòng khách sạn sử dụng nước nhiều hơn một hộ gia đình bình thường đến 15 lần. Các mạch nước ngầm bị khô và người nông dân gặp khó khăn trong việc tưới tiêu ruộng vườn. Theo dự báo từ nay đến năm 2015, Bali sẽ phải đối đầu với cuộc khủng hoảng về nước. Sẽ không còn nước trên đảo.
Một vấn đề khác mà Bali gặp phải đó là việc quản lý rác thải kém. Vào mùa mưa, bãi biển chứa đầy rác. Bài báo nhận định, nguyên nhân không phải chỉ do du khách vứt rác mà còn do cả người dân bản xứ thiếu ý thức, vứt rác bừa bãi trên đất và sông ngòi. Theo cô Charlotte Fredouille, một người Pháp đã sống tại đây bốn năm, quan tâm đến tình trạng này cho rằng nên giáo dục dân chúng biết sử dụng thùng rác. Cô đi khắp các trường học trong vùng để khởi xướng việc giáo dục ý thức bảo vệ môi trường.
Cuối cùng bài báo nhận định cần phải xây dựng một mô hình phát triển du lịch bền vững.
N. Nam