Ngày hôm sau, lợi dụng trời khô ráo, chúng tôi tìm đến một địa điểm mà khi nghe nói đến, nó không quá xa lạ, thậm chí rất nổi tiếng; đó là cầu Mirabeau. Cây cầu nổi tiếng khắp thế giới không phải vì có sự đặc biệt nào đó mà chính nhờ ở bài thơ cùng tên: Le pont Mirabeau của thi sĩ Guillaume Apollinaire (1880-1918) sáng tác vào năm 1912.
Paris hoa lệ, lộng lẫy nhưng vẫn cổ kính và đầy nét lãng mạn. Paris nổi tiếng không chỉ với những công trình kiến trúc làm say mê bao người mà trong đó, dòng sông Seine với hàng chục chiếc cầu là những hình ảnh tiêu biểu nhất. Mỗi chiếc cầu có một vẻ đẹp riêng biệt cùng tuổi đời nhiều thế kỷ, cầu Mirabeau là một trong những chiếc cầu đó.
Đều khác biệt ở cây cầu này vì nó là chứng nhân của một mối tình tan vỡ, được hồi tưởng lại bằng bài thơ tình bất hủ của một thi sĩ tài hoa. Nói như thế không có nghĩa cầu Mirabeau không có sự độc đáo riêng của nó, nó vẫn mang dáng vẻ cổ điển pha lẫn nghệ thuật khá ấn tượng, như phần lớn các cây cầu khác bắc qua sông Seine.
Lịch sử của thành phố Paris cho biết: ngày 12.1.1893, Tổng thống Pháp Sadi Carnot ra sắc lệnh xây dựng một cây cầu mới nối liền ngã tư tạo bởi đại lộ Versailles với phố Mirabeau. Công trình này được giao cho kỹ sư Paul Rabel; người đã thi công nhiều cây cầu của Paris. Vì cầu làm bằng thép nên vòm giữa đã nâng cao gần 100m, một điều mà cầu đá không thể thực hiện được. Tổng thống Felix Faure khánh thành cầu ngày 11.4.1897.
Tương tự như nhiều cây cầu khác, cầu Mirabeau có một nhịp chính dài khoảng 90m và 2 nhịp phụ dài chừng 30m. Điểm độc đáo ở đây là hai trụ chính của cầu đã được các kỹ sư thiết kế theo hình 2 con tàu; tàu xuôi dòng ở bờ phải và tàu ngược dòng ở bờ trái. Trên các “con tàu” này được trang trí bằng 4 bức tượng rất lạ mắt. Mỗi tượng có một ý nghĩa riêng. Tượng La Ville de Paris (thành phố Paris) ở mũi tàu bờ phải; tượng La Navigation (Hoa tiêu) ở đuôi tàu; tượng L’Abondance (Thịnh vượng) ở mũi tàu bờ trái và tượng Le Commerce (Thương mại) ở đuôi tàu.
Ở đầu cầu bờ trái có một tấm bảng đá khắc mấy câu thơ trong bài thơ tình của Apollinaire. Đây là nơi cungxcos du khách dừng chân ghé lại:
Sous le pont Mirabeau coule la Seine
Et nos amours
Faut-il qu’il m’en souvienne
La joie venait toujours après la peine
Vienne la nuit sonne l’heure
Les jours s’en vont je demeure
Dưới cầu Mirabeau sông Seine chảy
Và những mối tình chúng mình
Anh có nên nhớ lại chăng
Niềm vui luôn theo sau nỗi đau đớn
Hãy đợi đêm đến, giờ đổ
Những ngày trôi qua và anh vẫn còn đây
(Phạm Công Thiện dịch)
Tìm hiểu về tên gọi của cây cầu, chúng tôi tra cứu trong nhiều tài liệu nhưng chưa biết được nó được đặt tên từ đâu. Gần đây, trao đổi với một nhà nghiên cứu lịch sử thì được biết, trong số hàng chục cây cầu ở Paris, chỉ duy nhất cây cầu này là mang tên một nhân vật lịch sử của cuộc Cách mạng Pháp 1789; đó là Quận công Mirabeau.
Tuy thuộc giai cấp quý tộc, Mirabeau vẫn được đề cử đại diện cho giai cấp thứ ba của vùng Aix en Provence; miền Nam nước Pháp trong Viện Dân biểu (Etats Généraux) do vua Louis thứ XVI chỉ định. Ngày 23.6.1789, 3 tuần trước lúc cách mạng bùng nổ, ông và các đại biểu khác của giai cấp thứ ba đã từ chối rời hội trường ở Điện Versailles khi nhà vua ra lịnh giải tán Viện Dân biểu, và ông đã nói một câu được ghi vào lịch sử Pháp: “Chúng tôi họp ở đây theo ý nguyện của dân và chúng tôi chỉ rời khỏi nơi đây dưới sức mạnh của lưỡi lê” (Nous sommes ici par la volonté du peuple et nous n’en sortirons que par la force des ba#onnettes).
Nhân chuyện cây cầu, xin được nói qua về bài thơ cùng tên; bài thơ Le Pont Mirabeau của Apollinaire sáng tác năm 1912. Bài thơ này được rất nhiều người từ học sinh, sinh viên, đến những người thích thơ văn biết đến. Do đó, khi đến Paris, ai cũng tìm đến cây cầu này, một phần để cảm nhận nỗi vô vọng da diết của một cuộc tình ngắn ngủi, ly tan giữa nhà thơ và nữ họa sĩ Marie Laurencin (1885-1956). Âm hưởng bài thơ qua dòng nước sông Seine chảy dưới cầu, liền mạch không chấm không phẩy, lững lờ và lạnh lùng trôi như dòng thời gian không trì hoãn, chẳng níu kéo, để mặc ai đó ngồi lại với vùng quá khứ lê thê qua dòng đời lặng lẽ, chậm chạp, đơn điệu, đêm xuống, giờ điểm…
Tài liệu kể rằng, thời gian Apollinaire viết bài thơ Le Pont Mirabeau lúc ông ta sống ở Auteuil. Là một người đi bộ không biết mệt, ông thường đi qua cấu này để về nhà, luôn luôn chiêm ngưỡng cây cầu. Ông giải thích trong trường ca “Zone” như ông bước về hướng Auteuil, ông muốn đi bộ về nhà… Không biết có phải ông bước về nhà người bạn ông tên là Chagall, ở tại Ruche, vùng quận 15 hay không? Với một chút nước sông Seine và tên một cây cầu, Apollinaire đã tạo ra một bài thơ tuyệt diệu nói về sự trôi qua của thời gian và bản chất tình yêu không bền vững, phản ảnh qua sự tiếp tục chảy không ngừng của dòng nước.
- Xem thêm: Saint Mandé duyên dáng và yên lành
Có người nói rằng nếu nhìn hình cầu Mirabeau, thấy gầm cầu có dạng hình vòm, mặt nước có sóng lăn tăn, rồi hình dung ra một đôi nhân tình đứng đối diện nhau, cách xa nhau bằng tầm tay hai người đang nắm, họ đang nắm tay nhau đưa lên cao trên tầm mắt. Nhà thơ đã ví ánh mắt nhìn của họ như làn sóng dưới gầm cầu. Đã hơn một thế kỷ qua, bài thơ đã được dịch ra nhiều thứ tiếng. Nhiều nhạc sĩ đã lấy cầu Mirabeau để đặt lời cho bài hát như Georges Brassens, hoặc phổ nhạc như Marc Lavoine… Ở lĩnh vực thơ dịch ở Việt Nam, bài thơ đã được rất nhiều yêu thơ dịch sang tiếng Việt theo cảm nhận của riêng mình.
Dưới đây là bản dịch của thi sĩ Phạm Công Thiện in trong tác phẩm Ý thức mới trong văn nghệ và triết học của ông:
Cầu Mirabeau
Dưới cầu Mirabeau sông Seine chảy
Và những mối tình chúng mình
Anh có nên nhớ lại chăng
Niềm vui luôn theo sau nỗi đau đớn
Hãy đợi đêm đến, giờ đổ
Những ngày trôi qua và anh vẫn còn đây
Tay trong tay, mặt hãy nhìn mặt
Đang lúc ấy
Dưới cầu – tay chúng mình
Dòng nước mệt mỏi, những thoáng nhìn thiên thu
Tôi chảy qua
Hãy để đêm đến, giờ đổ
Những ngày trôi qua và anh vẫn còn đây
Tình yêu trôi đi như dòng nước chảy
Tình yêu trôi đi
Cuộc đời sao quá chậm
Mà hy vọng sao quá nhiệt nồng
Hãy để đêm đến, giờ đổ
Những ngày trôi qua và anh vẫn còn đây
Những ngày trôi qua, những tuần trôi qua
Mà thời gian dĩ vãng
Cùng những mối tình xưa không bao giờ trở lại
Dưới cầu Mirabeau sông Seine chảy
Hãy để đêm đến, giờ đổ
Những ngày trôi qua và anh vẫn còn đây….
Cảm nhận bài thơ rất thi vị này, thi sĩ Phạm Công Thiện viết:
“Thi nhân nhớ lại ngày xưa cũng nơi đây, thi nhân cùng người yêu âu yếm nhau, tay trong tay, mặt đối mặt, đang lúc ấy cánh tay của hai người choàng qua như một cây cầu (“le pont de nos bras”) và dưới cầu tay ấy những thoáng nhìn thiên thu của đôi tình nhân không khác gì dòng nước mệt mõi lướt chảy dưới cầu…” (“l’onde des étenrnels regards”).
- Xem thêm: Thành phố ương bướng
Có thể nói rằng đối với nhiều người, cây cầu nối liền sự giao thương, là dấu ấn của nền kinh tế phát triển, tỏ rõ sự phồn vinh của một đô thị. Nhưng cũng không ít người đã sống với cây cầu bằng tâm tưởng, bằng những hò hẹn, những nhớ thương. Cây cầu Mirabeau ở Paris bấy lâu đã nối nhịp cùng với tâm hồn mộng mơ của nhà thơ người Pháp gốc Ba Lan. Bài thơ Cây cầu Mirabeau của ông cũng đã nối nhịp, đem lại niềm tin tương lai cho những mối tình chung thủy keo sơn: Bên dưới cầu Mirabeau là dòng sông Seine đang chảy, và mối tình của đôi ta cũng đang trôi chảy, nhắc đến dòng chảy của muôn đời, tiếp theo sau nỗi ưu phiền sẽ là niềm vui chảy đến như dòng chảy của con sông…