Thái Lan thông báo sẽ áp dụng giờ giới nghiêm từ 22h-4h, trong khi tại Malaysia số ca nhiễm đã vượt 3.100. Tại Tây Ban Nha, hơn 10.000 trường hợp đã tử vong vì COVID-19 trong khi con số này ở Anh là gần 3.000.
Mỹ ghi nhận thêm hơn 25.000 ca nhiễm, nâng tổng số ca COVID-19 của nước này vượt qua con số 200.000. Trong khi đó, tổng số ca nhiễm trên toàn cầu đã lên tới hơn 900.000 ca. Anh quyết định tăng cường xét nghiệm.
Theo cập nhật của trang Wordometers lúc 6h10 ngày 2-4, tổng số ca bệnh COVID-19 trên thế giới đã lên tới 934.033 ca. Trong khi đó, có 46.922 ca tử vong và 193.891 ca hồi phục.
Trong đó, số ca nhiễm ở Mỹ tăng thêm 25.723 ca, lên tổng cộng 214.253 ca. Còn số ca tử vong do COVID-19 ở nước này tăng thêm 788 ca, lên tổng cộng 4.841 ca.
Tại Ý, số ca nhiễm tăng thêm 4.782 ca, lên tổng cộng 110.574 ca. Trong khi đó, số ca tử vong tăng thêm 727 ca, lên 13.155 ca. Hiện Ý cũng là nước có số ca tử vong do COVID-19 cao nhất thế giới.
Nằm trong nhóm 10 nước có số ca nhiễm cao nhất thế giới theo thứ tự từ cao xuống thấp tới lúc này là: Mỹ, Ý, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Đức, Pháp, Iran, Anh, Thụy Sĩ, Thổ Nhĩ Kỳ.
Hơn 2.300 ca tử vong ở bang New York
Thống đốc bang New York Andrew Cuomo ngày 2-4 thông báo toàn bang đã có 2.373 ca tử vong, tăng từ 1.941 ca của 1 ngày trước đó. Số người nhập viện tại đây cũng tăng từ 12.226 lên 13.383.
Ông Coumo cho biết tổng cộng 21.000 nhân viên y tế ngoài bang đã tình nguyện tới giúp đỡ New York trong đợt dịch COVID-19 này.
Anh: số ca tử vong lên gần 3.000, hơn 63.000 ca nhiễm
Bộ Y tế Anh thông báo số ca tử vong trong dịch COVID-19 tại đây đã tăng 24% lên 2.921 ca trong ngày 1-4. Số ca nhiễm tại Anh cũng tăng thêm 33.718 thành 63.188 ca.
Cơ quan Y tế Áo ngày 2-4 xác nhận phát hiện ổ dịch tại một khu nghỉ dưỡng – trượt tuyết tại Ischgl. Hơn 600 ca nhiễm tại Áo có liên quan tới khu nghỉ dưỡng này. Đến nay Áo ghi nhận 10.927 ca nhiễm, 158 ca tử vong.
Số ca tử vong vì COVID-19 tại Hà Lan ngày 2-4 cũng tăng thêm 166, lên 1.339 ca. Viện Y tế Công Hà Lan cũng thông báo số ca nhiễm tại đây đã tăng 8%, lên 14.697 ca.
Bộ Y tế Singapore ngày 2-4 ghi nhận thêm 49 ca nhiễm virus corona chủng mới, nâng tổng số ca tại đây lên 1.049.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố kéo dài thời gian không đi làm trên toàn nước Nga cho đến hết 30-4 để ngăn dịch COVID-19. Ông Putin đã công bố lệnh không đi làm vào hôm 25-3. Thành phố Matxcơva sau đó đã áp lệnh phong tỏa một phần, yêu cầu người dân ở nhà, khiến nhiều khu vực khác tại Nga làm theo. Nga hiện có 3.548 ca nhiễm và 30 trường hợp tử vong.
Saudi Arabia áp lệnh giới nghiêm 24 giờ với Mecca và Medina
Bộ Nội vụ Saudi Arabia ngày 2-4 đã áp lệnh giới nghiêm 24 giờ đối với 2 thánh địa Mecca và Medina. Quyết định này đã mở rộng các biện pháp ngăn ngừa dịch COVID-19 tại đây. Trước đó, lệnh giới nghiêm chỉ có hiệu lực từ 15h ngày hôm trước đến 6h sáng hôm sau.
Cơ quan trên cũng cho biết sẽ có ngoại lệ đối với các nhân viên làm việc trong lĩnh vực thiết yếu, cũng như người dân ra ngoài mua thực phẩm hay tìm hỗ trợ y tế.
Saudi Arabia hiện có 1.720 người mắc bệnh và 16 trường hợp tử vong.
Dân số chỉ 11,4 triệu người nhưng Bỉ đã có 1.011 ca tử vong
Tại Bỉ trong 24 giờ qua đã có thêm 1.384 ca nhiễm mới và 183 ca tử vong. Đến nay nước này đã ghi nhận 15.348 ca nhiễm và 1.011 ca tử vong.
Theo hãng tin AFP, bác sĩ Emmanuel Andre, người phát ngôn của chính phủ về y tế, cho biết 93% các ca tử vong ở Bỉ là ở người già trên 65 tuổi.
Các chuyên gia hi vọng Bỉ đã đạt đến đỉnh dịch. Hiện Bỉ áp dụng biện pháp phong tỏa như nhiều nước láng giềng châu Âu.
Cơ quan y tế Thụy Sĩ ngày 2-4 cập nhật số ca số ca nhiễm ở nước này đã tăng lên 18.267, trong khi con số của ngày 1-4 là 17.139. Số ca tử vong cũng tăng lên 505 so với con số 378 ca của ngày 1-4.
Tây Ban Nha hơn 10.000 ca tử vong, Iran 50.400 ca nhiễm
Bộ Y tế Tây Ban Nha cho biết số ca nhiễm COVID-19 ở nước nước này tăng lên 8.202 trong ngày 2-4, đưa tổng số ca nhiễm lên 110.238. Số ca tử vong mới trong cùng ngày cũng tăng 950, đưa tổng số tử vong cả nước lên 10.003 trường hợp, theo Reuters.
Tại Iran, giới chức y tế ngày 2-4 cho biết số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 trong 24 giờ qua là 2.875 và số tử vong mới là 124 trường hợp. Đến nay Iran đã ghi nhận tổng cộng 50.468 ca nhiễm và 3.160 ca tử vong.
Thái Lan thêm 104 ca nhiễm mới, thông báo giới nghiêm
Theo Reuters, thông báo của chính phủ Thái Lan cho biết nước này sẽ áp dụng giờ giới nghiêm từ 22h hôm trước đến 4h sáng hôm sau, bắt đầu từ ngày mai 3-4.
Thủ tướng Thái Lan sẽ đọc thông báo về giờ giới nghiêm trên truyền hình quốc gia vào lúc 18h ngày 2-4. Giờ giới nghiêm sẽ có một số ngoại lệ dành cho xe chở thiết bị y tế, xe đưa người đến khu cách ly, xe chở bệnh nhân và y bác sĩ.
Ngày 2-4, Thái Lan ghi nhận thêm 104 ca nhiễm virus corona mới và 3 trường hợp tử vong. Tổng số ca nhiễm và tử vong của Thái Lan là 1875 và 15 ca tử vong.
Theo báo Bangkok Post, khoảng 70% người Thái nghiêm túc chấp hành việc giãn cách xã hội.
Cộng hòa Czech kéo dài tình trạng khẩn cấp
Chính phủ Cộng hòa Czech đã quyết định kéo dài tình trạng khẩn cấp đến ngày 11-5 theo đề xuất của Ủy ban Khủng hoảng trung ương, theo tin từ Thông tấn xã Việt Nam. Tuy nhiên, quyết định này cần phải được Hạ viện thông qua trong phiên họp dự kiến diễn ra vào ngày 7-4 tới.
Theo Bộ trưởng Y tế Czech Adam Vojtěch, mặc dù tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn được kiểm soát và có một số tín hiệu khả quan, nhưng đỉnh dịch được dự báo sẽ diễn ra trong hai tuần tới nên chính quyền không thể nới lỏng các biện pháp. Căn cứ theo biểu đồ diễn biến dịch bệnh, việc kéo dài tình trạng khẩn cấp thêm 30 ngày là cần thiết.
Czech hiện đã ghi nhận 3.604 ca nhiễm, 39 ca tử vong.
Thiếu thiết bị bảo vệ, bác sĩ ở Romania xin nghỉ làm
Nhiều y bác sĩ làm việc ở bệnh viện Ramnicu Sarat, đông nam Romania, chia sẻ với phóng viên AFP việc họ thiếu găng tay, khẩu trang và nhiều thứ trong cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19.
Các y bác sĩ đã lên tiếng trên mạng xã hội về việc họ cảm thấy đang bị đe dọa tính mạng do thiếu thiết bị bảo vệ khi làm việc ở tuyến đầu. Thậm chí đã có biểu tình ở một số bệnh viện hoặc xảy ra tình trạng y bác sĩ xin nghỉ làm, khiến ngành y tế ở Romania – nước nghèo nhất EU, càng gặp khó khăn.
Theo AFP, đến nay Romania ghi nhận khoảng 400 ca nhiễm và khoảng 30 trường hợp tử vong do bệnh COVID-19.
Malaysia hơn 3.100 ca nhiễm, Philippines hơn 2.600 ca
Tại Malaysia, nước số ca nhiễm cao nhất Đông Nam Á với 3.116 ca, WHO dự báo đỉnh dịch sẽ rơi vào giữa tháng 4-2020. Hiện nước này đã tăng cường xét nghiệm chủ động, khoảng 7.000 người được xét nghiệm mỗi ngày, theo báo Malay Mail.
Theo Reuters, Malaysia ghi nhận 208 trường hợp nhiễm virus corona mới và 5 ca tử vong trong ngày 2-4. Tổng số ca dương tính với virus corona đến nay là 3.116 trường hợp và 50 ca tử vong. Trong số các nước Đông Nam Á, Malaysia là nước có số ca nhiễm virus corona cao nhất.
Bộ Y tế Philippines ghi nhận thêm 11 ca tử vong và 322 ca nhiễm vivus corona mới trong ngày 2-4. Theo báo Phil Star, tổng số ca dương tính với virus corona của Philippines là 2.633 ca, tổng số ca tử vong đến nay là 107, tổng số ca hồi phục là 51.
Số ca nhiễm virus corona ở Nga tăng lên 3.548 trong ngày 2-4 với 771 ca nhiễm mới, đây là số ca dương tính mới cao nhất từng được ghi nhận ở Nga. Theo hãng tin Reuter, Matxcơva vẫn là tâm dịch với 595 trường hợp. Cho đến nay, đã có 3 ca tử vong ở Nga do dịch bệnh COVID-19.
Indonesia dùng bộ test lao để phát hiện SARS-CoV-2
Chính phủ Indonesia cho biết sẽ sử dụng bộ xét nghiệm bệnh lao có sẵn tại hơn 132 bệnh viện và trung tâm y tế để xét nghiệm những người nghi ngờ nhiễm virus SARS-CoV-2.
Theo giới chức y tế, việc dùng bộ xét nghiệm bệnh lao có thể rút ngắn thời gian mang mẫu bệnh phẩm từ bệnh viện đến các phòng xét nghiệm. Ngoài ra, xét nghiệm sử dụng phương pháp phản ứng chuỗi polymerase (PCR) cũng chính xác hơn so với xét nghiệm nhanh.
Quyết định sử dụng bộ test bệnh lao cho SARS-CoV-2 được đưa ra trên cơ sở đề xuất của Hiệp hội Hô hấp Indonesia (PDPI). Các bộ test lao này do Công ty Chẩn đoán phân tử Cepheid của Mỹ sản xuất. Mới đây, công nghệ này cũng được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cho phép sử dụng để phát hiện SARS-CoV-2 tại nước này.
Liên minh quốc tế chống lại bệnh lao và bệnh phổi cũng ủng hộ xét nghiệm COVID-19 bằng bộ test lao và cho biết công nghệ này có thể đẩy nhanh việc phát hiện các bệnh nhân tại các nước thu nhập thấp và trung bình khi chỉ cần 45 phút để cho kết quả.
Đến nay Indonesia đã ghi nhận tổng cộng 1.677 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 157 ca tử vong và 103 ca hồi phục. Hiện dịch COVID-19 đã lây lan ra 32/34 tỉnh thành của quốc gia Đông Nam Á này.
Úc bắt đầu xét nghiệm trên các du thuyền
Ngày 2-4, giới chức Úc thông báo quân đội và cảnh sát nước này sẽ sớm đưa các bác sĩ tới một số du thuyền đang mắc kẹt ngoài khơi thành phố Sydney để xét nghiệm virus SARS-CoV-2 cho gần 9.000 thành viên thủy thủ đoàn.
Việc này nhằm giảm bớt khó khăn cho các các công ty điều hành du thuyền, cũng như mối quan ngại về những ca nhiễm mới từ nước ngoài về sẽ khiến bệnh viện bị quá tải.
Giữa tháng 3 vừa qua, Úc đã cấm toàn bộ các du thuyền cập cảng, nhưng sau đó lại cho phép công dân nước này trên 4 tàu được lên bờ tại Sydney khiến Úc ghi nhận thêm 450 ca nhiễm mới.
Cùng ngày, giới chức Úc bắt đầu công bố thời gian triển khai cảnh sát thực thi lệnh hạn chế người dân đi lại.
Trước đó, chính quyền các bang đã chỉ thị cho cảnh sát phạt tới 11.000 AUD (6.672 USD) cho những người vi phạm quy định liên bang, trong đó cấm việc đi lại không cần thiết và giới hạn việc tụ tập nơi công cộng xuống còn 2 người.
Tại bang New South Wales, bang đông dân nhất của Úc với 25 triệu người, cảnh sát sẽ phạt tù tới 6 tháng đối với những người vi phạm. Các lệnh hạn chế này sẽ kéo dài trong 90 ngày.
Tại bang Victoria, chính quyền thông báo các quy định giãn cách xã hội sẽ kéo dài đến tháng 6.
Hoãn tổ chức COP26
Chính phủ Anh thông báo hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP26 của Liên Hiệp Quốc dự kiến diễn ra ở thành phố Glasgow, Vương quốc Anh vào tháng 11-2020 đã bị hoãn lại do dịch COVID-19. Theo kế hoạch ban đầu, khoảng 30.000 người, gồm 200 lãnh đạo thế giới, sẽ tham gia hội nghị kéo dài 10 ngày này để có các cuộc thảo luận quan trọng về việc ngăn nhiệt độ toàn cầu tăng lên.
“Do ảnh hưởng tiếp tục của COVID-19 khắp thế giới, việc tổ chức một hội nghị COP26 mang nhiều tham vọng đã không còn khả thi” – chính phủ Anh cho biết và nói thêm ngày tổ chức hội nghị vào năm 2021 dự kiến được công bố sau.
Anh sẽ tăng cường xét nghiệm
Ngày 1-4, chính phủ Anh cho biết họ sẽ tăng cường xét nghiệm COVID-19 giữa nhiều chỉ trích cho rằng nước này đang tiến hành xét nghiệm quá ít, theo Hãng tin Reuters. Trong khi Đức xét nghiệm khoảng 500.000 người một tuần, thì Anh hiện chỉ có thể xét nghiệm 12.750 người một ngày. Chính phủ Anh nói rằng họ hướng tới gấp đôi con số 12.750 vào giữa tháng 4.
“Tôi hi vọng sẽ tăng số xét nghiệm trong tuần này, với khoảng 15.000 xét nghiệm và sau đó sẽ tăng lên” – ông Robert Jenrick, bộ trưởng nhà ở của Anh, cho hay. Hiện các xét nghiệm ở Anh tập trung vào những trường hợp nghi nhiễm và đã nhập viện. Chính phủ nước này cũng muốn tăng xét nghiệm cho hàng trăm ngàn nhân viên y tế tuyến đầu trong những tuần tới.
Anh đã ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 trong ngày cao nhất ngày 1-4, với 563 ca, nâng tổng số ca tử vong lên 2.352 ca. Nhiều nhân vật cấp cao ở Anh như Thủ tướng Boris Johnson, Bộ trưởng Y tế Matt Hancock và Thái tử Charles (vừa khỏi bệnh) đã dương tính với virus SARS-CoV-2.
Đức gia hạn các biện pháp khắt khe vì COVID-19 “không nghỉ lễ”
Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết nước Đức sẽ gia hạn các biện pháp “giãn cách xã hội” (social distancing) đến ngày 19-4 để làm chậm sự lây lan của dịch COVID-19 và rằng chính phủ quốc gia châu Âu này sẽ tái đánh giá tình hình sau lễ Phục sinh 12-4.
Đức đã đóng cửa các trường học, cửa hàng, nhà hàng, khu vui chơi… và nhiều công ty đã tạm ngưng sản xuất để đối phó COVID-19, nhưng số ca nhiễm và ca tử vong mới ở nước này vẫn tiếp tục tăng.
“Chúng ta đang chứng kiến một số hiệu quả nhỏ từ các biện pháp hiện nay, nhưng chúng ta còn ở cách xa mục tiêu cần chạm tới. Chúng ta đều biết đại dịch không nghỉ lễ” – bà Merkel giải thích cho việc gia hạn các biện pháp khắt khe.
Nga dành gần 18 tỉ USD đối phó khủng hoảng do COVID-19
Ngày 1-4, tân Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin cho biết Bộ Tài chính Nga đã dành ra khoảng 1.400 tỉ rúp Nga (gần 18 tỉ USD) để “chiến đấu chống sự lây lan của dịch COVID-19 và tiến hành các biện pháp chống khủng hoảng”, theo Hãng tin AFP.
Nói với Tổng thống Nga Vladimir Putin qua video, ông Mishustin cho biết chính phủ Nga đang soạn thảo các biện pháp mới tập trung vào việc hỗ trợ nền kinh tế của các vùng và hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Đến nay, Nga đã ghi nhận 2.777 ca nhiễm và 24 ca tử vong do COVID-19.