Theo các nghiên cứu khoa học thì một số loài động vật, đặc biệt là động vật bậc cao, có phát triển cảm xúc. Tuy nhiên, sự phát triển ấy vẫn chưa đến mức biết căm hận và nuôi dưỡng quyết tâm trả thù.
Thế nhưng không ít lần, động vật hoang dã đã “ăn miếng trả miếng”, nhắm thẳng vào tính mạng của những người âm mưu sát hại chúng. Một khi cuộc đi săn đổi vai, nó biến thành câu chuyện kinh dị đẫm máu, kinh hoàng.
Hổ phục hận
Thẳng thắn thì ngay cả bây giờ, khi đã sở hữu trong tay đủ các loại khí giới, chúng ta vẫn run rẩy khi đứng trước một mãnh hổ, loài động vật có vú trên cạn dài đến 3m (tính cả đuôi) và nặng hàng tạ (tối đa 310 kg). Không chỉ sở hữu tốc độ đáng kinh ngạc (50-65 km/giờ) và sức bật cao vô địch (8 m), hổ còn có cặp nanh dài siêu khỏe cùng bộ móng vuốt sắc lẻm.
Một khi đã trong tầm tấn công của chúng, hầu hết các sinh vật đều khó bề thoát thân. Chẳng thế mà từ xưa, nhân loại đã tôn kính hổ như chúa sơn lâm. Tại nhiều nơi trên trái đất, đặc biệt là khu vực châu Á, có vô số những điểm, đền thờ thần Hổ.
Song dù khôn ngoan và mạnh mẽ, hổ vẫn không phải là đối thủ mưu trí của con người. Bằng chứng là nhân loại đang ngày càng đầy lùi chúng, thậm chí bước lên vị trí có thể quyết định sự tồn tại hay diệt vong của các chúa sơn lâm. Trước súng đạn, ngay cả hổ cũng phải chùn bước. Thế nhưng vào năm 1997, một vụ trả thù đầy uy phong đã diễn ra.
Gã săn trộm người Nga tên Vladimir Markov vác súng vào rừng săn hổ. Sau thời gian âm thầm phục kích, hắn nã đạn, bắn trúng một chúa sơn lâm. Cậy mình có khí giới hạng nhất hộ thân, Markov không thèm giết hổ mà nhẩn nha đeo bám đùa giỡn, dọa nạt. Càng thấy hổ khiếp hãi trốn chạy, hắn càng hả hê. Hết ngày, Markov bỏ mặc con mồi khốn khổ, kiếm chỗ nâng chén tự thưởng.
Với thương tích đầy mình, cứ ngỡ con hổ nọ đã gục chết đâu đó trong rừng rậm. Nào ngờ nó bất chấp đau đớn, bám theo mùi của Markov mà tìm tới tận cabin, cắn xé tan tành mọi vật dụng, sau đó kiên trì nằm phục, chờ đợi ngoài cửa suốt 2 ngày. Nhác thấy gã săn trộm to gan dám giỡn mặt “oai linh rừng thẳm” chân nam đá chân chiêu ngất ngưởng trở về, nó liền lao ra vồ, cắn chết ngay tức khắc. Chưa hả, con hổ còn xé tan xác gã, ngấu nghiến chán chê rồi mới bỏ đi. Cái giá phải trả cho thái độ coi thường chúa sơn lâm là mất cả mạng lẫn xác.
Sư tử cảnh cáo
Trong thế giới săn mồi thì sư tử ngang hàng với hổ. Chúng tuy nhỏ con (nặng tối đa 190 kg) nhưng lại tốc độ hơn hẳn, đạt 80km/giờ. Nếu người phương Đông xem hổ như chúa sơn lâm thì ở phương Tây, sư tử mới là động vật được coi như chúa tể muôn loài. Trên tất cả, sư tử sống theo bầy đàn.
Khác với hổ luôn đơn độc, chúng rất đoàn kết. Không gì lớn hơn sức mạnh của số đông, còn sư tử lại có cả quân số lẫn sức mạnh. Chúng rất có ý thức về “chủ quyền”. Trừ khi được vua muôn loài đồng ý, còn không nếu cứ bạt mạng mà bước vào lãnh thổ của chúng cũng đồng nghĩa với bỏ mạng.
Vào ngày 3.7.2018, trong một buổi tuần tra, đội ngũ nhân viên bảo tồn của Khu Bảo tồn Sibuya Game ở Nam Phi giật mình phát hiện vài mảnh thi thể người bị cắn nát tươm vương vãi cùng 3 đôi giày, 3 bộ quần áo, rìu, máy cắt, súng trường có lắp ống giảm thanh. Họ biết rằng chí ít cũng đã có 3 kẻ săn trộm bị giết và xơi mất xác. Không ai chắc chắn chuyện gì đã xảy ra, nhưng có thể đoán chúng lẻn vào săn tê giác và bị sư tử tấn công.
Lùi lại một chút vào năm 2016, bạn sẽ thấy một vụ sư tử cảnh cáo rõ như ban ngày. Một toán săn trộm ngà voi 20 tên hùng hổ bước vào khu bảo tồn ở Zimbabwe. Xui cho chúng là vừa tiến vào đã đụng ngay bầy sư tử. Thấy “khách không mời”, cả đàn lao ra tấn công, cắn chết 5 gã, làm bị thương 3 gã. Số còn lại phải vắt chân lên cổ mà chạy mới thoát.
Tương tự vào năm 2015 ở Nam Phi, 5 gã săn trộm dắt theo 2 con chó săn lỡ chân sa vào lãnh địa của đàn sư tử. Một gã bị vồ trúng và cắn chết, 4 gã còn lại chạy điên cuồng. Bí thế, 3 gã còn phải trèo phắt lên cây rồi khốn khổ chờ đợi chán chê mới có cơ hội leo xuống.
Đáng sợ hơn cả là vào năm 2013 (vụ này có video ghi lại), một đám thợ săn nhắm ngắm bắn một con sư tử mà không hay chính mình cũng bị một con sư tử khác phục kích. Khi viên đạn của họ vừa rời khỏi nòng súng (hụt mục tiêu) cũng là lúc vua muôn thú nằm phục bật dậy, hướng thẳng toán người ôm súng, đứng lố nhố giữa bãi cỏ lao tới.
Cả đám kinh hoàng, quay phắt mũi súng về phía con sư tử đang phóng vùn vụt mà nhả đạn, nhưng vẫn không làm nó đổi hướng. Bằng cú nhảy cao tuyệt đẹp, nó nhanh như cắt tát ngã một người, sau đó đáp đất, lăn một vòng vô cùng ngoạn mục rồi bật dậy, phóng khỏi làn đạn, biến mất trong savan (trảng cỏ).
Voi vì bạn trả đũa
Không như hổ hay sư tử vốn là loài ăn thịt, voi là thú ăn cỏ. Chúng cũng là một trong số ít các loài biết thương cảm, để tang cho đồng loại. Mỗi khi trong đàn có con chết đi, tất cả sẽ vây quanh cái xác, buồn bã lấy vòi vuốt ve và cất tiếng kêu sầu thảm. Dù nhiều năm đã qua, chúng vẫn nhớ nơi con cùng đàn ngã xuống để mỗi lần đi qua đều ghé lại, dành một chút thời gian tưởng niệm.
Mặc dù là thú ăn cỏ, nhưng voi không hẳn là loài hiền lành. Với cơ thể dài 5,5-6,5m và cân nặng có thể lên đến 6.000kg, chúng là động vật trên cạn to lớn nhất. Chỉ một cái dậm chân của chúng thôi cũng đủ để phá nhà, lấy mạng người. Tuy nhiên dù to khỏe đến mấy, voi vẫn là nạn nhân của trộm ngà.
Chí ít một năm, bè lũ săn trộm cũng giết chết cả 40.000 con voi chỉ để cưa lấy cặp răng trắng, dài trên miệng chúng. Theo các nhà nghiên cứu động vật thì voi có nhận thức khá tốt. Đôi khi, chúng thậm chí nhớ mặt kẻ đã từng tấn công và cố ý trả thù.
- Xem thêm: Những tấm ảnh suýt giết chết chủ nhân
Vào năm 2013 tại Zimbabwe, có 2 gã săn trộm âm thầm bám theo một con voi có cặp ngà dài, đẹp như tranh vẽ. Không may cho chúng là hành động ác ôn ấy bị một con voi khác phát hiện. Nhận thấy bạn mình gặp nguy hiểm, con voi này liền nổi xung, hùng hục lao ra đuổi 2 gã chạy bán mạng. Gã nhanh chân hơn thoát thân, còn gã chậm hơn bị dẫm bẹp dí dưới móng guốc to nặng. Và tuy nhanh chân, gã chạy thoát cũng đâm đầu vào đội nhân viên bảo tồn, thành ra vẫn bị thộp cổ.
Tê giác báo thù
Trong các loài ăn cỏ thì tê giác có lẽ còn đáng sợ hơn cả voi. Chúng vừa to nặng đến cả 2.100 kg, lại vừa hết sức cục súc, chỉ cần hơi “khó ở” một chút là phi thân húc bậy liền. Nhưng cũng như voi dẫu to khỏe vẫn trở thành nạn nhân của trộm săn ngà, tê giác bị đám săn trộm nhắm cái sừng thô kệch trên sống mũi.
Bất chấp các nhà khoa học đã đưa ra bao nhiêu báo cáo khẳng định sừng tê giác không có tác dụng chữa bệnh, nhiều người vẫn tin nó là “thuốc tiên”, chữa khỏi được mọi bệnh tật trên đời. Họ sẵn sàng trả cả 300.000 USD chỉ để có được một cái sừng tê giác. Bởi vậy mà bất chấp nguy cơ mất mạng, nhiều kẻ săn trộm vẫn liều lĩnh bắt tê giác, cưa sừng. Chỉ riêng năm 2017, Nam Phi, vùng đất giàu có tê giác nhất hành tinh đã mất 1.000 con tê giác.
Cũng vào năm 2017 tại Namibia, quốc gia ở Nam Phi, có một gã săn trộm suýt chút nữa mất mạng vì tham sừng tê giác. Tên hắn là Luteni Muharukua. Vào một ngày tháng 7, hắn cùng đồng bọn vào rừng săn tê giác.
Đang lom khom, hắn bất ngờ chết sững vì con tê giác quay đầu, nhìn thẳng mình mà lao tới, húc đá, dẫm đạp thô bạo đến nỗi nát bét cái chân. Không thể mang theo Muharukua bị thương nặng nên đồng bọn nhét hắn vào một cái lều, chờ vết thương lành. Có điều trước khi hắn đứng dậy được, cảnh sát đã tìm tới và tra còng vào tay.
Muharukua đã bị bắt, nhưng dẫu sao vẫn còn may mắn. Vào năm 2010, một tên trộm lẻn vào Vườn quốc gia Kruger (Nam Phi) cùng đồng bọn đặt bẫy đã không có được cơ hội sống tiếp. Trong khi những kẻ khác nhờ cắm đầu chạy thục mạng mà thoát chết thì hắn lại bị bầy tê giác đuổi kịp.
Sau khi dẫm nát bấy thân thể tên trộm này, bầy tê giác vốn không hứng thú gì với thịt quăng hắn cho đàn sư tử thưởng thức. Khi các nhân viên bảo tồn hay tin tìm tới, gã trộm đáng thương chỉ còn mỗi hộp sọ nhầy nhụa, lăn lóc trên mặt đất. Ngay cả thoát khỏi cái miệng chỉ khoái gặm cỏ của nhà tê giác, hắn vẫn mất xác trong bộ hàm sắc lẻm, ưa máu thịt tươi của “vua muôn loài”.
Hươu, nai cũng phản công
Nếu nói đến con vật là biểu tượng của sự hiền lành, tất nhiên chúng ta đều nghĩ tới nai. Cái câu “Hiền như nai” sớm đã ăn vào não nhân loại, nhưng “Con giun xéo lắm cũng quằn”. Năm 2017, Regis Levasseur, một người Pháp, cùng nhiều người khác đã được cho phép vào một khu rừng ở Đông Bắc Paris, cách thủ đô chừng 80 km để săn hươu. Sau cuộc rượt đuổi kịch liệt, ông dồn được con mồi vào góc chết.
Thường thì đám động vật ăn cỏ hiền lành này chẳng bao giờ biết phản công là gì, song con nai nọ dường như lại hiểu câu “Chó cùng rứt dậu”. Nó không tìm đường thoát nữa mà quay lại, cúi đầu giương cặp sừng thô cứng như những nhánh san hô chết, lao thẳng vào Levasseur. Dù đã đâm thủng người Levasseur rồi, nó vẫn không rút sừng ra bỏ chạy mà tiếp tục ghìm cho đến khi “tử thù” chết hẳn.
Tương tự với Rodney Buffett ở Canada, thợ săn đã được cho phép vào rừng Newfoundland săn nai sừng tấm. Không như hươu chỉ nặng vài chục kg, nai sừng tấm khổng lồ đến cả 700 kg. Ở Canada, nó tuy là loài ăn cỏ, nhưng cũng gần như “vua hoang dã”.
Trong một lần đi săn nhớ đời, Buffett nhìn thấy một con nai sừng tấm đang đứng chơ vơ trên bờ biển. Thấy góc ngắm hoàn hảo, ông liền nâng súng trường, nã 2 phát đạn. Không biết con nai nọ có bị trúng phát nào không, nhưng nó bất thần quay đầu, phóng nhanh về phía Buffett. Bằng cặp sừng to khỏe, nó hất văng Buffett lên trời. Còn chưa kịp hoàn hồn, Buffett đã thấy cái vó tổ chảng bổ thẳng xuống đầu.
Ông điên cuồng lăn lộn tránh né. Chẳng biết có phải vì tội nghiệp không, con nai sừng tấm không thèm “đánh đấm” nữa. Liếc “con người thảm hại” đang sợ hãi đến mất cả thần hồn một cái, nó quay mông, thong thả bỏ đi. Hoàn hồn rồi, Buffett mới thấy cả người đều đau nhức dữ dội. Từ đầu đến chân ông đều bị thương nặng, nhưng dẫu sao vẫn may vì còn sống.