Plastic là một chất liệu mà chúng ta sử dụng hàng ngày: từ cái ly, chai đựng nước, bao bì, túi xách cho đến những vật liệu khác có xuất xứ từ plastic. Nói tóm lại, plastic hầu như hiện diện ở khắp mọi nơi. Tuy vậy, chất liệu, thoạt tiên tưởng như vô hại này lại gây ra nhiều cuộc tranh cãi do bản chất của nó, cấu tạo, việc sử dụng nó và nhất là tác động của nó trên sức khỏe và môi trường sống của chúng ta.
Lịch sử plastic
Plastic xuất hiện từ đầu thế kỷ XX. Chất liệu này được hình thành từ một polymer, một đại phân tử được lập thành bởi những chuỗi carbon dài, đạt được từ sự chuyển hóa của than, dầu hay khí thiên nhiên.
Công ty Dumont, dưới sự điều hành của Wallace Carothers, là nhà tiên phong trong công nghiệp polymer trong thập niên 1930.
Có nhiều loại plastic như:
- polyethylene terephthalate (PET)
- polyethylene high-density (PEHD hay HDPE)
- polyvinyl chloride (PVC)
- polyethylene low-density (PELD hay LDPE)
- polypropylene (PP)
- polystyrene (PS)
- polycarbonates (PC)
Nhưng nhìn chung, plastic được xếp thành 2 loại chính, dựa theo tính chất: loại nhiệt dẻo, chỉ những plastic tan chảy dưới tác dụng của nhiệt và rắn lại khi làm nguội (chẳng hạn bình đựng nước. ly…) và loại nhiệt rắn gồm những plastic có dạng cố định, tức là một khi đã hình thành, những thứ này không bị biến dạng (chẳng hạn tay cầm xoong, nồi…)
Plastic tràn ngập cuộc sống của chúng ta
Khi mới xuất hiện trên thị trường, plastic gây ấn tượng mạnh vì chúng có những tính chất mà ta không thể phủ nhận, chẳng hạn khả năng chịu đựng trước va chạm và những biến đổi của nhiệt độ, dễ sử dụng, không bị hư thối.
Những tính chất này khiến plastic nhanh chóng trở nên có ích và cần thiết hầu như trên toàn thế giới. Một vật liệu không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta (dụng cụ nhà bếp, dụng cụ học sinh…).
Bạn có biết plastic nằm trong số 3 vật liệu được chế tạo nhiều nhất hiện nay? Hai vật liệu xếp thứ nhất và thứ hai là xi măng và thép. Việc sử dụng plastic gia tăng trong và sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Công nghiệp polymer phát triển mạnh, nhất là vào năm 2015, hơn 320 triệu tấn polymer được sản xuất trên thế giới. Việc tiêu thụ quá nhiều chất liệu này là một tai họa đối với môi trường và sức khỏe.
5 con số gây sốc cho thấy plastic là một thảm họa của trái đất
- 10 tấn plastic được sản xuất mỗi giây trên thế giới
Kể từ năm 1950, việc sản xuất plastic không ngừng tăng. Đạt mức kỷ lục vào năm 2015, với 320 triệu tấn, tương đương 10,1 tấn / giây, tiêu thụ khoảng 8% sản xuất thế giới về dầu.
- 9 tỷ tấn plastic tích tụ kể từ năm 1950
Theo một báo cáo của Liên hiệp quốc, chỉ trong vòng 65 năm, con người sản xuất 9 tỷ tấn plastic, và nếu không có gì thay đổi, sẽ có khoảng 12 tỷ tấn chất thải plastic trong các bãi rác và môi trường vào năm 2050. Hệ quả của việc tích tự plastic này rất đáng sợ. Các túi plastic có thể ngăn chặn sông, suối và làm tăng thảm họa thiên nhiên. Túi plastic làm nghẽn cống và qua đó, cung cấp chỗ sinh sản cho muỗi và ký sinh trùng, làm tăng sự truyền nhiễm nhiều bệnh, như sốt rét…
- Chỉ 9% plastic được tái chế
Một số lượng quá nhỏ so với núi plastic tích lũy, cũng theo báo cáo của Liên hiệp quốc. Một lượng lớn hơn, khoảng 12% được thiêu. Đa số plastic sản xuất kết thúc cuộc đời trong các bãi rác, đại dương hay kênh rạch. Một trong những trở ngại là thiếu đầu ra cho chất liệu tái chế, do giá cao hơn vật liệu xuất xứ từ năng lượng hóa thạch, hay do sự hoài nghi về chất lượng của những vật liệu tái chế.
- Phải mất nhiều ngàn năm mới phân hủy
Sự tích tụ plastic càng đáng lo khi chất liệu này tồn tại nhiều thế kỷ trước khi biến mất. Vi đa số plastic không có tính phân hủy sinh học, chúng tan rã từ từ thành những mảnh nhỏ. Khi plastic phân hủy, lôi chúng ra khỏi đại dương lại còn khó hơn. Các nghiên cứu cho thấy phải mất nhiều ngàn năm các túi plastic và các lọ bằng polystyrene mới phân hủy; trong thời gian này, chúng gây ô nhiễm cho đất và nước.
- Bãi rác 1,6 triệu km2 trong đại dương
Đại dương là nạn nhân khốn khổ do lối sống của con người. Một phần các túi plastic, chai, bao bì, cả lưới đánh cá vứt đi và những phần tử li ti kết thúc hành trình trên biển. Kế đó, những thành phần này kết dính với nhau trong Thái Bình Dương, dưới tác động của các xoáy nước khổng lồ do hải lưu tạo nên, hình thành một bãi rác khổng lồ, được gọi là lục địa thứ 7. Bề mặt của bãi rác nổi này nặng 80.000 tấn, rộng gấp 3 lần nuớc Pháp, theo một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Scientific Reports.
Những phần tử plastic này sau đó bị các động vật nuốt phải, nằm trong bao tử của chúng. Sự tập trung cao độ chất plastic, nhất là túi plastic, được tìm thấy trong đường hô hấp và bao tử của một số loài vật. Túi plastic thường bị rùa và cá heo nuốt do tưởng là thức ăn. Đã có chứng cứ cho thấy những hóa chất độc hại được thêm vào khi chế tạo plastic di chuyển vào các mô của động vật, rốt cuộc nhập vào dây chuyền thực phẩm của loài người (theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc).
Hệ quả: nếu không hành động, đại dương có thể trở thành một bãi rác lộ thiên, số plastic trong đại dương sẽ nhiều hơn số cá vào năm 2050.
Một vấn đề toàn cầu
Để sản xuất plastic, cần phải sử dụng dầu, khí thiên nhiên và than, vốn là những nguồn tài nguyên thiên nhiên không thể tái tạo.
Về sản xuất
Để chế tạo một túi plastic đơn giản lại cần những diễn trình phức tạp và lâu dài. Thoạt tiên là chưng cất, sau đó là tinh chế, trùng hợp, rồi cho thêm chất làm dẻo và phụ gia, trước khi hoàn tất bằng việc tạo hình. Tất cả những giai đoạn này mất rất nhiều thời gian; tuy vậy, bạn dùng một túi plastic trong bao lâu?
Về tái chế
Có khoảng 7 loại plastic khác nhau; tuy vậy, thường chỉ 2 trong số đó, PET và PEHD, được tái chế. Dù thế, ngay cả khi 2 loại plastic này được chế biến lại, cũng cần một quá trình lâu dài và tốn kém. Vì vậy, nhiều plastic không được tái chế. Chẳng hạn, châu Âu chỉ tái chế 25% các plastic có thể dùng lại.
Về ô nhiễm
Ở khía cạnh này, tình hình trở nên khẩn cấp. Plastic là một chất liệu chỉ phân hủy sau vài trăm năm. Thử hình một bật lửa nhựa tồn tại 100 năm rồi mới chịu rã, hay một túi plastic nằm ì ra đó 450 năm trước khi biến mất và một chai đựng nước cứ trơ trơ trong suốt 1000 năm!
Tệ hơn nữa, ngay cả khi những plastic này biến mất, chất cặn độc của chúng vẫn không mất. Những phần tử này không chỉ không phân hủy sinh học, mà còn rất độc. Đây là lý do khiến nhiều chính phủ và nhiều tổ chức trên thế giới rất quan tâm đến trường hợp plastic.
Một giải pháp của Na Uy
Để đối phó với thảm họa plastic này, Na Uy chọn một phương pháp đơn giản mà hiệu quả, tái chế đến 97% chai plastic. Để đạt kết quả này, quốc gia Bắc Âu này áp dụng một nguyên tắc đơn giản, tạo sự đồng thuận của các ngành liên quan.
Chính phủ đề ra một thuế lũy tiến đối với tất cả các nhà công nghiệp chế tạo chai plastic. Nếu họ tái chế, thuế hạ đáng kể. Họ có thể không phải đóng thuế nếu 95% chai được tái chế. Ngược lại, nếu họ chẳng quan tâm tái chế, thuế sẽ tăng chóng mặt.
Kế đó, một loại tiền thế chân được áp dụng trên cả nước. Khi người dân mua một chai plastic, họ trả một khoản tiền được gọi là tiền thế chân. Người mua chỉ có thể lấy lại món tiền này khi trả lại chai rỗng. Những chai plastic được thu hồi sẽ được tuyển chọn và tái chế đến 50 lần.
Giải pháp khích lệ việc tái chế này dưạ trên tiền, dù nguyên tắc của chiến dịch vẫn là khơi gợi ý thức của người dân về môi trường. Dù sao đi nữa, việc tái chế chai plastic xem ra vận hành suôn sẻ. Chỉ 1% chai plastic rơi rớt trong thiên nhiên, và hiếm quốc gia nào khác có thể tự hào về một tỷ lệ thấp như vậy.
Phương pháp đơn giản trên gợi ý cho một số quốc gia khác như Anh, Úc và Trung Quốc. Họ dự định áp dụng phương pháp tương tự.