Một nghiên cứu vừa được công bố tại hội nghị của Viện Nhi khoa quốc gia Mỹ (American Academy of Pediatrics National Conference and Exhibition) đã phát hiện ra một thực tế bất ngờ: những số liệu thống kê nghiêm túc đều cho thấy người tốt bảo vệ công lý và anh hùng nghĩa hiệp của điện ảnh Hollywood phải dùng bạo lực đến 22,7 lần/1 giờ so với 17,5 lần của những kẻ giết người hay những kẻ vô lại.
Siêu anh hùng và kẻ vô lại đều ác như nhau
“Xem phim Hollywood đôi khi chúng ta thấy những thiệt hại về tài sản và sinh mạng do “người tốt” (good guy) gây ra còn nhiều hơn “kẻ xấu” (bad guy), dù là chiến đấu với khủng long hay với những tên vô lại, giết người hàng loạt. Trong quá trình đạt đến mục tiêu của mình, hệ quả do phía tốt gây ra đôi khi rất nặng nề, làm chết nhiều người dân vô tội và huỷ hoại nhiều tà sản” – John Muller, sinh viên y khoa tại Trường Y Penn State College of Medicine, người chủ trì công trình nghiên cứu trên, nhận xét. Nghiên cứu là nhằm đưa ra cái nhìn đúng đắn về ảnh hưởng của phim bạo lực Hollywood đối với sức khoẻ tâm thần của thiếu niên.
Nhóm nghiên cứu đã phân tích những cảnh bạo lực trong 10 bộ phim siêu anh hùng được công chiếu trong 2 năm 2015 và 2016 gồm: Suicide Squad, Batman: The Killing Joke, Teenage Mutant Ninja Turtles: Out of the Shadows, X-Men: Apocalypse, Captain America: Civil War, Batman v. Superman: Dawn of Justice, Deadpool, Fantastic Four, Ant-Man và Avengers: Age of Ultron trước khi đưa ra kết luận.
Theo đúng định nghĩa, những siêu anh hùng luôn được xây dựng để bảo vệ đồng loại, bảo vệ lẽ phải và chống lại bọn tội phạm, quái thú, những kẻ biến thái trên tinh thần “trừ gian diệt ác”. Nhưng càng ngày những mặc định về cách hành xử của người tốt và các siêu ành hùng càng bị vi phạm trên màn ảnh Hollywood. “Người bảo vệ công lý”, siêu anh hùng không còn “tốt” như chúng ta tưởng mà đôi khi còn bạo lực hơn những tên vô lại!
Trong quá trình truy đuổi tội phạm hay cứu cộng đồng, nhiều người tốt và siêu anh hùng gây ra những hậu quả nghiêm trọng còn hơn bọn vô lại hoặc tạo điều kiện cho bọn vô lại giết nhiều người dân vô tội chỉ để cứu một cá nhân, một nhóm nhỏ hay đạt được mục tiêu nào đó! Họ lái xe cẩu cày nát đường phố, phá sập cầu và làm đổ nhiều nhà cao tầng, thậm chí sẵn sảng lao xe vào một buổi tiệc hay một siêu thị đông đúc để đuổi tội phạm mà không cần biết đến hậu quả của chúng.
Trong quá trình truy đuổi, các siêu anh hùng dồn bọn tội phạm vào thế phải giết nhiều người vô tội! Bao giờ các nhân vật trong phim hành động đều được phân làm 2 loại: người tốt và kẻ xấu để đánh giá “tính đạo đức vì đồng loại” của hai bên. Một bên phá hoại, giết chóc; một bên bảo vệ, trấn áp. Nhưng sau khi thống kê những pha giao chiến nghiêm trọng ảnh hưởng đến mạng sống con người và tài sản của các bộ phim hành động Hollywood, Muller và nhóm nghiên cứu đã lọc ra số hành vi “bạo lực quá mức không thể chấp nhận được” và chia đều cho mỗi giờ phim để rút ra các tỉ lệ.
Báo cáo nghiên cứu kết luận: “Chúng tôi thống kê được 2.191 lần bạo lực của những kẻ tốt trong 10 bộ phim trên so với 1.724 lần bạo lực của các phần tử xấu và thấy hậu quả bạo lực từ những siêu anh hùng còn lớn hơn hậu quả do những kẻ xấu gây ra. Trực tiếp hay gián tiếp, người tốt làm cho nhiều người chết hơn và thiệt hại tài sản nhiều hơn là kẻ xấu.
Phát hiện này là rất đáng quan tâm vì nó ảnh hưởng đến tâm lý trẻ em khi chúng thấy anh hùng gây ra thảm hoạ và giết người không thua gì kẻ xấu. Để đạt được mục tiêu đề ra, có khi người tốt còn gây ra hậu quả hết sức nghiêm trọng. Trẻ em sẽ hiểu sai: Người tốt cũng có quyền giết người và phá hoại tài sản để đạt được mục đích.”.
Phải có sự điều chỉnh ngay lập tức
Những gì hiển thị trên màn bạc hôm nay cho thấy vì lợi nhuận và để tăng sức hấp dẫn, người tốt và siêu anh hùng trong phim Hollywood không còn giống những gì thế hệ trước biết đến. Bạo lực của hai bên được đẩy lên mức tối đa. Vì vậy, không lạ gì khi tại các lễ hội Halloween, trẻ em và người lớn hoá trang thành các nhân vật xấu có, tốt có trong phim; cá mè một lứa, không phân biệt! “Cả hai loại người này đều giống nhau và cả hai đều có thể trở thành thần tượng” – Muller nói.
Nhân vật Joker, hề sát nhân quái đản trong những bộ phim Batman bỗng trở thành “anh hùng” dưới mắt nhiều trẻ em. Mặt nạ và trang phục của Joker là hàng “hot” tại các lễ hội hoá trang và Halloween. Loại bạo lực thường gặp nhất trong phim trừ gian giết ác và siêu anh hùng là đánh nhau. Có 1.620 cảnh đánh nhau trong 10 bộ phim nói trên, trong đó kẻ xấu đầu têu chỉ 599 cảnh, số còn lại là do người tốt gây ra! Sử dụng vũ khí giết người hàng loạt đạt 1.263 lần, trong đó người tốt chịu trách nhiệm 659 vụ, kẻ xấu chịu trách nhiệm 604 vụ.
Các loại bạo lực khác là huỷ hoại tài sản, bắt nạt, hăm doạ, tra tấn và giết người. Bắt nạt, hăm doạ, tra tấn là ba loại bạo lực duy nhất kẻ xấu dùng nhiều hơn người tốt: 237 vụ so với 144 vụ của các anh hùng. Mặc dù nguyên nhân sử dụng bạo lực quá đáng của người tốt và siêu anh hùng không được phân tích nhưng Muller cho biết: “Thường là lấy lý do bảo vệ ai đó, cộng đồng nào đó; nhưng khi ném chuột mà bể quá nhiều bình, giết quá nhiều người và huỷ hoại quá nhiều tài sản thì khó lòng chấp nhận được”.
Tuy nhiên, khán giả hiện nay lại ít khi quan tâm đến những hậu quả của bạo lực phim ảnh mà điều quan trọng đối với họ, đã là anh hùng thì phải chiến thắng và sống sót với bất cứ giá nào! Siêu anh hùng càng bạo lực, càng lắm chiêu, nhiều đồ chơi xem càng đã mắt! Nghiên cứu 10 phim trên cũng có thấy các nhân vật nam dùng bạo lực bình quân 33,6 lần so với 6,5% của các nhân vật nữ. “Phát hiện bất ngờ về bạo lực do người tốt gây ra trong phim là cảnh báo không thể bỏ qua.
Nhiều nghiên cứu cho thấy trẻ em thường bắt chước hành vi của các thần tượng và siêu anh hùng. Nếu thần tượng phải sử dụng phá hoại, bạo lực và giết người bất chấp hậu quả để phá an hay cứu ai đó, chúng cũng sẽ sẵn sàng làm như thế. Mọi nghiên cứu tâm lý đều cho thấy trẻ em bị ảnh hưởng rất lớn từ các nhân vật trong điện ảnh và trên các phương tiện truyền thông.
Chúng rất dễ bắt chước hành vi của họ, dù đó là hành vi nguy hiểm. Thần tượng hút thuốc chúng sẽ hút thuốc, thích dùng súng chúng cũng thích súng. Đó là tâm lý có không ít trẻ em vì không phải em nào cũng phân biệt rạch ròi được khác biệt giữa phim ảnh và ngoài đời” – Brad Bushman, giáo sư thông tin và tâm lý tại Đại học công bang Ohio nói. Sarah Coyne, giảng sư về phát triển con người tại trường School of Family Life thuộc Đại học Brigham Young bổ sung: “Đa số phim chống tội phạm và siêu anh hùng đều rất bạo lực.
Mức độ sử dụng bạo lực giữa người tốt và kẻ vô lại gần ngang nhau, thậm chí người tốt còn dùng nhiều hơn. Nhân danh cứu người để phá hoại tài sản và sinh mạng là điều thường thấy trong các bộ phim Hollywood hiện nay. Những bộ phim truyền hình và điện ảnh đậm chất bạo lực được làm để phục vụ thành phần khán giả từ trung niên trở lên, nhưng từ khi chúng được chuyển thể từ truyện tranh, đối tượng khán giả chính gồm cả thiếu niên, thậm chí thiếu nhi! Tác hại từ những gì các bộ phim này chuyển tải là vô cùng lớn”.