Nhà văn Mỹ Stan Lee (tên thật Stan Lieberman, sinh năm 1922 trong một gia đình lao động nhập cư Do Thái đến từ Romania) từng là chủ tịch sáng lập của nhà xuất bản truyện tranh Marvel Comics, đã qua đời ở tuổi 95. Ông được xem là “người đã sáng tạo các siêu anh hùng”.
Năm 1961, Stan Lee gây chấn động thế giới truyện tranh khi ông sáng tạo ra 4 siêu anh hùng trong truyện tranh The Fantastic Four do Marvel Comics phát hành. Sau đó là các siêu anh hùng Spider-Man (Người Nhện), The Incredible Hulk và nhiều nữa. Nay tất cả đều đã trở thành “thương hiệu” điện ảnh.
Cứu tinh của Hollywood
Theo luật sư của gia đình, Stan Lee qua đời ngày 12.11 tại bệnh viên Cedars Sinai Medical Center ở Los Angeles. Bà Shane Duffy, giám đốc điều hành hãng phim Pow! Entertainment của Lee, đã ngợi khen ông như “Người cha của văn hoá đại chúng” (Father of pop culture) để ghi nhận ông đã phát minh ra “Vũ trụ các nhân vật truyện tranh”, kể cả siêu anh hùng lẫn siêu vô lại.
“Lee là nhà tiền phong không có đối thủ trong lĩnh vực sáng tạo của ông” – bà nói. Vợ của Lee, bà Joan, đã qua đời vào năm 2017 cũng ở tuổi 95. Hiện nay ông chỉ còn con gái JC Lee. Tâm sự với trang web người nổi tiếng TMZ, JC Lee gọi cha mình là “một con người vĩ đại nhất và tốt nhất”.
Bà bộc bạch với hãng tin Reuters: “Cha tôi luôn cảm thấy có trách nhiệm phải sáng tạo ra cái gì đó mới để đáp ứng mong mỏi của người hâm mộ”.
Trong những năm gần đây, Lee thường xuyên bị bệnh, kể cả viêm phổi dù ông luôn xuất hiện với các vai “vãng lai” trong tất cả phim của Marvel.
Dù đã chia tay với nhà xuất bản Marvel từ năm 1972, Lee vẫn là chủ tịch danh dự. Nhiều nhân vật của Marvel trở thành “thần tượng” của người hâm mộ.
Black Panther do diễn viên Chadwick Boseman đóng trong bộ phim cùng tên là một trong những siêu anh hùng da đen đầu tiên đóng vai chính trong một bộ phim chuyển thể từ truyện tranh ở Mỹ.
Lee còn sáng tạo ra các nhân vật siêu anh hùng như Silver Surfer, X-Men, Iron Man (Người Sắt) và Doctor Strange. Ông cũng là người giúp đỡ nhiều cho các đồng nghiệp như Kirby, Frank Miller, John Romitaand để cùng nhau nổi tiếng.
Trong những ngày vinh quang nhất, Marvel bán được hơn 50 triệu truyện tranh mỗi năm. Tính đến ngày thôi làm công việc biên tập (1971), Lee là người hiệu đính và sửa chữa cuối cùng toàn bộ các truyện tranh của Marvel.
Khi nghe tin Lee qua đời, Bob Iger, chủ tịch Walt Disney Company mua Marvel Comics với giá 4 tỉ USD vào năm 2009, gọi Lee là “cha đẻ của các siêu anh hùng và bậc thầy về trí tưởng tượng”.
“Quy mô trí tưởng tượng của ông ấy vượt qua cả kích thước của trái tim” – Iger nói. Nhiều người nổi tiếng và fan hâm mộ đã lên các mạng xã hội chia buồn và nói về ảnh hưởng của những gì Lee cống hiến đối với bản thân họ và cộng đồng. Hugh Jackman, đóng vai Wolverine trong thương hiệu phim X–Men, gọi Lee là “Lực lượng tiền phong trong vũ trụ phim siêu anh hùng”.
Tài năng phát triển trước tuổi 18
Stan Lee bắt đầu đi vào thế giới truyện tranh khi ông làm việc cho bộ phận truyện tranh tại nhà xuất bản Timely Publications của một người bà con trước khi nó đổi tên thành Marvel Comics.
Năm 18 tuổi, ông đã là biên tập viên của nhà xuất bản. Trong 20 năm, ông thu hút độc giả trẻ bằng các truyên tranh chống tội ác, kinh dị và miền Viễn Tây.
Ông đã cho các nhân vật của mình sức mạnh phi thường, nhưng không bỏ qua những vấn đề gai góc phải giải quyết hàng ngày.
Đây chính là công thức đã tạo ra “cuộc cách mạng truyện tranh”. The Hulk, Iron Man, Daredevil và Fantastic Four, tất cả đều phát sinh từ trí tưởng tượng phi thường của Lee.
Khởi nghiệp bằng bút và mực vẽ, dần dần, sáng tạo của ông đã biến thành những dạng thức khác của nghệ thuật giải trí mà điện ảnh, phim truyền hình nhiều tập, đồ chơi, videogame là 4 thứ dễ thấy nhất.
Từ truyện tranh trên giấy, truyện tranh trên mạng đến các bộ phim bom tấn Hollywood, Marvel Comics đã đi được một bước dài từ một bộ phận nhỏ của một nhà xuất bản đến một công ty đa truyền thông lớn. Tên tuổi và sự giàu có của Lee cũng tăng theo.
Những nhân vật của ông gồm cả lốt lẫn xấu và không có nhân vật “xám”, lưng chừng. Lee bối rối về các nhân vật của mình đến nỗi ông chỉ dùng bút danh Stan Lee thay vì tên thật Lieberman và đăng ký bản quyền bút danh này.
Đến năm 40 tuổi, khi cảm thấy mình quá già để tiếp tục viết truyện tranh, ông quyết định giải nghệ. Nhưng Joan, vợ ông sinh ở Anh, khuyên ông hãy tạo ra những siêu anh hùng từng ấp ủ. Không ngờ lời khuyên này đã giúp tạo ra cuộc cách mạng trong thế giới truyện tranh.
Cuộc cách mạng làm thay đổi thế giới truyện tranh
Sau khi nhà xuất bản đối thủ tung ra đội siêu anh hùng gồm Batman, Superman và Wonder Woman, Timely cần có giải pháp đối phó tương xứng.
Năm 1961, Lee và hoạ sĩ Jack Kirby có câu trả lời: đó là tập truyện tranh Fantastic Four gồm một đội phi hành gia đạt được siêu quyền lực sau khi bị các tia vũ trụ tấn công. Truyện tranh này đã làm thay đổi cuộc sống của Lee và công nghệ truyện tranh mãi mãi.
Lee cho mỗi nhân vật của ông trong Fantastic Four một cá tính đi kèm với các rắc rối phải giải quyết hàng ngày và những vấn đề của tuổi trẻ như háo thắng và cả… mọc mụn trứng cá! Chúng cũng thường xuyên đối kháng với cha mẹ và những người khác. Thư của độc giả hâm mộ gửi về tràn ngập.
Lúc đó, Lee chưa có ý thức là mình đã tạo ra “thời đại vàng của truyện tranh” và trí tưởng tượng của ông đã được đẩy lên một bước mới.
Vũ trụ các siêu anh hùng của ông có tên mới là Marvel Comics. Không lâu sau, người nhện Peter Parker ra đời do bị một con nhện nhiễm phóng xạ cắn phải.
Với khả năng phi thường của một con nhện, anh có thể bay nhảy trên vách các toà nhà chọc trời ở New York.
Nhưng Spider-Man (Spydey) vẫn phải giải quyết những vấn đề thường gặp như các thanh niên cùng trang lứa tại nơi làm việc, tại nhà và với bạn gái.
Điều quan trọng nhất Spydey làm được là chứng minh với mọi người rằng người ở tuổi teen không hề vô dụng, mà có thể là người cứu cả một thành phố. “Trở thành siêu anh hùng không có nghĩa là bạn đã thoát khỏi những vấn đề của đời thường” – Lee nói.
Các siêu anh hùng Hulk, Thor, Iron Man… cũng phải giải quyết các vấn nạn như ma túy, bất bình đẳng xã hội và sự cố chấp.
Sau đó, các siêu anh hùng được đa dạng hoá như Daredevil bị mù, Black Panther là người da đen, rồi Silver Surfer và Northstar với các định danh mới.
Mù vào cuối đời
Năm 1999, Công ty Stan Lee Media ra đời với mục đích sáp nhập truyện tranh đăng nhiều kỳ trên báo và Internet, nhưng bị thất bại.
Ông phá sản và bạn làm ăn với ông bị tù vì tội gian lận. Đến năm 2001, ông thành lập công ty mới POW! (Purveyors of Wonder) Entertainment để sản xuất phim và chương trình truyền hình.
Những sáng tạo của Lee trong nửa thế kỷ qua vẫn bền vững với các thương hiệu như X-Men, Fantastic Four, Hulk, Daredevil, Iron Man và Avengers được xem là cứu nguy cho Hollywood khi các ý tưởng trong phim ảnh đã cạn kiệt.
Spider-Man đạt doanh thu khổng lồ. Tập đầu tiên phát hành năm 2002 và tập tiếp theo phát hành năm 2004 thu được tổng cộng 1,6 tỉ USD tiền vé trên khắp thế giới (chưa kể phát hành dưới dạng DVD, Blue-ray và các sản phẩm ăn theo).
Các bộ phim Captain America do Chris Evans đóng vai chính cũng thu được 2,24 tỉ USD tiền vé trên thế giới. Loạt phim Iron Man do Robert Downey Jr. đóng vai chính thu được 2,4 tỉ USD.
Thành công của Marvel chưa có đối thủ nào sánh được. Những người hâm mộ rất thích thú khi thấy Lee xuất hiện, dù chỉ chốc lát, trong tất cả bộ phim chuyển thể từ truyện tranh Marvel.
Lee cũng thành công với thể loại truyện tranh không có siêu anh hùng. Năm 2012, cuốn truyện tranh Romeo and Juliet: The War mà ông là đồng tác giả lọt vào danh sách best-seller của tờ The New York Times.
Năm 2016, tại Đại hội truyện tranh Comic-Con, ông giới thiệu cuốn truyện Stan Lee’s God Woke và cuốn truyện đoạt giải Independent Publisher Book Awards năm sau đó. Lee còn có kênh YouTube “Stan Lee’s World of Heroes”.
Vài năm trước khi mất, Lee bị bệnh thoái hoá mắt nên không còn đọc được những cuốn truyện tranh từng tạo nên tên tuổi của mình. Năm 2016, ông tiết lộ với Radio Times là mất thị lực 100%.
Ông kể: “Mỗi lần tham dự một đại hội truyện tranh, tôi lại gặp ít nhất một người hâm mộ truyện tranh đặt câu hỏi: Siêu nhân vĩ đại nhất trong tất cả siêu nhân sẽ như thế nào? Tôi trả lời: May mắn là siêu nhân lớn nhất vì nếu bạn có may mắn, mọi việc sẽ suôn sẻ như bạn muốn”.
Ngày cựu chiến binh vừa qua (Veteran’s Day) trên tài khoản Facebook, ông đã chia sẻ bức ảnh mặc trang phục quân nhân trong Thế chiến thứ hai và tiết lộ biệt danh của mình là “Playwright” kèm lời cảm ơn công lao của những người lính Mỹ.