Trong lúc nàng nôn ọe thốc tháo mật xanh mật vàng thì chồng nàng đang ngồi nơi bàn nhậu, cùng bạn chí cốt. Bạn từ quê vào thăm đã quý, lại còn cùng bàn từ cấp 1, gặp nhau biết bao nhiêu chuyện để nói.
Cảm giác như đang tận hưởng một thước phim quay chậm, trở về cái thời nhìn đời xanh tươi, chẳng phải cơm áo gạo tiền, chẳng phải nhìn mặt từng người để mà sống. Nhiêu đó thôi, khỏi cần men cũng đã muốn lâng lâng rồi.
Khoa còn đề nghị với nàng gửi Ken về nhờ ngoại chăm sóc để có thời gian trọn vẹn với bạn. Nàng đồng ý. Nga thì bảo: “Anh Khoa mà bỏ cả công việc như vậy, lần sau em không dám vô thăm nữa đâu!”. Khoa tặc lưỡi: “Có việc gì quan trọng hơn việc gặp nhau này. Anh phải năn nỉ Phong mấy năm nó mới chịu gặp anh đó!”.
Nga một tay cầm khăn giấy, một tay vuốt vuốt sống lưng nàng. Cùng đàn bà với nhau, Nga chẳng ngại ngùng mà hỏi thẳng: “Hay là có bé thứ 2?”. Nàng đón lấy khăn giấy, lau thứ nước nhờn nhờn trên vành môi, nàng chỉ cười vì chẳng muốn nói gì trong lúc này. Miệng nàng đắng ngắt.
Cũng chẳng phải ngẫu nhiên mà Nga hỏi vậy. Từ lúc ngồi ở bàn nhậu cạnh chồng, đối diện vợ chồng Nga, nàng đã nôn ọe mấy lần mà bụm miệng lại kịp. Sợ ngồi thêm sẽ càng khó coi nên nàng cáo lỗi về trước. Phải cân nhắc dùng lời lắm mới không bị hiểu sai. Toàn những người nhạy cảm cả. Nàng cũng chẳng thể nói toạc với Nga vì nàng không chịu được món ăn trên bàn: thịt cá sấu. Chỉ cần nghĩ đến thôi là nàng đã muốn nôn rồi, nói chi nó nằm chình ình trước mặt hay ăn vào. Nếu nàng kể ra, Nga sẽ nhớ lại xem món thịt cá sấu đó là Khoa hay chồng Nga gọi. Nga cũng sẽ nhớ ra ngay là Khoa gọi, Khoa còn nói đó là món đặc sản ở quán này. Rồi Nga sẽ lại thắc mắc chẳng lẽ Khoa không biết vợ mình kỵ món đó? Hoặc là vì đãi bạn bè nên biết nhưng vẫn kêu. Rồi Nga càng thêm áy náy… Vậy nên nàng không nói gì.
Khi Nga dìu nàng từ nhà tắm lên phòng khách, vừa lúc có điện thoại của mẹ chồng nàng ở quê, gọi FaceTime hình ảnh. Theo phản xạ tự nhiên, nàng vuốt lại tóc, kéo cổ áo cho ngay ngắn. Mẹ chồng hỏi nàng mấy món rau củ gia vị mẹ gửi có còn tươi không. Rồi bà chỉ cho cách bảo quản để ăn được lâu. Mẹ chồng nàng, dù ở quê nhưng cập nhật thông tin nhanh lắm, nhất là cái khoản an toàn thực phẩm. Bà còn gợi ý để gửi rau sạch vào thường xuyên cho vợ chồng nàng không phải ăn loại rau ngậm hóa chất ngoài thị trường. Nhưng xa xôi quá, ngót ngàn cây số, mà bà cũng lớn tuổi rồi chứ có khỏe khoắn gì mà phải nhọc thân. Nàng nói để mẹ yên tâm là vợ chồng nàng cũng trồng rau trên sân thượng, ít nhất cũng đủ ăn cho Ken, bà không cần lo lắng nhiều.
- Xem thêm: Trò may rủi
Nga kể với nàng chuyện mẹ chồng đi thu gom rau sạch cả xóm khi biết tin vợ chồng Nga vào chơi. Tội nghiệp bà, hay đúng hơn tội nghiệp tất cả các bà mẹ trên đời. Ở thành phố này, đặc sản ở vùng nào mà chẳng có. Chỉ sợ không có tiền. Bà cũng có sẵn một bài lê thê lướt thướt có thể nói cả ngày chỉ để khoe thành tích Khoa – giám đốc của một công ty đi lên từ bàn tay trắng. Khoa nổi tiếng khắp vùng quê, tiền bạc rủng rỉnh. Vậy mà ngót nghét 80, bà vẫn lo lắng cho con cháu từng miếng ăn. Bà mà biết được Khoa bận rộn đến nỗi rất ít về ăn cơm nhà và mớ rau bà dày công chăm sóc, xin xỏ kia héo rũ trong ngăn mát tủ lạnh chắc sẽ đau lòng đến héo hắt.
Khoa và Phong về tới nhà, vừa lúc câu chuyện mẹ chồng của hai nàng dâu đã tới chi tiết nhạt. Mùi bia nồng nặc ập vào nhà, tự nhiên gợi lại cho nàng mùi dĩa thịt cá sấu khiến nàng lại lên cơn nôn ọe. Nga chạy theo nàng xuống nhà bếp, thay vì lo lắng, Nga quay lại nói với Khoa: “Anh Khoa, mai đưa vợ đi khám nha. Em nghĩ, nhà có tin vui đó!”.
Lần này, nàng phải thay quần áo vì nôn ọe khắp người. Khi cả hai trở lên phòng khách, Khoa và Phong đã ngủ say sưa ở sofa, chân đâu vào nhau thành chữ L.
***
Theo kế hoạch, hôm nay bốn người họ có tour đi vườn sinh thái. Ý tưởng này của chồng nàng, anh nói không muốn để phụ nữ phải bận rộn trong nhà bếp. Đến khu sinh thái, muốn chòi có chòi, muốn phòng lạnh có phòng lạnh. Thực đơn lúc nào cũng tràn mấy tấm menu, tha hồ mà chọn. Ngoài ra, còn có tất cả các hình thức giải trí, cho trẻ em và người lớn. Thích cảm giác mạnh thì đến khu trượt máng, đu quay, lướt tuyết… Thích lãng mạn thì ra vườn hoa, chèo thuyền ngắm cảnh… Cần không gian riêng hay chung cũng có đủ. Nga cảm động rưng rức, cô nói đàn ông phải chu đáo, tâm lý như vậy, phải biết nghĩ tới người phụ nữ của mình chứ!
Trước lúc lên xe, Nga mới à lên, quay sang nàng: “Hay là đi khám trước đã, lỡ đến đó xa trung tâm có chuyện gì làm sao trở tay kịp, nhìn Mai còn xanh đó!”. Nàng kéo đuôi tóc sang một bên, cố gắng cười tươi nhất có thể: “Mai có sao đâu!”. Nga cười mỉm: “Vậy là biết rồi nhé!”. Khoa quay xuống hỏi hai người phụ nữ: “Nghe nhạc gì để anh mở phục vụ?”. Khi ấy, trong đầu nàng đã rắt réo giai điệu của những bản nhạc Pháp trữ tình. Loại nhạc mà nàng hay nghe với Khoa thời mới quen nhau. Dạo đó, vì chiều nàng hay vì cùng sở thích mà Khoa luôn chọn những quán cà phê mở nhạc Pháp. Mặc dù không hiểu tiếng Pháp nhưng khi giai điệu du dương ngân lên luôn gợi lại cho nàng sự thân thuộc, ấm áp, bình yên. Khi ấy, Khoa luôn nói với nàng câu quen thuộc: “Em chỉ cần bình yên khi ở bên anh. Vậy là anh đã đạt được mong ước của mình rồi!”. Có những người sinh ra với sứ mệnh để che chở như Khoa nói không, khi yêu, nàng chẳng cần hoài nghi.
Thứ ngôn tình của bất cứ cặp đôi yêu nhau nào cũng giống nhau. Hay mọi câu từ của trái tim đang yêu đều cất cánh thành thứ ngôn tình? Chỉ một điều, vẻ đẹp trong tình yêu đều giống nhau, cho đến khi nó tan biến mất.
“Nhường cho Mai chọn nhạc, em sẽ chọn… thức ăn trong menu”. Khoa và Phong cùng phá lên cười. Trong kính chiếu hậu, ở một góc hẹp, lâu lắm rồi nàng mới thấy chồng cười thành tiếng sảng khoái như vậy. Lần gần đây nhất, nàng có hỏi Khoa công việc áp lực nhiều không, Khoa bảo có nhưng anh đủ bản lĩnh để đương đầu. Hỏi vậy nhưng nàng cũng biết, khó nhất là cái thời tạo dựng sự nghiệp từ hai bàn tay trắng, nhưng Khoa đã vượt qua tất cả. Người đàn ông của tuổi 40 khác rất nhiều so với tuổi 30.
Nga quay sang, ý hỏi nàng chọn nhạc gì, vừa lúc Phong đoán trúng ý vợ, anh hồ hởi: “Nếu là loại nhạc Mai thích thì ông bạn già của tui để trong lòng bàn tay, khỏi hỏi!”. Rồi quay sang hỏi Khoa bằng ánh mắt, rằng có phải như vậy không. Khoa trả lời bằng cách rời một tay khỏi vòng lái, chỉ cần vài thao tác, những giai điệu nhạc Pháp cất lên. Nga quay sang nàng, ý hỏi chọn có đúng nhạc không, nàng cười thỏa mãn. Nga bảo: “Nhất Mai rồi nhé! Giờ mà hỏi ông Phong vợ thích loại nhạc nào là ông ấy chịu thua!”. Phong quay xuống: “Nhưng hỏi ông Phong là vợ sẽ chuẩn bị nói xấu ổng những gì là biết à nghen! Thuộc luôn á!”. Nàng với chồng phá lên cười, Nga bị bắt bài nên im ru.
Khu sinh thái hiện ra từ những poster dọc hai bên đường đi vào. Tấm poster đủ màu sặc sỡ phơi dưới cái nắng gần 40 độ nối tiếp nhau khiến nàng hoa mắt đến nỗi không thể đọc được bất cứ nội dung gì. Rất lâu rồi nàng mới lại cùng chồng ra ngoại ô. Nhưng ở trong xe bốn bánh, nàng không tài nào cảm nhận được mùi của ngoại ô, của cánh đồng, hương mạ… Nàng nhắm mắt, cố hình dung nhưng không thể, mùi ôtô khiến nàng rất khó chịu. Cuối cùng thì vòng bánh xe dừng lại. Khoa nói với Phong: “Đưa hai người đẹp vào chỗ mát đứng đi!”. Nga hớn hở ra mặt: “Sao anh Khoa nói ra lời nào cũng mát lòng mát dạ”. Phong cắt ngang: “Tui biết bà nói câu tiếp theo là gì luôn!”. Những tràng cười lại vang lên.
Khi Khoa quay lại, nàng vừa chụp hình cho vợ chồng Nga. Phong đón lấy chiếc smarphone từ tay nàng, bảo chụp cho hai vợ chồng. Khoa nhiệt tình hưởng ứng. Anh khoác tay lên vai nàng như các cặp tình nhân khác thường chụp hình. Nga nhìn vào điện thoại, giọng lanh lảnh: “Đúng rồi, phải vậy chứ. Nãy sao anh không để tay như anh Khoa vầy nè!”. Rồi Mai bắt nàng chụp lại. Khoa bảo: “Để anh chụp cho, em vào bóng râm đứng cho mát!”. Nàng đi vào bóng râm mà vẫn không thấy mát hơn.
Cái nắng tháng Giêng xem chừng vẫn chẳng hạ nhiệt cho đến khi mặt trời khuất hẳn.
***
Lần này người nôn ọe không phải là nàng mà là Nga. Phong nói: “Bả có cái tật xấu vậy á! Uống chút xíu đã say, mà say là nôn ọe cả buổi! Không ăn gì cũng nôn khan vậy đó”. Nga tru tréo: “Còn không đưa em ra nhà vệ sinh, ở đó càu nhàu”. Nàng đỡ Nga dậy, dìu cô về hướng nhà vệ sinh. Nga vừa đi vừa lải nhải cố ý cho Phong nghe: “Thấy chưa, lúc cần ổng, ổng cũng có giúp đâu. Đúng là đàn ông vô tâm mà!”.
Nga trở lên chòi, nàng ở lại giặt cho Nga cái áo khoác mà cô lỡ nôn ra. Chủ yếu giặt cho chúng khỏi bết dính lại, nhưng càng giặt, cái thứ nhớp nhớp trên tay nàng càng bết dính lại. Nàng mở tung vòi nước ở mức mạnh nhất, nước bất ngờ bắn tung tóe vào tóc, vào áo nàng. Nàng đưa tay mở nhỏ vòi nước nhưng cái vòi nước không còn nghe theo ý nàng, nước bắn ra tung tóe. Có vậy mà nàng muốn bật khóc. Nàng đã nhạy cảm như thế từ bao giờ? Nhưng nàng đã không khóc bởi tiếng điện thoại bên ngoài vọng vào tai nàng, giọng nói nhỏ thôi nhưng mềm mại và ân cần, quen thuộc lắm, như nàng đã nghe ở đâu đó, vào quãng thời gian nào đó, của chồng nàng.
- Xem thêm: Điều tốt lành nho nhỏ
“Rồi em có sao không? Trời ơi, có ai ở đó với em không?… Em nói yên tâm là sao, em biết là anh không thể yên tâm rồi mà?… Em cứ ở yên đó, anh sẽ về ngay. Anh tự biết việc nào là quan trọng nhất với anh mà, nghe anh, em cứ ở yên đó chờ anh!”.
Khoa quay lại, bắt gặp nàng đứng bình thản. Chiếc áo khoác vắt vội trên tay đang nhiễu từng giọt xuống nền đất. Khoa chụp lấy vai nàng: “Đừng cho Phong biết được không? Phong biết thì mẹ sẽ biết. Anh cần thời gian để giải thích với mẹ việc này!”.
Nàng tưởng chồng đã hiểu mà không phải thương lượng gì thêm với nàng. Nếu không vì mẹ chồng nàng thì màn kịch này không diễn ra. Nàng nhập vai vì yêu quý bà như chính mẹ mình.
***
Dọc đường về, Nga không ngủ mà liên tục lặp lại một câu hỏi: “Sao đang vui lại về?”. Phong hết nhìn Khoa đến nhìn nàng ái ngại: “Lần sau, tui đi đâu để bả ở nhà cho khỏe!” – Phong quay sang Khoa: “Không sao đâu, công việc là quan trọng mà, ông bạn! Tụi mình chơi với nhau cả đời chứ đâu phải chỉ hôm nay. Bả vậy chớ tỉnh lại là quên hết à!”.
Nàng nghĩ, Nga có thể quên nhưng hẳn là cô sẽ nhớ rất rõ về Khoa, một người đàn ông chu đáo, tinh tế và biết chiều phụ nữ. Khoa đúng là người như vậy, chỉ là, người phụ nữ ấy không phải là nàng.
Rồi nàng hình dung cảnh cô gái kia, có thể đang nguy kịch, hoặc chỉ là… cảm cúm thông thường. Cô ấy sẽ cảm động phải biết khi nhìn vẻ hớt hải của Khoa. Hẳn anh ta phải là người đàn ông ấm áp và chu đáo nhất thế gian này, để cô ấy bất chấp tất cả lời xì xầm về Khoa, với những cuộc tình chóng vánh đã đi qua. Hẳn Khoa cũng thú nhận tất cả với cô ấy, và không quên thủ thỉ câu ngôn tình: “Em chính là sân ga cuối cùng của anh!”, như đã từng nói với nàng trước khi hai người đặt bút ký tên vào tờ hôn thú…
Nàng hiểu, bởi nàng đã trải qua rồi!