Thông thường, khoảng 10% lượng tóc trên đầu chúng ta sẽ ngừng phát triển, sau đó sẽ rụng sau 2-3 tháng, nhường chỗ cho tóc mới mọc.
Thời gian tồn tại và phát triển (khoảng 1cm mỗi tháng) của số tóc mới này kéo dài từ hai đến sáu năm, sau đó lại ngừng phát triển, lão hóa và rụng để tiếp tục một chu kỳ thay thế tóc khác… Theo các nhà khoa học, mỗi ngày tóc rụng chừng 100 sợi là bình thường, hơn con số đó là bất thường.
Một trong những hình thức phổ biến nhất của chứng rụng tóc là hói đầu. Trong nhiều trường hợp, hói đầu là do di truyền và thường xảy ra ở nam giới. Nam giới bị rụng tóc ở lứa tuổi càng nhỏ thì nguy cơ bị hói càng cao. Phụ nữ cũng có thể bị hói nhưng dấu hiệu không giống với nam giới (hói ở phần nửa trước), tóc càng ngày càng thưa dần trên toàn bộ da đầu.
Ngoài một số nguyên nhân mang tính tất yếu nhưng tạm thời (có thể tự hồi phục sau một thời gian) như sau một cơn bạo bệnh hay phẫu thuật nguy hiểm và việc chăm sóc tóc không hợp lý như dùng dây buộc tóc quá chặt hay để tóc tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời, chứng rụng tóc còn do một số nguyên nhân chính sau đây gây ra:
Do hormone
Những trục trặc về hormone (cụ thể là mất cân bằng về lượng kích thích tố nam androgen và kích thích tố nữ estrogen) có thể gây rụng tóc với số lượng lớn. Chẳng hạn, nếu tuyến giáp hoạt động quá mạnh hoặc quá yếu đều gây ra chứng rụng tóc. Đối với phụ nữ, chứng rụng tóc cũng rất dễ xảy ra sau khi sinh chừng ba hoặc bốn tháng vì lượng hormone trước và trong thời kỳ mang thai cũng như sau khi sinh luôn không ổn định. Tuy nhiên, điều này chỉ là tạm thời, sau đó chu kỳ lão hóa và thay thế của tóc sẽ trở lại bình thường.
Do thuốc
Một số loại thuốc có thể gây rụng tóc như thuốc có tác dụng làm loãng máu (hay còn gọi là thuốc chống đông tụ), thuốc chữa bệnh gút (thông phong), các loại thuốc dùng trong hóa trị liệu chữa trị ung thư, vitamin A (nếu dùng quá nhiều), thuốc ngừa thai và thuốc chống suy nhược.
Do nhiễm khuẩn hoặc bệnh tật
Nhiễm khuẩn, nấm trên da đầu cũng là một nguyên nhân gây rụng tóc thường gặp (nhất là ở trẻ em). Tuy nhiên, việc điều trị chứng rụng tóc trong trường hợp này dễ dàng hơn so với hai nguyên nhân trên. Ngoài ra, một số bệnh như bệnh luput và tiểu đường cũng có thể làm tóc rụng một cách bất thường. Vì thế, trong nhiều trường hợp, các bác sĩ hoàn toàn có thể chẩn đoán được bệnh qua sức khỏe của tóc.
Cách thức điều trị chứng rụng tóc phụ thuộc vào từng nguyên nhân gây ra. Chẳng hạn, để chấm dứt tình trạng rụng tóc do thuốc gây ra, không cách nào khác là phải ngưng việc dùng các loại thuốc nói trên, thay vào đó là loại thuốc khác có công dụng tương tự, theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu do mất cân bằng hormone, cần phải có sự can thiệp của các bác sĩ chuyên khoa nhằm ổn định lại lượng hormone trong cơ thể một cách hợp lý. Còn nguyên nhân do bệnh tật, nhiễm khuẩn hay tuyến giáp có vấn đề gây ra thì tất nhiên phải trị dứt điểm bệnh…
- Xem thêm: Thêm những khám phá hấp dẫn về tóc
Hiện có một số loại thuốc có thể ngăn hoặc làm chậm sự phát triển của bệnh hói đầu như minoxidil (tên nhãn hiệu là Rogaine) dùng được cho cả phụ nữ lẫn nam giới và finasteride (tên nhãn hiệu là Propecia) chỉ dùng cho nam giới… Tuy nhiên, phải mất chừng sáu tháng mới biết các loại thuốc này có tác dụng hay không.
Để hạn chế tóc rụng cũng như mắc phải các chứng bệnh khác về tóc, nên hạn chế dùng keo, mousse tóc mỗi ngày, lựa chọn loại dầu gội đầu phù hợp, tránh cột, bới tóc quá chặt và hạn chế việc để tóc tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời.