“Đã hiểu được quy luật, chúng tôi chỉ việc tận hưởng những khoảnh khắc vui tươi để sống, bình tĩnh chịu đựng những ngày mây đen và cố gắng đề phòng tối đa giông bão”, tiến sĩ Nguyễn Thị Phương Hoa chia sẻ.
Trầm cảm như một cơn bão khó lường, có thể tràn qua cánh cửa của bất cứ gia đình nào bởi đã trở nên rất phổ biến trong đời sống nhiều áp lực, thừa khoảng trống như hiện tại. Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Phương Hoa – tác giả cuốn sách Có một nỗi đau mang tên trầm cảm – kể về hành trình của người mẹ có con trai trầm cảm.
Thứ tôi sợ nhất là suy nghĩ bất lực của chính mình. Trong quá trình chữa bệnh cho con, tôi phải tự vượt qua những khó khăn của chính mình, tự vươn lên, tự thay đổi.
Nguyễn Thị Phương Hoa
Thông qua sách, chị công khai câu chuyện đối mặt với bệnh trầm cảm của con trai mình cách đây 6 năm. Chính người con trai đã thuyết phục mẹ viết sách để giúp đỡ các bệnh nhân khác.
Tôi không còn là người mẹ ích kỷ
_______
* Nỗi sợ của người bị trầm cảm khi công khai danh tính là bị dán nhãn “người bị trầm cảm” cả đời. Vì sao con trai chị vượt qua được nỗi sợ đó và thuyết phục mẹ viết sách?
– Con trai tôi đã vượt qua nỗi sợ đó từ nhiều năm nay. Cháu luôn chia sẻ với các thầy cô, bạn bè về những khó khăn của mình. Trầm cảm là bệnh của hệ thần kinh, cũng giống như các bệnh xuất phát từ các trục trặc của hệ tuần hoàn, hệ tiêu hóa, hệ xương khớp… Có điều vì là bệnh của hệ thần kinh, nên cách đối phó cũng khó khăn hơn.
Khoa học chưa thể giải thích cặn kẽ được nguồn gốc, chưa nghiên cứu thật đầy đủ về thuốc cùng phác đồ chữa bệnh. Do đó, càng cần có nhận thức đúng đắn của xã hội về căn bệnh này để tránh hai thái cực: hoặc phủ nhận bệnh, hoặc ngược lại, quá sợ hãi căn bệnh trầm kha này.
Bản thân con trai tôi cũng từng cùng các bạn của cháu xây dựng cộng đồng “Trầm cảm – Xin đừng im lặng” để hỗ trợ lẫn nhau.
_______
* Chị có sợ bị “dán nhãn” là mẹ của bệnh nhân trầm cảm?
– Tôi là người không quan tâm đến đánh giá của người xung quanh về mình vì tôi nghĩ: “Được khen, mình không tốt hơn. Bị chê, mình cũng chẳng xấu đi”. Tôi chỉ lo không biết sai để sửa và không biết đúng để kiên trì thực hiện.
Thứ tôi sợ nhất là suy nghĩ bất lực của chính mình. Trong quá trình chữa bệnh cho con, tôi phải tự vượt qua những khó khăn của chính mình, tự vươn lên, tự thay đổi. Từ một người mẹ khá ích kỷ, tôi nhận thức đầy đủ về trách nhiệm của mình. Từ một người nhút nhát, hay lo sợ, tôi trở nên tự tin, bình tĩnh hơn.
Tôi biết tự đối phó với lo âu, sợ hãi, trưởng thành hơn, yêu thương mọi người nhiều hơn và nghiệm ra rằng: “Mẹ có bình an, con mới vô sự”.
Người trầm cảm xứng đáng có hạnh phúc gia đình
_______
* Qua cuốn sách, có thể thấy trầm cảm không phải là biến cố đến rồi đi nhanh chóng. Trái lại, một gia đình phải chung sống với nó hằng ngày, trong nhiều năm trời, thậm chí suốt đời. Gia đình chị làm thế nào để quen với “thành viên bất đắc dĩ” này?
– Trầm cảm là một căn bệnh, nó không phải một tâm trạng dễ dàng thoát ra được, không tự khỏi, mà phải chữa trị đúng cách. Có thể khỏi hoàn toàn, nhưng cũng có thể sẽ phải chung sống, nhiều khi phải dùng thuốc cả đời. Điều này giống như chúng ta bị tiểu đường hay cao huyết áp, sẽ phải chung sống, uống thuốc suốt đời và thay đổi cách sống lành mạnh, chăm lo rèn luyện cơ thể…
Gia đình tôi đã cố gắng hiểu căn nguyên bệnh, nắm rõ quy luật của những cơn trầm cảm, biết dấu hiệu khi nào chúng đến, lên đến đỉnh điểm và rút lui. Đã hiểu được nó, chúng tôi chỉ việc tận hưởng những khoảnh khắc vui tươi “nắng ấm” để sống, bình tĩnh chịu đựng “những ngày mây đen” và cố gắng đề phòng tối đa “dông bão”, nhưng không hoảng hốt nếu chúng xảy ra.
Gia đình tôi tuyệt đối tin tưởng rằng sau khó khăn sẽ là những ngày an vui, yên lành.
_______
* Nhiều người bị trầm cảm cho rằng không ai dám yêu hay kết hôn với họ vì sợ mệt mỏi. Chị nghĩ sao về ý kiến này, thưa chị?
– Đây là suy nghĩ sai lầm. Người trầm cảm là những người hết sức nhạy cảm, do đó họ là những người thú vị. Họ còn là những người có trách nhiệm, yêu thương mọi người, hiểu hoàn cảnh của mình. Khi khỏe mạnh, họ rất dễ thương, biết cách chăm sóc người xung quanh. Đó chính là phần thưởng khi chúng ta dũng cảm đương đầu với căn bệnh trầm cảm cùng người thân.
Nếu bạn quyết định gắn bó và sống hạnh phúc bên một người trầm cảm, cần tìm hiểu thật kỹ về căn bệnh, tìm cách kiểm soát căn bệnh, chứ đừng phủ nhận nó.
_______
* Gần đây, thông tin về một số nghệ sĩ bị trầm cảm và tự tử được truyền thông khai thác nhiều. Những câu chuyện như vậy có tác động tiêu cực đến người bị trầm cảm?
– Chúng ta thường có suy nghĩ sai lầm rằng bàn nhiều về bệnh thì bệnh sẽ nặng thêm. Không hề có bằng chứng về điều đó trong khoa học. Ngược lại, nhiều nghiên cứu chỉ ra chúng ta càng có thông tin đầy đủ và đúng đắn, càng chấp nhận nỗi đau, chúng càng mau qua và bớt gây hại.
Người trầm cảm và gia đình họ rất cần hiểu đúng, đủ và nhận được sự đồng cảm, chia sẻ của xã hội. Tuy nhiên, truyền thông cần đưa tin theo hướng xây dựng, tích cực, tránh moi móc đời tư, đổ lỗi cho người thân, hoàn cảnh, sẽ tạo nên sự u ám, đen tối, tuyệt vọng. Điều này chỉ gây hại thêm cho một căn bệnh đang rất cần cảm thông và chia sẻ từ xã hội.
Tác giả Nguyễn Thị Phương Hoa là tiến sĩ tâm lý học xã hội tại Đại học Tổng hợp Matxcơva. Chị được phong hàm phó giáo sư vào năm 2010. Trước Có một nỗi đau mang tên trầm cảm, chị đã viết cuốn Khi mây đen kéo tới.