Kim cương, loại đá cứng nhất từ lâu đã được loài người đánh giá cao và dùng để thể hiện đẳng cấp, sự quyền quý. Những chế tác kim cương đầu tiên của thế giới được tìm thấy trên các bức tượng điêu khắc của Ấn Độ cổ đại. Tuy nhiên, kỹ thuật chế tác kim cương phải đến thế kỷ XIX mới đủ tinh tế để làm những viên đá cứng trở nên quý giá hơn cả.
Ngày nay, ngành công nghiệp sản xuất và kinh doanh kim cương đã phát triển tới cực điểm. Khác với những mặt hàng quý giá có thể mua đi bán lại thường xuyên, kim cương không được qua tay nhiều người và chỉ có một số ít người có đăng ký chứng nhận đầy đủ mới được quyền buôn kim cương và cắt mài kim cương.
Cũng chỉ một doanh nghiệp duy nhất có quyền quản lý hết tất cả là De Beers, có trụ sở tại Johannesburg (Nam Phi) và London (Anh). Đây là tập đoàn chuyên kinh doanh kim cương có từ thời đế chế Anh, được trùm tài phiệt Cecil Rhodes thành lập năm 1888 để quản lý tất cả các mỏ kim cương thuộc đế chế Anh tại châu Phi. Chỉ sau khủng hoảng tế kinh thế giới đầu thập niên 1980, De Beers mới không còn độc quyền quản lý tất cả các mỏ kim cương tại châu Phi nữa. Hiện tại, De Beers chỉ sản xuất và mua bán khoảng 40% số kim cương mỗi năm.
Diamond Trading Company (DTC) là công ty bán kim cương thô duy nhất trên toàn thế giới, trực thuộc Tập đoàn De Beers, chuyên mua kim cương thô từ các mỏ của De Beers và các mỏ thuộc chủ sở hữu khác trên toàn thế giới. Chỉ có khoảng 93 công ty trên toàn thế giới được công nhận đủ tiêu chuẩn (gọi là sightholder) để mua số kim cương thô này, tiến hành cắt gọt và sau đó bán lại cho các nhà phân phối, bán lẻ. Đây là giai đoạn quyết định lời lỗ của món hàng họ mua, nên chuyện cắt gọt phải hết sức cẩn trọng và chỉ diễn ra ở những thủ phủ cắt kim cương lớn như Antwerp (Bỉ), New York (Mỹ), Amsterdam (Hà Lan) và Tel Aviv (Israel). Gần đây, Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan cũng dần có tín nhiệm trong việc cắt kim cương vì giá nhân công rẻ, nhưng họ chỉ dừng lại ở việc xử lý kim cương tấm với chất lượng không cao.
Những viên kim cương đã được gọt giũa tinh xảo thành một viên đá quý sẽ được các công ty sightholder bán tại các quầy giao dịch, gọi là bourse. Có cả thảy 26 bourse trên toàn thế giới. Đây là bước quản lý nghiêm ngặt cuối cùng trong dây chuyền sản xuất và phân phối và những nhà mua sỉ hay lẻ chỉ có quyền mua từng lố nhỏ ở bourse để bán lại cho khách hàng.
Theo thống kê của Tập đoàn Rio Tinto chuyên về khai thác quặng mỏ và nghiên cứu kim cương, năm 2002 số kim cương được sản xuất và đưa vào thị trường (qua DTC) trị giá 9 tỉ USD (kim cương thô), nhưng sau khi được cắt và đánh bóng chúng có giá trị 28 tỉ USD, sau khi đến tay các nhà bán lẻ thì trị giá đã lên 57 tỉ USD. Con số này cho thấy ngành công nghiệp kim cương khép kín như vậy hoàn toàn có lý do của nó: giá trị của kim cương nằm trong tay “các nhà phù phép” đá cứng.
Dưới đây là câu chuyện về số phận của một trong những viên kim cương lớn nhất thế giới được phát hiện ở Lesotho, có tên là Lesotho Promise (Đính ước Lesotho). Viên kim cương to thứ 15 trong lịch sử nhân loại được tìm thấy tại mỏ Letseng, Lesotho, một đất nước bé nhỏ ở phía Đông Nam Phi vào tháng 9 -2007. Nặng 603 carat, nó làm bất kỳ nhà buôn kim cương sừng sỏ nào cũng phải thèm muốn. Ngay sau đó, nó đã được bán cho nhà Graff chuyên chế tác và kinh doanh kim cương nổi tiếng Canada và thế giới.
Graff chuyên sở hữu những hòn đá huyền thoại. Tháng 11 -2008, ông ta đã mua viên Letseng Legacy 493 carat (của thừa tự của Letseng) cùng nằm tại một mỏ chứa viên Đính ước Lesotho. Viên Ngôi sao Mỹ quốc 100 carat, viên Ngũ giác 132 carat và nhiều viên trên 50 carat khác cũng thuộc bộ sưu tập của Graff. Không có viên nào to hơn Đính ước Lesotho được phát hiện kể từ thời viên Ngôi sao thiên niên kỷ nặng 777 carat lộ diện ở Congo vào năm 1993. Hơn nữa, đây còn là viên kim cương trong suốt, loại D – loại đắt nhất trong thang bậc xếp hạng.
Trong khi kim cương tấm, loại dùng để đính chi chít trên nhẫn đính hôn hay đồng hồ đầy rẫy thì việc phát hiện ra những viên kim cương thô trên 200 carat luôn là sự kiện chấn động thế giới. Trong vòng hai thập niên trở lại đây, người ta đã phát hiện ra nhiều viên to cỡ này, phần lớn tập trung ở mỏ Letseng. Tháng 3 -2008, ở đây cũng đã lộ ra một viên 215 carat, sau đó được bán ngay cho một chi nhánh chuyên về kim cương của hãng đồng hồ Omega. Nhưng tất cả những viên này đều trở thành nhỏ bé bên cạnh viên Cullinan. Nặng sơ sơ… có 3.106 carat, nó được phát hiện ở Nam Phi năm 1905 và đang là viên kim cương to nhất trong lịch sử nhân loại.
De Beers quản lý mỏ Letseng (ước tính đạt sản lượng 250 carat mỗi ngày) đến tận năm 1982, khi khủng hoảng thế giới ảnh hưởng đến thị trường kim cương. Sau khi hãng Gem Diamonds tiếp quản và tái khai thác mỏ vào năm 2006, Letseng ngày càng cho nhiều viên cỡ lớn quý giá.
Ngay sau khi vừa được phát hiện, Đính ước Lesotho được đưa ngay tới Antwerp – thủ phủ kim cương thế giới và đặt trong lồng kính ở tòa nhà buôn bán kim cương Antwerp, nơi chỉ có rất ít người có thẻ chứng nhận thành viên mới được phép mua bán tại đó.
Có tới 45% kim cương thế giới được De Beers bán trực tiếp cho sightholder. Những viên kim cương cực to, cực quý thường chỉ được bán trong các cuộc đấu giá im lặng. Thường thì các chủ mỏ có lợi nhất trong việc tổ chức, vì đấu giá im lặng có nghĩa là người ta chỉ được quyền xướng giá một lần và nộp cho nhà đấu giá. Ai đưa giá cao nhất sẽ được quyền mua mà không biết đối thủ của mình đã đưa giá bao nhiêu.
Mọi thứ đều dựa trên tính toán lượng giá chuẩn xác cho viên kim cương, nhưng chẳng ai biết người khác sẵn sàng trả bao nhiêu cho kiệt tác thiên nhiên đó, nên kết quả thường làm cho nhiều người bị choáng. Nhà Graff đã mua Đính ước Lesotho với giá… 12,4 triệu USD, vượt qua 13 người tham gia đấu khác. “Thứ gì tốt thì người ta không mua rẻ!” – chủ hãng đã tự tin phát biểu như vậy.
“Ngọc bất trác bất thành khí”, công đoạn cắt Đính ước Lesotho là cả một cuộc cá cược lớn về “phẩm hạnh” của một viên kim cương, vì chỉ cần một đường cắt sai là cả khối đá sẽ bị nát vụn, trở thành muôn ngàn hạt xoàn tấm và bụi, vô nghĩa so với cái giá 12,4 triệu USD. Đã vậy không ai dám bảo hiểm một viên kim cương thô cả.
Quy trình cắt kim cương giống như chơi trò ghép hình đảo ngược, có nghĩa là từ một khối lớn, người ta phải hình dung được sau khi né hết những khiếm khuyết trên viên đá thô thì sẽ cắt được thành bao nhiêu viên kim cương nhỏ, nhưng lại phải to đủ để bán được giá (một viên 10 carat thì giá trị gấp rất nhiều lần so với mười viên 1 carat).
Sau khi được “nội soi” để xác định khu vực lỗi trên viên đá thô, các thuật toán phức tạp được áp dụng để tối ưu hóa trọng lượng của từng viên sẽ được cắt và cách cắt mài để giảm thiểu tối đa lượng xoàn vụn. Quy trình tính toán này mất khoảng… bốn tháng! Sau đó một máy laser được lập trình theo tính toán để cắt kim cương.
So với cách cắt thủ công ngày xưa thì công nghệ hiện đại giúp ích rất nhiều cho các nhà kinh doanh kim cương. Còn nhớ Joseph Asscher – người thợ cắt kim cương lỗi lạc nhất thế kỷ XX, khi cắt viên Cullinan 3.106 carat chỉ có một đôi mắt, hai bàn tay, một cái búa và một cái dùi. Người ta kể rằng ông đã kiệt sức, bị ngất xỉu vì áp lực sau khi cắt được viên đá làm đôi.
Mặt dù kỹ thuật cắt đã lên tới trình độ cao, tất cả phần đánh bóng lại đều là công nghệ có từ thời… tiền sử! Trong tổng hành dinh của Graff tại Bỉ, một tá những nghệ nhân tụ tập trong một gian phòng như tầng hầm cổ kính của một lâu đài, tỉ mẩn mài từng viên đá nhỏ bằng một cái máy mài có rắc bụi kim cương vì chỉ có kim cương mới cắt nổi kim cương. Mỗi viên được máy phóng to một trăm lần để vết mài chính xác.
Trong khi một mặt có thể chỉ mất 10 phút để mài thì mặt khác kế cận có thể mất đến mười ngày. Dù kỹ thuật cắt có phát triển đến đâu thì công nghệ mài vẫn là điều kiện tiên quyết để làm nên một viên ngọc đích thực, vì mọi chuyện đều có thể xảy ra. Do vậy, người ta không bao giờ huênh hoang nói trước một điều gì cho đến khi viên đá đã được mài hoàn chỉnh từ một viên kim cương thô.
Sau khi nhóm mài kim cương gồm 35 người đã hoàn tất công việc ròng rã suốt sáu tháng, 26 viên loại D (cao cấp nhất, trong suốt), nặng tổng cộng 224 carat được xuất xưởng. Từ 603 mà còn lại 224 carat quả là đáng tiếc, nhưng đó là một cái giá quá hời cho Graff. Số kim cương đó được gửi đến Viện Đá quý Mỹ để giám định chất lượng. Kết quả là tất cả đều được đạt loại D (viện không biết 26 viên tinh chế đó là từ cùng một viên đá thô). Đây lại là một kỷ lục nữa vì chỉ có công nghệ chế tác siêu việt mới đảm bảo được tất cả các kim cương “con” đều cùng chủng loại (và không tì vết ) so với viên “mẹ”.
Cái giá 50 triệu USD là ước tính tổng cộng của 26 viên. Nếu so với 12,4 triệu USD tiền mua lúc đầu thì mới hay kim cương qua bàn tay phù thủy của con người được nhân gấp bội như thế nào.