Ở vùng hoang dã Lapland của Phần Lan, một ngày của mùa hè kéo dài gần như thâu đêm. Ngược lại, khi mùa thu tới, mặt trời xuống núi ngay khi mới chỉ vừa mọc được vài tiếng.
Chính bởi vì thế nơi này phát triển một hệ động thực vật hoàn toàn khác biệt và cuộc sống của các cư dân cũng khác biệt không kém. Thay vì đi siêu thị mua sắm thức ăn, họ chỉ thích vào rừng hái quả mọng, nhặt nấm và săn bắt thú, tích trữ suốt mùa hè-mùa thu để sẵn sàng qua tiết đông giá rét kéo dài 7 tháng ròng rã.
Điều kiện tự nhiên độc đáo
Lapland chiếm một diện tích đất tương đối lớn của Phần Lan, nhưng lại chỉ có một lượng dân cư cực thấp: khoảng 3,4% dân số quốc gia. Nguyên nhân rất đơn giản vì Lapland là vùng hoang dã nằm trong Vòng Bắc cực. Khí hậu khắc nghiệt của nó không thích hợp cho người sinh sống. Dẫu vậy, trong Lapland vẫn có một số thị trấn đông đúc, ví dụ như Rovaniemi, Tornio và Kemi.
Điều thú vị ở Lapland là điều kiện tự nhiên có một không hai của nó. Mùa hè, mặt trời luôn ngự trên không trung, tỏa ánh nắng rạng rỡ. Nó chiếu sáng lâu đến nỗi người địa phương phải gọi là “mặt trời nửa đêm”. Nhưng khi mùa hè vừa kết thúc, vầng dương lại lặn ngay khi vừa lên được có vài tiếng. Chỉ mới bước sang đầu tháng 9, những bông tuyết đã vội vã rơi. Qua tháng 10, chúng đủ dày đến nỗi phủ kín cả mặt đất. Mùa đông kéo dài lê thê suốt 7 tháng trời. Song chính vào lúc mà lượng tuyết chất chồng đạt mức cao nhất, có thể lên tới 190cm vào tháng 4, cũng là khi xuân sang. Tuyết tan nhanh khủng khiếp, để mặt đất lại lần nữa nảy mầm non xanh mượt.
Toàn bộ diện tích của Lapland rơi vào khoảng 100.367km2. Thực vật chủ yếu của nó là cây bạch dương, cây liễu, cây thạch thảo và một số loài cây lá kim. Vì điều kiện thời tiết khá biệt lập mà Lapland hình thành một hệ động thực vật không giống với bất cứ nơi nào khác trên trái đất. Để sống cùng với nó, các cư dân địa phương cũng hình thành một tập quán khác lạ. Đó là tích cực săn bắn, hái lượm vào mùa hè-thu để tích trữ thực phẩm đủ dùng cho mùa đông dài lết thết. Mặc dù là ở Rovaniemi, thủ phủ của Lapland, nơi có khoảng 60.000 dân và nhan nhản các siêu thị, người ta có thế mua được đủ thứ. Nhưng cư dân Lapland vẫn cứ thích vào rừng, tự thu thập thức ăn và cất giữ cho mùa đông.
Theo chân thợ săn thời công nghệ
Chỉ mới 4 giờ sáng, Kimmo Khkônen, một đầu bếp kiêm thợ săn của Lapland đã nai nịt gọn gàng, chuẩn bị đầy đủ từ vũ khí đến chó săn có đeo thiết bị GPS. Đốt lên một đống lửa bên ngoài bìa rừng, ông vừa ngồi sưởi ấm vừa dán mắt vào màn hình iPad để theo dõi đường đi nước bước của con chó trong rừng. Ở Lapland có một hội đầu bếp bao gồm khoảng 50 thành viên tên là Lapin Keittiômestarit. Họ thường tụ tập trong mùa săn bắn, chia sẻ các kỹ năng, mánh lới, mưu mẹo săn thú cũng như cách thức bảo quản thực phẩm, huấn luyện chó săn. Khkônen cũng nằm trong hội này. Ông thường gặp gỡ họ để cùng tán dóc, ăn vặt, uống cà phê trong lúc chờ chú chó săn của mình tìm thấy con mồi.
Công việc hàng ngày của K-hk-nen là làm một đầu bếp cho một nhà hàng cao cấp Ravintola Monte Rosa. Tuy nhiên, khi mùa hè – mùa thu đến, ông sẽ dành hẳn một tháng để “đóng chốt” trong rừng. Từ năm 15 tuổi, K-hk-nen đã vượt qua bài kiểm tra nghiêm ngặt và có được giấy phép sử dụng vũ khí. Để được săn bắn ở Lapland, ông phải xin phép Văn phòng Động vật Hoang dã Phần Lan. Tùy từng năm và sự giàu có của lượng động vật hoang dã trong rừng, họ có thể cho phép K-hk-nen săn 1-2 con nai sừng tấm trưởng thành, 1-2 con nai sừng tấm con và 1-2 con gấu.
Sau 2 giờ chờ đợi, K-hk-nen phát hiện con chó đã ngừng di chuyển. Thông qua máy ghi âm, ông nghe thấy nó đang sủa điên cuồng. Đó là dấu hiệu cho thấy nó đã tìm được thú hoang. K-hk-nen lập tức tiến vào rừng. Thêm 3 tiếng nữa, ông trở ra với một con nai sừng tấm. Sau khi qua kiểm tra thú y, có được dấu kiểm duyệt, K-hk-nen mới mổ xẻ con thú. Vì đó là con nai sừng tấm đầu tiên săn được trong mùa này nên ông quyết định không bán, để dành chia sẻ với người nhà và bạn bè trong hội thợ săn Lapin Keittiômestarit.
Chỉ ăn nấm và quả mọng, không rau xanh
Mùa hè-mùa thu ở Lapland cũng là mùa thu thập nấm và quả mọng. Trước khi trở thành một đầu bếp chuyên các món độc đáo của Bắc cực, Matti Eemeli Seitamo đã theo học bà ngoại vào rừng hái nấm và quả dại đem về tích trữ, bảo quản để dùng suốt mùa đông. Ông thường xuyên đi rừng đến nỗi nhớ chính xác chỗ nào thì có nấm, còn chỗ nào có quả mọng. Cũng như Seitamo, hầu hết người Lapland biết rõ loại quả, nấm nào ăn được, loại nào không. Và cũng như K-hk-nen hấp hửng đi săn thú, Seitamo cũng hết sức hào hứng lúc sắp bước vào rừng. Sau 6 tiếng chui rúc, vạch vọi, ông hạnh phúc ra về với cả mớ nấm và quả mọng trên tay.
Với nấm, Seitamo đem rửa sạch bằng nước, sau đó trộn với hỗn hợp nước, giấm, đường, muối, hạt mù tạt, lá hương thảo và lá quế. Xong xuôi, ông cho tất cả vào bịch bóng, không quên rút hết không khí ra. Riêng quả mọng, Seitamo nhào chúng với thật nhiều đường. Trừ những phần sẽ đem nấu làm thức ăn ngay, tất cả đều được cất giữ trong tủ lạnh. Đến cuối mùa thu, chỉ cần mở tủ đông của một nhà dân bất kỳ ở Lapland, bạn sẽ thấy nó chất đầy quả mâm xôi, việt quất, dâu rừng và thịt thà, cá mú hoang dã các loại.
“Thực phẩm từ thiên nhiên luôn giàu dinh dưỡng và chất lượng hơn”, người Lapland bảo thế. Vì vậy, họ không thích đi mua mà ưa tự kiếm. Trong tủ lạnh của Irene Kangasniemi, một cư dân của Lapland, có tới khoảng 45kg quả mọng đông lạnh. Cô đã dành cả mùa hè chỉ để đi hái chúng trong rừng. Đôi khi, Kangasniemi còn đi nhặt quả dại vào lúc nửa đêm vì trời vẫn sáng.
- Xem thêm: Ẩm thực hoang dã ở Bắc cực
Điều kỳ lạ hơn cả là người Lapland thường chỉ ăn quả mọng chứ không ăn rau xanh. Nhưng lý do lại rất thực tế và buồn cười, “Làm gì có rau xanh nào mọc ở nơi này mà ăn”, Kangasniemi nói. Quả thực, Lapland có thể giàu quả mọng, song lại rất hiếm rau cỏ. Nỗi lo lắng lớn nhất của các cư dân nơi đây là biến đổi khí hậu đang diễn ra quá nhanh. Nó có thể khiến cho hệ sinh thái địa phương bị biến đổi, từ đó buộc họ phải phụ thuộc vào các cửa hàng thực phẩm.