Từ hà mã, trăn, chó sói cho đến sóc, thỏ, mèo và các loài chim, gặp điều kiện thuận lợi, những động vật này đã phát triển đông đảo và trong nhiều trường hợp đã trở thành mối đe dọa lớn cho môi trường và con người.
Hà mã ở Colombia
Đầu đuôi mọi chuyện bắt nguồn từ cựu trùm ma túy Pablo Escobar. Escobar đã nhập khẩu cả bầy động vật vào trang trại Hacienda Napoles của hắn. Sau khi nhà chức trách bao vây khu vực này vào đầu những năm 1990, phần lớn các động vật đã được gửi tới những sở thú trong nước, nhưng vẫn còn lại bốn con hà mã. Hồ ở Hacienda Napoles trở thành môi trường lý tưởng cho hà mã và qua hai thập niên sau, số hà mã đã tăng lên hơn 50 con! Bây giờ những con vật này đang trở thành mối đe dọa cho người dân thành phố.
Những con trăn ở Florida
Những con trăn Myanmar đã tràn lan ở Nam Florida. Sự phát triển của chúng trong khu vực được tin là do những động vật đã được thả ra từ một trại chăn nuôi bị phá hủy bởi trận bão Andrew hay từ những chủ nuôi thú cưng thả những con rắn của họ vì chúng sinh sôi quá nhiều.
Đầu tiên, người ta thấy chúng tại Công viên Quốc gia Everglades vào thập niên 1980, không ngờ ngày nay con số trăn đã phát triển dữ dội ở khắp mọi nơi. Chỉ riêng ở Nam Florida, từ 30.000 con chúng đã lên tới 300.000 con. Dường như số trăn đang bành trướng về phía Tây Bắc. Lũ trăn hiện đang đe dọa các động vật hoang dã khác như gấu trúc Mỹ, thú có túi opos, linh miêu, thỏ, cáo và những động vật hữu nhũ.
Chó sói sống trong thành phố
Quê hương của loài sói là vùng Bắc Mỹ, không phải trong thành phố. Nhưng chúng đã thích nghi. Sau một trăm năm qua, khi con người xâm lấn môi trường sống của chúng, chúng cũng sinh sôi trong những khu vực có người sống. Thậm chí chúng còn có ngoại hình lớn hơn và sống lâu hơn so với đồng loại trong môi trường hoang dã.
Chúng đã thích nghi như thế nào? Trong một số trường hợp, chúng quan sát giao thông và biết cách băng qua đường an toàn. Điều ngạc nhiên là chúng đã giúp con người diệt trừ các loài gặm nhấm cũng như các con vật phá hoại không mong muốn khác. Tuy nhiên, mọi người vẫn không dám để các thú cưng của họ đi ra ngoài một mình.
Những con sóc trong các công viên thành phố
Loài sóc thích sống trong rừng, tránh né các đô thị. Nhưng cho tới năm 1847, khi thành phố Philadelphia thả ba con sóc vào Quảng trường Flankin. Vào thập niên 1870, người dân yêu thích chúng, các công viên ở khắp nơi đều thả sóc vào. Thậm chí nhiều công viên còn trồng những cây có hạt cho sóc ăn.
Ở Anh, những con sóc xám gốc Mỹ này đã trở thành những thú nuôi thời thượng. Nhưng hiện nay chúng đã trở thành những động vật xâm lấn và tàn sát loài sóc đỏ bản xứ nhỏ hơn ở Anh. Những chuyên gia môi trường cho biết, cách duy nhất để bảo tồn sóc đỏ là phải tiêu diệt sóc xám.
Lũ thỏ xâm lấn một hòn đảo
Không ai biết rõ về lũ thỏ trên Đảo Okunoshima của Nhật Bản, quen gọi là “Đảo Thỏ”. Có người nói rằng chúng bị bỏ lại sau khi một xưởng khí độc trên đảo phải đóng cửa sau Thế chiến thứ hai, người khác nói một cô giáo đã cho học sinh nuôi thỏ trên đảo vào những năm 1970. Dù sao chăng nữa lũ thỏ hiện đang được các du khách rất ưa thích và là nguồn thực phẩm hấp dẫn của người dân đảo.
Những con mèo trên “Đảo Mèo”
Cũng như đảo Okunoshima, những con mèo trên đảo Aoshima rất thu hút các du khách. Nghề truyền thống ở đảo là đánh cá; vì vậy, mèo được du nhập để bắt chuột. Trong vài thế kỷ qua, đám mèo đã sinh sôi rất nhiều. Ngày nay lũ mèo vượt trội so với dân số trên đảo với tỷ lệ 6:1. Ở Nhật, mèo được xem như vận hên; vì vậy, người ta quý chuộng mèo. Được biết còn có 10 hòn đảo khác ở Nhật cũng tràn ngập loài mèo.
Chim sáo đá Mỹ
Những con chim sáo đá được du nhập vào Mỹ bởi một người New York tên Eugene Schieffelin; ông ta muốn giới thiệu với người Mỹ tất cả những con chim đã từng được thi hào William Shakespeare đề cập đến. Trong khi những loài chim chiền chiện và chim hét nhạc (song thrushes) ông ta thả ra đều bị chết thì bọn chim sáo đá lại phát triển mạnh. Nhưng từ đó chúng đã trở thành vấn đề đe dọa môi trường của nước Mỹ, từ Alaska đến Florida.
Chúng xinh đẹp, ăn côn trùng, nhưng cũng phá hoại hàng triệu đôla mùa màng mỗi năm. Chỉ trong vòng một ngày, một đám mây chim sáo đá có thể ăn sạch 20 tấn khoai tây. Chúng còn gieo rắc nhiều chứng bệnh như bệnh nấm sâu histoplasmosis, bệnh nhiễm ký sinh trùng (toxoplasmosis) và bệnh Newcastle giết hại gia cầm. Chúng cũng còn gây nguy cơ cho đời sống hoang dã, tấn công các loài chim như chim xanh (bluebird) và chim gõ kiến, đuổi chúng ra khỏi lãnh địa. Vì vậy, trừ tận gốc là biện pháp cần thiết.
Vẹt và công Hawaii
Vẹt sống ở Nam bán cầu chứ không phải ở Hawaii. Trong khi một số loài vẹt (chẳng hạn như loài vẹt đuôi dài mặt đỏ) rất dễ gần và vô hại thì một số giống vẹt khác (chẳng hạn như loài két mitered conures) là mối đe dọa cho mùa màng và các cánh rừng trên đảo. Kết quả: một số loài chim được người dân yêu thích, nhưng một số khác nằm trong danh sách cấm của chính phủ.
Chim công có xuất xứ từ Ấn Độ. Lần đầu tiên chúng được du nhập vào Hawaii bởi ông Frances Sinclair năm 1860. Không bao lâu sau, những con chim xinh đẹp này được công chúa Kaiulani yêu thích, thậm chí bà còn đặt tên cho chúng là “Chim công của Công chúa”. Hiện nay chim công có mặt khắp nơi trên quần đảo Hawaii. Nhưng trong khi có những người ưa chuộng và nuôi chúng, thì một số khác săn lùng và giết chúng.
Làm gì để loại bỏ những động vật xâm lấn môi trường?
Nhiều chiến lược đã được phát triển để ngăn chặn thiệt hại gây ra bởi các động vật xâm lấn và phòng ngừa các cuộc xâm nhập trong tương lai. Một vấn đề quan trọng là giáo dục con người về sự nguy hiểm của việc vận chuyển động vật hoang dã đến các khu vực mới.
Nhiều luật lệ và quy định cũng đã được thông qua để chống lại sự lây lan của các loại động vật xâm lấn trong tương lai. Nước dằn (để giữ thăng bằng cho tàu thuyền) trong tàu chở dầu được yêu cầu phải được khử nhiễm trước khi chúng có thể được đổ ra khỏi thuyền. Các đạo luật cũng đã được thông qua để hạn chế buôn bán những thú cưng ngoại lai, chẳng hạn như cấm nhập khẩu trăn Myanmar ở Hoa Kỳ.
Thúc đẩy việc thu gom các loài xâm lấn là một kỹ thuật được sử dụng rộng rãi, tuy vậy nó chỉ đạt được những thành công hạn chế. Năm 2013, một cuộc săn lùng trăn được tổ chức ở Florida, người ta trả tiền thưởng cho những người giết được trăn. Ở Argentina, nhà chức trách đã cố gắng quảng bá một thị trường bán da hải ly và khuyến khích các thợ săn đi săn chúng. Một vấn đề gặp phải đối với những chiến lược như vậy là thông thường nhu cầu không đủ cao để tạo ra một tác động rõ rệt trên quần thể xâm lấn. Trong trường hợp các con trăn, chúng cực kỳ bí mật và khó tìm để diệt trừ.
Cũng như với nhiều vấn đề môi trường khác, việc nghiên cứu liên tục sẽ mang lại cái nhìn sâu sắc đối với các biện pháp kiểm soát hiệu quả. Ví dụ: các cuộc nghiên cứu đã được tiến hành để xác định đánh bẫy hiệu quả như thế nào trong việc bắt những con trăn. Các cuộc nghiên cứu về gien di truyền cũng có thể đưa ra thông tin quan trọng về cách thức các loài xâm lấn lan tràn trong một khu vực cũng như tiềm năng lai tạo giữa chúng với các động vật bản địa. Quá trình dự đoán phạm vi địa lý của một loài xâm lấn sẽ tăng lên như thế nào sẽ rất quan trọng cho việc chuẩn bị các khu vực mới có thể sẽ bị xâm lấn.
Trong khi nhiều loài xâm lấn có thể không bao giờ được triệt tiêu triệt để, sự gia tăng nhận thức và nghiên cứu cung cấp những phương pháp phòng chống sự bành trướng của chúng có thể giúp kiểm soát được những tổn hại kinh tế và môi trường mà những động vật xâm lấn này có thể gây ra.