Một phòng tranh quy mô lớn, lần đầu tiên đến với công chúng sẽ được tổ chức nhân kỷ niệm 20 năm ngày mất của danh họa Nguyễn Gia Trí (1908-1993), người khai sáng nghệ thuật sơn mài Việt Nam thế kỷ XX (tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, 97A Phó Đức Chính, Q.1, từ 28-6 đến 10-7-2013).
Với 134 tác phẩm và phác thảo, tư liệu sáng tác của họa sĩ Nguyễn Gia Trí trong bộ sưu tập của mình, Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh hiện là nơi gìn giữ quan trọng nhất những di sản mà tác giả Vườn xuân Trung – Nam – Bắc đã để lại cho hậu thế. Nhớ lại năm 1990, khi Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh quyết định trích ngân sách 100.000 USD để mua bức sơn mài hoành trángVườn xuân Trung – Nam – Bắc thì một cuộc tranh luận đã xảy ra trên các phương tiện truyền thông đại chúng, những người chống lại việc mua tác phẩm đó cho rằng khoản chi đó là quá lãng phí trong điều kiện đất nước còn khó khăn, v.v… và v.v… Thế nhưng thời gian qua đi cho thấy quyết định lưu giữ vĩnh viễn bức Vườn xuân Trung – Nam – Bắc tại Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố là hết sức đúng đắn, kịp thời. Nếu không thì bảo vật quốc gia này có thể đã đi đến một chân trời xa xôi nào đó, bởi bức tranh kích thước 200cm x 450cm, được ghép lại từ chín tấm sơn mài nay phải có giá thị trường lên đến nhiều triệu USD, theo lời bà Mã Thanh Cao, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh. Cùng với kiệt tác này, khi đó Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố còn được sở hữu 61 phác thảo, tư liệu sáng tác của danh họa do gia đình ông trao tặng.
Sưu tầm tranh “phải có duyên”
Sau vụ chuyển nhượng gây tranh cãi khá ồn ào đó, không ngờ còn một cơ hội bằng vàng nữa để thiết chế mỹ thuật này bổ sung vào bộ sưu tập của mình thêm vài chục phác thảo, tư liệu sáng tác quý giá của Nguyễn Gia Trí. Bà Mã Thanh Cao nhớ lại: “Có được tuyệt tác Vườn xuân Trung – Nam – Bắc rồi nhưng những người làm công tác sưu tầm chúng tôi vẫn mong có được nhiều hơn nữa tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Gia Trí. Chuyện sưu tầm tranh, tượng nhiều khi chúng tôi hay nói đùa “phải có duyên” mới gặp. Năm 2010, khi Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố mua được 72 phác thảo tư liệu từ gia đình họa sĩ cũng là cái “duyên” đó. Dù biết được gia đình còn giữ một số tư liệu, phác thảo của ông cụ như những kỷ niệm quý báu, chúng tôi không dám đặt vấn đề mua, nhưng lúc nào cũng quan tâm đến để mong có được cơ hội. Tôi may mắn có quen biết vợ chồng con trai họa sĩ, qua những lần trò chuyện với anh chị, tôi cũng bày tỏ được ước muốn của bảo tàng về việc sưu tầm thêm tranh, tư liệu của cụ, rằng: “Bảo tàng luôn sẵn sàng mua những tư liệu, phác thảo mà gia đình đang giữ, nên khi nào gia đình có thể thì hãy ưu tiên cho bảo tàng trước, vì bảo tàng là nơi xưng đáng nhất để trưng bày tác phẩm của ông cụ, bất kỳ ai yêu mỹ thuật cũng sẽ được xem, gia đình cụ cũng tự hào và có thể chiêm ngưỡng di sản của cụ bất cứ lúc nào, còn nếu bán ra ngoài có thể tiền nhiều hơn, nhưng khó biết được những sáng tác ấy sẽ đi về đâu, được sử dụng như thế nào và chắc chắn sẽ ít người Việt biết đến. Thế rồi một ngày tôi nhận được điện thoại từ gia đình, báo tin có thể nhượng cho bảo tàng một số tư liệu, phác thảo… Mọi chuyện sau đó diễn ra thật suôn sẻ: cuối cùng Ủy ban Nhân dân Thành phố cho phép bảo tàng sưu tầm 72 bức để bổ sung cho sưu tập về họa sĩ Nguyễn Gia Trí”.
Tôn vinh những giá trị bất tử
Bà Mã Thanh Cao cho biết Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố đã đầu tư nhiều công sức cũng như kinh phí trong ngân sách còn eo hẹp của mình để tổ chức một cuộc triển lãm trang trọng nhất có thể, nhằm tôn vinh những giá trị bất tử của danh họa đồng thời cũng để tri ân ông. “Chúng tôi chọn 108 phác thảo, tư liệu sáng tác trong bộ sưu tập Nguyễn Gia Trí cho triển lãm này. Nói cho vui, con số 9 (từ số 108) cũng là “con số may mắn” đối với cụ Trí: cụ sinh năm 1908, tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1939, bức Vườn xuân Trung – Nam – Bắc được ghép từ chín tấm sơn mài…”.
Đó là những phác thảo thiếu nữ ba miền đất Việt trong tà áo dài thướt tha, mềm mại, duyên dáng rảo bước trong khu vườn đầy sắc hoa vốn rất quen thuộc trong tranh ông, là những cụm hoa, những chiếc lá sen đầy biểu cảm, những cảnh sắc yên ả vùng thôn dã hay đền chùa, miếu mạo uy nghiêm…, và có cả những phác thảo trừu tượng mà ông đã từng thể nghiệm trên tranh sơn mài cũng rất thành công. Nhiều phác thảo được vẽ kỹở mức độ gần như tác phẩm. Từ những tư liệu sáng tác được thực hiện công phu này, bằng tài năng và kỹ thuật điêu luyện của mình, họa sĩ Nguyễn Gia Trí đã làm nên những tác phẩm sơn mài không chỉ tráng lệ, lộng lẫy nhờ cách sử dụng nhuần nhuyễn chất liệu son, then, vàng, bạc, vỏ trứng đặc trưng của sơn mài truyền thống mà còn ẩn chứa một chiều sâu, một “ma lực” thu hút người xem. Điều đó lý giải trong gian trưng bày thường trực tác phẩm Vườn xuân Trung – Nam – Bắc luôn có khách tham quan.
Tất cả 108 phác thảo được triển lãm dịp này được định vị trong những chiếc khung to, sang trọng, càng tôn vinh giá trị của tác phẩm. Bà Mã Thanh Cao cho biết, khi bảo tàng khai trương ngôi nhà mới và lần đầu tiên trưng bày hơn mười phác thảo trong số 72 bức được gia đình họa sĩ Nguyễn Gia Trí chuyển nhượng đợt sau, cô cháu gái của cụ từ nước ngoài về xem đã reo lên kinh ngạc vì không ngờ những tư liệu sáng tác trên giấy của ông mình trông thật cũ kỹ khi ở nhà đã trở nên lung linh, tuyệt đẹp khi được chăm sóc từng ly từng chút ở “chỗở mới”.
Bà Mã Thanh Cao cũng tiết lộ rằng Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tại Hà Nội sẽ được mượn khoảng hơn 30 bức phác thảo của Nguyễn Gia Trí để trưng bày cho công chúng thủ đô thưởng lãm.
- Diên Vỹ