Giáo dục cũ của Nam bộ gắn với Nho giáo, người học ra chủ yếu để làm quan, dạy dân, chú trọng “đạo nghĩa” trong quan hệ “tam cương”, “ngũ thường”.
Đầu thế kỷ XX, giáo dục Nam bộ vừa có tính chất Nho học vừa có tính chất Tây học, theo tinh thần kế thừa và phê phán cái học cũ, đồng thời tiếp thu có phê phán cái học mới.
Tinh thần của tân học chủ trương xây dựng “con người mới” để cứu quốc thoát ách đô hộ và phát triển đất nước trong quan hệ với thế giới.
Điều này được phát động, phổ biến trên báo chí đương thời như một phong trào cải cách giáo dục được xã hội chú ý ở Nam bộ đầu thế kỷ XX.
Đổi mới mục đích việc học
Đến cuối thế kỷ XIX, khi về cơ bản đã trấn áp được các cuộc khởi nghĩa của người Việt Nam, thực dân Pháp bắt đầu các chính sách thay đổi xã hội cũ của nước thuộc địa, trong đó giáo dục là một phương diện rất được chú ý.
Cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX cũng là thời kỳ diễn ra quá trình hiện đại hóa mạnh mẽ trên phạm vi toàn thế giới, ở Việt Nam bấy giờ Nho giáo suy yếu kéo theo nền giáo dục cũ đi xuống.
Do vậy nhu cầu đổi mới tư tưởng, giáo dục, hướng từ Đông sang Tây rất bức thiết, rất “lấy làm cần kíp cho đường tấn hóa của quốc dân ta” (Cao Hải Nhuận, Hãy trọng danh giá của giáo sư ta, Báo Nông cổ mín đàm, 1923).
Mà lực lượng tiên phong trong việc cải cách giáo dục bấy giờ trước hết chính là những trí thức xuất thân Nho học nhưng thức thời, tiến bộ.
Tinh thần đổi mới mục đích việc học được thể hiện khá rõ trong bài Chúng ta nên cải lương mục đích sự học của Vân Trình đăng trên báo Kỳ Lân (số 3, 1923).
Trong bài báo này, Vân Trình chỉ rõ: “Thân phận chúng ta hiện thời chẳng khác nào người ngồi trên giàn hỏa” và ông kịch liệt phê phán cái học cũ: “Sự học của dân ta buổi nầy không thể làm cho nước mới, dân khôn được”, “cũng thời học mà người học, thì vẫy vùng bốn biển, coi tạo hóa như trẻ con; cũng thời học, mà ta học, lại mơ mộng xó nhà, xem nước non dường cỏ rác.
Học như thế, nhục cho sự học, nhục cho trí não, nhục cho giống nòi! Giống nòi có tội tình gì, mà phải bị sự học của ta làm cho ngày càng hèn yếu? Trí não có tội tình gì, mà phải bị sự học chôn sâu vào hang hắc ám?
Sự học có tội tình gì, mà bị người học không nhằm đường, đem ra làm mồi chác lợi, mua danh. Chúng ta mà ra đến nỗi nầy phần nhiều tại khu khu ôm ấp cái mục đích cũ làm sâu ăn chữ, cầu nguyện may ra sau nầy được phẩm cao tước trọng mà thôi.
Biết bao người cho rằng được phẩm cao tước trọng, tức là được danh, tức là đạt mục đích tối cao sự học. Cái danh ấy bất quá là danh cỏn con mà thôi; cái mục đích ấy bất quá là mục đích thấp bé đó thôi.
Thời đại nầy, nước non nầy không cầu người học ham danh như thế. Cứu khổn phò nguy, ai đâu chẳng thấy, chỉ thấy lao nhao lút nhút một lũ máu lạnh, óc khô”.
Từ việc chỉ ra cái lạc hậu, tai hại của Hán học, Vân Trình đi đến kêu gọi đổi mới việc học: “Chúng ta nên ngước đầu ngó cao lên, ngó cao cao lên, thì tự nhiên mới biết về sự học chúng ta đi lầm lạc đã nhiều, chúng ta nên mau mau tự tỉnh”. Tác giả nhấn mạnh đến nhận thức mới theo tinh thần giáo dục mới: “Mục đích sự học bây giờ là để làm DÂN sau nầy”.
- Xem thêm: Chữ “danh” của người quân tử
Đồng thời với việc phê phán lối học từ chương sách vở xa rời thực tiễn cuộc sống là việc cổ vũ lối học mới bám sát hiện thực: “Học để làm dân, không phải nhờ các sách vở mà thôi đâu, lại cần nhờ các điều nghe thấy thường ngày ở nước mình và nước ngoài.
Sách vở dẫu có hay đến đâu, tưởng không có ảnh hưởng mau mạnh bằng bằng sự kiến văn hằng ngày. Chúng ta xưa kia chỉ biết dùng trí nhớ học lấy cho nhiều, [bị kiểm duyệt cắt khoảng 7-8 chữ], ta nay, nên đem con mắt, lỗ tai mà phụ thêm cho trí nhớ.
Đọc một bộ lịch sử địa dư nhớ điều nầy, chuyện nọ, không bằng thấy các chỗ có quan hệ với lịch sử địa dư hồi thuở ấy, hiện [bị kiểm duyệt cắt khoảng 21 chữ).
Đại để, có học bằng con mắt như thế, thì cái khí làm dân mới phát sanh ra hùng dõng mà cái chí làm người mới nhờ đó cao thêm lên.
Không phải bảo ai ai cũng đến mấy chỗ có tiếng ấy, song theo lẽ đó mà suy rộng ra, thì bất kỳ chỗ nào ở nước ta, nếu ta chịu khó mở con mắt cho kỹ ta đều học được.
Ra ngoài đường, thấy một ông chển chện ngồi trên xe kéo, miệng vừa bảo: ‘Mau lên’ chơn vừa đạp tên xa phu, còn bài học nào hay bằng? Vào một tiệm mua đồ nghe người bán nói: “Tiểu na má” [tiếng chửi tục] thị [xem] mình như người đến ăn xin, còn bài học nào bổ ích bằng?
Những chuyện hằng ngày như vậy, là cái kho quý báu để cho chúng ta suy nghĩ tầm tòi học tập. Ai chịu khó học như thế, tưởng không có sách vở nào dạy mình mau hiểu bằng! Gần thì chúng ta dùng sự thấy, xa thì ta dùng sự nghe mà học”.
Nền giáo dục cũ chỉ tập trung vào kinh sách Nho giáo và thiếu cái nhìn rộng rãi ra bên ngoài, trong khi thời đại này là “mưa Âu gió Mỹ”, chúng ta không thể sống khép kín như trước.
Vì thế, việc nhìn ra thế giới là một yêu cầu bắt buộc nếu muốn xã hội tồn tại và phát triển, nền giáo dục mới cũng phải theo tinh thần mới, chú trọng đến “phát minh”, “sáng tạo”.
Vân Trình khẳng định: “Thế giới bây giờ là thế giới đại đồng, nhờ các việc phát minh của khoa học như máy bay, dây thép gió… mà năm châu dường như kề cửa, bốn biển dường như khít vách.
Ta ở vào buổi nầy, không thế bụm tai, mà không chịu nghe những tiếng hoặc êm đềm, hoặc nóng giận, hoặc oán tức, hoặc hùng hồn ở ngoài đưa đến. Xưa chỉ vì không chịu nghe, mà khổ phải mang vào cổ.
Ta há không chịu xét mình, nghiêng tai nghe cho rõ sao? Nghe Âu, nghe Mỹ, ấy là bổn phận đầu, bổn phận cần kíp sau phải nghe ở Irlande, Ai Cập, Phi-luật-tân, Ấn Độ, Cao Ly, Trung Hoa.
Nghe cho rõ nghe mới học được những điều mình còn thiếu thốn; nghe cho rõ nghe, mới biết mình còn ngu muội nhiều, nghe cho rõ nghe, mới có lòng thương nước mến nòi, và mới mong tạo thành được tân xã hội, tân quốc gia sau nầy.
Người trí thức tầm thường mỗi ngày tưởng nên coi mục đích của mình đi học như thế. Học như thế, tức là học làm dân đó, làm quốc dân trung đẳng đó. Còn người trí thức khác thường, nên học để làm gì? Làm quốc dân cao đẳng.
Muốn lãnh chức quốc dân [báo bị gấp mất một dòng khoảng 6 chữ] minh và sáng tạo. Nhà xiêu, cột ngã, nếu không tay thợ sỏi sành, thì tất nhiên không thể tránh khỏi cái cảnh tượng nguy hiểm về sau.
Học mà có chí sáng tạo phát minh, mới biết sự học có thể sánh cùng sức trời đất, mới không còn tin lý thuyết vận mạng cũ kỹ nữa.
Bất kỳ chuyên nghề nghiệp gì, hoặc nông, hoặc công, hoặc kỹ nghệ… bao giờ người tài ba cũng nên nhớ trong trí mình rằng có phát minh sáng tạo, thiên hạ mới chủ ý vào nước non, nòi giống mình, không dám miệt thị mình như xưa nữa.
Đã biết, sự nghiệp sáng tạo phát minh không phải dễ như đếm một với một là hai, song nhờ cái khó của sự nghiệp ấy mà thiên hạ phải buộc mình biệt đãi ta.
Xã hội Việt Nam hiện thời rất mong mỏi có một hai nhà phát minh, song không biết chừng nào ước vọng ấy đặng thành? Chừng nào quốc dân ta chịu cải lương mục đích sự học, chừng đó, câu hỏi nầy tưởng dễ trả lời lắm”.
Kết thúc bài viết, Vân Trình quả quyết: “Tóm lại, xưa học để làm quan; nay học để làm dân. Trí thức tầm thường học làm dân trung đẳng; trí thức siêu việt, học làm dân cao đẳng. Nếu ai ai cũng muốn mình làm dân xứng đáng, lo gì dân không quyền, lo gì nước không sống, lo gì nòi giống không mạnh”.
Nghĩa là, ông cho rằng quốc gia muốn cường thịnh, dân chúng muốn có quyền lợi, thì điều quan trọng là phải thay đổi mục đích học, từ học làm quan chuyển thành học làm người dân mới có thực học và có năng lực sáng tạo, phát minh kiến thiết quốc gia, xã hội.
Đổi mới phương pháp dạy và học
Muốn đổi mới mục đích học thì phải đổi mới phương pháp học tập, mà trước hết là đổi mới chữ viết. Trong nền giáo dục cũ, chữ Hán và chữ Nôm là văn tự căn bản nhưng rất hạn chế ở phương diện phổ biến, chỉ có một số ít người trong xã hội sử dụng được.
Khi tiếp xúc với văn minh phương Tây, chữ quốc ngữ ra đời có tính phổ thông rất cao, nhưng ít được quan tâm nên trong một thời gian dài nó vẫn chưa được hoàn thiện.
Mãi đến cuối thế kỷ XIX, khi Pháp tiến hành cải cách giáo dục và bản thân các trí thức Việt Nam đương thời nhận thấy Nho học là thứ không còn cứu vãn được nữa, người ta mới tập trung hoàn thiện chữ quốc ngữ theo mẫu tự latinh và hô hào phổ biến ra toàn quốc thông qua nhà trường, báo chí, sách vở và các nhóm hội.
Trong hệ thống giáo dục mà chính quyền Pháp áp dụng cho thuộc địa ở Nam bộ Việt Nam đầu thế kỷ XX, khoa cử Hán học đã bị bãi bỏ từ năm 1919, Pháp văn được xem là ngôn ngữ chính, còn Việt văn chỉ chiếm một thời lượng ít ỏi trong chương trình.
Tuy vậy, các trí thức tiến bộ bấy giờ nhìn thấy được những lợi thế to lớn của chữ quốc ngữ trong việc phổ biến học thức, nâng cao dân trí và giữ gìn văn hóa dân tộc, nên đã hợp sức cổ vũ cho việc rèn luyện chữ quốc ngữ cũng như tiếng Việt.
Có thể lấy bài diễn thuyết tại Nam kỳ khuyến học hội của Hồ Biểu Chánh năm 1923 (đăng trên Đông Pháp Thời Báo) để thấy cụ thể hơn vấn đề này. Bài diễn thuyết này gồm 3 phần: “Chấn chỉnh chữ quốc ngữ”, “Phổ thông chữ quốc ngữ” và “Bồi đắp nền văn chương”.
Nội dung của phần thứ nhất nói vể nguồn gốc tiếng Việt, nguồn gốc chữ viết của người Việt và sự ra đời cùng vai trò như là “quốc văn” mới của chữ quốc ngữ như là phương tiện hữu hiệu dùng để “truyền bố học thức”.
Nội dung của phần thứ hai nói về sự cần thiết và của việc phổ biến, phát triển chữ quốc ngữ và cách thức thực hiện vấn đề này. Phần thứ ba nói đến vai trò quan trọng của việc “tô điểm” chữ quốc ngữ trong việc sáng tạo văn học.
Về vấn đề chấn chỉnh chữ quốc ngữ, Hồ Biểu Chánh kêu gọi sự đồng thuận nhất trí của mọi người trong việc công nhận “lấy chữ quốc ngữ làm quốc văn” cho toàn quốc.
Tại đây, ông cũng bày tỏ sự băn khoăn lo lắng đối với việc thống nhất chữ viết giữa ba miền: “Nếu chúng ta muốn chấn chỉnh chữ quốc ngữ đặng làm quốc văn thì chúng ta phải tính thế nào cho từ Nam chí Bắc viết in [giống] nhau một thể, chớ chúng ta sửa chữ quốc ngữ là sửa cho người Nam kỳ dùng mà thôi, không kể ngoài Trung kỳ, Bắc kỳ, rồi người ngoài viết một cách, người trong viết một thế, dường ấy thì chữ quốc ngữ đã không phải là quốc văn, mà người Nam kẻ Bắc còn khó mà thông đồng với nhau nữa.
Chớ chi trong Nam chịu viết theo điệu của ông Hàm Huy, mà ngoài Bắc cũng sẵn lòng viết theo điệu đó, thì may mắn biết chừng nào, bởi vì nếu trong ngoài đều theo một điệu thì chữ quốc ngữ ắt thành quốc văn, mà lại có thể thức định chắc, không còn lộn xộn nữa.
Hiềm vì người Bắc giọng nói chậm rãi, phân biệt tiếng nào có g tiếng nào không có g, tiếng nào đằng sau phải dùng chữ t, tiếng nào đàng sau phải dùng chữ c, tiếng nào bỏ dấu hỏi, tiếng nào bỏ dấu ngã, thế thì biết người ngoài có sẵn lòng đổi giọng mà tập viết theo người mình hay không? Sự ấy tôi nghi lắm”.
- Xem thêm: Chữ Lễ xưa và nay
Việc thay đổi chữ viết, dẫn đến nhu cầu cần phải sáng tạo thêm các từ mới để diễn đạt một cách đầy đủ hơn tư tưởng tình cảm của con người.
Tình hình này được Hồ Biểu Chánh nói rõ: “Nếu chúng ta muốn dùng quốc văn mà phổ thông học thức cho đồng bang thì chúng ta chúng ta cũng phải lo làm sao mà đặt thêm tiếng mới cho đủ mà kêu tên vật, tên xứ, tên người cho đủ mà tả tư tưởng tánh tình, chẳng còn tiếng nào hiểu nghĩa mà nói hoặc viết ra không được nữa.
Theo những lời tôi mới nói đó thì các ngài đã thấy sự tính làm cho đồng bang viết chữ quốc ngữ giống y nhau một cách nó khó lắm rồi, mà còn tính đặt thêm chữ mới đặng có đủ mà dùng, nghĩ lại thì còn khó nhiều hơn nữa.
Tôi có ý dòm coi trong mấy năm sau đây những ông hay viết chữ quốc ngữ đã có đặt thêm chữ mới rất nhiều, mà những chữ mới đặt đó đồng bang ta dùng cũng đã dùng gần quen rồi nữa.
Tôi vẫn biết dầu chúng ta chẳng thèm lo chi hết cứ để thong thả ai muốn đặt thêm chữ nào thì đặt lấy, lâu năm chầy tháng chữ nào tiêu hoá được thì tự nhiên thành ra chữ của mình, còn chữ nào không tiêu hoá được thì tự nhiên đồng bang họ bỏ, thế nào rồi quốc âm ta cũng lần lần trở nên giàu được, chẳng cần phải lo cho lắm”.
Việc tạo chữ mới thời kỳ đầu đương nhiên sẽ có những bất đồng trong cách viết do cách đọc khác nhau, chưa theo những chuẩn tắc chung, dẫn đến tình trạng “mạnh ai đặt theo ý nấy không có qui củ thể thức chi hết, như chữ Canot mà người thì viết Cá-nốt, còn người lại dịch là tào [tàu] hơi; tên hoàng đế Napoléon mà người thì viết Na-pô-lông, còn người lại viết Nã-phá-luân; châu Europe mà người thì viết Âu-ba-la, còn người lại viết Ơ-rô-bờ”.
Hồ Biểu Chánh đề xuất: “Đặt thêm chữ mới đặng làm giàu cho quốc văn, mà đặt lộn xộn như vậy các ngài nghĩ coi có nên dễ thong thả cho họ đặt hay là định quy củ cho nhà trí thức đặt giống nhau một cách, đặng chữ mới có thêm cho nhiều, và có chữ nào thì tiêu hóa liền chữ ấy”.
Về vấn đề phổ biến chữ quốc ngữ, Hồ Biểu Chánh cho rằng “các hội khuyến học” và “các tòa báo quốc âm” là những kênh hữu hiệu.
Trong đó, “hội khuyến học thì lo làm sách dạy địa dư, sử ký, bác vật, hóa học, pháp luật, vệ sanh; còn tòa báo thì lo cổ động khuyên lơn cho người mình cần học chữ nước mình dầu học chữ Pháp là học đặng lấy cái học thức mà thôi, chớ đừng có bỏ chữ quốc ngữ là văn tự trong nước”.
Nhưng quan trọng nhất theo Hồ Biểu Chánh, là phải được sự chấp thuận của nhà nước trong việc đưa chữ quốc ngữ vào chương trình đào tạo phổ thông.
Vì “dầu các hội khuyến học với các tòa báo có ra công chịu khó cho mấy đi nữa, cái công trình cũng e sợ không có kết quả mau lẹ cho bằng cái học hiệu của nhà nước lo giùm, bởi vì học hiệu là chỗ khai trí tập tài cho trẻ em, nếu sở Giáo huấn quyết lòng phổ thông chữ quốc ngữ thì là dễ hơn hết”.
Căn cứ vào thể lệ trong chương trình giáo dục mà chính quyền cai trị Pháp đã ban hành ở Đông Pháp từ ngày 21 tháng 12 năm 1917, Hồ Biểu Chánh đưa ra những đề xuất cho việc phổ biến chữ quốc ngữ.
Trước hết, ông nói tình hình ở miền Bắc đối với vấn đề này: “Mới đây ngoài Bắc kỳ có ít vị trí thức khởi xướng tính giải quyết cái vấn đề ấy.
Ông thì viết trong báo Langsa mà nghị luận, nói rằng theo chương trình giáo huấn bây giờ đây thì bây giờ dân An Nam phần nhiều học chữ Pháp đã không nên dáng gì, mà chữ quốc ngữ lại cũng không thông hiểu, rồi lững đững lờ đờ giữa chừng, Tây không thành Tây, mà An Nam cũng không phải An Nam.
Có ông lại tiếp gởi đơn đến xin chánh phủ chế sửa chương trình giáo huấn lại, xin định trong mấy trường Sơ đẳng học (Écoles primaires) phải cấm tuyệt chữ Pháp để dạy chữ quốc ngữ mà thôi.
Sơ đẳng học phải chia ra làm 5 lớp, mỗi lớp học một năm, học năm 5 rồi thì học sanh thi lấy bằng Việt Nam Sơ đẳng học (Certificat d’études primaires).
Trò nào có chí muốn bước vào Trung đẳng học thì học thêm hai năm nữa. Trong hai năm ấy học ròng chữ Pháp mà mãn hai năm mới thi đặng lấy bằng Pháp quốc Sơ đẳng học (Certificat d’études primaires Fran#aises).
Các chủ ý của mấy vị trí thức Bắc kỳ tôi mới nói tóm lại đó, mấy tháng nay các nhà soạn báo Tây Nam đã có nghị luận nhiều rồi, kẻ nói phải, người nói quấy, bên nào luận nghe cũng có bằng cớ”.
Kế đó, Hồ Biểu Chánh nói về hiện tình trong miền Nam: “Sự xin trong các trường Sơ đẳng học là trường tỉnh, trường tổng, trường làng, phải cấm tuyệt chữ Pháp để dạy chữ quốc ngữ mà thôi, chẳng biết có hiệp với ý muốn của đồng bang ngoài Bắc kỳ hay không, chớ đối với đồng bang trong Nam kỳ thì là trái ý lắm.
Trong Nam kỳ rất đỗi là mấy trường tiểu học, kêu là écoles élémentaires, như nhà trường nhỏ ở trong xóm trong làng, mà cha mẹ học trò còn nài xin nhà nước phải dạy chữ Tây thay, huống chi là Sơ đẳng học, gồm cho tới trường tỉnh mà biểu dạy ròng quốc ngữ, đừng dạy chữ Tây nữa, thì đời nào mà họ chịu.
Bực trí thức trong Nam kỳ rõ biết dân tâm như vậy, nên hôm ngày 12 Février [tháng hai] 1923, là bữa thiết yến trọng đãi Pháp quốc Hạ nghị viện phái bộ, ông Nguyễn Phan Long là phó hội trưởng Hội đồng quản hạt, hội trường Hội khuyến học nầy, ngài thay mặt công chúng trao lời vọng ước, nói đến khoản giáo huấn, ngài mới nài xin mở cuộc tiểu học thêm cho rộng và trong mấy trường tiểu học (écoles élémentaires) mỗi tuần phải xen dạy chữ Tây 5 giờ đồng hồ.
Mà chương trình giáo huấn đã định như vậy, rồi dân tâm lại muốn như vậy nữa, thế thì trong Nam kỳ nầy tiếng An Nam chắc phải tiêu tuyệt, chữ quốc ngữ chắc hết thông dụng, văn An Nam chắc lụn bại rồi còn gì!”.
Sau khi tìm hiểu, nghiên cứu chương trình giáo dục của chính quyền một cách “rất tường tận”, Hồ Biểu Chánh quả quyết: “Tôi dám nói chắc rằng, nếu sở Giáo huấn hết lòng thi hành theo chương trình ấy, và nếu nhà nước nhậm lời xin của bậc trí thức Nam kỳ hôm ngày 12 Février 1923, thì chữ quốc ngữ chắc sẽ phổ thông mau lẹ, mà văn chương An Nam lại cũng chắc sẽ được đẹp đẽ thêm nữa”.
Và ông công bố cho mọi người văn bản tiếng Pháp về chương trình giáo dục “môn học tiếng An Nam, học chữ quốc ngữ”, rồi kết luận: “Theo con mắt của tôi thì cái chương trình ấy là một chương trình rất đích đáng.
Nếu tiếng An Nam mà có tiêu diệt, là tại giáo sư không dạy theo chương trình, hoặc là tại trẻ em hẫng hờ không chịu học, chớ không phải chương trình giáo huấn định bỏ chữ quốc ngữ.
Tôi coi theo chương trình đó thì dân An Nam trong ba kỳ có thể nói giống nhau một thứ tiếng được, mà văn chương An Nam lại cũng có thể phát đạt mau được nữa (…)
Thưa các ngài, theo ý tôi thì cái chương trình giáo huấn tôi mới tỏ bày cho các ngài nghe đó đã không trở ngại bước đường tấn hoá của dân tộc ta, mà lại có thể làm cho tiếng nói của chúng ta được miên trường, văn chương của chúng ta thêm phát đạt nữa”.
- Xem thêm: Quốc văn giáo khoa thư gối đầu giường
Còn để khắc phục tình trạng học trò chỉ chuyên chú vào Pháp văn và các môn khác do được nhân hệ số cao mà xem nhẹ quốc ngữ do có hệ số thấp, Hồ Biểu Chánh kiến nghị: “Nay nếu cho học trò học chữ quốc ngữ cũng như học mấy môn khác vậy, thì nên xin với nhà nước chế sửa lề luật thi lại.
Thi lấy bằng Sơ đẳng học thì thêm một bài luận bằng chữ quốc ngữ (hoặc đặt một bức thơ, hoặc đặt một tờ bẩm, hoặc một lá đơn) và chừng giám khảo cho bon [tốt] rồi thì lấy số 2 mà nhơn, cũng như bài luận chữ Tây vậy.
Còn hội thi lấy bằng Trung đẳng học thì xin sửa một chút nầy cũng đủ rồi: Xin bài luận bằng chữ quốc ngữ phải nhơn cho số 3 cũng như bài luận chữ Tây và toán pháp vậy. Mà thi bằng chữ quốc ngữ thì phải ra đề rồi buộc làm một bài luận bằng văn, hoặc làm một bài phú, hoặc làm một bài thi, hoặc làm một bài ca trù; làm như vậy dù trò nào không ưa chữ quốc ngữ, mà vì sợ thi rớt tức nhiên phải ráng mà học”.
Tiếp theo, Hồ Biểu Chánh đưa ra phương án cụ thể cho việc phổ biến chữ quốc ngữ và tô bồi văn chương nước nhà: 1) Phải làm thế nào cho có đủ sách phổ thông bằng chữ quốc ngữ cho giáo sư coi mà dạy học, và cho người ít học ai muốn học thêm thì dùng đó mà mở kiến thức; 2) Phải làm thế nào cho học trò từ trường Sơ đẳng học cho đến trường Trung đẳng học đều biết ái mộ văn An Nam, dầu lòng ái mộ ấy không sốt sắng hơn, thì cũng cho bằng lòng ái mộ văn Tây mới được.
Trong đó, Hồ Biểu Chánh kêu gọi các trí thức gia nhập hội khuyến học để hợp lực soạn sách phổ biến quốc ngữ.
Về vấn đề nâng cao văn chương quốc ngữ, theo Hồ Biểu Chánh cũng là việc cần kíp, bởi ảnh hưởng của tiếng Pháp cũng như “tân học” ngày càng mạnh khiến người Việt Nam ít chú tâm tài bồi tô điểm cho tiếng Việt giàu đẹp thêm, không những thế còn thua sút so với trước đây.
Ông than: “Rất tiếc thay! Từ khi quốc dân ta đạp bước vào đường tân học, chẳng đoái tưởng đến văn chương nước nhà, thì nền văn chương xưa tuy cũng còn đồ sộ nguy nga, nhưng mà vì bị những tay tục sĩ hư văn, nay họ moi chỗ nầy, mai họ vá chỗ nọ, nhứt là họ muốn bồi đắp cho thêm cao, mà vì họ không có tài rồi gấm thêu mà họ lấy vải xấu đem bao ở ngoài, nên nền văn chương của ta đã hết chói rạng như xưa, mà coi lại có hình thô lỗ lắm nữa”.
Các tệ của văn chương Nam bộ đương thời được Hồ Biểu Chánh kê ra là: Lạm dụng chữ Hán khiến cho câu văn cao kỳ đến mức “không ai hiểu ý muốn nói chuyện chi đó”; hoặc viết tiểu thuyết nhưng “bắt vần như kép hát bộ nói lối dàm, nên văn chương không biết thuộc về điệu nào mà nói”.
Cuối cùng, Hồ Biểu Chánh đưa ra đề xuất các giải pháp chung mà cụ thể cho việc phổ biến, giáo dục chữ quốc ngữ và rèn luyện quốc văn: Khuyên “kẻ thanh niên tân học phải ráng mà tập viết chữ quốc ngữ, tập làm văn An Nam”, khuyên những người giàu có “lấy lòng công ích, đậu vốn đậu tiền, rồi hoặc lập nhà in, hoặc đặt phần thưởng để giúp phổ thông chữ quốc ngữ”, “phải lo chế sửa thế nào cho từ Nam chí Bắc viết giống nhau một cách, đặng cho chữ quốc ngữ thành quốc văn, vậy chúng ta còn phải chước lượng làm sao mà đặt thêm chữ mới cho đủ dùng đặng phổ thông học thức cho dễ”, “phải tô điểm dồi mài văn chương An Nam đặng cho văn của ta được thanh nhã tiêu tao cũng như văn của các nước”.
Và để thực hiện được vấn đề lớn lao này, cần phải có sự hiệp lực của “cả thảy bực trí thức trong nước phải chúng trí hiệp lực lại mà chung lo với nhau hoặc may mới thành tựu cho”.
Trong cuộc họp tối ngày 18 tháng 7 năm 1923, Hội Khuyến học Nam kỳ xem xét các đề xuất về việc phổ biến, giáo dục chữ quốc ngữ và quốc văn, thấy rằng các kiến nghị của Hồ Biểu Chánh là hợp lý hơn cả.
Theo đó, Hội cần mở ba lớp khác nhau: Lớp thứ nhất chuyên dạy cách viết văn xuôi (prose), lớp thứ hai dạy viết văn vần (poésie), lớp thứ ba dạy chữ Hán theo Quốc văn giáo khoa thư của Trung Quốc.
Mỗi lớp như thế phải có một thầy chuyên trách, riêng thầy dạy chữ Hán thì “phải biết chữ Tây mới tiện, còn như không biết chữ Tây thì phải cấp một người giỏi chữ Tây để phụ theo mà cắt nghĩa” (Nam kỳ khuyến học hội, Đông Pháp Thời Báo số 33 – 1923).
“Diễn thuyết” cũng là một cách thức mới trong hoạt động giáo dục mới so với hoạt động giáo dục cũ. Đầu thế kỷ XX hoạt động diễn thuyết khá phổ biến ở Việt Nam, Nam kỳ khuyến học hội cũng tranh thủ hình thức này để kêu gọi, thu hút người tham gia và gây chú ý cho cộng đồng.
Ngoài Hồ Biểu Chánh, Nam kỳ khuyến học hội còn tổ chức nhiều buổi diễn thuyết khác như Cao Hải Để (1923) với chủ đề “Thương tiếng An Nam”, Michel Tình trước đó một năm với chủ đề “Hát cải lương” (1922)…
Khuyến khích du học
Việc đổi mới giáo dục ở Nam bộ đầu thế kỷ XX còn đặc biệt chú trọng đến vấn đề du học. Từ cuối thế kỷ XIX chuyện đi ra nước ngoài học tập đã khá phổ biến, không ít trí thức tiêu biểu đương thời đều ít nhiều đều từng sang các nước phương Tây để học tập, như Trương Vĩnh Ký, Trương Minh Ký, Nguyễn Trọng Quản, Diệp Văn Cương,…
Hoạt động du học càng trở nên sôi động trong những năm đầu thế kỷ XX với phong trào Đông du, Tây du diễn ra khắp nước, trong đó đương nhiên có Nam bộ.
Người ta kêu gọi những người du học chú ý vào “chư môn thiệt học”, bởi xưa nay không chú trọng vào thực học thực nghiệp là những “khuyết điểm về đường tân tiến” của nước ta, cần được khắc phục nếu “muốn tấn bộ vào nẻo văn minh” (Lục Tỉnh Tân Văn số 657-1919).
- Xem thêm: Diễn thuyết ở Nam bộ đầu thế kỷ 20
Báo Phụ Nữ Tân Văn từng mở cuộc vận động xây dựng quỹ học bổng giúp các học sinh du học, thu hút được nhiều người tham gia, ủng hộ.
Bài Học bổng của phụ nữ Việt Nam trên PNTV số 10 năm 1929 thông báo cho biết đã góp được một học bổng và chuẩn bị “mở ra cuộc thi để lựa người” “mà xuất dương du học”.
Đối tượng mà quỹ học bổng này ưu tiên hướng đến là “bọn thiếu niên” “nghèo không có tiền ăn học” mà “có chí cầu học”. Trên Phụ Nữ Tân Văn số 11 năm 1929, có đăng thể lệ dự thi quỹ học bổng này gồm các điều như sau:
- Từ 19 đến 25 tuổi, “phải là dân chánh thức của nước Việt Nam; phải có sức học ngang với lớp chung ta (Etudes complémentaires), nếu có sẵn Diplôme complémentaire hay là Brevet élémentaire cũng được”. Những người đậu Tú tài Tây trong nước rồi thì không được dự thi.
- Phải có giấy chứng nhận ở địa phương là con nhà nghèo và giấy khai sinh.
- Sau khi thi đậu quỹ học bổng này, phải tuân thủ các điều khoản của hội tuyển sinh quy định.
- Mỗi kỳ chọn lấy ba người đạt yêu cầu về các thủ tục kể trên, nhưng chỉ cấp học bổng cho một người đủ sức khỏe, còn hai người khác dự phòng nếu bệnh yếu hoặc bận bịu việc khác không đi được.
- Các môn thi theo lệ thường, gồm lịch sử Việt Nam và thế giới, địa lý, cách trí, luận quốc văn, luận Pháp văn, toán pháp… Lấy theo điểm từ cao đến thấp.
- Đối tượng dự thi mở rộng cho cả nước. Phí dự thi do thí sinh chịu.
- Giấy tờ dự thi gửi về cho Nguyễn Đức Nhuận báo Phụ Nữ Tân Văn.
- Sau khi thi đậu, sẽ nhận được học bổng toàn phần bao gồm cả chi phí đi lại, học phí, tiền quần áo, thuốc men.
Mở mang nữ học
Giáo dục hiện đại Việt Nam thời thuộc Pháp còn chú ý đến vấn đề thiết lập, mở mang nữ học. Hệ thống giáo dục Việt Nam bấy giờ cũng theo mô hình của Pháp tại thuộc địa Đông Dương, nên nữ giới cũng được đi học đi thi và có trường lớp riêng. Trong số này, có khoảng 2/3 tập trung ở Nam kỳ vào những năm 1920-1930.
Theo đó, nữ quyền cũng được xã hội chú ý, năm 1917, đã thấy báo Nông Cổ Mín Đàm có tiểu mục “Nữ giới chung” (tiếng chuông của phụ nữ), năm 1918 thì tờ nữ báo đầu tiên của Việt Nam ra đời là Nữ Giới Chung, đến năm 1929, tờ Phụ Nữ Tân Văn ở Nam kỳ đã nổi tiếng cả nước.
Nữ Giới Chung dành nhiều bài xã luận cho nói về vấn đề giáo dục và phụ nữ. Bài Nữ tử giáo dục của Trần Thị Đào (số 7) nói về sự quan trọng của nữ học: “Người đờn bà có nhiều cái trách nhậm rất lớn lao: một là trị gia, hai là tướng phu, ba là giáo tử; mà nếu người đờn bà có nhiều cái trách nhậm quan hệ như thế, thì phải lo giáo dục cho đờn bà nhiều hơn mới phải”.
Trần Thị Đào cũng định nghĩa “giáo dục”: “Là sự dạy dỗ việc ở ăn, dạy dỗ điều quấy phải, dạy dỗ sự lễ nghi, dạy dỗ cách xử sự với đời v.v…”.
Đến năm 1929-1934, tờ Phụ Nữ Tân Văn phát động nhiều phong trào liên quan đến nữ quyền, trong đó tiếp tục đặt ra vấn đề nữ học.
Như bài Nữ giới cần phải khai hóa (số 12 – 1929) của Trịnh Đình Rư hô hào “muốn cho nữ lưu tiến lên một cái địa vị cao” “theo cái trào lưu tiến hóa ngày nay mà lựa đường dẫn đưa cho nữ lưu đến cõi văn minh khai hóa”.
Theo ông, để thực hiện được điều này, cần phải làm cho nữ giới hiểu rõ hai từ “danh dự” và “nghĩa vụ”, “phải làm thế nào cho các bạn nữ lưu ai nấy đều biết lấy danh dự làm quí, lấy nghĩa vụ làm trọng”.
Cụ thể, ông đề kêu gọi phụ nữ bước ra khỏi phòng khuê nhà bếp, tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội, “nhận lấy công việc xã hội một phần”, do đó, ông định nghĩa “danh dự” là phải “học rộng tài cao” và “góp được chút công giúp vào xã hội”. Đây là một quan điểm mới, tiến bộ trong vấn đề giáo dục nữ giới đương thời.
Như vậy, có thể nói, giáo dục Nam bộ giai đoạn đầu thế kỷ XX đã có nhiều hoạt động, nhiều phương diện đổi mới, cách mạng so với giai đoạn trước, về cả quan điểm và phương pháp giáo dục.
Có điều đáng lưu ý là, trong khi giáo dục cũ chú trọng đến phạm trù “minh đức” tức vấn đề rèn luyện đạo đức cá nhân của người trí thức, thì giáo dục mới quan tâm nhiều đến vấn đề phổ biến tri thức cho quảng đại quần chúng để nâng cao dân trí – tức phạm trù “tân dân” cũ được kế thừa và phát huy mở rộng một cách mạnh mẽ.