Trên thế giới, nhất là ở phương Tây, “diễn thuyết” có lịch sử lâu đời và phát triển rất mạnh mẽ như một hình thức tuyên bố tri thức cá nhân trước công chúng, đồng thời là hình thức phổ biến tri thức từ cá nhân đến cộng đồng một cách nhanh nhất, trực tiếp nhất.
Thế nhưng ở Việt Nam cho đến hết thế kỷ 19, “diễn thuyết” vẫn còn là một khái niệm xa lạ, mãi đến đầu thế kỷ 20 nó mới trở thành một hoạt động xã hội được chú ý.
Đề tài, hoạt động thực tế
Trong các năm 1918-1919, khái niệm “diễn thuyết” xuất hiện trên báo chí hầu hết chỉ mang tính đưa tin, giới thiệu vắn tắt về hoạt động diễn thuyết tại các nước Âu, Mỹ, Trung Quốc hoặc thông tin diễn thuyết của các quan lại người Pháp tại Việt Nam, gói gọn trong một vài dòng.
Ví dụ một số tin trên Lục Tỉnh Tân Văn: diễn thuyết của Sarraut, của Thủ tướng Đức, Wilson, Poincarré… về các vấn đề chính trị, quân sự.
Trong khi đó, khái niệm “diễn thuyết” nói về một hình thức hoạt động của người Việt lúc này mang nghĩa đơn giản hơn và phi chính trị.
Ví dụ: “Diễn thuyết” là nói cho rõ chiến lược, kế hoạch tranh thương lúa gạo với Hoa kiều: “Kỳ cho bọn nam nhi 24 tháng mà không ai làm được, thì tôi sẽ hiệp bọn nữ lưu lại mà diễn thuyết cách thể rồi sẽ khởi đoàn cho mà coi” (Nguyễn Thị Minh, Tự do diễn đàn – Thiệt dám chê, Lục Tỉnh Tân Văn 1919 số 616); “Diễn thuyết” là lời giới thiệu, quảng cáo: Chánh Luân Bang hát tại Cầu Quan đêm thứ Bảy ngày 20-9-1919: “vãn xuất đầu, có hát thêm một xuất nhỏ chừng một giờ, về cuộc “Kim thời”, thuộc ý bán buôn tranh cạnh điều ích lợi chung trong nước, thế cho lời diễn thuyết, xem vui và dễ nhớ” (Lục Tỉnh Tân Văn 1919 số 674), tức là bình thường giữa hai xuất hát sẽ có lời “diễn thuyết”, nhưng lần này được thay thế bằng hình thức hát; “Diễn thuyết” là “cách dạy học trò: “Còn các giờ nhóm nghe diễn thuyết giáo khoa và còn nhiều việc khác nữa không kể” (Thư tín vãng lai nói về chuyện giáo dục của một độc giả báo Le Gazette de Cochinchine gửi đến báo Lục Tỉnh Tân Văn 1918 số 515); “Diễn thuyết” là kêu gọi, trình bày: “Chớ thật hai mươi mấy năm dư, kể từ ngày khai sáng các quán nhựt báo đến nay, thật chưa thấy một ai xứng ra mà diễn thuyết đều chi lợi ích; ra mà gầy dựng việc gì to tát, cứ ngồi một chỗ thở ra mà nói dè chừng rằng: An Nam còn quê quá, khó mà dìu dắt vào nẻo văn minh, thoảng mảng hết năm này, sang năm khác có bấy nhiêu điều, dẫu nói cho đến tận thế đi rồi, lập đời khác, cũng còn như cựu lệ” (Lục Tỉnh Tân Văn 1919 số 617, Ly tai phục luận, tác giả T.Q.V);…
Chắc rằng sau hoạt động Đông du, Duy tân, Đông kinh nghĩa thục ở miền Bắc miền Trung và hoạt động Minh tân ở miền Nam năm 1905-1908, không ít người Việt Nam đã biết đến hoạt động và hình thức của “diễn thuyết”.
Nhưng có lẽ vì các phong trào kể trên đều liên quan đến chính trị, chống lại nhà cầm quyền, nên sau đó ít người can đảm tiếp tục hoặc giả nếu có cũng không dám lan truyền phô trương, cho nên hoạt động này yếu ớt không phát triển được.
Vì thế, thời kỳ này không phải không có hoạt động diễn thuyết, nhưng nếu có cũng chỉ là thay mặt chính quyền Pháp kêu gọi nhân dân Việt Nam ủng hộ, đóng góp cho chính phủ Pháp trong chiến tranh.
Ví dụ Quốc trái diễn thuyết của Cai tổng Thủ Dầu Một kêu gọi dân chúng mua quốc trái ủng hộ chính quyền Pháp trong chiến tranh và bài diễn thuyết của giáo tập Trần Minh Ngượt ca ngợi chiến thắng của quân Đồng minh (tác giả Trương Quang Hiệu, Lục Tỉnh Tân Văn 1918 số 575).
Từ năm 1920 trở đi, hoạt động diễn thuyết ở Việt Nam nói chung và Nam bộ nói riêng mới bắt đầu khởi sắc.
Năm 1920, chính quyền Nam kỳ cử đoàn phái viên ra Hà Nội tham dự triển lãm. Trong chuyến đi này, ông Nguyễn Chánh Sắt thuộc đoàn Nam kỳ đã có một bài diễn thuyết phát biểu về vấn đề công nghệ ở miền Bắc, lúa gạo ở miền Nam và ông kêu gọi người Nam học tập kỹ thuật công nghệ của người Bắc, đồng thời kêu gọi người Bắc vào Nam khai hoang đất ruộng rẫy còn hoang hóa và đưa công nghệ kỹ thuật vào Nam lập nghiệp để cạnh tranh với người Hoa, người Nhật.
Ngoài giáo dục, nội dung đề tài các cuộc diễn thuyết ở Nam kỳ cũng khá phong phú đa dạng, như: “Địa dư Nam kỳ” do ông Nestour Hyacinthe nói ở Hội Khuyến học Rạch Giá tháng 7-1922 (Công Luận Báo 1922 số 509); “Chấn hưng công nghệ” do ông Phạm Đôi Kim, nguyên Chủ bút Nhựt Báo Tỉnh nói ở Hội Khuyến học Rạch Giá tháng 7-1922 (Công Luận Báo 1922 số 509); “Vấn đề cải lương” do ông Michel Thành nói ở Hội Khuyến học Sài Gòn, so sánh cải lương với hát bội, hát Tây, tuồng hát sự tích để thấy mặt hạn chế của nó (Công Luận Báo 1922 số 489); Vấn đề “Cao vọng của thanh niên An Nam” do Nguyễn An Ninh nói ở Khuyến học hội năm 1923 (Phụ Nữ Tân Văn 1929 số 13); Vấn đề “Sự tấn hóa của thanh niên Việt Nam trong vòng 40 năm nay” do Bùi Quang Chiêu nói (Phụ Nữ Tân Văn 1932 số 161); Vấn đề soạn Nam sử do luật sư Tavernier nói tại Hội Khai trí Hà Nội và Sài Gòn (Hà Thành Ngọ Báo 1933 số 1815); Vấn đề tranh cử hội đồng thành phố Sài Gòn ở rạp Thành Xương Sài Gòn (Hà Thành Ngọ Báo 1933 số 1690); Vấn đề đa thê do Nguyễn Thị Kiêm nói (báo Nhật Tân 1934 số 66); Vấn đề “Tại làm sao mà sự quy định về việc mãi dâm có hại cho nền luân lý?” do linh mục Seminel nói tại nhà Hội Khuyến học Nam kỳ 98 Boulevard Galliéni Chợ Quán (Sài Gòn 1934 số 473); Vấn đề “kiểu ăn mặc trong 30 năm ở Pháp” do cô Chandet phóng viên báo Echo de Paris ở Sài Gòn nói (Hà Thành Ngọ Báo 1935 số 2256); Vấn đề “Hoàn cảnh của người đàn bà An Nam có chồng đối với pháp luật” do “trạng sư” (luật sư) Vương Quang Nhường nói tại Hội quán Cercle Indochinois 95 Boulevard de la Somme (Sài Gòn 1939 số 1417);…
Trong số đó, có những cuộc diễn thuyết nội dung chủ đề tuân theo quy định của nhà cầm quyền, nhưng cũng có cuộc diễn thuyết đi ra ngoài quy định ấy.
Như Hà Thành Ngọ Báo 1927 số 54, mục Tin Sài Gòn – Lễ truy điệu không thành cho biết: “Được tin cụ Lương Ngọc Can tạ thế, nhân dân Sài Gòn định làm lễ truy điệu cụ ở Xóm Ga, nhưng quan Thống đốc Nam kỳ có ra lệnh cấm.
Tuy vậy nhân dân cứ tề tựu đến Xóm Ga là chỗ làm lễ rất đông. Có hai người đứng lên diễn thuyết thì bị bắt, thành thử lễ truy điệu ấy ở trong Sài Gòn cũng không thành”.
Hay tin Thợ máy điện Chợ Lớn đình công ngày 1-5 đăng trên Hà Thành Ngọ Báo 1930 số 824: “có hai người ăn vận quần áo lụa diễn thuyết cho bọn thợ đình công đã bị bắt”.
Rồi tin Sở Mật thám Sài Gòn mới khám phá được một chi bộ Cộng sản ở Khánh Hội, thu được “các sách, báo Xô-viết, dịch ra quốc ngữ và chữ Tây.
- Xem thêm: Để không bị “mất điểm” khi thuyết trình
“Những sách của Boukharine và Doriot” (Hà Thành Ngọ Báo 1930 số 862), Nguyễn An Ninh bị tòa tuyên án tù giam ba năm và “mất quyền chánh trị trong năm năm” vì diễn thuyết về “Cao vọng của thanh niên An Nam” ở Hội Khuyến học năm 1923 (Phụ Nữ Tân Văn 1929 số 13)…
Có những cuộc diễn thuyết diễn ra nhân kỷ niệm một ngày lễ hay sự kiện nào đó, không mang tính định kỳ, nhưng cũng có những tổ chức lên lịch diễn thuyết thường kỳ, ví dụ Hội Khuyến học Nam kỳ mỗi tuần một lần (Phụ Nữ Tân Văn 1934 số 233), Hội Cựu du học sinh mỗi tháng một lần để những hội viên (cựu du học Tây về) “thay phiên nhau đem những đều học thức mới lạ của mình ra mà nói chuyện với công chúng” (Phụ Nữ Tân Văn 1932 số 161), “tại các trường nữ học mỗi tuần lễ có diễn thuyết về cách nuôi con” (Tin Nam kỳ – Sài Gòn: Việc nuôi dạy trẻ, Hà Thành Ngọ Báo 1927 số 64)…
Các cuộc diễn thuyết thường được đưa tin trên báo chí, hoặc giới thiệu, hoặc tóm tắt hoặc nguyên văn bài diễn thuyết.
Có bài diễn thuyết ngắn gọn, nhưng cũng có những bài diễn thuyết rất dài, phải đăng trên nhiều số báo như bài diễn thuyết về chữ quốc ngữ của Hồ Biểu Chánh năm 1923 tại Nam Kỳ Khuyến Học Hội đăng trên Đông Pháp Thời Báo.
Cũng có khi các bài diễn thuyết được gộp lại in thành sách để phổ biến, như trường hợp quyển Hương chính chỉ nam tóm tắt 30 bài diễn thuyết của những người trong Hội Quảng Tri Vịnh ở miền Trung, xuất bản năm 1926.
Việc thông tin, đăng trên báo chí hay xuất bản thành sách như thế rất hữu ích cho việc mở rộng ảnh hưởng của các nội dung diễn thuyết cũng như ngôn ngữ diễn thuyết trong xã hội.
Diễn giả
“Lời nói” gắn liền với “người nói” và người nói trong diễn thuyết được gọi là “diễn giả”, còn hoạt động của diễn giả trong buổi diễn thuyết được gọi là “diễn”.
Thành phần diễn giả ở Việt Nam thời kỳ này khá đa dạng, nhưng nói chung thuộc tầng lớp trí thức, quan lại.
Tuy đến quãng năm 1930, diễn thuyết đã trở thành một sinh hoạt phổ biến trong xã hội, thu hút được sự chú ý rộng rãi của công chúng, lực lượng diễn gia đăng đàn diễn thuyết cũng khá đông đảo, nhưng về chất lượng, độ chuyên nghiệp còn thấp; ở phương diện này, miền Nam còn ít và kém hơn so với miền Bắc.
Như lời tác giả X trong bài Nói chuyện diễn thuyết – tài hùng biện bởi đâu mà có? (Phụ Nữ Tân Văn năm 1934 số 258) cho biết: “Ở xứ nầy, ta đa từng thấy có nhiều người (cả đàn ông và đàn bà) đăng đàn diễn thuyết, nhưng trong số ấy, chỉ có một đôi diễn giả được hoan nghinh, còn nếu rút ra cho được một diễn giả hoàn toàn thì thật là hiếm”.
Một nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng này là bởi diễn thuyết mới xuất hiện ở nước ta chưa lâu, người Việt Nam ít có kinh nghiệm về hình thức truyền bá tri thức này, nên không có thầy có lớp để rèn luyện, phần nhiều là có sao cứ đưa lên vậy.
Thế nên mới có tình trạng: “phần nhiều diễn giả, bước lên diễn đàn, có người thì mặt xanh, run như gà bị cắt tiết, có người thì lại cứng họng nói hết muốn ra hơi, có kẻ vì muốn làm gan nên bặm môi, nhăn mặt, hay là làm mặt chăm bẵm như giận thính giả, trông thật là kỳ quái” (Phụ Nữ Tân Văn 1934 số 258).
Những diễn già nổi tiếng thời kỳ này thường là người làm báo, có học vấn cao, có hiểu biết sâu rộng cả về phương Đông và phương Tây, tư tưởng cấp tiến.
Ở ngoài Bắc người ta hay nói đến “tài hùng biện của quan thượng giáo dục” tức Phạm Quỳnh – chủ bút tờ Nam Phong, bởi “từ lời văn giọng nói cho đến bộ điệu” của ông “khiến ai cũng phải khâm phục, cho dầu những người không đồng tư tưởng chính trị với ông Phạm Quỳnh hay những người thù cũng vậy” (báo Tràng An 1935 số 76).
Những diễn giả nổi tiếng trong Nam như Phan Văn Hùm, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Văn Bá, Nguyễn Thị Kiêm cũng là các ký giả tiếng tăm.
Phan Văn Hùm và Nguyễn An Ninh hay nói về chính trị và tôn giáo – là những vấn đề chính quyền nghiêm cấm, nên hay bị bắt bớ tù đày, cuối cùng hy sinh vì lý tưởng đấu tranh giải phóng dân tộc bằng con đường quyết liệt chống Pháp.
Nguyễn An Ninh nổi tiếng thông minh, gia đình có cha chú là những nhân sĩ trí thức nổi tiếng Nguyễn An Khương, Nguyễn An Cư.
Ông được học bổng du học Pháp, tốt nghiệp cử nhân Luật ở Đại học Sorbone, sau đó về Việt Nam tích cực tham gia đấu tranh chống chính quyền cai trị Pháp.
Năm 1922, ông diễn thuyết về “Nền văn hóa Việt Nam”, năm 1923 diễn thuyết về “Lý tưởng thanh niên An Nam” (cũng tức là “Cao vọng của thanh niên An Nam”) được công chúng nhiệt liệt hoanh nghênh.
Những lời lẽ mạnh mẽ như: “Dân tộc nào để cho một nền văn hóa ngoại bang ngự trị thì không thể có độc lập thực sự.
“Văn hóa là tâm hồn của dân tộc”, “một dân tộc muốn sống, muốn độc lập, muốn rạng danh trong nhân loại, cần phải có một nền văn hóa riêng của mình” (vi.wikipedia.org, 8-8-2018) của Nguyễn An Ninh gây hiệu quả xã hội rộng lớn khiến nhà cầm quyền phải ra lệnh cấm ông diễn thuyết và bắt giam, “mất quyền chánh trị trong năm năm” như báo Phụ Nữ Tân Văn 1929 số 13 đã đưa tin.
Phan Văn Hùm xuất thân nông dân, nhưng học giỏi, du học Pháp đỗ cử nhân và cao học triết. Năm 1933, ông về Sài Gòn tích cực hoạt động đấu tranh chống chính quyền cai trị.
Trong hoạt động diễn thuyết, Phan Văn Hùm nổi tiếng với đề tài “Biện chứng pháp” ở Hội Khuyến học Nam kỳ, sau buổi diễn thuyết này, chính quyền đã ra lệnh cấm hoạt động diễn thuyết tại hội khuyến học này và lệnh cấm ấy cũng khiến hoạt động diễn thuyết ở cả Sài Gòn im lìm, báo Phụ Nữ Tân Văn (1934 số 233) phải đăng tin cải chính.
Nguyễn Thị Kiêm cũng tức Nguyễn Thị Manh Manh, xuất thân gia đình quan chức, cha cũng từng làm báo.
Sau khi tốt nghiệp Thanh chung Trường Nữ học Gia Long, bà tích cực đấu tranh cho vấn đề nữ quyền, là phóng viên trẻ tuổi nổi tiếng xông xáo của tờ Phụ Nữ Tân Văn, là một diễn giả nữ hiếm hoi đặc biệt không chỉ ở Sài Gòn mà cả ở Việt Nam đầu thế kỷ 20.
Các buổi diễn thuyết của Nguyễn Thị Kiêm thường thu hút sự tham gia của đông đảo công chúng, dù có khi vô cửa không được tự do, mà phải có giấy mời hoặc bán vé giá cao.
Năm 1933 và 1935, cô hai lần đăng đàn diễn thuyết, tranh luận ủng hộ thơ mới, được nhiều người đánh giá cao, Hoài Thanh và Hoài Chân “Cũng lần thứ nhất có một cuộc diễn thuyết được đông người nghe như thế”, bà Nguyễn Đức Nhuận: “Trong hơn một giờ, Nguyễn nữ sĩ chỉ ứng khẩu, nói như nói chuyện thường… Một người thiếu nữ đứng trước gần ba trăm thính giả nam nữ mà giảng về thơ…”, Thẩm Thệ Hà: “diễn thuyết lưu loát, hùng hồn, đôi khi châm biếm duyên dáng, tế nhị, có khả năng lôi cuốn, thuyết phục người nghe”.
- Xem thêm: Truyền thuyết về ông Nam Hải
Năm 1934, bà ra Huế, Hà Nội, Nam Định, Hải Phong để diễn thuyết các đề tài “Dư luận nam giới đối với phụ nữ tiên tiến”, “Một ngày của một người đàn bà tân tiến”, “Có nên tự do kết hôn chăng?”, “Nên bỏ chế độ đa thê không?” (theo Phan Văn Hoàng, Nhớ “một nữ sĩ có tài và có gan”, .honvietquochoc.com.vn 8-8-2018).
Việc diễn giả miền Bắc, miền Trung vào Nam diễn thuyết khá thường xuyên, nhưng chuyện diễn giả miền Nam ra Trung, ra Bắc diễn thuyết lại khá hiếm hoi, vì thế trường hợp Nguyễn Thị Kiêm với các đề tài mới, chủ trương chống lại những hủ tục áp chế phụ nữ, kêu gọi phụ nữ tích cực tham gia hoạt động xã hội, kêu đòi nam nữ bình quyền, gây ảnh hưởng cả nước thông qua tin tức từ các báo đăng tải.
Giới tu hành bấy giờ cũng sử dụng hình thức diễn thuyết để truyền bá tư tưởng, có trường hợp vì diễn thuyết mà một sư nữ (Huệ Tâm) bị công kích đến mức phải tự sát, dù sau buổi diễn thuyết tại chùa Đồng Quang – Hà Nội đã phải chạy vào Ba Tri trong Nam.
Một nguyên nhân là bởi “bài diễn thuyết của sư nữ được các thức giả hoan nghênh vô cùng, cũng vì thế nên có nhiều người ghen ghét sư nữ cho là sư nữ mà lên diễn đàn không được đứng đắn” (Tràng An Báo 1935 số 78).
Công chúng
Trong diễn thuyết, người tham gia, người nghe đóng một vai trò thiết yếu và họ thường được báo chí đương thời gọi là “thính giả”, “cử tọa”, “công chúng”.
Trong diễn thuyết, người nghe nắm phần quyết định quan trọng trong việc quy định ngôn ngữ của diễn giả.
Bởi để đạt được hiệu quả và mục đích tác động đến thính giả, thì diễn giả phải xây dựng, chọn lựa một ngôn ngữ phù hợp với người nghe.
Có cuộc diễn thuyết chỉ tập trung vào tầng lớp phụ nữ tiểu tư sản, trung lưu như bà Nguyễn Thị Kiêm nói tại Hội Khai Trí Tiến Đức năm 1934 (báo Nhật Tân 1934 số 64); có cuộc diễn thuyết nhằm vào đối tượng người nghe là tầng lớp công nhân như “thợ máy điện Chợ Lớn” (Hà Thành Ngọ Báo 1930 số 824); Có cuộc diễn thuyết thu hút nhiều tầng lớp xã hội khác nhau như diễn thuyết của Lê Trung Nghĩa nói về việc tranh cử Hội đồng Thành phố Sài Gòn ở rạp Thanh Xương (Hà Thành Ngọ Báo 1933 số 1690;…
Trong các cuộc diễn thuyết, có khi thính giả chỉ đóng vai người nghe thụ động, không được phát biểu tranh luận, như trường hợp Bùi Quang Chiêu nói về tình hình du học của du học sinh Việt Nam trong 40 năm qua vào tối thứ Hai ngày 11-7-1932, trước khi bắt đầu, có một nhóm người yêu cầu sau khi ông Chiêu nói xong, cho phép hỏi một số vấn đề, nhưng không được ban tổ chức chấp nhận, vì đây là một buổi “nói chuyện thường”, không phải “một cuộc diễn thuyết có tranh biện”, những người yêu cầu đã bỏ ra về (Phụ Nữ Tân Văn 1932 số 161).
Nhưng điều đáng chu ý của hình thức diễn thuyết là sự “tương tác” qua lai giữa diễn giả và thính giả, ở đó thính giả có thể đồng tình hoặc phản bác ý kiến của diễn giả bằng một hình thức nào đó, cũng có khi người ta mượn dịp diễn thuyết để công kích hiềm khích cá nhân.
Như Lê Trung Nghĩa diễn thuyết về việc tranh cử Hội đồng thì người ra ứng cử cần phải có chương trình kế hoạch làm việc như thế nào, ông Diệp Văn Kỳ (Công Luận Báo) “lên phản đối” bài bác chương trình như cách ông Nghĩa nói, “nhưng không được thính giả hoan nghênh”, rồi ông Tạo và ông Ninh (Trung Lập Báo) lên “nói ít câu” “công kích ông Kỳ”; sau đó ông Tao cướp diễn đàn bằng cách “nhảy lên sân khấu hô rằng: xin đồng bào hãy trị Võ Khắc Thiệu và tờ Zân Báo”. Sau đó xảy ra ẩu đả giữa bà chủ Trung Lập Báo do hiềm khích riêng liên quan đến việc làm báo, bị cảnh sát bắt hai bên về sở. “cuộc diễn thuyết cũng tan” (Hà Thành Ngọ Báo 1933 số 1690).
Cuộc diễn thuyết của Phan Văn Hùm về “Biện chứng pháp” (La dialectique) ở Hội Khuyến học tối thứ Tư ngày 1-11-1933, cắt nghĩa gốc gác khái niệm “dialectique” và lịch sử của phép biện chứng phương Tây cùng sự ích lợi của thuyết này “dạy ta biết lý luận một cách rành rẽ hẳn hoi và có thống hệ”.
Ông Hùm nói hơn một giờ, “người đến nghe thật đông”, sau đó có mấy thính giả “đứng lên chất vấn nhiều chỗ trong đề”.
Ông Hùm trả lời cho từng người, được “công chúng hoan nghinh”. “Cuộc diễn thuyết này có vẻ vui nhờ có luận biện” và vì thế kéo dài hơn hai tiếng đồng hồ.
Dù cuộc nói chuyện này có nhiều từ mới lạ khó hiểu, nhưng thính giả vẫn chăm chú lắng nghe, học hỏi (Phụ Nữ Tân Văn 1933 số 224).
Ngôn ngữ
Đến những năm 1930, diễn thuyết đã trở thành một sinh hoạt xã hội phổ biến và mang tính thời thượng ở Việt Nam nói chung và Nam kỳ nói riêng.
Như bài Nói chuyện diễn thuyết – tài hùng biện bởi đâu mà có? của tác giả X trên Phụ Nữ Tân Văn năm 1934 (số 258), thì lúc này những từ, những câu như “lên diễn đàn”, “đi nghe diễn thuyết” đã trở nên quen tai với người và ở Nam kỳ lúc này cũng đã có nhiều người tham gia hoạt động diễn thuyết.
Tuy nhiên, phần đông diễn giả vẫn mất tự chủ tự nhiên khi lên sân khấu, đứng trước mặt công chúng, bởi tác giả cho rằng diễn thuyết phải gắn với năng lực “hùng biện” mà năng lực này cần phải được rèn luyện nghiêm túc, trước hết là phải tập “tự trị” (maitre de soi), “phải tự do mà chăm chú vào thính giả”, không thể dựa vào thuộc lòng sách vở, rồi diễn giả ăn mặc không nên lôi thôi lòe loẹt, bỏ mấy thói quen cá nhân khi lên sân khấu, tiếng nói phải “rõ ràng, uốn giọng, khi cao khi thấp, dùng giọng cảm động”, “giọng nói như đờn, khi lên bổng lúc xuống trầm, dịu dàng, êm ái” sao cho những người ngồi ở cuối cùng cũng nghe rõ được.
Bắt đầu bài diễn thuyết nên kể chuyện hài để gây chú ý hoặc soạn sẵn vài câu mở đầu cho thật hay.
Tuy nhiên, có một điều tác giả X đặc biệt lưu ý trong ngôn ngữ diễn thuyết là (chúng tôi tô đậm): “Điều cần thiết nhứt là không nên dùng những tiếng cao kỳ quá trình độ trí thức của phần đông thính già (không nên nói trên đầu thính giả)”.
Lưu ý trên đây của tác giả bài báo không phải là ý kiến cá nhân, mà là một quy định ngầm nhưng phổ biến cho tất cả các diễn giả khi đăng đàn diễn thuyết.
Nghĩa là ngôn ngữ dùng trong diễn thuyết phải giản dị dễ hiểu, không dùng nhiều thuật ngữ khái niệm mới lạ.
Bởi thế, khi Phan Văn Hùm diễn thuyết về “Biện chứng pháp”, Nguyễn Thị Kiêm cho rằng chỗ hạn chế của Phan Văn Hùm là “dùng nhiều chữ Hán nên bài diễn văn không được phổ thông hết cho mọi người” (Phụ Nữ Tân Văn 1933 số 224, Một một cuộc diễn thuyết đặc biệt).
Đấy là nói về diễn thuyết bằng tiếng Việt, trường hợp diễn giả nói bằng tiếng Pháp thì số người nghe sẽ hạn chế hơn.
Cũng có trường hợp diễn giả là người miền Trung vô Nam diễn thuyết, sợ người trong Nam không hiểu tiếng ngoài Trung, nên nói bằng tiếng Pháp, như chuyện ông Bửu Cân Hội trưởng Hội Quảng Tri Huế nói về “Sự lợi ích và sự cần thiết của Hán tự trong quốc văn” (Phụ Nữ Tân Văn 1934 số 252).
Tuy nhiên, vì diễn thuyết thường gắn với những vấn đề mới lạ, nên dù có cố gắng bình dân hóa, phổ thông hóa thì diễn giả vẫn không tránh được việc cho ra đời và phổ biến “những tiếng cao kỳ”, “tiếng lớn” như một số khái niệm, thuật ngữ mới để diễn đạt những ý tứ mà mình muốn nói.
Chẳng hạn những vấn đề về giải phẫu thẩm mỹ, triết học, kỹ thuật, chính trị… thường diễn giả phải dịch thành từ Hán Việt hoặc mượn âm Hán Việt trong các từ điển Pháp – Hoa, Pháp – Hòa, từ điển triết hoc, rồi từ báo chí và “tân thư” của Trung Quốc để phổ biến cho công chúng Việt Nam những khái niệm thuật ngữ mới lạ cả về ngữ âm lẫn ngữ nghĩa như “quốc gia chủ nghĩa”/ “quốc dân chủ nghĩa” (từ “nationalisme”), “lập trường”/ “lập cước” (từ “plate-forme”), “biện chứng pháp”/ “dịch hóa luận” (từ “dialectique”),…
Bởi diễn thuyết là bày tỏ, diễn giải ý kiến cá nhân về một vấn đề nào đó trước công chúng và thuyết phục người ta tin vào điều mà diễn giả muốn, nên có thể nói đây cũng là một bình diện thể hiện tính cá nhân, dân chủ mới mà thời trước chưa có.
Trong diễn thuyết, trí thức đóng vai trò trung tâm, bởi diễn thuyết phải gắn với những tri thức mới mẻ và bản thân họ cũng cho rằng diễn thuyết cùng với trường học, báo chí là “ba cái lợi khí để truyền bá văn minh” (Tiếng Việt tinh nghĩa từ điển, tập 1, Long Điền Nguyễn Văn Minh, Quảng Vạn Thành Hà Nội xuất bản 1950, tr.91).
Do đặc thù của hình thức, ngôn ngữ của diễn thuyết đề cao tính đơn giản phổ biến, nên hệ thống khái niệm, thuật ngữ mà nó kiến tạo, trình bày không mang tính hàn lâm cao, bù vào, chúng lại có tính ấn tượng và tính xã hội rất cao.
Bởi lẽ, diễn thuyết ngay từ khi diễn giả bắt đầu, đã là sự trao đổi mang tính cộng đồng, hơn nữa nó luôn giới thiệu, tường thuật trên báo chí nên mức độ ảnh hưởng, lan truyền xã hội rất lớn và có hiệu quả nhanh chóng mà chúng ta có thể dễ dàng thấy được.