Crowde xây dựng cơ sở hạ tầng cho nông dân, từ tài chính đến nguồn cung ứng, và thậm chí phát triển các kênh bán hàng.
Nông nghiệp là “chìa khóa sinh kế” của nhiều người Indonesia, đặc biệt là những người sống ở nông thôn. Dù lĩnh vực nông nghiệp đóng vai trò quan trọng, hầu hết nông dân ở Indonesia sống dưới mức nghèo khó. Để thay đổi tình trạng đó và giảm nghèo, người nông dân cần tiếp cận với nguồn vốn mới.
Yohanes Sugihtono là một nông dân làm vườn trước khi ông và đồng nghiệp của mình, Muhammad Risyad Ganis, thành lập Crowde vào năm 2015. Sugihtono cảm nhận được những áp lực và khó khăn đối với người nông dân, chủ yếu là do không được tiếp cận với dòng tiền mặt. Để giải quyết vấn đề đó, Sugihtono và Ganis đã tạo ra Crowde, một nền tảng cho vay ngang hàng (P2P), để mang nguồn vốn đến với nông dân trong lĩnh vực nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi.
“Chín trong số mười nông dân không nhận được nguồn vốn cần thiết. Các ngân hàng đã không phục vụ tốt cho họ (do e ngại rủi ro tín dụng). Hầu hết họ tìm nguồn vốn từ những người trung gian hoặc đối tượng cho vay nặng lãi với lãi suất rất cao”, ông Sugihtono nói với KrASIA trong một cuộc phỏng vấn gần đây.
- Xem thêm: Mua bán nông sản tươi qua ứng dụng và xe bán hàng rong, startup Indonesia huy động 5,3 triệu USD
Tuy nhiên, có những vấn đề trong thời gian đầu thiết lập Crowde. Sugihtono nhận ra rằng một số nông dân vay vốn chỉ để chi dùng cho nhu cầu cá nhân của họ thay vì phát triển kinh doanh nông nghiệp. “Họ không xem đó là nguồn trợ vốn mà là nguồn bổ sung cho tiêu dùng. Một số người chỉ đơn giản là lấy tiền, dùng nó để mua xe máy mới hoặc chi trả cho đám cưới”, ông nói.
Do đó, Crowde đã điều chỉnh hệ thống của mình. Công ty cho vay P2P hợp tác với các cửa hàng cung ứng cho người làm nông nhằm cung cấp nguồn hỗ trợ dưới dạng phân bón, hạt giống, thức ăn chăn nuôi nhưng không phải là tiền mặt.
Sản lượng nông nghiệp tăng lên mang lại một “vấn đề mới”: người nông dân không tìm được nguồn thu mua nông phẩm do năng suất tăng cao. Crowde đã kết nối họ với các nhà phân phối và đại lý, những người đã chuyển khoản thanh toán cho Crowde. Sau khi giải quyết các khoản vay, phần còn lại được chuyển vào tài khoản ngân hàng của người nông dân.
Với hệ thống này, Sugihtono tuyên bố, Crowde đã tạo ra một mạng lưới không tiền mặt cho nông dân ở Indonesia. Nó không chỉ hoạt động như một nền tảng tài chính, mà còn cung cấp một mạng lưới liên kết giữa nông dân, nhà cung cấp và người mua nông sản – thiết lập cơ sở hạ tầng mới cho ngành nông nghiệp.
“Chúng tôi xây dựng hệ thống cung cấp vốn cho nông dân và hệ thống thống kê hàng hóa thông qua các cửa hàng địa phương. Chúng tôi cũng hình thành các kênh truyền thông giáo dục để người nông dân có thêm hiểu biết về ngành nông nghiệp”, ông nói.
Trên trang web của mình, Crowde cho biết họ đã phân phối 81 tỉ rubiah (6 triệu USD) cho hơn 17.000 nông dân kể từ năm 2015. Hơn 31.000 người cho vay đã tham gia vào nền tảng này. Họ chủ yếu là người cho vay cá nhân, nhưng một số tổ chức cũng tham gia. Ví dụ, Ngân hàng Mandiri thuộc sở hữu nhà nước và các đơn vị cho vay địa phương trợ cấp tín dụng vi mô. Nền tảng này có tỷ lệ trả nợ thành công 97% trong vòng 90 ngày.
Có hai lựa chọn để người nông dân giải quyết các khoản vay của họ. Một là trả nợ với lãi suất. Hai là thiết lập một chương trình chia sẻ lợi nhuận, nghĩa là nông dân và người cho vay mỗi bên có được một phần doanh thu từ bán nông phẩm.
Đối với những người nông dân không có khả năng thanh toán, việc trả lãi là gánh nặng. Họ thích chia sẻ lợi nhuận và dù họ có chịu lỗ hay không, họ cũng chia sẻ kết quả với những người cho vay. Tuy nhiên, đối với những người nông dân đã có dòng tiền tốt, họ thường thích trả lãi, như thế, họ không phải chia sẻ lợi tức, ông Mirza Adhyatma, Phó chủ tịch sản phẩm của Crowde cho biết.
Tháng 9 năm ngoái, Crowde đã huy động 1 triệu USD trong vòng gọi vốn pre-Series A được dẫn đầu bởi Mandiri Capital, công ty đầu tư mạo hiểm của công PT Bank Mandiri Tbk. Bên cạnh việc đầu tư vào Crowde, Mandiri Bank cũng là một trong những tổ chức cho vay trên nền tảng này. Ngoài ra, Crowde cũng được hỗ trợ bởi Gree Ventures, một nhà đầu tư cho vòng tài trợ hạt giống của startup này.
Là một thương hiệu mới ở các cộng đồng nông thôn, Crowde phải tạo dựng lòng tin với người dân địa phương. Để làm điều này, công ty thuê người địa phương khi tiếp cận khách hàng nông dân. Sugihtono cho biết Crowde kết nối với khách hàng mới theo những cách khác nhau phù hợp với phong tục địa phương.
“Chúng tôi giúp mọi người tổ chức những sự kiện như đám cưới hoặc tổ chức một buổi biểu diễn dangdut (một loại nhạc dân gian). Chúng tôi không thể trực tiếp giới thiệu mình là Crowde, nhưng chúng tôi gần gũi hơn với cộng đồng cho đến khi họ cảm thấy thoải mái với chúng tôi. Trung bình thường mất hai tuần để thiết lập lòng tin”, nhà đồng sáng lập giải thích.
Hiện tại, Crowde đã mở rộng trên tất cả các tỉnh ở Indonesia ngoại trừ Papua. Sugihtono thừa nhận rằng một trong những thách thức lớn đối với Crowde và các công ty khởi nghiệp agritech khác là chiếm được lòng tin của người nông dân, cho họ thấy rằng một nền tảng kỹ thuật số thực sự có ích về lâu về dài.
Crowde đặt mục tiêu sẽ có 100.000 nông dân tham gia nền tảng của mình vào năm 2020. Công việc kinh doanh hiện vẫn chỉ tập trung ở Indonesia, nơi có hơn 26 triệu nông dân. Với một lượng khách hàng tiềm năng lớn, Sugihtono hy vọng sẽ có nhiều người cho vay hơn nữa gia nhập nền tảng.