Tương ứng với con số đó, thu nhập từ du lịch biển đảo cũng chiếm tới 70% doanh thu của ngành. Tuy nhiên, trong tương lai gần con số trên đang có nguy cơ sụt giảm do vấn nạn ô nhiễm ngày càng lan rộng.
Từ những phố biển nổi tiếng
Trong vài năm gần đây, tại vùng biển Nam Trung bộ, đặc biệt là tại Khánh Hòa, Ninh Thuận, ven bờ biển xuất hiện các lớp nhầy màu xám đen dày cả gang tay, trộn với xác chết của sinh vật, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Tại Bình Thuận, chất thải từ đất liền theo bảy dòng sông lớn đổ ra biển rồi bị sóng đánh tấp vào bờ gây ô nhiễm các bãi tắm, khu du lịch. Đặc biệt, tại vịnh Phan Thiết, chất thải từ sông Cà Ty và sông Cái đổ ra ứ đọng dài ngày với nhiều loại rác sinh hoạt, sản xuất, chế biến thủy sản. Theo đó, bãi biển Thuận An đang dần trở thành một “bãi rác” lớn.
Trên địa bàn Đà Nẵng, đầu năm 2012 bãi tắm Mân Thái đã được đầu tư gần 8 tỉ đồng cho du lịch, nhưng không chỉ du khách mà ngay cả người dân ở đây cũng không dám tắm biển vì khu vực này bị ô nhiễm quá nặng. Lý do là dù việc neo đậu ghe thuyền tại đây đã bị cấm nhưng ngày nào cũng có hàng chục chiếc tàu ngư dân neo đậu rồi thản nhiên xả chất thải xuống biển. Chưa hết, ngay gần bãi tắm có một cống thoát nước thải khá lớn từ khu dân cư đổ ra.
Một bãi biển đang bị “quá tải”
Không chỉ bãi biển ở các điểm đến đã được khai thác du lịch từ lâu như Vũng Tàu, Nha Trang, Phú Quốc, Bình Thuận… mới bị ô nhiễm nặng nề mà nhiều bãi biển được coi là tiềm năng nhờ sự hoang sơ, vắng vẻ cũng đang bị đe dọa nghiêm trọng. Dọc bờ biển Quảng Ngãi hiện nay, nhiều nhà hàng, khu du lịch biển đang mọc lên nhanh chóng, kéo theo lượng rác thải, nước thải ngày càng nhiều. Nhất là tại bến cảng Sa Kỳ, cảng cá Lý Sơn hiện nay với hàng chục ngàn lượt tàu ra vào hằng ngày đã thải ra biển hàng trăm tấn chất thải sinh hoạt, nhiên liệu, cặn dầu, nước rửa tàu lẫn chất thải rắn và các chất tẩy rửa trong quá trình hoạt động.
Theo ban quản lý khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi), hiện nay, do công tác quy hoạch, đầu tư hạ tầng và di dời dân thực hiện chưa đồng bộ, cho nên đã dẫn đến nhiều nhà máy, xí nghiệp xả chất thải, nước thải tràn lan, ảnh hưởng đến một số khu dân cư trong vùng. Hiện nay, hơn 400 hộ dân ở xã ven biển Bình Ðông sống gần Nhà máy xi măng Ðại Việt đang phải sống trong tình trạng ô nhiễm tiếng ồn và bụi. Tại Quảng Trị, môi trường biển Cửa Tùng cũng bị nhà máy chế biến bột cá gây ô nhiễm khá nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân và hoạt động du lịch.
Đường biển mới mở đã ô nhiễm
Gần đây, các con đường ven biển Bình Thuận được đầu tư mạnh nhằm phát triển giao thông vùng sâu vùng xa, theo đó sẽ giúp phát triển du lịch – một thế mạnh của tỉnh này. Tuy nhiên, du lịch biển chưa khai thác được bao nhiêu mà nạn ô nhiễm dọc các tuyến đường này đã trở nên đáng báo động. Chẳng hạn trên tuyến đường Long Sơn – Suối Nước – Hòa Thắng – Lương Sơn, bên cạnh nạn khai thác cát đen ven biển là nạn rác thải ở các khu dân cư… Vương vãi hai bên đường là các loại rác thải sinh hoạt, rác thải trong sản xuất nông nghiệp, đến rác thải du lịch được chất thành đống nhỏ. Đoạn Hòa Thắng – Lương Sơn, cung đường đẹp trải dài trên địa hình bằng phẳng, với một bên là bàu Ông, bàu Bà thơ mộng; nhưng tới địa phận thị trấn Lương Sơn, rác thải sinh hoạt rải rác hai bên đường như làm giảm cảm hứng của du khách. Trên tuyến quốc lộ 1A hướng ra phía bắc của tỉnh này cũng vậy, thỉnh thoảng lại gặp những đống rác to nhỏ ven đường… Tuyến đường ven biển từ thị trấn Phan Rí Cửa nối hai xã Chí Công – Bình Thạnh (Tuy Phong) với những hàng dương xanh nổi tiếng hiện nay cũng đã mất đi sự trong lành ngày trước.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm này là do các cơ sở kinh doanh du lịch chưa có hệ thống xử lý nước thải; du khách vứt rác tùy tiện; những người bán hàng rong không thu nhặt thức ăn thừa khách vứt trên bãi cát… Ngoài ra, lượng chất thải sinh hoạt tăng nhanh phần lớn chưa được xử lý, hoặc xử lý bằng phương pháp chôn lấp, vì vậy ảnh hưởng rất lớn đến cảnh quan, môi trường tự nhiên, chất lượng các nguồn nước. Hệ thống xử lý nước thải, rác thải sinh hoạt tại các điểm du lịch, bãi tắm hiện yếu kém. Nhiều điểm du lịch chưa làm hệ thống xả nước bẩn, không có thùng đựng rác công cộng.
Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới năm 2008 dự báo mỗi năm Việt Nam đang mất đi ít nhất 69 triệu USD thu nhập từ ngành du lịch do hệ thống xử lý vệ sinh kém. Bên cạnh việc nâng cao ý thức của người dân, các địa phương muốn phát triển du lịch biển cần khuyến khích các cơ sở lưu trú du lịch chú trọng sử dụng nguồn năng lượng sạch và có hệ thống xử lý rác thải phù hợp. Ngoài ra, địa phương cũng cần có biện pháp mạnh tay hơn đối với các nhà hàng, khách sạn, resort, khu vui chơi, giải trí gây ô nhiễm môi trường.
Cẩm Tú