Trái ngược với diễn biến thuận lợi trong khâu phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP), việc sử dụng nguồn vốn TPCP một cách hiệu quả lại đang đặt ra không ít câu hỏi.
Cầu vượt cung
Trong tháng 9-2019, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội chỉ tổ chức hai phiên đấu thầu TPCP do Kho bạc Nhà nước (KBNN) phát hành, tức hai tuần mới có một phiên thay vì tổ chức mỗi tuần một phiên như trước. Khối lượng gọi thầu còn bình quân khoảng 3.100 tỉ đồng/phiên trong tháng 9, giảm mạnh so với mức bình quân 5.500 tỉ đồng/phiên của các tháng trước đó.
Tuy nhiên, khối lượng đăng ký của cả hai phiên đều cao gấp 4-5 lần khối lượng gọi thầu, cho thấy nhu cầu đầu tư TPCP là rất lớn. Kết quả là tỷ lệ trúng thầu của hai phiên đấu thầu trong tháng 9 đều rất cao. Tính chung trong tháng 9, KBNN đã huy động được 5.950 tỉ đồng TPCP, nâng tổng số TPCP huy động thành công từ đầu năm đến nay lên mức 156.813 tỉ đồng, tương đương 60% kế hoạch năm.
Cân đối thu – chi trong chín tháng đầu năm cho thấy, nguồn vốn huy động từ TPCP chủ yếu dành để trả nợ gốc các khoản đã phát hành những năm trước trong khi số tiền dành cho chi đầu tư phát triển là không nhiều.
Đáng chú ý, lãi suất trúng thầu các kỳ hạn đều giảm rất mạnh. Cụ thể lãi suất trúng thầu trái phiếu kỳ hạn năm năm hiện đã giảm còn 3,15%, thấp hơn 0,67 điểm phần trăm so với đầu năm; kỳ hạn bảy năm giảm còn 3,54%, thấp hơn 0,81 điểm phần trăm; kỳ hạn 10 năm là 3,97%, thấp hơn 1,13 điểm phần trăm; kỳ hạn 15 năm là 4,24%, thấp hơn 1,06 điểm phần trăm; kỳ hạn 20 năm là 4,9%, thấp hơn 0,7 điểm phần trăm; kỳ hạn 30 năm là 5,23%, thấp hơn 0,57 điểm phần trăm.
Bên cạnh việc nguồn cung trên thị trường sơ cấp giảm, một nguyên nhân nữa khiến TPCP hút hàng trong tháng 9 là do thanh khoản của các ngân hàng đã dư thừa trở lại sau giai đoạn khá căng thẳng hồi cuối tháng 8. Hiện các ngân hàng vẫn là một trong những nhà đầu tư lớn nhất trên thị trường TPCP.
Bằng chứng rõ nét nhất cho thấy thanh khoản của hệ thống đang dư thừa là việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải liên tục phát hành tín phiếu khối lượng lớn để hút bớt tiền về. Thống kê cho thấy trong tuần từ ngày 16 đến 20-9, NHNN đã phát hành mới 68.997 tỉ đồng tín phiếu kỳ hạn bảy ngày với lãi suất 2,5%. Mức hút ròng tiền về chỉ trong một tuần như trên là rất đột biến, thường chỉ gặp trong các tuần sau Tết Nguyên đán.
Việc nguồn cung tiền đồng quay trở lại trạng thái dư thừa có thể xuất phát từ hoạt động mua vào ngoại tệ của NHNN. Theo công bố của NHNN, dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện trên 71 tỉ đôla Mỹ, tức tăng thêm khoảng 4 tỉ đôla Mỹ so với con số 66 tỉ đôla Mỹ công bố hồi cuối tháng 5. Việc mua vào đôla Mỹ đồng nghĩa với việc NHNN phải bơm một lượng lớn tiền đồng ra thị trường. Động thái phát hành tín phiếu là nhằm trung hòa bớt lượng tiền bơm ra này.
Trong khi đó, theo Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 20-9-2019, tăng trưởng tín dụng chỉ mới 8,4% (cùng kỳ năm 2018 tăng 9,52%), lại đang thấp hơn tăng trưởng huy động (tăng 8,68%, cùng kỳ năm 2018 tăng 9,15%). Diễn biến này cũng góp phần giúp thanh khoản hệ thống dư thừa.
Có cần điều chỉnh kế hoạch phát hành?
Một trong số các câu hỏi đang được đặt ra: với diễn biến giải ngân chậm của vốn đầu tư công như hiện nay, liệu KBNN có nên điều chỉnh giảm kế hoạch phát hành trong quý IV-2019 (điều đã xảy ra như quý IV-2018) nhằm tránh việc ứ đọng vốn và giảm chi phí lãi vay cho ngân sách?
Trong tám tháng đầu năm, giải ngân vốn cho đầu tư phát triển mới đạt 37,6% dự toán và giảm 8,8% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản đạt 153.818 tỉ đồng, bằng 41,5% kế hoạch.
Theo một lãnh đạo của KBNN, kế hoạch phát hành TPCP là nhằm thực hiện nhiều mục tiêu chứ không chỉ đáp ứng nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Một trong số đó là đảm bảo nguồn để trả các khoản nợ gốc đúng hạn. Cụ thể, năm 2019, theo kế hoạch vay, trả nợ công đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì kế hoạch vay nợ trong nước của Chính phủ là 333.804 tỉ đồng, trong đó, vay để trả nợ gốc hơn 181.970 tỉ đồng.
Phần tiền trả nợ gốc không hạch toán vào thu – chi ngân sách, tức là không nằm trong cân đối ngân sách hằng năm cũng như trung hạn, nên ngân sách nhà nước thặng dư cũng không tác động đến phần này. Cân đối thu – chi trong chín tháng đầu năm cho thấy, nguồn vốn huy động từ TPCP chủ yếu dành để trả nợ gốc các khoản đã phát hành những năm trước trong khi số tiền dành cho chi đầu tư phát triển là không nhiều.
Ngoài chi trả các khoản nợ gốc, huy động vốn TPCP các năm gần đây còn có mục tiêu cơ cấu lại nợ công. Cụ thể, trước đây, ngân sách nhà nước phải huy động TPCP với kỳ hạn ngắn, lãi suất cao, nhà đầu tư chủ yếu là ngân hàng thương mại, dẫn đến áp lực trả nợ lớn, hiệu quả sử dụng vốn không cao, phụ thuộc vào thị trường tiền tệ.
Sau một thời gian tích cực cơ cấu, cuối năm 2018, các ngân hàng thương mại chỉ còn nắm giữ 46,5% khối lượng TPCP (thay vì gần 80% trong giai đoạn 2011-2015), khối lượng trái phiếu còn lại do các quỹ đầu tư, công ty bảo hiểm, định chế tài chính khác có nguồn vốn dồi dào nắm giữ để bảo đảm giảm thiểu rủi ro, tránh phụ thuộc quá nhiều vào một nhóm chủ nợ.
Thời hạn trái phiếu cũng được cơ cấu lại với các kỳ hạn từ năm năm trở lên, trong đó, khối lượng trái phiếu kỳ hạn 10-30 năm chiếm 85%, lãi suất phát hành bình quân giảm từ mức 5,98% năm 2017 xuống còn 4,73% vào cuối năm 2018. Trong tám tháng đầu năm nay, kỳ hạn TPCP phát hành bình quân lên tới 13,48 năm, lãi suất bình quân là 4,89%/năm.