Với sự phát triển của internet kết nối toàn cầu, chủ đề đồng tính trở nên rộng và nóng không kém tin tức thời sự.
Sự khắc nghiệt, mối ác cảm, quan điểm cực đoan, cả đôi chút lòng thông cảm, thế giới quay cuồng trong cuộc đấu tranh khẳng định và phủ định người đồng tính.
Vượt ra ngoài vấn đề giới tính, khu vực Đông Nam Á từng có lịch sử và văn hóa thú vị về những người “không nam cũng không nữ” hay “cả nam lẫn nữ” này. Indonesia gọi họ là các bissu. Malaysia gọi họ là sida-sida.
Thay vì bị coi thường, các bissu, sida-sida là những nhân vật được trọng vọng, có sức ảnh hưởng lớn ngang tầm người đứng đầu đất nước.
1. Bình thường cũ ở phương Đông
Khả năng một người có thể chuyển đổi giới tính chỉ bắt đầu vào thập niên 1960, với sự can thiệp của y học bằng phẫu thuật.
Tranh cãi về luật hôn nhân đồng giới, luật chống phân biệt giới tính và khuynh hướng tình dục chỉ mới xuất hiện gần đây, đặc biệt trở nên gay gắt tại phương Tây.
Trong thực tế, thuật ngữ “người chuyển giới” cũng chỉ phổ biến trong vòng 20 năm trở lại đây. Cả từ “giới tính” cũng mới quen thuộc từ những năm 1970.
“Người chuyển giới” là cụm từ dùng để chỉ một người có giới tính cụ thể sau khi chào đời (dựa trên bộ phận sinh dục) đã đổi sang giới tính khác nhờ phẫu thuật chuyển đổi giới tính. Văn hóa của phần lớn các nền văn hóa trên thế giới đều quy định nam phải ra nam, nữ phải ra nữ.
Vì thế, khi một đứa trẻ được sinh ra, xác định giới tính, nó sẽ được nuôi dạy theo các quy tắc mà xã hội nuôi dưỡng nó đặt ra.
Bằng cách này, một bé trai sẽ trưởng thành theo kiểu nam tính, mạnh mẽ, một bé gái sẽ ngày càng thục nữ, yểu điệu.
Tuy nhiên, giới tính được xác định bằng trực quan không phải bao giờ cũng không có xung đột. Đôi khi sẽ xuất hiện những nam hoặc nữ không theo khuôn mẫu.
Khác với thái độ kỳ thị ở phương Tây, phương Đông xưa kia coi đồng tính là chuyện bình thường. Từ thời thượng cổ, Trung Quốc đã kể những câu chuyện về các vị vua luyến ái đồng tính.
Họ vẫn có “tam cung lục viện, bảy mươi hai phi tần” với những mỹ nữ nghiêng nước nghiêng thành dù không hứng thú với phụ nữ.
Có thể kể hai tên tuổi đặc biệt nổi bật thời Xuân Thu – Chiến Quốc là Vệ Linh Công và Ngụy An Ly Vương. Từ “nam thiếp” sớm phổ biến. Nhà vua có thể có cả thiếp nam lẫn thiếp nữ.
Trước thời Nhà Hán (206 TCN – 220), chuyện quân vương đồng tính khá nhiều. Sau thời nhà Hán, hiện tượng này có phần giảm nhưng không hẳn biến mất.
Ngay cả Càn Long (1711-1799), vị vua được đánh giá là “thập toàn” trong lịch sử Trung Hoa cũng có tai tiếng yêu người cùng giới.
- Xem thêm: Pháp thông qua luật hôn nhân đồng giới
Đầu những năm 1540, António de Paiva, thương gia và nhà truyền giáo người Bồ Đào Nha, cập biển Sulawesi, Indonesia.
Mục đích của ông là thiết lập quan hệ thương mại với người Bugis địa phương, thuyết phục họ theo Thiên Chúa giáo, chống lại lời kêu gọi tương tự từ đối thủ truyền đạo Hồi giáo.
Paiva tự tin sẽ thành công vì trong thời đại này, thịt lợn là nguồn thực phẩm chủ yếu của người Bugis (đạo Hồi kiêng ăn thịt lợn).
Trái với sự chủ quan của Paiva, người Bugis sẵn sàng bỏ ăn thịt lợn để theo đạo Hồi. Nguyên nhân chính khiến Paiva thất bại: sức ảnh hưởng của các bissu.
Theo miêu tả trong thư từ của Paiva, các bissu này là nam nhân “không có râu, ăn mặc như phụ nữ, tóc dài và được bện, có cách nói năng và cử chỉ như đàn bà”.
Ông cũng đặc biệt ngỡ ngàng vì các bissu kết hôn với đàn ông, tụ tập thành cộng đồng và, nếu có ý đồ thiếu trong sáng với phụ nữ, họ sẽ bị luộc trong hắc ín.
Văn hóa địa phương Bugis tin rằng một bissu sẽ đánh mất sự thiêng liêng thần thánh nếu có hành động hoặc suy nghĩ bất chính với nữ nhân. Các bissu cũng có hàm răng được bọc vàng.
2. Người liên kết với thần linh
Trong tộc Bugis, bissu là những người có tiếng nói nhất. Họ luôn bên cạnh, có trách nhiệm hỗ trợ vua chúa trong việc đưa ra các quyết định quan trọng, ví dụ như liên hôn.
Theo quan niệm của người Bugis, khi một người sinh ra với giới tính rõ ràng, họ mất đi khả năng giao tiếp với thần thánh.
Dù là đàn ông hay phụ nữ, họ đều không còn nghe được tiếng nói của thần linh. Tuy nhiên, các bissu thì có thể. Một bissu là sự kết hợp của cả nam lẫn nữ.
Bằng cách hòa hợp cả phần đàn ông lẫn phần đàn bà trong cùng một cơ thể, các bissu có thể vượt lên trên giới tính, trở thành trung gian giữa con người và thần linh.
Cũng theo văn hóa của người Bugis, một bissu được thần linh nhập sẽ có khả năng “đao thương bất nhập”. Để biết có được thần linh chọn lựa hay không, một bissu sẽ thực hiện nghi lễ ma’giri (nghi lễ tự đâm).
Họ sẽ tự đâm bằng kiếm vào những vị trí dễ bị thương tổn trên cơ thể như mắt, cổ. Nếu bissu được thần linh nhập, thanh kiếm sẽ không thể xuyên qua da thịt họ. Người Bugis cũng tin vì là kết hợp cả linh hồn nam và nữ, bissu trở nên bất tử.
Năm 1848, James Brooke (Anh) đến thăm Indonesia và ghi lại trong nhật ký: “Phong tục kỳ lạ nhất mà tôi thấy là một số đàn ông ăn mặc như phụ nữ và một số phụ nữ lại giống hệt đàn ông. Cả cuộc đời, họ sống và theo đuổi khuynh hướng tình dục của riêng mình”.
Brooke cũng ghi nhận riêng với nam giới, nếu xuất hiện đặc điểm “nửa nam nửa nữ” từ bé, sẽ được cha mẹ trình báo lên vua chúa. Khi lớn lên, các bé trai này còn có sức ảnh hưởng lớn hơn cả người cai trị.
3. Trong khu vực Đông Nam Á
Rất khó để xác định các bissu là “giới tính thứ ba” hay “chuyển giới”, nhưng có lẽ có thể gọi bằng thuật ngữ mới xuất hiện gần đây “đa giới”. Không chỉ Indonesia mà phần lớn Đông Nam Á đều cho thấy một lịch sử không phân biệt hay kỳ thị đồng tính.
Tại Malaysia, người đa giới được gọi là sida-sida. Giống như các bissu, sida-sida được cho là người có sự hòa hợp cả nam lẫn nữ trong cơ thể, thông qua sự hòa quyện này mà liên kết với thần linh, có sức mạnh tâm linh, mang nhiệm vụ bảo vệ các nữ nhân vương giả trong cung điện.
Người Iban sống ở đảo Borneo còn có pháp sư chuyên thực hiện các nghi lễ chuyển giới, được gọi là các manang. Ngoài việc tiến hành nghi lễ chuyển giới, manang còn là người giải quyết các tranh chấp trong cộng đồng.
Tương tự với người Ngaju Dayak. Pháp sư thực hiện nghi lễ chuyển giới của người Ngaju Dayak được gọi là basir. Ở Miến Điện, họ là các kadaw nat.
Trước năm 1800, Thái Lan không hề có quan niệm phân biệt giới tính. Các hoàng tử, công chúa Thái Lan ăn mặc giống nhau, để kiểu tóc như nhau.
Tuy nhiên, sau năm 1800, để gây ấn tượng với Đế quốc Anh, chế độ quân chủ Thái Lan quyết định phân biệt rõ ràng trang phục và kiểu tóc dành cho nam và nữ. Họ thực hành chiến dịch “nam cho ra nam, nữ cho ra nữ” dựa trên tiêu chuẩn của Anh.
Những năm 1900, Quốc vương Rama Đệ Ngũ của Thái Lan còn đặc biệt chú trọng nhị phân giới tính. Có lẽ cũng từ lúc này, “đa giới” mới nổi lên như một vấn đề. Khi giới tính không bị ép buộc phải chia đôi, người ta không bận tâm thuộc về “nam” hay “nữ” hay “nửa nam nửa nữ”.
So với 100 năm trước, Đông Nam Á ngày nay không còn thoải mái với chuyện đồng tính như trước. Sự phát triển của giao thương, giao thoa văn hóa, tăng cường hiểu biết ngày càng xóa mờ các ảnh hưởng tâm linh.
- Xem thêm: Tôi chia sẻ về thân phận con người
Đồng tính luyến ái trở thành vấn đề bất hợp pháp tại Singapore và Malaysia khi họ bị Đế quốc Anh xâm lược. Malaysia hiện vẫn cấm quan hệ đồng tính trong khi Singapore đã hợp pháp hóa đồng tính nữ từ năm 2007.
Indonesia chưa cấm nhưng rất có thể sẽ sớm cấm. Nhiều cuộc biểu tình đòi quyền lợi cho người đồng tính đang diễn ra. Người ta đổ lỗi cho phương Tây vì đã đem tư tưởng phân biệt vào Đông Nam Á.
Thế giới có đến 7 tỉ người. Cứ kiên quyết phải chia giới tính làm đôi chỉ dựa trên bộ phận sinh dục có lẽ là chuyện không thể.
Văn hóa nhân loại cũng không phải không từng bị ảnh hưởng bởi “đa giới”, dù là tại phương Đông hay phương Tây.
Ít nhất, Hồi giáo cũng nợ các bissu một món ân tình. Nếu không nhờ các bissu, tôn giáo chiếm ưu thế tại Indonesia ngày nay rất có thể đã là Kitô giáo.