Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có đến 35% bệnh nhân ung thư do nguyên nhân liên quan đến chế độ ăn uống, 97% trong số đó mắc ung thư đường tiêu hóa – nguyên nhân gây tử vong hàng đầu với bệnh nhân ung thư, phổ biến nhất là các bệnh ung thư dạ dày, đại tràng và trực tràng. Theo thống kê của Globocan (một dự án của Tổ chức nghiên cứu Bệnh ung thư Toàn cầu), số người bị mắc bệnh ung thư đường tiêu hóa tại Việt Nam mỗi năm là gần 13.000 người, trong đó gần 9.000 người bị ung thư dạ dày. Năm 2000, nhà nghiên cứu Nguyễn Công Khẩn đã khuyến cáo về chất aflatoxin, nguyên nhân gây ung thư tự nhiên có rất nhiều trong các món ăn khô như gạo, mực khô, cá khô, chè khô, mộc nhĩ, nấm hương, măng khô, đậu phộng rang… Nghiên cứu cho thấy, gạo và các thức ăn khô này sau năm ngày không được bảo quản ở điều kiện tiêu chuẩn sẽ xuất hiện nấm mốc chứa chất gây ung thư mà mắt thường không nhìn thấy được.
Thí nghiệm của một nhóm các chuyên gia Thụy Điển cho thấy chất gây ung thư tự nhiên còn có nhiều trong các loại thức ăn được chế biến ở nhiệt độ cao. Khi rán thịt bò từ nhiệt độ 120oC trở lên, chất dinh dưỡng trong thịt sẽ nhanh chóng chuyển thành các chất hóa học trong đó có acrylamid, một chất gây ung thư. Ngoài ra, các loại thực phẩm ướp muối, hun khói, lên men cũng là nguyên nhân gây ung thư đường tiêu hóa do có chứa chất nitrosamine.
Nội soi là phương pháp tầm soát ung thư đường tiêu hóa hiệu quả
Ngoài nguyên nhân về chế độ ăn uống, ung thư đường tiêu hóa còn do các nguyên nhân sau: (1) Hút thuốc lá và nghiện rượu: Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ ung thư thực quản, dạ dày và tụy, còn nghiện rượu có liên quan đến ung thư gan và tụy (2) Gien di truyền: Người từ 50 tuổi trở lên có người thân cùng huyết thống bị ung thư nên cảnh giác với căn bệnh này. Người da trắng có nguy cơ bị ung thư đại tràng, trực tràng cao hơn, trong khi người châu Á thường có nguy cơ bị ung thư dạ dày; (3) Bệnh lý tiền ung thư: bệnh viêm gan, viêm tụy, viêm nhiễm đường ruột, bệnh Crohn…
Điều trị ung thư đường tiêu hóa là sự kết hợp giữa ba phương pháp chính: phẫu thuật, xạ trị và hóa trị, trong đó phẫu thuật là phương pháp điều trị chủ yếu. Cũng giống như các bệnh ung thư khác, ung thư đường tiêu hóa càng được điều trị sớm càng có hiệu quả. Hầu hết các loại ung thư phải trải qua một quá trình thay đổi tiền ác tính trước khi ung thư phát triển, việc điều trị bệnh bắt đầu ngay từ lúc còn ở giai đoạn tiền ung thư sẽ thực sự ngăn chặn được ung thư hình thành. Vì vậy, chúng ta nên đến bác sĩ chuyên khoa để kiểm tra kịp thời khi có các triệu chứng đầy bụng, khó tiêu hoặc chảy máu đường tiêu hóa kéo dài. Việc khám bệnh định kỳ và nội soi tiêu hóa tầm soát ung thư là điều cần thiết với người từ 50 tuổi trở lên, nhất là những ai có người thân trong gia đình bị ung thư.
Ung thư đường tiêu hóa nói riêng và ung thư nói chung được khuyến cáo là một căn bệnh mà việc điều trị tốn nhiều thời gian và chi phí. Vì vậy, chúng ta nên chú ý việc phòng ngừa bệnh bằng cách tránh hút thuốc, không uống nhiều rượu, giảm thiểu ăn các thực phẩm có chất bảo quản, thức ăn đã qua chế biến và chứa nhiều mỡ động vật; tăng cường nhiều thức ăn tươi, hoa quả và chất xơ để bảo vệ đường tiêu hóa. Một chế độ dinh dưỡng đi kèm với các bài tập thể dục phù hợp và kiểm soát lượng mỡ cơ thể có thể phòng tránh tới 45% nguy cơ bị ung thư dạ dày, đại tràng và trực tràng.
Theo kết quả một nghiên cứu do các nhà khoa học thuộc Trung tâm ung thư Vanderbilt-Ingram (Mỹ) thực hiện và được đăng trên tạp chí Dinh dưỡng Mỹ (1-11-2012), phụ nữ uống trà xanh có thể giảm nguy cơ mắc các bệnh ung thư đường tiêu hóa, đặc biệt là ung thư dạ dày. Các nhà khoa học đã tiến hành khảo sát khoảng 75.000 phụ nữ Trung Quốc từ độ tuổi trung niên trở lên. Kết quả là những ai càng sử dụng trà xanh thường xuyên thì nguy cơ mắc các bệnh ung thư đường tiêu hóa càng thấp. Những người uống hai, ba tách trà xanh mỗi ngày (tương đương với ít nhất 150g trà xanh mỗi tháng) sẽ giúp giảm 21% nguy cơ mắc các bệnh đường tiêu hóa. Nếu uống trà xanh thường xuyên từ 20 năm trở lên, nguy cơ mắc các bệnh ung thư dạ dày giảm 27%, bệnh ung thư đại tràng, trực tràng sẽ giảm 29%. Trà xanh chứa các chất tự nhiên bao gồm các thành phần chống oxy hóa và có thể ngăn chặn ung thư thông qua việc giảm các thương tổn DNA, ngăn cản sự hình thành và xâm lấn của khối u.
Trọng Đức tổng hợp