Nhiếp ảnh, theo tiếng Hy Lạp, có nghĩa là “nghệ thuật viết bằng ánh sáng”, dùng ánh sáng chan hòa để tạo nên những tác phẩm rực rỡ, sinh động.
Tuy nhiên, không phải lúc nào người nghệ sĩ cũng sáng tác trong điều kiện tràn đầy ánh sáng, mà có một thể loại ảnh họ phải ở trong môi trường cực kỳ kiệm sáng: đó là ảnh đêm, khi mà xung quanh là bóng tối và họ phải tận dụng tất cả những nguồn sáng ít ỏi, nhằm ghi được cảnh vật vừa chân thực, đậm nét vừa huyền bí, thơ mộng.
Ảnh đêm do vậy là thể loại rất khó thực hiện, yêu cầu tác giả phải đầu tư công sức, song bù lại cũng cho ra nhiều khoảng khắc tuyệt đẹp, hiếm quý bởi mọi thứ chỉ diễn ra vào đêm, lúc chiều tối hay bình minh là thời điểm bóng tối ngự trị.
Từ đầu thế kỷ 20, thế giới đã có ảnh đêm. Người khai mở thể loại này là ba nghệ sĩ Alfred Stieglitz, Wiliam Fraser và Jessie Tarbox Beals của Mỹ.
Song người thúc đẩy nó, đưa ảnh đêm trở thành quen thuộc vào những năm 1930, 1940 là các nghệ sĩ Halasz Gyula, Andre Kertesz (Hungary), Bill Brand (Anh), Ilse Bing (Đức) và Robert Doisneau (Pháp), trong đó Halasz Gyula là tác giả có nhiều ảnh nhất và nhờ đề tài phong phú được trao danh hiệu cha đẻ của ảnh phong cảnh đêm.
Học tập ông từ thập niên 1980 đến nay cũng có thêm một số tác giả nổi tiếng khác như Bill Schwab (Mỹ), Karekin Goekjian (Lebanon), Michael Kenna (Anh), Dmitry Konstantinov (Nga)…
Bằng cách chơi với ánh sáng, từ sự tù mù, ảm đạm lấy được những hình ảnh chi tiết, sáng lạn, họ xứng đáng là những bậc thầy ảnh đêm.
Halasz Gyula (1899-1984) là người có công lớn nhất trong việc định hình và mở mang ảnh đêm. Ông là người Hungary song sau Thế chiến thứ nhất đã tới Pháp lập nghiệp.
Mặc dù trước đó rất giỏi vẽ, song khi đến Paris, ông đã bỏ hội họa để chuyển sang làm ảnh và báo, lấy nghệ danh Brassai, tức người đến từ Brasov (quê hương ông).
- Xem thêm: Ảnh chồng ảnh, hai thế giới hòa một
Tại Paris, vì sự lôi cuốn của thủ đô ánh sáng, ngày nào ông cũng đi bộ dạo phố, bắt gặp nhiều sự kiện vui nhộn và quyết định dùng ảnh để ghi lại vẻ đẹp thơ mộng cùng những sinh hoạt phố phường về đêm của Paris, và vào năm 1932 đã xuất bản cuốn sách Paris de nuit (Paris về đêm), ghi dấu sâu sắc trong lịch sử ảnh nghệ và đồng thời trở thành một người đầu tiên chụp ảnh đêm.
Ảnh của Brassai hết sức ấn tượng nhờ có sự tương phản giữa độ cực sáng và cực tối, cho thấy vẻ tinh bạch của cây cối, đường đi, cầu cống, con người, sinh vật ngược với màn đêm sâu thẳm, trong đó nghệ sĩ sử dụng sương khói như một công cụ đặc biệt để nhào nặn, chạm khắc cảnh tượng. Ông thường đi rất lâu, băng qua nhiều ngõ hẻm, cây cầu và dừng lại chụp ảnh một cách ngẫu hứng.
Vốn là một họa sĩ nên ông thường định hướng cho ảnh, để những điểm sáng nhỏ nhất cũng có thể xuyên qua bóng tối vời vợi, soi tỏ người – vật thật là tinh tế, gợi cảm.
Qua đó, người xem có thể thấy những nét mềm mại của cơ thể, sự ẩm ướt của đường sá hay sự bảng lảng của sương khói trong không gian, cùng nhiều yếu tố dí dỏm.
Vào thời điểm của nghệ sĩ, chưa có đèn flash như bây giờ nên ông thường lấy ánh sáng từ đèn đường và việc đốt thuốc súng. Do tiếng nổ to đùng, mới đầu ai cũng tưởng ông là kẻ khủng bố.
Sau Brassai, tiêu biểu có nghệ sĩ Bill Schwab (1959) là một tác giả người Mỹ lừng danh về ảnh cảnh thanh bình. Ông cũng là một họa sĩ trước khi đến với ảnh, và dùng sương khói làm ra những hình ảnh ấn tượng.
Song ông không chỉ nhấn mạnh tới những luồng sáng trước mặt mà còn chú ý đến chúng ở phía sau, cho chúng rọi lên sáng trưng, nhưng người xem vẫn cảm nhận ở quanh đó là bóng tối.
- Xem thêm: Ảnh trừu tượng, mông lung, bí ẩn
Ảnh thường thiếu bóng người, con vật và đặc tả những hàng cây soi bóng hay một công trình vĩ đại nhô cao khỏi rặng cây, dãy nhà.
Điều ấy khiến cho cảnh vật có vẻ nguyên sơ, hoang dại, mộc mạc như chốn quê mặc dù nó được chụp giữa lòng phố thị Detroi – Michigan. Ảnh khá sáng, nhẹ nhàng và là một lát cắt về cảnh đẹp của một thành phố đông dân và lớn thứ 21 nước Mỹ.
Khác với hai tác giả trước thường dùng các nguồn điện để thắp sáng, nghệ sĩ người Anh David Baldwin (1965) chỉ dùng một chút ánh sáng từ trời đêm nhằm tạo nên sự nhận diện, đồng thời trốn tránh sự nhiễu loạn ánh sáng từ các loại đèn xung quanh để tập trung khắc họa vẻ đẹp êm đềm của làng quê Anh.
Trong ảnh của ông thường thấy bầu trời đầy sao, những ngọn cây, những ngọn đồi hay công trình kiến trúc của Windsor cô độc giữa không gian.
Vì thế, nó làm nổi bật tính chất của đêm như vừa sâu xa, vừa lạnh lẽo, hoang vắng và thỉnh thoảng lại lóe sáng. Mọi thứ thật đẹp một cách tinh khôi, dịu dàng. Có cảm tưởng như nó sẽ tồn tại mãi mãi.
Do hồi nhỏ thích thiên văn và nhiếp ảnh nên sau khi tốt nghiệp thạc sĩ và làm việc một năm trong ngành luật, vào các năm 1990 ông vẫn quyết định theo nghề ảnh và thường lang thang chụp hình rất lâu với thời gian phơi sáng cả tiếng, dùng màu sắc mạnh biểu đạt cảm xúc và vẻ đẹp.
Nghệ sĩ Mỹ gốc Lebanon Karekin Goekjian (1949) cũng dùng ánh trăng để soi tỏ cảnh vật trong tác phẩm.
Kỹ thuật của ông là lấy ánh trăng vốn dĩ khá sáng kết hợp với ánh đèn flash và máy ảnh số biến màn đêm trở nên sáng tươi như ban ngày, đồng thời dùng bọt nước làm nguồn sáng tự nhiên thứ hai gợi ảo giác về ngày.
Đa số ảnh khắc họa cảnh đẹp ở vùng đầm lầy Georgia và một số nhà cửa, đặc biệt là dinh thự cổ ở ngoại ô thị trấn Athens.
Vì sự trong trẻo, rực rỡ của chúng, người xem luôn lầm tưởng sáng tác của ông là vào giữa trưa. Sinh trưởng tại Beirut, Lebanon, ông chuyển đến Mỹ năm 1970 và đã có ngay nhiều tác phẩm đặc sắc.
Ông tự tạo cho mình một phong cách riêng, ngoài chụp ảnh dưới ánh trăng với thời gian phơi sáng từ 1 tiếng đến 1,5 tiếng còn chuyên dùng phim Kodak 64 cho màu xanh ưng ý.
Micheal Kenna (1953) là một nghệ sĩ ảnh đêm khác của Anh, có tầm ảnh hưởng trong thế hệ của mình. Ông sinh tại Widness (Anh) và hiện sống ở San Francisco (Mỹ).
Hồi nhỏ định làm mục sư, nhưng sau khi học nghệ thuật và in ấn đã trở thành một nhiếp ảnh gia về ảnh đen trắng, ảnh tối giản trong suốt 50 năm.
Ảnh của ông thường khắc họa màn đêm huyền bí có những khoảng sáng kỳ diệu, tập trung ở giữa và tỏa lan làm cho mọi thứ bừng sáng thanh tú.
Ảnh chỉ tả một số cây cỏ, công trình song vẫn gợi cảm, giàu trí tưởng tượng. Tất cả là nhờ cách lấy sáng độc đáo, thời gian phơi sáng lên tới 10 giờ.
- Xem thêm: Phong phú ảnh đường phố
Không ngại đi xa, mặc dù đã định cư ở Mỹ song ông vẫn đi khắp thế giới tìm những cảnh đẹp và hơn thế là những nơi hiu quạnh, có sức ám ảnh.
Nghệ sĩ cũng trung thành với phim, cho dù từ lâu đã có ảnh số song ông vẫn thích chụp ảnh bằng phim với quan niệm cách tiếp cận cổ truyền sẽ cho ảnh chiều sâu, sự chân thực và êm ái hơn. Hôm nay, ông đang có đến 18 cuốn sách ảnh và mỗi năm 14 cuộc triển lãm khắp thế giới.
Jan Staller (1952) lại là một nghệ sĩ Mỹ chuyên về phong cảnh những khu công trường và bãi phế thải quanh thành phố New York (Mỹ).
Tuy phản ánh những gì dang dở, vương vãi song ảnh của ông đầy tính nghệ thuật nhờ sự rực rỡ, biểu tượng. Dường cái gì vào ảnh cũng có thể biến thành một tác phẩm điêu khắc hay một tượng đài sừng sững.
Là một người con của New York nên ông rất tâm huyết với mọi thứ ở đây, bắt đầu chụp từ những năm 1970 và là một người tiên phong về ảnh đêm màu.
Ông thường dùng ánh đèn neon có tông màu mạnh cho tràn vào bóng tối, viền quanh sự vật tạo ra một thứ gì đó kỳ ảo giống ngoài hành tinh.
Hơi tương phản với điều này vì cho ánh sáng tỏa lan từ bên trong sự vật ra ngoài, là một tác giả nữa của Mỹ là Troy Paiva.
Ông nổi tiếng với ảnh đêm từ năm 1989, và thường được gọi là người vẽ màu bằng ánh sáng do trong ảnh thường giàu màu sắc.
Nghệ sĩ cũng tự coi mình là một nhà khám phá đô thị và lịch sử khi đi tìm hiểu những phế tích của nền công nghiệp Mỹ còn nằm lại đây đó, ví dụ như những nhà xưởng bỏ hoang, các bãi ôtô, các loại xe cộ xưa cũ.
Những bức ảnh chứa đầy sức nặng lịch sử. Khi khắc họa chúng, nghệ sĩ thường để ánh sáng toát ra từ trong ra ngoài, đồng thời còn là những màu sắc hết sức rực rỡ, bắt mắt nhờ thế tạo nên một cảm giác vừa quen vừa lạ, thậm chí siêu thực.
Dmitry Konstantinov, nghệ sĩ người Nga, cũng chuyên chụp ảnh những công trình kiến trúc biểu tượng của Moscow. Đặc biệt là ảnh đêm của Quảng trường Đỏ tại thủ đô Nga.
Ảnh của ông luôn sặc sỡ và cho thấy sự cao vời của các mái vòm, tòa tháp cổ truyền giữa trời đêm, chúng hiện lên chi tiết và uy nghi như thể dưới gầm trời chỉ có chúng vậy.
Hơn nữa, trong khi đồng nghiệp thường dùng ánh sáng nhân tạo để tô màu cho cảnh vật thì ông lại tập trung khắc họa một cách tự nhiên, chân thực màu sắc từ chính ngọn tháp cho nó hiện hữu sống động như thật.