Nếu hỏi rằng, loại ảnh nào ngay lập tức có thể tạo nên một vẻ đẹp kỳ diệu, mộng mơ và siêu thực, thì câu trả lời đầu tiên luôn là ảnh phơi sáng kép, ảnh chụp đôi – ba lần hay ảnh chồng ảnh.
Tại sao như vậy? – Vì trong một bức ảnh, có thể thấy nhiều hình ảnh người – vật, đồ dùng, kiến trúc hoặc phong cảnh lồng ghép một cách huyền ảo, thú vị.
Cái nào là chính hay phụ, hình hay bóng, đôi khi rất khó xác định, tùy thuộc vào cảm nhận. Vì thế, giới phê bình ngày xưa gọi nó là ảnh linh hồn, còn hôm nay là ảnh ghi đè, một loại ảnh mỹ thuật đặc biệt.
Ảnh chồng ảnh đã ra đời từ các năm 1860, vốn dĩ là lỗi do chính thợ ảnh làm rung máy, hoặc vô tình bấm nút nhiều lần, khiến các hình ảnh bị nhòe, phân chia, hay xuất hiện một hình ảnh khác trên hình ảnh cũ.
Mới đầu, nó không được thích lắm, song vì vẻ đẹp lạ thường, dí dỏm mà dần trở thành một trào lưu nổi tiếng. Có tới ba công cụ tạo ảnh này.
Thứ nhất là máy ảnh cơ – kỹ thuật analog. Với máy ảnh cơ, nghệ sĩ sẽ dùng một cuộn phim để chụp ảnh, sau đó tráng rửa. Mỗi lần bấm máy sẽ mất một đoạn phim, đồng nghĩa với một hình ảnh được ghi nhận.
Để có hai hoặc ba hình ảnh trên đoạn phim ấy, họ sẽ phải tua lại nó bằng tay, rồi chụp tiếp. Kết quả là được một bức ảnh chứa nhiều cảnh đan xen, như hoa lồng trong hoa, nhà ken giữa nhà, người hòa trong người…
Thứ hai là máy ảnh số – kỹ thuật digital. Nhờ chức năng chụp lại, các máy ảnh số hiện nay đều cho phép tái chụp phong phú bao nhiêu lần cũng được, đồng thời dễ dàng xem kết quả trong tích tắc.
Thứ ba là phần mềm biên tập, chỉnh sửa ảnh số hóa như phần mềm làm trong suốt – mờ đục – chuyển sắc nhằm đưa các hình ảnh hòa quyện vào nhau tầng tầng lớp lớp. Ngoài ra là các kỹ thuật cắt dán, nối kết, lai tạo như cắt dán giấy.
Với tính chất của một chiếc gương, ảnh chồng ảnh đòi hỏi phải có sự tính toán rất kỹ lưỡng, cả về đối tượng lẫn bố cục, ánh sáng, màu sắc, bóng đổ… để khi mọi thứ hiện lên đều tự nhiên, ấn tượng, giàu ý nghĩa.
Đối tượng ở đây rất đa dạng, gồm tất cả thiên nhiên và xã hội. Thế nhưng, khi đưa vào tác phẩm, phải chọn lọc, xem giữa các hình ảnh, nội dung có hợp lý, liên hệ không? Cũng phải xem chúng có bố cục – kết cấu… chặt chẽ, hấp dẫn?!, cái gì nên được chụp trước và sau.
Thông thường, nếu hình một có các mảng tối thì hình hai sẽ được nêm vào mảng đó như bóng đổ. Cũng có khi hai hình chập lại kín mít, song hình hai thường được chiếu sáng hơn cho nổi bật thêm.
Đôi lúc lại bắt gặp kiểu nửa này nửa kia, làm tác phẩm bị xẻ đôi theo chiều ngang hoặc dọc, có tác dụng giả lập sự so sánh tương phản. Nói chung, một bức ảnh đẹp phải trải qua quá trình sang sửa, thử nghiệm rất công phu.
Vì là ảnh lồng ghép nên trong quá trình sáng tác, người ta rất hay thay đổi ý tưởng, đối tượng, góc độ, kích cỡ nhằm đạt tới hiệu quả tối ưu.
Có người thực hiện tác phẩm rất nhanh chỉ trong vài phút, nhưng có người từ lúc chụp hình đầu đến hình cuối mất hàng tuần. Vì khác các thể loại “ăn liền” như ảnh tin tức, chỉ cần bấm máy một lần, dù qua loa vẫn có thể dùng được do chỉ cần thông tin, thì loại ảnh này rất “cầu toàn”, và không có tiêu chí nhất định để đánh giá.
Đặc biệt những bức ảnh về thiên nhiên sau mỗi một góc độ, một làn nắng, sương gió hoặc sự thay đổi của đối tượng phối ghép, vẻ đẹp và thông điệp luôn biến đổi.
Ảnh chồng ảnh hơn thế còn là một loại ảnh ý niệm, giàu biểu tượng, triết lý. Nó không chỉ chuyển tải một thông điệp bình thường mà là một câu chuyện về văn hóa, lịch sử mà cả tác giả lẫn người xem đều phải có kiến thức.
Ảnh thường nói về sự hòa nhập giữa tự nhiên và xã hội, người – vật với môi trường. Trong đó thiên nhiên, nhà cửa, vật dụng luôn được nhân cách hóa như người, ngược lại người cũng hòa vào cây cỏ, sông núi, chim thú, đường xá trở thành một phần của nó. Cả hai lồng trong nhau trữ tình, thơ mộng.
Vì vậy, nó vừa là ảnh phong cảnh, vừa là ảnh chân dung, nếu có cảnh khỏa thân thì là ảnh nuy, và nếu chứa đựng kiến trúc thì là ảnh kiến trúc… Mỗi tác phẩm luôn mộng mơ, thường ca ngợi quê hương đất nước, tuổi trẻ, sắc đẹp, sức mạnh cùng nhiều cảm xúc, tư tưởng. Do đề tài rộng, lại vui tươi, thần kỳ, bí ẩn chúng thường được dùng để giải trí.
Hiện nay, có khá nhiều nghệ sĩ chuyên và không chuyên về ảnh chồng ảnh. Xem đây là một loại ảnh ngộ nghĩnh, cho phép thả sức sáng tạo cùng nhiều phong cách mới lạ.
Một trong đó là nghệ sĩ người Phần Lan Christoffer Relander. Ảnh của anh rất táo bạo, có hơi hướng analog và thường khắc họa rừng núi, cỏ cây, nhà cửa lồng trong người – vật biểu thị chúng ta là thiên nhiên.
Đa số tác phẩm chỉ có màu đen trắng, gợi vẻ thanh bình – êm ả song cũng có lúc rất rực rỡ tạo nên nhiều cảm xúc đa dạng. Đặc biệt anh có một bộ ảnh về Thế giới trong lọ, thoạt nhìn cứ tưởng là ảnh phản chiếu.
Do nghệ sĩ đã lồng ghép, giữa một bên là các chai lọ với một bên là những phong cảnh nông thôn Ekenas để chúng soi bóng lung linh. Tại đó, có thể thấy núi non trùng điệp cùng những sông suối, rừng già lao xao.
Mọi thứ hùng vĩ song lại hiện lên như trong một nhà kính, và thậm chí là một cái chai đồ chơi, được xây dựng từ những hồi ức tuổi thơ của tác giả, đó là những buổi đi chơi bắt kiến, bọ rùa và hái cỏ nuôi chúng trong lọ.
Ảnh cho thấy sự hồn nhiên – trong sáng, đồng thời là ước vọng ôm cả đất trời quê hương của nghệ sĩ. Cùng thông điệp về sự giao hòa – gắn bó, chúng cũng nói tới cuộc xung đột, muốn chinh phục và thoát ra tự do, tự tại.
Nghệ sĩ Luke A. Gram, người Canada, cũng thường đặc tả cảnh đẹp trong những hình bóng của người và vật. Là một thợ ảnh du lịch, anh đã đi khắp năm châu, trong đó có Việt Nam, Lào và Nepal để tìm cảnh đẹp, ví dụ như những ngọn núi tuyết phủ trắng, những hang sâu hay thảo nguyên mênh mông.
Nhờ kết hợp mọi thứ trong những cử động – cảm xúc, ảnh của anh rất sinh động, lãng mạn, chứa nhiều yếu tố siêu nhiên, trừu tượng. Núi non đều như các vị thần có thể vươn vai ngồi dậy hoặc dưới dạng con thú đi lang thang.
Xem ảnh rất dễ nhận ra những cảm xúc, ở người là sự ấm áp- nồng nhiệt, còn ở vật là sự vui vẻ- dũng mãnh. Nghệ sĩ tin rằng, cảm xúc và sinh khí là một chìa khóa đem tới vẻ đẹp, và đã khai thác nó hiệu quả trong từng tác phẩm. Bên cạnh ảnh phong cảnh, anh còn thực hiện nhiều kiểu ảnh chân dung, mà người mẫu đều xuất thần huyền ảo.
Khắc họa loài vật trong môi trường tự nhiên, không đâu bằng đưa ngay môi trường ấy vào chúng, đó là những gì nghệ sĩ Andreas Lie của Na Uy theo đuổi.
Từ năm 2014, anh đã có bộ ảnh lớn về Núi rừng Na Uy, và mọi cảnh đẹp đều trở thành những bộ lông thú tuyệt hảo. Núi tuyết và rừng rậm thành lông của cáo, mèo, sói, hổ, trâu, nai, ngựa, sóc, ó, cú… và ánh sáng cực quang – thứ ánh sáng rực rỡ chỉ có ở vùng Bắc Cực thành lông của những chú gấu trắng hay tuần lộc.
Con nào sống ở đâu sẽ mang trên mình chỗ ấy, có nơi là núi cao, vực sâu có nơi là rừng thưa, sương khói – băng giá. Màu sắc của lông cũng rất chuẩn, sói thường có màu xám, cáo màu đỏ, trâu màu bùn, còn gấu hay hươu thì lóng lánh trong sắc cầu vồng.
Ảnh khá siêu thực khi để thiên nhiên hóa thân và chuyển động cùng các con vật, song vẫn chân thật vì kết cấu của phong cảnh được thể hiện giống hệt bộ lông.
Có thể nói nó đã xóa mờ ranh giới giữa cây cỏ – động vật và mang tới ấn tượng về một vẻ đẹp tĩnh lặng, bao la của vùng hoang dã cùng sự sống mãnh liệt, kiên cường trong điều kiện khắc nghiệt.
Vừa tập trung vào người, kiến trúc vừa tiếp cận với nhiều vấn đề xã hội, ảnh của nghệ sĩ Daniel Mountford – Anh lại là câu chuyện về sự đa dạng, phức tạp của thế giới, được kể qua tâm trí người mẫu.
Nhờ kỹ thuật phản chiếu và lộ sáng kép, anh đã lập ra những ký ức của nhân vật, cho thấy họ trong những buổi đi chơi ngoài biển, dạo mát trong rừng, đứng nhìn những tán cây hình người, thăm viếng các di tích lịch sử, đùa nghịch với bầy bướm, soi mình xuống nước hay hút một điếu thuốc lá…
Mỗi bức ảnh là một kỷ niệm đẹp vui vẻ, ngọt ngào. Với cách làm này, anh đã tạo được một an bum Thế giới trong tôi rất đặc sắc. Tất cả như một bản tường trình hồn hậu về mỗi sở thích, cá tính cùng thắng cảnh. Một điều đặc biệt nữa là, anh chỉ dùng máy ảnh cơ, bấm nút hai lần để chụp, mà ảnh vẫn lung linh, kỳ thú như Photoshop.
Là một nhà phân tích tài chính, nghệ sĩ Brandon Kidwell (Mỹ) thường dành những phút nghỉ ngơi để sáng tác ảnh giáo dục.
Ảnh của anh đều là những bức chân dung tối giản, và về những đôi bàn tay, khuôn mặt nhưng khi nhìn kỹ thì thấy bóng người trong đó.
Chúng luôn chứa đựng một lời khuyên, nhắn nhủ của cha dành cho con cái, ví dụ như hãy biết yêu thương gia đình, quý trọng bạn bè, sống tự lực – can đảm, học hỏi từ khó khăn – thất bại, giữ được trí não sáng suốt và sự bình an.
Những lời khuyên ấy được dựng thành ảnh, dựa vào những câu chuyện cuộc đời của chính anh khi lăn lộn trong nhiều công việc từ vẽ tranh đến viết văn, soạn nhạc, làm DJ, cầu thủ, vận động viên…
Ở chúng, đều có hình anh cùng bạn bè, đồng nghiệp trong từng thử thách. Ảnh hơi trừu tượng, nhưng thấm đẫm nhân văn và là Bài học bổ ích- Trí tuệ cho trẻ trên mỗi đường đời.
Ngoài ra, Alberto Seveso, Alessio Albi, Alison Scarpulla, Andres G. Albajar, Andrea Costantini, Aneta Ivanova, Antonio Mora, Boris Untereiner, Chris Rivera, Daniel Barreto, Doug Keyes, Emanuele Sfregola, Erkin Demir, Florian Imgrund, Hardi Sapura, Hayden Williams, Jasper James, Jon Duenas, Martin Dietrich, Matt Wisniewski, Michel Assaad, Miguel A. Morales, Miki Takahashi, Muhammed Faread, Laurence Winram, Olivier Ramonteu, Patrick Lienin, Pierre Debusschere, Piotr Skoczylas, Ryan J. Caruthers, Sarah K. Byrne, Sebastian A. Stamatis, Sergiu Mara, Taylor Allen, Thomas Barbey… cũng là những cái tên quen thuộc khi lần giở những trang báo về ảnh nghệ thuật này.