Khi tiểu thuyết Trước lúc lâm chung (In Extremis) của nhà văn Anh Tim Parks ra mắt, một nhà phê bình văn học đã đánh giá nó quá tự truyện. Tim Parks bị chỉ trích vì tội lạm dụng yếu tố tự truyện trong tác phẩm viễn tưởng.
Tuy nhiên, lúc Karl Ove Knausgrd của Na Uy công bố Cuộc đấu tranh của tôi (My Struggle), khẳng định luôn đó là tiểu thuyết tự truyện thì lại không có ai phàn nàn.
Người viết nên công khai hay không công khai sự thật về những gì được viết? Và người đọc nên quan tâm hay không nên quan tâm về đời tư của tác giả khi thưởng thức một tác phẩm văn chương?
1. Chuyện không mới
Trong thực tế, tranh cãi về việc chỉ nên đọc tác phẩm hay đọc cả nhà văn lẫn tác phẩm là cách hiệu quả nhất để hiểu một áng văn là chuyện xưa như trái đất.
Từ lâu, giới phê bình đã chia thành hai phe, một tuyên bố chỉ có thể thưởng thức trọn vẹn tác phẩm khi không quan tâm người viết nó là ai, một khẳng định phải biết tường tận “gốc rễ” của tiểu thuyết mới thật sự thấu hiểu mọi lẽ được trình bày trong mỗi trang viết.
Một số nhà văn, dù rõ ràng lấy đời tư làm tư liệu, không bao giờ thừa nhận tác phẩm của mình là tự truyện. Một số nhà văn khác lại luôn miệng nói rằng tác phẩm của họ là tự truyện, dù nội dung có vẻ không giống tiểu sử tác giả.
Trong tư cách một nhà văn Mỹ gốc Do Thái, Philip Roth (19-3-1933 đến 22-5-2018) luôn kích động mỗi khi ai đó lên tiếng nhận định tác phẩm của ông là “tự truyện viễn tưởng”.
Roth luôn chắc như đinh đóng cột rằng tiểu thuyết của ông, dù lấy kinh nghiệm cá nhân làm nền tảng, là hư cấu, hoàn toàn độc lập, khác biệt với đời thực.
“Người đọc có thể gặp khó khăn để tách biệt tôi với Nathan Zuckerman (nhân vật được coi như nguyên mẫu của Roth trong tiểu thuyết, có mặt trong nhiều tác phẩm của nhà văn)”, Roth thừa nhận.
Tuy nhiên, ông lý sự tiểu thuyết của mình “là kết quả của quá trình sáng tạo tỉ mỉ”. Do đó, Zuckerman không phải hiện thân của Roth mà chỉ là một nhân vật hư cấu.
Rắc rối ở chỗ khi được hỏi về sự thiếu nhất quán giữa cuộc đời nhân vật Zuckerman và anh trai Henry trong Phản sinh (The Counterlife) so với thực tiễn mối quan hệ của nhà văn, Roth lại biện minh “Mọi người liên tục thay đổi câu chuyện của họ… viết các phiên bản hư cấu về sự thật cuộc sống của mình mọi lúc, mâu thuẫn đó nhưng lại vương víu vào nhau, tinh tế lẫn thô thiển, tạo nên sự liên kết với thực tế và điều cần nhất là phải hết sức chân thực”. Thật ra thì không phải hầu hết các nhà văn đều viết “các phiên bản hư cấu về sự thật cuộc sống của họ mọi lúc”.
2. Nhân vật như nhà văn
Nhân vật mang dáng dấp nhà văn hay nhà văn, tự truyện hay viễn tưởng, nếu đi sâu phân tích sẽ là câu hỏi rắc rối về bản ngã.
Với Philip Roth, bản ngã như một sợi dây dài còn nhân vật trong văn chương của ông chỉ là từng đoạn ngắn của sợi dây, đại diện cho một phần.
Bởi thế, nhân vật mang dáng dấp nhà văn không thể là bản sao của nhà văn. Tiểu thuyết có hơi hướm tự truyện do đó cũng không phải là tự truyện, chỉ là hư cấu trên nền tảng tự truyện.
Tất nhiên, với lập luận kiểu này, Philip Roth không thể hoàn toàn thuyết phục người khác. Bằng cách khẳng định tác phẩm là “phiên bản hư cấu” của cuộc sống, ông chỉ có thể ngụ ý rằng vẫn còn “phiên bản chính”, tức là “phiên bản đời thực”.
Song dù là “phiên bản giả” hay “phiên bản thực”, mục đích của Philip Roth vẫn là đưa người đến gần sự thật. Phần lớn cuộc đời, Philip Roth viết trong “sự choáng ngợp của khao khát tự do cá nhân”.
Nhân vật của ông luôn bận rộn, đôi khi dính phải tai tiếng nhưng, cũng giống như Philip Roth, đặt mọi sự quan tâm vào hai chữ “Tự Do”.
Vượt qua nỗi sợ hãi bị đẩy ra rìa xã hội, qua nỗi mặc cảm dân tộc, đặc biệt trong các mối quan hệ và tình dục, Philip Roth và nhân vật của Philip Roth chật vật hướng đến khung trời mở rộng.
Tự do thoát khỏi áp lực xã hội, tự do viết về các nhân vật có chí hướng, suy nghĩ giống với bản thân, tự do đấu tranh để có được tự do, dẫu là nhìn vào Philip Roth hay “phiên bản giả Roth” Zuckerman, ai ai cũng cảm nhận được những điều ấy.
Nhà văn luôn tương tác với thế giới xung quanh. Từ những mâu thuẫn và sự phức tạp của các nhân cách mà họ gặp, họ tạo ra vô số phiên bản hư cấu.
Phiên bản hư cấu ấy có thể giống hệt nguyên mẫu thực tế, cũng có thể hoàn toàn khác biệt. Dù thế nào, văn chương vẫn là một phần mở rộng của cuộc sống thực.
“Tôi đã tạo nên một tiểu sử viễn tưởng… trong thước phim thực tiễn đời mình”, Philip Roth cuối cùng cũng thừa nhận. Sự sáng tạo của Philip Roth nằm ở sự phong phú của những biến đổi. Nó thể hiện trong cách ông tái diễn chỉ một xung đột đời thực trong nhiều câu chuyện khác nhau.
3. Nhà văn như nhân vật
Nói về “hư-thực” trong văn chương và thực tiễn, có lẽ cũng nên tham chiếu với đại thụ Lev Tolstoy của Nga. Như nhà văn tiểu sử Angus Wilson của Anh từng nói, mọi nhân vật, cảnh tượng, cuộc trò chuyện trong hư cấu của Tolstoy đều từ đời thực bước vào.
Trong tất cả các nhà văn, Tolstoy là nhà văn tự truyện nhất. Mọi sự kiện trong tác phẩm viễn tưởng của ông đều là chuyện có thật, xảy ra với cuộc đời ông. Cái khác duy nhất: nhân vật lấy nguyên mẫu Tolstoy là khao khát muốn trở thành của Tolstoy.
Trong Anna Karenina, Konstantin Levin chính xác là Tolstoy đời thực, trừ việc anh ta đẹp trai hơn. Giống như Tolstoy, Levin cũng có người anh em ốm yếu và biếng nhác (lấy nguyên mẫu từ Tolstoy Dimitry).
Những gì Levin nói với Kitty cũng là những gì Tolstoy nói với vợ, Sophia (tên thường gọi là Sonya). Sự kiềm chế của Levin, dẫu phải đấu tranh trong đau đớn, khốn khổ với nỗi thèm khát trước các thiếu nữ nông thôn, chính xác là những gì Tolstoy từng trải.
Trong suốt cuộc đời, Tolstoy không giấu giếm về cuộc đấu tranh khốc liệt với ham muốn tình dục để giữ sự khiết tịnh. Không phải chỉ một lần, xung đột khốn khổ này được thể hiện qua tiểu thuyết của nhà văn.
Sau Anna Karenina (1877), Tolstoy gần như bỏ sáng tác. Ông bắt đầu tự thả lỏng bản thân thay vì điên cuồng tiết chế.
Vợ chồng Tolstoy – Sonya liên tục cãi vã nhưng cũng liên tục sinh con, tới 13 đứa. Tolstoy lo sợ Sonya sẽ như cái mỏ neo níu giữ ông lại với thế giới của vật chất và ham muốn thể xác.
Để đạt được sự “khiết tịnh” như mong muốn, ông không chỉ phải ngừng viết văn mà còn phải ngưng thèm thuồng các thôn nữ, thôi quan hệ tình dục, bỏ giàu sang phú quý, vợ con, sống như một nhà sư, một ẩn sĩ đơn độc.
Nhưng Tolstoy đã không thể làm thế. Năm 1887, ông trở lại văn đàn với tiểu thuyết Bản Sonata Kreutzer.
Trong Bản Sonata Kreutzer, nhân vật chính (nguyên mẫu “trong mơ” của Tolstoy) ôm ấp quan điểm cực đoan về tình dục, luôn cho tình dục là thứ hoàn toàn kinh tởm.
Chuyện tán tỉnh, hôn nhân được mô tả như tiểu sử của nhà văn. Nhân vật chính của Bản Sonata Kreutzer cuối cùng giết vợ vì ghen tuông, do nghi ngờ vợ ăn nằm với giáo viên dạy đàn điển trai của cô.
4. Tùy ý lựa chọn
Người quen biết Tolstoy ắt sẽ tự hỏi nhân vật chính của Bản Sonata Kreutzer có phải bản ngã mà Tolstoy muốn trở thành, hay là bản ngã mà Tolstoy sẽ trở thành?
Bản Sonata Kreutzer liệu có phải là mổ xẻ của chính nhà văn về quan điểm cá nhân? Tolstoy đã để Sonya đọc to Bản Sonata Kreutzer cho cả nhà nghe.
Người nhà của Tolstoy đã nghe như thưởng thức một tác phẩm văn học hay bức bối (hoặc vui vẻ) vì hình ảnh của mình trong trang viết?
Ít nhất, Sonya thích cuốn sách và nhìn thấy tiềm năng tài chính từ nó. Bà lập tức làm quảng cáo. Nhiều người nhìn vào nội dung Bản Sonata Kreutzer, đoán già đoán non cuộc hôn nhân giữa Sonya – Tolstoy là cơn khủng hoảng.
Sonya khăng khăng trước tất cả rằng vợ chồng bà, dù đã sống với nhau 25 năm, vẫn hết sức mặn nồng. Trên thực tế, con út của họ đã chào đời trong khoảng thời gian Tolstoy viết Bản Sonata Kreutzer.
Tuy nhiên, nếu cứ chiếu theo những gì Bản Sonata Kreutzer viết, người con này có thể là kết quả của việc” đã đấu tranh kịch liệt” nhưng vẫn “không thể dừng quan hệ tình dục”.
Sáu năm sau khi xuất bản Bản Sonata Kreutzer, Tolstoy vẫn quyết tâm rời khỏi Sonya. Dẫu vậy, ông ghen tuông ác liệt khi biết bà ngoại tình với thầy giáo piano trẻ trung, đẹp mã.
Khác với nhân vật chính của Bản Sonata Kreutzer, Tolstoy không giết thầy giáo dạy piano này. Nếu không biết về đời tư Tolstoy, người đọc có thể thưởng thức trọn vẹn Bản Sonata Kreutzer hay không?
Tương tự, nếu không biết về đời tư của Philip Roth, người đọc có hiểu tâm tình của Zuckerman? Cái duy nhất chúng ta có thể chắc chắn là mỗi người đều có một cách thức riêng để tiếp cận và cảm nhận một tác phẩm hay một cuộc đời qua tác phẩm.
Cuộc đấu tranh của Philip Roth đã kết thúc vào năm 2012, khi ông quyết định buông bút. Ở tuổi 82 (năm 1910), vào lúc nửa đêm, Tolstoy bò ra khỏi giường ngủ chung với vợ, đăm chiêu suy niệm về sự khiết tịnh tuyệt đối. Hai tuần sau, ông qua đời vì viêm phổi.
Ở Trước lúc lâm chung, Tim Parks ít nhiều lấy trải nghiệm cá nhân, khung cảnh, sự việc xảy ra xung quanh cái chết của mẹ ông làm tài liệu viết. Như bộc bạch của nhà văn, một số tình tiết tương ứng với thực tế, một số lại không.
Tương tự, một vài quan điểm là từ đánh giá cá nhân của nhà văn, một vài không phải. Không nhà văn nào biết trước để quay phim các sự kiện trong đời họ, cái mà sau này sẽ được chính họ chuyển tải vào văn chương.
Người không biết đời tư tác giả sẽ thưởng thức theo kiểu của người không biết. Người biết, đương nhiên, sẽ đọc và đánh giá theo kiểu của người biết.
Có lẽ cả độc giả cũng nên được chia làm hai nhóm như nhà phê bình, một lồng ghép đời tư nhà văn vào hư cấu, một tách rời.
- Xem thêm: Bóng tối trong trang văn
Với nhóm thứ hai, cứ việc tránh đọc tiểu sử của tác giả hay đọc quá nhiều tiểu thuyết của một nhà văn vì làm gì có nhà văn nào lại hoàn toàn quăng sạch mọi trải nghiệm cá nhân mà sáng tác.
Không chỉ riêng Tolstoy và Roth, rất nhiều tác giả khác đã biến văn chương thành “phả hệ”, ví dụ James Joyce, Charles Dickens, Fyodor Dostoevsky, Anton Chekhov, George Eliot, Virginia Woolf, William Faulkner, Ernest Hemingway, Marcel Proust, Samuel Beckett, Thomas Bernhard, John Maxwell Coetzee, thậm chí cả Dante Alighieri và Giovanni Boccaccio, hai tác giả từ thời Trung cổ.